![]() |
Bởi ông chủ nhà khó tính. Nó nhớ hôm đầu tiên dọn đến đã chứng kiến cảnh ông đang đuổi cổ một tên vì tội nợ tiền trọ mỗi một ngày. Lúc ấy trong đầu nó nghĩ ngay đến từ sòng phẳng, dân thành thị thời kinh tế thị trường thường thế. Và những ngày dài ở đây nó cũng đã được xem nhiều cảnh tương tự.
Mới đó mà thắm thoắt một học kỳ trôi qua, tức là cái khoảng thời gian nó trụ lại đây cũng được tính là lâu. Lâu hơn nhiều người ở đây. Có đứa chịu bỏ luôn tiền một tháng khi ở chưa qua ngày thứ ba. “Tui ở nhà trọ đi học chứ hổng phải... ở trại giáo dưỡng”. Có đứa vô thư viện trong trường nhiều hơn trong phòng vì không chịu nổi những điều khoản đã ký kết, muốn dứt áo ra đi tuy nhiên tiếc tiền đành phải chịu... Có nhiều đứa đang đợi cơ hội ra đi.
Nó vẫn là nó. Nó vẫn thấy mọi thứ đang diễn ra rất - bình - thường.
oOo
À, thiết nghĩ cũng phải giới thiệu qua cái nhà trọ ngồ ngộ này. Nó nằm tọa lạc sau lưng trường đại học chừng một trăm thước. Cách không xa về bên phải là bãi đất trống, đế sậy mọc đầy trên cát tụi sinh viên quen gọi là “Cánh đồng hoang”. Phía sau lưng có cái hầm nước đen ngòm được bao bọc bởi bụi tre gai um tùm gọi tên: “Âm hồn cốc”.
Bên trong hàng rào kẽm B40 là ngôi nhà xây theo kiểu biệt thự vườn; cạnh ngôi nhà là hai dãy phòng một lầu, một trệt đứng đối diện nhau theo tư thế giáp lá cà. Dãy có màu hồng phấn bên kia dành cho nữ; dãy còn lại dành cho nam; giữa hai dãy phòng là con đường nhỏ xíu được tráng ximăng lúc nào cũng sạch bong dù gió ù ù trên ngọn cây. Và con đường nhỏ thế kia chứ chưa có đôi chân nào lạc lối. Bởi ông chủ khó tính.
Chúng nó muốn hẹn nhau ra băng đá ngồi trò chuyện hay trao đổi gì (chẳng hạn mượn cái bàn ủi, cái xô nước, gạo nấu cơm) phải gấp tàu bay cẩn trọng ném sang. Bởi ông chủ khó tính. Ông chủ không ưa ồn ào, ông không thích nghe âm thanh nào lớn quá. Không đứa nào nghe nhạc thoải mái mà không nhét “phôn” vào tai. Ông có cái radio rè rè tiếng muỗi bay cắp bên nách. Mỗi lần nó im thin thít ông lại vỗ cái bộp, âm thanh dội ra rõ to. Lúc này, ông gật gù với cái cách sửa của mình và đẩy vô-lum lấy lại âm thanh muỗi... Thảo nào đôi tai ông thính đến lạ. Vô ý đùa giỡn lớn tiếng một tí đã thấy ông đứng sát bên từ lúc nào.
Phòng 10A gồm bốn tên: Hùng, Cường, Trí và nó không sinh cùng ngày cùng tháng ấy vậy mà số phận run rủi được xếp cùng phòng, phòng cuối cùng trên lầu. Trai lầu xanh - cái tên đó chết lúc nào chẳng hay. Chúng chỉ giật mình nhận ra sâu sắc sự khác biệt với mọi người xung quanh khi một hôm nghe một đứa con gái dặn cô bạn nó thế này “Phòng tao đối diện với phòng trai lầu xanh đó”.
Riết rồi thuận miệng đến độ mỗi khi có ai tìm người quen người ta không cần nhớ chi số phòng; lấy “lầu xanh” ra làm mốc cho tiện. “Ờ, thì kế lầu xanh, đối diện lầu xanh, lầu xanh đếm qua một (hai, ba,bốn...) phòng...”. Nghe khổ tâm chẳng kém gì cái “bảng phong thần” hai mươi điều dán trên tường mỗi phòng. Lúc sơn phết đến phòng cuối cùng tại hết sơn hồng, để tiết kiệm ông chủ lấy thùng sơn cũ ra sơn; màu xanh đọt chuối rất ngọt mắt.
Thật ra chọn được chỗ ở như thế này đối với nó đã là hài lòng lắm rồi, chẳng có gì đáng phàn nàn. Chứ mấy đứa bạn trong lớp có đứa tiền trọ đóng cao mà đi học chứ đầu óc cứ quanh quẫn nơi góc phòng, tủ áo, lo ngay ngáy có ngày vấn xà - rông ra đường. Ở đâu an ninh tốt thì nhất nhất đối với người trọ rồi, huống hồ là với tụi sinh viên đoảng hậu. Nó nghĩ vậy vì đã đôi lần quên mà vẫn vô sự. Mỗi đứa đều có quên. Quên khóa cửa lớn, cửa sổ đã đành, có lần thằng Trí vội đến mức để luôn chìa trên ở khóa đi ra ngoài... Ông chủ rầy rà ngay.
Ông chủ ngoài sáu mươi, trán nhăn, mặt gần như một trái cà khô, sống mũi cao nhưng hếch - thoạt nhìn đã thấy khó đăm đăm. Ông cao lớn, “Zidane”, nhưng không phải do ông thích thể thao hay thích đội bóng Pháp mà vì sự tương đồng về cái mái đầu. Cái đầu trở thành đề tài muôn thuở của tụi sinh viên; nó cũng không ngoại lệ. Nó làm tụi bạn cười bể bụng khi phát hiện ra ông chủ là một trong những người đầu tiên “cảm nhận” những giọt mưa. Không biết có chắc khi mưa ông là người đầu tiên biết hay không. Có điều mấy cái vòi nước dưới nhà rỉ ra vài giọt là tụi nó bị nhắc nhở ngay. Ba lần nhắc nhở thì coi chừng...
Nó tự hào vì chưa bao giờ vi phạm những điều dán trên tường. Có thể do cái nề nếp gia đình tốt nên đối với nó điều đó cũng dễ dàng chấp nhận. Ở nhà, ba má cũng ít khi phải lo lắng nhiều cho nó, nó vốn là đứa nhanh thích ứng với xung quanh. Nó mỉm cười nhớ lại những lời cha dặn trước khi lên thành phố học, cả những câu chuyện “tế nhị” khiến nó lắc đầu nguầy nguậy. “Sẽ không thừa chút nào đâu”. Cha bảo vậy. Nó tin cha bao giờ cũng đúng, nhưng tự hứa với lòng không bao giờ làm cho cha má thất vọng.
Nó hơi ngài ngại khi lại gần ông chủ. Có vẻ như ông ta tỏ ra ưu ái, “từ bi bất ngờ” với nó. Mỗi khi đến tháng lên nhà trên đóng tiền trọ, ông giữ nó lại một lúc hỏi han đủ chuyện, lại còn bảo có gì khó khăn nói cho ông hay. Chủ nhật nó bận chuyện không về, đang ngồi buồn ngó mông lung nhớ nhà thì thình lình ông mang đặt cạnh nó dĩa trái cây ướp lạnh; một việc chưa bao giờ xảy ra với mấy đứa khác.
Nó sờ sợ đôi mắt có lần ông nhìn nó thật lâu, chắc lâu lắm nên ông thoáng giật mình khi nó bất chợt ngó sang... Nó chỉ đang tiện tay bắt đám sâu uốn lá trên cây mận hay tưới mấy giò lan đứng ủ rũ trên giàn, hoặc đang làm bất cứ việc gì mà ở nhà nó thường hay làm: chẳng hạn đóng lại cái kệ sách, cái bản lề bị sứt... Nó vốn là đứa tháo vát việc nhà.
- Chắc “ông” có bà con xa với ổng, tại có “uẩn khúc” gì đó nên chưa nhận nhau - Con Phương nhíu mày ra vẻ trầm ngâm lắm mới đưa ra kết luận đầy màu sắc phim Tàu.
- Mầy là con... rơi của ổng cũng nên - Thằng Hùng là đứa vô duyên nhất trên đời.
- Báo chí hay đưa tin “quỉ râu xanh” dạo này chuyển sang thích trai tân, nhất là tụi mặt còn bú sữa bình dưới quê lên... hổng lẽ... chết mày rồi Nguyên ơi!... Hồi nào giờ tao chưa thấy nó cởi trần bao giờ...
Thằng Cường cười nắc nẻ, đưa tay bẹo má khiến nó vừa bực vừa mắc cỡ gạt mạnh tay xuống. Tụi kia “oa” lên một tiếng rồi cùng cười.
- Điên....
Nói thế thôi chứ nó cũng hơi chột dạ. Hôm bữa chính mắt nó thấy ông ngồi thân mật ôm eo một gã thanh niên đằng sau xe máy. Một người đàn ông đứng tuổi sống một mình thì có nhiều điều phải bàn... Nó chưa từng nghe đứa nào nhắc tới người thân, hay thấy có con cháu đến thăm ông. Tuy nhiên nó không phải là đứa nhiều chuyện đem cái bí mật của người khác rêu rao khắp thiên hạ; chỉ biết và tự cảnh giác thôi.
Nó hỏi về bà con thì cha chắc là không có, vì cả dòng họ đều sống dưới quê chứ đâu ai lên phố. Sau khi nghe nó miêu tả kỹ càng về ông chủ, cha khăng khăng bảo: “Người họ mình không có ai thế... à, mà mày ráng đọc sách văn học nhiều vào con ạ, chứ ăn nói thế này đố đứa con gái nào theo”. Con An nấp sau lưng má cũng thừa cơ phụ họa: “Anh Hai quên kể ổng có bao nhiêu cái răng”.
Còn cái điều thằng Hùng kết luận bừa nó không dại nói ra, nói chắc có nước hai ông bà cho thằng con ra đường ngồi.
oOo
Một năm học trôi qua chóng vánh. Nó ngồi học bài để thi lần hai. Hai môn trên tổng số tám môn. Cả hai môn đều rớt thủ khoa: bốn điểm rưỡi. Nó buồn thiếu điều khóc được. Mặt buồn xo như một tên thất tình lần đầu. Phải chi đừng bắt chước mấy đứa bạn cúp tiết, phải chi ít ra quán hơn... Có một ngàn không trăm lẻ một lý do để đổ thừa. Nó nhớ cha.
Những lời dặn dò đã rơi rớt đâu đó trên chuyến xe đầu tiên lên phố hay trong những trận say sưa nơi góc khuất thị thành? Lòng nó dấy lên một niềm ăn năn. Cha gọi điện lên hỏi sao chưa về, nó nói dối vụng về mà cha vẫn tin. Ráng sắp xếp về sớm cho má mầy mừng nghen con. Chà, con bé An nhắc mấy cuốn truyện tranh nhiều hơn anh Hai nó nữa...
Ông chủ gần đây bớt khó hẳn. Ông như là một con người khác. Ông cười, nụ cười huềnh huệch trong miệng mà nghe vui tai quá. Tụi sinh viên có đứa nói đùa ông cũng góp vài câu hay đơn giản nhất là... cười huềnh huệch. Đám con gái có nấu thức gì ngon là nghĩ ngay đến ông. Chúng gọi ông bằng cha, ông cười “Ừ, con gái”. Đám con trai khôn ngoan đến phòng riêng nói nhẹ một câu ông gật đầu. “Thủng thẳng vài hôm cũng được...”. Tụi nó còn phân công nhau tưới vườn trái cây ướt nhem đến mức ông phải vỗ đầu cười mắng yêu. “Thôi đủ rồi, lụt hết chết cây trái đâu cho tụi bây hái...”.
Dĩ nhiên nó vẫn được ông đối đãi thân mật, dễ dãi nhưng cái điều đó không còn lạ lẫm nữa rồi. Tụi bạn dần quên mất sự thèm muốn, ganh tị chút ít với nó, thôi bày trò trêu chọc nó. Vả chăng chúng đã lớn hơn, “hiểu chuyện” hơn so với trước kia.
Cách đây vài tuần đám sinh viên nhà trọ ngạc nhiên thấy ông từ trong nhà chạy ra cổng đón ba người, đó chính là anh con trai, con dâu và thằng cháu. Dần dần, họ ghé thăm ông thường xuyên hơn. Nghe nói nhà con trai ông cũng ở ngay trong phường thôi. Nghe nói họ mới làm hòa với nhau sau một thời gian dài...
Thằng cháu ông khoảng mười tuổi, nó không ngoan một chút nào. Lất khất, ngổ ngáo. Nó trèo lên cây vặt trụi lá, bắt sâu thả lên giò lan nó bảo muốn... nuôi bướm. Nó mở hết mức cho vòi nước chảy lênh láng khắp sân. Nó chạy rần rật lên cầu thang, rồi lại chạy xuống. Té. Nó khóc ré lên lăn quay ăn vạ trên nền ximăng. Người phụ nữ chạy đến đỡ đứa con, vỗ về, phủi bụi đất bám trên quần áo nó. Chị ta vờ lấy tay đánh vào cái cầu thang - cái thủ phạm gây ra cơn đau cho thằng nhỏ. Hai người đàn ông lặng lẽ đưa mắt nhìn.
Thể nào câu chuyện hấp dẫn kia cũng được tụi loai choai lấy làm đề tài tranh luận sôi nổi..
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận