Từ khi hiểu thế nào là cuộc sống, tôi thấy mình chỉ sống bên ông bà ngoại, chơi cùng với anh chị em bên ngoại. Lớn lên một chút, tôi hiểu số phận mình. Tôi đã bị bố bỏ rơi từ khi tôi còn trong bụng mẹ.
Mẹ tôi bị câm từ nhỏ. Ông ngoại kể lúc mẹ tôi chừng bốn tuổi, do một lần sơ ý mẹ tôi bị ngã, thế là mẹ không nói được. Ông bà đã đưa mẹ đi chữa chạy khắp nơi, tốn bao nhiêu cũng cam chỉ mong cho con khỏi bệnh, nhưng cuối cùng mẹ tôi vẫn không khỏi bệnh, mẹ bị câm cả đời.
Khi mẹ đi học tại nơi dành cho người câm điếc, mẹ đã quen và yêu người mà đáng ra tôi được gọi là bố. Người ấy cũng bị câm điếc như mẹ. Nhưng khi biết mẹ mang thai tôi, ông bà nội đã không đồng ý cho bố cưới mẹ tôi vì sợ khi mẹ tôi sinh ra con cũng sẽ bị câm điếc, sẽ là gánh nặng cho gia đình vì ba người đều câm điếc. Ông ngoại đã đón mẹ về, chấp nhận mang tiếng với xóm giềng để mẹ sinh tôi ra đời.
Ông sốt sắng đi lấy giấy khai sinh cho tôi. Họ của tôi là họ ông ngoại. Trong khi đợi tôi lớn lên, ông thấp thỏm, lo lắng chờ mong tôi biết giật mình, biết ấp úng câu đầu tiên. Khi tôi bập bẹ “bà, bà” ông tôi đã mừng đến rơi nước mắt, ơn trời đứa cháu ẵm ngửa bị bỏ rơi đã không bị câm điếc như bố mẹ nó.
Tôi cứ vô tư lớn lên bên ông bà ngoại. Bà phải đi làm đồng, và bán quán nước nhỏ để nuôi cháu. Ông chăm sóc tôi, cho tôi ăn bột ăn cháo,dạy tôi nói từng tiếng một, tôi lớn lên như một đứa trẻ bình thường “ba tháng biết lẫy, bảy tháng biết bò, chín tháng lò dò biết đi”. Khi tôi được đi mẫu giáo, đã có người hỏi tôi:
- Bố cháu đâu?
- Bố mày tên là gì? Có gửi quà cho không?
- Cháu có muốn về với bố cháu không?
Lúc đầu tôi buồn lắm, tôi không muốn trả lời ai hết. Về nhà muốn tâm sự với mẹ nhưng mẹ chẳng hiểu gì, chỉ hiểu những giao tiếp ký hiệu bình thường. Ông thấy tôi buồn, ông gặng hỏi, biết chuyện, ông lại động viên tôi:
- Đừng buồn, cháu đã có ông bà bên cạnh, có mẹ bên cạnh mà.
Lần sau, lại có người hỏi, tôi nhớ lời ông, tự tin:
- Không, cháu đã có ông bà ngoại và mẹ là đủ.
Một lần, khi đó tôi học lớp mẫu giáo lớn, có hai bạn trai đang xúm lại đánh một bạn, tôi thấy thế liền chạy đi báo cô giáo, cô giáo đã ra can thiệp kịp thời. Trên đường về học, hai bạn ấy đã đợi tôi và chế giễu:
- Ê, ê, cái đồ không có bố! Cái đồ không có bố! Mày mà bị đánh thì ai bênh?
Tôi chạy vội về nhà, đứng nấp ở góc nhà. Ông lại gần hỏi han, tôi lại kể với ông, ông an ủi:
- Cuộc sống có những điều xảy đến không được như mình mong muốn nhưng có điều mình phải chấp nhận nó, vượt qua nó như thế nào. Cháu không phải buồn vì chuyện đó. Bố cháu đã không nhận cháu thì ông sẽ che chở cháu. Cố gắng học giỏi lên nhé!
Ông đã là lá chắn tinh thần che chở cho tôi rất nhiều lần như thế. Ông dẫn tôi đi học lớp 1. Trời mưa trời nắng ông đều đưa đón tôi. Ông đi họp phụ huynh cho tôi… Khi tôi ốm, ông đi lấy thuốc cho tôi. Ông thay cha mẹ tôi để lo cho tôi mọi thứ. Còn mẹ tôi thì ngày ngày đến hiệu may nhà bác để may quần áo cho khách, thêm đồng rau muối cho ông bà.
Ông bây giờ đã 72 tuổi, nghỉ hưu đã lâu. Dáng ông gầy lắm, mái tóc của ông đã chuyển màu trắng. Thường ngày ông chỉ mặc áo trắng đã cũ, chỉ khi đi hội họp, đám cưới, đám cỗ, ông mới lấy bộ comlê màu ghi trong tủ ra mặc.
Ông chăm chỉ lắm, suốt ngày luôn chân luôn tay, khi thì trồng rau, lúc thì chăm đàn gà, dọn dẹp nhà cửa, thỉnh thoảng đi thăm bạn bè. Ông ngoại rất sạch sẽ, nhà cửa lúc nào cũng ngăn nắp. Một lần tôi làm bài kiểm tra vì cẩu thả, gạch xóa nhiều, sai nhiều mà bị điểm kém, khi ông biết chuyện, ông nói:
- Có rất nhiều khó khăn sẽ đối đầu với ta nhưng điều quan trọng đừng để nó đánh gục ta. Hãy rèn thói quen trình bày sạch đẹp như giữ gìn sự ngăn nắp của ngôi nhà.
Tôi đã lớn lên bên ông bà ngoại, bên mẹ như thế, và tôi sẽ tiếp tục lớn lên bên mẹ và ông bà ngoại nữa, sau này và mãi mãi, như cây non được cổ thụ che cho mưa gió bão táp mưa sa. Cầu trời độ cho ông bà sức khỏe để có thể giúp tôi, bên tôi - đứa cháu ngoại của ông bà - đi tiếp trên đường đời.
Ông ơi, từ lâu cháu đã hiểu chính ông là người đã cho cháu cuộc sống này! Ông mong cháu học giỏi, cháu sẽ cố gắng học giỏi, còn cháu chỉ mong ông bà khỏe mãi, sống mãi bên mẹ con cháu thôi!
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận