![]() |
Tổng thống Iran Ahmadinejad và Tổng thống Nga Putin tuyên bố hợp tác dầu khí tại Thượng Hải - Ảnh: Kommersant |
Các nhà sản xuất độc lập ở Nga không thể xuất khẩu khí đốt và buộc phải bán khí đốt cho Gazprom. Dự luật này vì thế coi như hợp thức hóa qui chế độc quyền của Gazprom.
Dễ thấy đây là một quyết định không chỉ có ý nghĩa kinh tế mà còn đậm nét chính trị, nhất là trong điều kiện Hội nghị thượng đỉnh G8 tại Saint Petersburg (7-2006) sẽ tiếp tục gây sức ép với Nga về vấn đề an ninh năng lượng. Việc thông qua dự luật được cho là câu trả lời "không" đối với "Hiến chương năng lượng châu Âu".
Thời gian qua, các nước phương Tây yêu cầu Nga phải phê chuẩn hiến chương để mở cửa thị trường vận chuyển khí đốt cho phía thứ ba. Cuộc thương lượng vào WTO của Nga trầy trật phần nào là vì vấn đề này. Với dự luật, Nga đã lần nữa khẳng định sẽ không nhân nhượng. Chủ tịch Ủy ban Năng lượng - giao thông và liên lạc Đuma Nga V. Yazev, một trong các tác giả dự luật, giải thích: "Khí đốt tự nhiên là nhiên liệu chiến lược - tương tự vũ khí hay một số công nghệ quan trọng - mà Nga phải khai thác sao cho bảo đảm lợi ích và an ninh năng lượng của mình".
Thật ra Nga cũng đã chuẩn bị việc chống lại sức ép từ phương Tây. Trước ngày Đuma Nga thông qua dự luật về xuất khẩu khí đốt, tại Thượng Hải, hai tổng thống Nga Vladimir Putin và Iran Ahmadinejad đã tuyên bố ủng hộ việc thành lập một liên doanh Nga - Iran trong lĩnh vực dầu khí, đặc biệt là khí đốt.
Iran hiện sở hữu 16% trữ lượng khí tự nhiên thế giới, với các tuyến ống dẫn khí cần được nâng cấp hoặc xây mới. Dự kiến tới năm 2010, Iran sẽ nâng mức khai thác khí tới 290 tỉ m3 năm. Tại Thượng Hải, hai nguyên thủ thông báo ý định xây tuyến đường ống khí đốt liên lục địa Iran - Pakistan - Ấn Độ dài 2.700km, trị giá 4,1 tỉ USD.
Tổng giám đốc Viện Các vấn đề độc quyền tự nhiên Yuri Sakayan cho rằng việc Nga và Iran xích gần với nhau trong lĩnh vực khí đốt đang tạo tiền đề cho việc hình thành một tổ chức các nhà sản xuất khí đốt thế giới - một kiểu OPEC (Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ).
Tuy ông Putin giải thích: "OPEC là một cartel (nhóm phối hợp hành động chung), còn chúng tôi là liên doanh", nhưng các chuyên gia lĩnh vực nhận định việc hợp tác với Iran sẽ giúp Gazprom tham gia điều khiển toàn bộ hệ thống vận chuyển khí đốt châu Á. Trữ lượng khí đốt của Nga đến năm 2005 được đánh giá là 48.000 tỉ m3, của Iran là 27.500 tỉ m3.
Tổng cộng hai nước chiếm 42% trữ lượng khí đốt của thế giới. Tổng giám đốc Sakayan không giấu giếm: cái bắt tay giữa hai nhà sản xuất khí đốt lớn này có thể sẽ giúp họ ấn định giá khí đốt trong tương lai.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận