Phóng to |
Nghe đọc nội dung toàn bài: |
Hai năm trước, tôi gặp Ngô Văn Kiều (Khánh Hòa) lần đầu tiên tại Giải bóng chuyền hạng nhất. Ngày ấy, tuy còn non nhưng Kiều đã kịp thể hiện chất "ngọc trong đá” của mình. Hai tháng sau, Kiều được gọi vào đội tuyển và HLV Nguyễn Mạnh Hùng xếp anh chơi dự bị ở vị trí chủ công. Lúc ấy, chưa ai lường hết sức phát triển của chàng trai này.
Chim báo bão
Chuẩn bị cho SEA Games 24, tôi gặp lại Kiều tại TP.HCM trong trận đấu giữa tuyển VN và đội Thái Lan trong khuôn khổ vòng loại Cúp Sting. Ở giải này, tuy Kiều chơi rất hay nhưng theo tôi, anh vẫn cần được tăng cường về mặt sức mạnh. Và ý kiến này đã được ban huấn luyện lưu tâm với những bài tập tạ dành riêng cho Kiều sau khi Cúp Sting kết thúc.
Cách đây đúng 40 năm, khi tôi tham dự chuyến tập huấn của đoàn thể thao VN chuẩn bị cho Đại hội Ganefo 2 tại Thượng Hải, HLV Lý Đức Kim của đội bóng chuyền VN đã bắt cầu thủ trẻ Nguyễn Mạnh Hùng tập tạ để bổ trợ. Và từ bài học này, hôm nay ông Hùng vận dụng lại cho Kiều một cách tích cực.
Hàng loạt giải pháp chuyên môn, cộng với cơ địa và tố chất độc đáo, Ngô Văn Kiều bỗng "vươn vai đứng dậy" như người khổng lồ của bóng chuyền VN. Anh chơi đầy thuyết phục và trở thành một "VIP" của sân chơi bóng chuyền khu vực. Chính Kiều đã đến với SEA Games 24 như một cánh chim báo bão, và đó là một cơn bão tuyệt vời của bóng chuyền VN...
Tôi còn phải cố gắng nhiều Ngô Văn Kiều đã có phút thư giãn cùng tôi khi đồng đội của anh đang chơi trận thủ tục với đội tuyển Lào: * Kiều nói gì khi là cầu thủ tấn công xuất sắc nhất trong trận thắng Thái Lan vừa rồi? - Tôi chỉ biết nỗ lực, hết sức cống hiến cùng đồng đội thi đấu cho tốt thôi. * Không đánh lao, nhanh và rất ít chơi chồng, Kiều xác định mình chuyên đánh biên ở tầm bóng cao. Điều này do Kiều hay do ai? - Do tôi một phần nhưng cái chính là do HLV Hùng đã tính toán để tôi phát huy ưu thế chiều cao. Tuy nhiên, tôi tự thấy vẫn còn phải cố gắng nhiều nữa... * Kiều thích cầu thủ bóng chuyền nào nhất kể cả trong nước lẫn ngoài nước? - Tôi thích lối chơi của anh Mai Hoàng Thái ở Biên Hòa. Còn ngoài nước thì thán phục mũi đánh Giba (7) của Brazil. Cách tấn công của họ gây cho tôi rất nhiều ấn tượng... |
Uy lực của Kiều cao nhất từ trước đến nay
Trước thềm SEA Games 24 cũng là lúc Giải bóng chuyền thế giới đang diễn ra. Tại giải này, các tay đánh chủ công là những người được các đội tuyển quan tâm nhiều nhất.
Tuyển Nga có tay chủ công cao đến 2,08m và là chiếc "phóng pháo hạng nặng", linh hồn trên lưới của cả đội. Anh này có những quả đánh từ sau vạch 3m cực mạnh và ở tầm bóng cao nên rất khó chắn. Và chính anh đã ghi một nửa số điểm đưa đội Nga giành HCV Giải vô địch thế giới 2006. Nhưng năm nay, tuyển Bulgaria đã vô hiệu hóa được tay đánh "khủng long" này nhờ tạo dựng được một dàn chắn xuất sắc.
Có thể nói, sau vài chục năm nghiên cứu thể hiện những lối đánh phức tạp như lao ngắn, lao dài, chồng và nửa chồng, nhanh và nửa nhanh, biên... xu thế bóng chuyền hiện nay đã trở nên ít biến hóa hơn. Dường như người ta nhận ra rằng dễ nhất, đơn giản nhất vẫn là những đòn đánh từ trên trời giáng xuống diện tích 81m2 trên phần sân đối phương, thế thôi!
Do đó cơn sốt đi tìm những tay đánh chủ công "khủng long" là hội chứng mang tính toàn cầu. Các đội tuyển Nga, Brazil, Ý, Bulgaria và Argentina... đều có những "khủng long" loại này. Ngay tuyển nữ Nga vô địch thế giới cũng có cô "khủng long" Gamova (11) cao đến 2,04m! Còn bóng chuyền VN thì sao?
Trong bộ nhớ của tôi, bóng chuyền VN từng có những tay chủ công toàn diện mà tiêu biểu là Đào Hữu Uyển vừa giữ nhiệm vụ tấn công lẫn tổ chức. Tiếp sau đó là những chủ công nổi tiếng một thời như Nguyễn Tuấn Mạnh, Trần Minh Khang, Lê Hồng Hảo và bây giờ là Ngô Văn Kiều. Tuy khập khiễng nhưng tôi vẫn muốn so sánh Kiều với những tay đánh đàn anh từng nổi tiếng một thời.
Sau trận đấu giữa tuyển VN và tuyển Lào, tôi có cuộc trao đổi ngắn với cựu danh thủ Trần Minh Khang, HLV phó của tuyển VN. Trả lời câu hỏi về Ngô Văn Kiều, tay đánh nổi tiếng của QĐ4 và tuyển VN năm xưa nói: "Nếu so với những chủ công lừng lẫy một thời như Nguyễn Tuấn Mạnh, Lê Hồng Hảo và cả... Trần Minh Khang thì Kiều đánh hay hơn tất cả, uy lực và hiệu quả là cao nhất từ trước đến nay".
* Anh thấy thích chàng trai này ở những điểm nào?
- Thứ nhất là chiều cao hiếm thấy bởi từ trước đến nay, bóng chuyền VN chưa có ai cao đến 1,96m như Ngô Văn Kiều. Thứ hai, Kiều có sức bật rất tốt, tầm với rất cao. Và thứ ba, Ngô Văn Kiều luôn luôn tỏ rõ khát khao và nhiệt huyết trong sân bóng. Đây là một phẩm chất rất quí cho sự thành danh của một cầu thủ.
* Anh có cho rằng với sự xuất sắc của Kiều cùng các đồng đội, bóng chuyền VN có thể đạt được ngôi vị số 1 Đông Nam Á?
- Rất có thể, tất nhiên nếu chúng ta tổ chức tốt đội tuyển.
Định mệnh... với bóng chuyền
Các bài giảng về động tác tấn công của bóng chuyền tại các trường TDTT bao giờ cũng theo mô hình: chụm chân vào đà, bật mạnh, đo tầm bóng cho đúng rồi vung tay theo đường cong và đánh mạnh bóng xuống sân đối phương. Lý thuyết là thế nhưng trong thực tế, các cao thủ của chúng ta ít người tuân thủ lối đánh theo kiểu sách vở mà thường chơi theo cách riêng của mình.
Ngô Văn Kiều sinh ngày 25-3-1984 ở Hà Nam, trong một gia đình không ai chơi thể thao. Do nhu cầu tìm việc, Kiều vào Khánh Hòa. Anh cũng không ngờ rằng Khánh Hòa là nơi giúp anh đổi đời. Không ai nhớ rõ, kể cả Kiều, việc anh bước vào làng bóng chuyền từ bao giờ. Chỉ biết sau khi có người rủ chơi thử vì thấy anh cao kều, Kiều nhận lời và biết chơi bóng chuyền như thể một... định mệnh. Chẳng lâu sau, anh được tuyển vào CLB Sannets của Khánh Hòa. Từ đây, Kiều được "thọ giáo khai tâm" về môn bóng chuyền dưới tay HLV Triệu Tử Thiêm.
Như có ngôi sao chiếu mệnh, Kiều tiến bộ nhanh chóng và đội bóng Khánh Hòa của anh được lên chơi ở giải hạng nhất và vào chung kết. Rồi ngày vui cũng đến với Kiều khi anh được gọi vào đội tuyển sau khi mùa giải 2005 kết thúc.
Lục tìm quá khứ, tôi chưa thấy ai ở VN có thể đốt cháy giai đoạn nhanh như Kiều. Và sau hai năm rèn luyện, lại qua một Cúp Sting chơi lên tay, Kiều đã chính thức trở thành mũi chủ công của tuyển VN tại SEA Games 24. Và sau khi hạ bệ đội ĐKVĐ Thái Lan rất thuyết phục, cái tên Ngô Văn Kiều đã "lên sàn" dày đặc trên các trang báo. Trong bản tin số 5 ngày 11-12 của SEA Games, ở trận VN thắng Thái Lan 3-0, danh hiệu "tay đánh ghi bàn xuất sắc nhất" đã thuộc về Kiều với 31 điểm, nhiều hơn Wanchai của Thái 16 điểm và cũng hơn hẳn chủ công Duy Quang 17 điểm.
Cách đây vài năm, bóng chuyền khu vực xuất hiện một tay đánh lạ mang tên Kít, quốc tịch Malaysia. Kít đeo số 5, đánh quả sau vạch 3m rất khó chịu và anh được xem là mũi đánh lợi hại nhất nhì khu vực. Trước nữa là Khin Aung của Myanmar, người có thông số bật với cao đến 3,55m và được coi là hết sức đặc biệt ở Đông Nam Á.
Nhắc điều này để thấy trong cái gọi là khoảng cách giữa tầm với và tầm bóng của các cầu thủ VN, tầm bóng quyết định tất cả chứ không là tầm với. Vì thế với thông số cao 1,96m, bật với 3,58m và tầm bóng cỡ 3,40m, Kiều đã đạt được những thông số tuyệt vời, thậm chí là trên cả tuyệt vời...
Tròn 23 tuổi, thành danh ở sân chơi bóng chuyền khu vực, đó là vinh dự mà chưa một tay đánh VN nào đạt được. Hi vọng "oanh tạc cơ” Ngô Văn Kiều sẽ còn bay xa và bay nhanh...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận