![]() |
Ông Quyển và một nghệ nhân quan họ |
“Chủ nhân của ngôi nhà quan họ” ấy sinh ra tại làng Yên, phường Kinh Bắc, thị xã Bắc Ninh - cái nôi của quan họ, nhưng gia đình ông không hề có truyền thống về bộ môn nghệ thuật dân gian này.
Thầy giáo học hát quan họ
Thời trai trẻ ông học sư phạm rồi dạy học trên trường tỉnh. Bước ngoặt của cuộc đời ông là vào những năm 1954, 1955. Sau khi hòa bình lập lại trên mảnh đất Kinh Bắc mượt mà câu hát dân ca, ông Quyển tình cờ gặp các “nhạc sĩ xung kích” thời bấy giờ là Lưu Hữu Phước, Lưu Khâm, Nguyễn Đình Phúc... trong chuyến họ đi công tác điền dã sưu tầm ca khúc quan họ tại các vùng quê Bắc Ninh.
Làng Yên là một trong những “địa chỉ đỏ” mà đoàn đến thăm. Như nhiều dân làng khác, nhà giáo trẻ cũng tò mò đi theo đoàn đến nhà các nghệ nhân quan họ trong làng mà sau này ông mới biết tên tuổi.
Rồi đoàn công tác rời làng Yên. Mấy hôm sau, ông Quyển đi qua đình làng nghe tiếng tập hát quan họ của mấy đứa trẻ con trong xóm, bất chợt trong đầu ông lóe lên ý nghĩ: “Người ta ở tận nơi xa xôi cách làng mình hàng mấy chục cây số mà còn lặn lội về đây sưu tầm, học và ghi lại từng nốt nhạc, từng làn điệu dân ca; trong khi mình ở ngay trên quê hương quan họ, sống cùng biết bao nghệ nhân, đứng trên một núi di sản dân tộc chẳng lẽ không làm được gì...”.
Nghĩ như thế, ông Quyển quyết tâm theo đuổi cho kỳ được nghiệp hát ca quan họ.“Buổi sáng đi dạy học, chiều về tôi lại lục đục mang sách, vở đến nhà các nghệ nhân trong làng xin học hát...”- ông kể.
Hành trình “tầm sư học quan họ” của ông bắt đầu bằng việc chép nhạc, chép lời các bài hát. “Các cụ đọc nhanh quá, lại có những câu hát, đoạn lời cứ ì a ới a... liên tục, mình không phải con nhà nòi nên nhiều khi chép lại thừa ra đến hai ba chữ a, thế là bị các cụ mắng cho một trận...”. Chép được đầy đủ chính xác lời, nhạc của bài hát đã khó, luyến giọng và hát đúng nhạc, đúng phong cách còn khó hơn. Khó đến nỗi có hôm tối về ông bị đau họng mấy ngày sau vẫn chưa khỏi.
“Nay nhớ thương tôi phải đi tìm...”
Câu hát ấy, ông ngẫm lại đúng với cuộc đời mình. Sau khi đã hát được những làn điệu cơ bản, những bài hát “vặt” của quan họ, ông Quyển thấy rằng “những gì mình lĩnh hội được là quá ít so với kho tàng dân ca quan họ của dân tộc”.
Vậy là sau những giờ dạy học ông lại khăn gói lên đường đến các thôn làng trong huyện ngoài xã để sưu tầm, học và lưu giữ bài hát. Hành trang lên đường ngày ấy của ông là “một chiếc cặp với một đống giấy nháp, một vài cây bút và một chiếc máy ghi âm cổ lỗ sĩ dùng pin con thỏ to bằng nắm tay, lúc chạy lúc không...”.
Ghi chép bằng tay thì không có gì để nói nhiều, “các cụ cứ đọc, mình chăm chú lắng nghe và ghi lại” nhưng khó khăn ngoài dự tính cũng không phải là ít: “Đối với những nghệ nhân sẵn sàng truyền dạy và cho chép lời, nhạc thì việc học hát và lưu giữ bài hát rất đơn giản. Nhưng cũng có trường hợp các cụ không chịu truyền dạy và thậm chí không cho chép nhạc, học lời”.
Một lần về một làng quan họ học hát, ông rất mừng vui vì được nghe các cụ hát nhiều làn điệu cổ, nhiều bài đối đáp hay tuyệt. Như thường lệ, ông lấy giấy bút tốc ký lời ca. Các cụ đang hát bỗng dừng lại, sinh nghi vì sợ “mất bí kíp gia truyền của làng, sang năm đi thi hội thì sẽ không còn thú vị và bất ngờ nữa...”.
Không chịu thua, hôm sau ông lại đến, lại ngồi nghe nhưng tay thì không mang theo gì cả. Các cụ hát rất sôi nổi, hào hứng và yên tâm rằng bí kíp của làng sẽ không bị truyền ra ngoài. Nào ngờ trong túi áo ông Quyển đã sẵn máy ghi âm! “Thật may mà các cụ hiểu được tâm ý nên sau đó cũng không trách và lại còn truyền dạy cho…”.
Kho báu của người quan họ
Đến nay, sau hơn 40 năm lặn lội sưu tầm và học hát quan họ, ông Quyển đã lưu giữ được một tài sản lớn các bài hát, làn điệu dân ca quan họ. Căn phòng nhỏ bé của ông chứa đến hơn 20 cuốn sổ chép tay các bài hát. Tài liệu và sách nói về dân ca quan họ cũng được ông sưu tầm khá nhiều.
Số lượng bài hát dân ca quan họ cổ mà ông Quyển sưu tầm được lên đến gần 1.000 bài, được sắp xếp khá bài bản và khoa học. “200 bài hát quan họ giọng chính; 200 bài hát đối lại cộng với khoảng 377 bài hát dị bản nữa là gần đến 800 bài. Ngoài ra, vốn dân ca quan họ còn có thêm hơn 100 bài hát độc (hát đơn mà chưa có hát đối) nữa”.
So với thực tế các bài quan họ được biết đến hiện nay, con số quá lớn này khiến không ít người nghi ngờ. “Nhưng nếu ai đó nắm chắc, hiểu rõ bản chất của quan họ thì con số này vẫn là còn ít - ông giải thích - bởi vì quan họ cổ là lối hát đối - đáp nên 200 bài hát chính sẽ có 200 bài hát đối. Mỗi vùng miền, làng hát quan họ lại có những dị bản, những kiểu cách hát khác nhau. Tính trung bình một bài hát chính hay đối đều có một dị bản”.
Ngoài ra, theo ông, cách hát quan họ cổ đang bị mai một dần, trong khi cách hát quan họ theo kiểu sân khấu thì đang phổ biến khắp nơi: “Quan họ cổ chỉ chủ yếu là hát đối - đáp, không nhạc đệm, hát liền vòng và bắt buộc phải đảm bảo được chuẩn mực “vang - rền - nền - nảy”. Thơ đối thơ, ý đối ý và tuân thủ nghiêm ngặt theo lề, luật nhất định....”.
Ông Quyển chưa bao giờ coi kho tàng quan họ thu thập được là gia sản của riêng mình mà rất sẵn lòng truyền lại cho mọi người. Người dân làng Yên còn nhớ vào những năm 1969-1970 khi Đoàn quan họ Bắc Ninh được thành lập, các diễn viên của đoàn phải về tận làng để xin học các làn điệu quan họ mà ông Quyển lưu giữ. Năm 2000, CLB quan họ UNESCO - Bắc Ninh được thành lập, ông được tín nhiệm bầu là chủ nhiệm và ở cương vị mới này ông đã đem hết “lưng vốn” mình có để làm giáo án, giáo trình truyền dạy.
Ngay ngôi nhà của mình, ông Quyển cũng cho CLB mượn để làm “đại bản doanh”. Các hội viên trong CLB chủ yếu đến từ các làng trong tỉnh. Mỗi tháng một lần, ông Quyển lại tổ chức các cuộc hát giao lưu, biểu diễn giữa các làng với nhau. Đầu xuân này, tin vui đến với ông Quyển và nhân dân các làng quan họ trong tỉnh khi mà Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định phân công Bộ Văn hóa - thông tin lập hồ sơ gửi UNESCO công nhận dân ca quan họ là di sản phi vật thể của thế giới.
Lúc chúng tôi từ giã làng Yên, cũng là lúc ông Quyển cùng với các hội viên khác của CLB quan họ cất lên tiếng hát: “Người ơi người ở đừng về...”.
Chị em "nhà ca trù"
Buổi thi hôm 2-4, khi Kiều Anh lên chiếu hát, từ phía khán giả bỗng xuất hiện một vị tuổi cỡ ngoài 70, tay huơ huơ chiếc mũ, miệng kêu lên sung sướng “Hoan hô ca trù. Ca trù đã về Thăng Long rồi!” khiến mọi người cười ồ. Nhưng có lẽ người sung sướng nhất là bậc lão niên đánh trống và người đàn ông chơi đàn đáy ngồi bên Kiều Anh. Người trước là bác Nguyễn Văn Mùi - ông nội của Kiều Anh, còn người sau là anh Nguyễn Văn Khuê - bác ruột của em. Giáo sư Trần Văn Khê tại buổi nói chuyện về nghệ thuật ca trù trong khuôn khổ liên hoan này cũng khen Kiều Anh và Thu Thảo cầm phách rất đúng, “rất ra chất”. Hai chị em Kiều Anh và Thu Thảo là thế hệ thứ 7 theo nghiệp ca trù của dòng họ. Cụ sáu đời của hai em là Nguyễn Đức Ý, đỗ thủ khoa năm Nhâm Tý (1852), làm quan tri huyện, từng được vời vào cung để dạy hát cho các ca nương. Thời vua Thành Thái, ca nương Nguyễn Thị Tuyết (bác Mùi gọi bằng bà) được vua vô cùng sủng ái, thưởng đất lập ấp, đặt tên là ấp Thái Hà (câu lạc bộ ca trù nhà bác Mùi lấy tên Thái Hà cũng vì thế) (*). Ông nội bác Mùi là Nguyễn Văn Cửu kép đàn ngọt nổi tiếng kinh kỳ. Tiếng đàn ấy được truyền dạy lại cho cha bác Mùi. Đến lượt các con bác Mùi cũng say mê nghiệp nhà: cô út Thúy Hòa là học trò chân truyền của nghệ nhân ca trù Quách Thị Hồ, anh Nguyễn Văn Khuê (bố của Thu Thảo) hiện đang công tác tại Đoàn ca múa biên phòng, anh Nguyễn Mạnh Tiến công tác tại Đoàn ca múa Thăng Long. Lên sáu tuổi, Kiều Anh và Thu Thảo bắt đầu ngân nga những “Hồng hồng tuyết tuyết, mới ngày nào chưa biết cái chi chi...” trong sự theo dõi và hướng dẫn của cô và ông nội. Càng học càng thấy khó. Kiều Anh nói: “Khó ở chỗ vừa hát vừa phải đánh phách, phải hát tròn vành rõ chữ, lại phải hiểu lời thơ nữa”. Thơ cổ lời lẽ ý tứ sâu xa, hiểu được thơ quả là khó đối với hai cô bé. Thế nên cả nhà hợp lực tìm cách giải nghĩa những câu thơ theo những hình ảnh, tình cảm đơn giản và gần gũi nhất. Còn ông nội thì bảo “Ca trù phải học từ bé, càng lớn càng ngấm dần. Các cháu sắp lên cấp 2, rồi đến cấp 3 là sẽ hiểu được thôi mà!”. Sau năm năm học hát, hai cô bé đã thể hiện được 9/80 làn điệu ca trù. Có những bài phải luyện đi luyện lại hai, ba năm trời mới tạm ổn. Có những câu hát khó đến mức... phát khóc như câu “oan thời oan” trong bài Hát ru. Chưa kể vào đến trường lại bị lũ bạn cùng lớp trêu chọc, bảo là “hát chuột chù”! Số giải thưởng mà hai chị em giành được đã kha khá. Kiều Anh nhận HCV trong Liên hoan đàn hát dân ca TP Hà Nội năm 2003, HCV giọng dân ca hay nhất Liên hoan ca múa nhạc ngành giáo dục đào tạo Hà Nội năm 2003, 2005. Thu Thảo đoạt giải nhất Liên hoan ca múa nhạc quận Tây Hồ, được công diễn trong Liên hoan ca múa nhạc ngành giáo dục đào tạo năm 2005. Thu Thảo là học sinh lớp 5 trường tiểu học Nhật Tân, còn Kiều Anh học lớp 5 trường Chu Văn An buổi sáng, chiều học đàn tranh tại Nhạc viện Hà Nội. Mỗi ngày hai chị em dành ra một tiếng để học hát. Tối thứ sáu hàng tuần, Thảo và Anh cùng cả nhà đi diễn tại câu lạc bộ Hội nghệ sĩ sân khấu điện ảnh (51 Trần Hưng Đạo, Hà Nội). (*) Câu lạc bộ ca trù Thái Hà có trong danh sách các đoàn nghệ thuật tiêu biểu của Nhà văn hóa thế giới tại Pháp. Cả nhà bác Mùi từng đi Pháp, Bỉ , Hà Lan, Nhật, Anh, Thụy Sĩ biểu diễn, giới thiệu nghệ thuật ca trù VN. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận