12/07/2013 21:38 GMT+7

Ông Sáu Kéo

TRẦN QUANG HƯNG (Quy Nhơn)
TRẦN QUANG HƯNG (Quy Nhơn)

AT - Tiệm cắt tóc nhỏ của ông Sáu luôn đông khách. Ông chưa có một danh hiệu cây kéo vàng, kéo bạc nào, nhưng dân trong khu phố đều biết ông. Họ gọi ông là “Sáu Kéo” vì thích được ông cắt tóc bằng kéo. Không chỉ cắt đẹp mà lấy ráy tai hay matxa cũng rất êm.

kvwdtw3S.jpgPhóng to
Ảnh: Flickr
Tôi tình cờ ghé tiệm ông Sáu sau hai tháng chưa cắt tóc. Tôi lên thành phố xin việc, nhưng vì bị tật bẩm sinh ở chân nên rất khó. Tôi cảm thấy không thể chịu đựng thêm cảm giác ngứa ngáy vì tóc quá dài nên phải cắt. Lúc tôi đến đã có ba người đợi. Ông Sáu vừa cắt tóc vừa trò chuyện. Có vẻ ông nhớ tất cả những người đang ngồi cạnh tôi. Đôi tay ông thoăn thoắt múa cây kéo như một nghệ sĩ. Ông cẩn thận từng tí một khi lấy ráy tai và chu đáo trong từng động tác matxa mặt.

Tới lượt, tôi lên ghế ngồi. Không chút băn khoăn trước vẻ bề ngoài nhếch nhác của tôi, ông Sáu gợi ý tôi chọn một kiểu tóc phù hợp.

- Ông cứ hớt cho cao và gọn là được - tôi nói.

Ông Sáu không cần dùng đến tôngđơ dù tóc tôi đã dài quá cỡ. Vừa cắt ông vừa trò chuyện:

- Con ở nơi khác đến à?

- Dạ, con ở quê lên kiếm việc làm. Đã hơn một tháng rồi mà tìm việc khó quá ông ạ. Chỗ nào cũng không muốn nhận con. Chắc con sẽ về lại quê trong nay mai...

Ông chăm chú nghe tôi nói. Ông hỏi thăm tôi rất chân tình. Tôi có cảm giác như được nói chuyện với một người thân đã lâu. Tôi cảm nhận được sự quan tâm, chăm sóc qua đôi tay ông...

Tôi rời tiệm cắt tóc với sự hài lòng và lời động viên: “Cố gắng lên con, hãy đi bằng cả ý chí nữa nghe con!”.

Một tuần sau, vẫn chẳng tìm được việc, tôi trở lại tiệm cắt tóc và xin học nghề. Ông Sáu nhận lời không chút tính toán như những nơi tôi từng ghé.

Ông Sáu dạy cho tôi tận tình như cách một người cha truyền nghề cho con. Ông khen tôi sáng dạ...

Ngày nhận được tháng lương đầu tiên, tôi gửi về cho người mẹ hay đau ốm ở quê, tôi vui không kể xiết. Ông Sáu cho tôi ở lại làm, đợi bao giờ đủ vốn, ông hứa giúp tôi mở một tiệm riêng. Ba năm làm cùng ông có một chuyện mà tới giờ tôi vẫn nhớ như in.

Một ngày chủ nhật, ông Sáu có việc bận đột xuất. Mình tôi với ba vị khách đang đợi. Tôi đang cắt cho người thứ hai thì một ông đi xe SH mới tinh tạt vào. Tôi vui vẻ mời khách ngồi đọc báo. Ông ngồi, tay lướt chiếc iPhone bọc da nâu rất sành điệu. Chưa đợi đến một phút, ông đề nghị cho cắt trước vì có việc và hứa sẽ trả tiền gấp đôi. Tôi lúng túng lo khách không đợi được nên cố làm thật nhanh cho người đang ngồi trên ghế. Chỉ bằng một nửa thời gian so với lúc bình thường tôi đã xong và nhận tiền công. Vừa lúc tôi mời vị khách sang trọng lên ghế thì ông Sáu về. Một lời phàn nàn: “Cắt tóc mà giống bổ củi quá chừng!”. Ông Sáu nghe được, cười thân thiện: “Dạ, cháu nó mới làm chưa quen, anh chịu khó nán lại một lúc tôi chỉnh chút xíu cho đẹp!”. Vị khách được ông Sáu cắt tóc, lấy ráy tai và matxa mặt trong thời gian đúng bằng thời gian tôi làm người khách sang trọng kia.

Bữa cơm trưa, ông Sáu nói với tôi: “Con hãy nghĩ xem cảm giác của mình sẽ như thế nào nếu con là người khách được cắt một cách sơ sài như sáng nay. Làm nghề gì cũng phải có cái tâm con à. Người ta đợi đến lượt mình để được phục vụ như thế liệu có đáng không. Thời gian với ai cũng quý cả chứ không chỉ với người giàu đâu con. Vị khách sang trọng kia chưa chắc đã trở lại nếu họ biết con chỉ là một người có thể vì tiền mà bỏ rơi người khác. Con đã quý người sang trọng hơn những người lao động bình thường, nhưng ông tin rằng người đó sẽ khinh con nhiều hơn là tôn trọng. Mỗi người đều có một cái đầu, con hãy quan tâm chu đáo và đừng phân biệt họ dù họ chỉ ngồi trên ghế của con vài chục phút. Người kiếm được đồng tiền càng vất vả thì con càng phải trân trọng họ mới thực là người thợ có tâm, con hiểu không?”.

Tôi đã nghĩ mãi về những lời dạy ấy. Tôi đã có được ngày hôm nay là nhờ đâu mà suýt nữa tôi quên mất. Tôi thật đáng trách. Từ lần ấy trở đi tôi chưa bao giờ để điều đó lặp lại nữa. Hiện tại tôi đã có một cửa hiệu cắt tóc khang trang của riêng mình. Tôi luôn nhớ và biết ơn ông Sáu, người thầy đã dạy tôi làm nghề và làm người có tâm.

RTB5WLRa.jpgPhóng to

Áo Trắng số 12 ra ngày 01/07/2013 hiện đã có mặt tại các sạp báo.

Mời bạn đọc đón mua để thưởng thức được toàn bộ nội dung của ấn phẩm này.

TRẦN QUANG HƯNG (Quy Nhơn)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên