24/03/2019 08:57 GMT+7

Ồ ạt dựng cả trăm nhà, lều trái phép chờ... đền bù

LÊ TRUNG - TẤN LỰC
LÊ TRUNG - TẤN LỰC

TTO - Chuyện thật mà như đùa lại xảy ra ở huyện Tiên Phước, Quảng Nam khi hàng trăm người dân ở dọc bờ sông Tranh đã ồ ạt dựng lên những căn nhà tạm, lều trại trái phép để chờ đền bù vì nghe tin thủy điện Sông Tranh 4 sắp được xây dựng.

Ồ ạt dựng cả trăm nhà, lều trái phép chờ...  đền bù - Ảnh 1.

Hàng trăm căn nhà, trại bằng gỗ được dựng dọc bờ sông Tranh để chờ đền bù - Ảnh: LÊ TRUNG

Như vậy có thể thấy rõ chính quyền địa phương quản lý địa bàn quá lỏng lẻo. Nhưng có một yếu tố khách quan là người dân làm rất nhanh, lợi dụng đêm tối để làm.

Ông Lê Trí Hiệu (phó chủ tịch UBND huyện Tiên Phước)

Hơn 100 ngôi nhà, lều trại bằng gỗ được dựng lên dọc bờ sông chỉ trong thời gian ngắn. Chính quyền địa phương, các cơ quan chức năng huyện Tiên Phước nói gì về việc này?

Ồ ạt dựng nhà tạm ở bờ sông

Những ngày này, dọc bờ sông Tranh phía xã Tiên Lãnh, huyện Tiên Phước như một đại công trình xây dựng. 

Người dân ồ ạt vận chuyển gỗ, tôn, vật liệu xây dựng xuống dọc bờ sông này để dựng lên những căn nhà tạm, lều trại một cách chớp nhoáng. 

Đứng bên này sông phía xã Phước Gia, huyện Hiệp Đức, nhìn qua những bãi bồi, bờ sông phía Tiên Lãnh, chúng tôi thấy hàng chục căn nhà tạm, lều trại nối sát nhau.

Anh P.V.T. (28 tuổi, xã Phước Gia) chỉ phía bên kia sông nói rằng những căn nhà tạm ấy được xây dựng từ sau Tết Kỷ Hợi. 

Những ngày trước, dưới bờ sông có hàng trăm người dân ồ ạt ra dựng những căn nhà tạm, lều trại dọc bờ sông. 

Những căn nhà, lều trại này rộng chừng 50-100m2, được dựng lên bằng gỗ, phía trên lợp tôn, dưới nền làm bằng ximăng khá chắc chắn. 

"Có những đêm, dọc bờ sông được thắp điện sáng chói, chỉ trong một đêm mà nhà cửa, lều trại được dựng lên" - anh T. kể lại.

Tại sông Tum, một nhánh nối với sông Tranh, ít nhất 50 ngôi nhà, lều trại bằng gỗ được dựng lên chớp nhoáng dọc bờ sông nơi có những vườn cây hoa màu của người dân. 

Mới nhìn tưởng đâu ở dọc bờ sông này đang xây dựng một khu du lịch sinh thái. Có những căn nhà, người dân còn đem cả giường, bếp đặt ở đây để ở. Những chủ căn nhà tạm, lều trại này đều tránh mặt khi chúng tôi vào. 

"Chúng tôi làm để nghỉ ngơi qua trưa sau khi sản xuất ở rẫy của mình thôi" - một chủ nhà tạm trả lời bâng quơ rồi lảng đi.

Tuy nhiên, theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ, những căn nhà tạm, lều trại đó không phục vụ việc ăn ở, nghỉ ngơi mà chỉ dựng lên để đón đầu chờ đền bù phần ngập nước của lòng hồ dự án thủy điện Sông Tranh 4. 

Ông N.M. (61 tuổi, xã Tiên Lãnh) kể rằng nghe tin dự án thủy điện Sông Tranh 4 đang xây dựng, chuẩn bị tích nước lòng hồ nên người dân ồ ạt dựng lên những căn nhà, lều trại ở dọc bờ sông để chờ đền bù. 

Mỗi căn như vậy, người dân đầu tư từ 20-40 triệu đồng. "Ở đó cho mùa mưa nước dâng lên ngập cho chết à. Chúng tôi dựng lên để chờ đền bù thôi" - ông M. nói. 

Xây dựng như vậy có đúng quy định không? Ông M. nói không biết, thấy mọi người ồ ạt đua theo xây dựng nên ai cũng bỏ tiền để đầu tư chứ không biết đúng hay sai. 

"Làm như vậy được thì ăn, lỗ thì chịu. Nếu họ không đền bù thì chúng tôi sẽ không ký nhận, giao đất" - ông M. nói thêm.

Ồ ạt dựng cả trăm nhà, lều trái phép chờ...  đền bù - Ảnh 3.

Những ngôi nhà tạm được dựng lên bằng gỗ, lợp tôn, nền ximăng - Ảnh: LÊ TRUNG

Quản lý lỏng lẻo

Bà Trần Thị Tuyết - quyền chủ tịch UBND xã Tiên Lãnh - cho biết theo quy hoạch xã Tiên Lãnh có gần 100ha đất dọc bờ sông của người dân nằm trong khu vực lòng hồ thủy điện Sông Tranh 4. 

Từ tháng 9-2018, khi có công bố quy hoạch thì xã đã phối hợp với chủ đầu tư thủy điện Sông Tranh 4 tổ chức công bố quy hoạch và thông báo rộng rãi để người dân được biết. 

Ngoài ra, xã và chủ đầu tư thủy điện Sông Tranh 4 đã gửi văn bản thông báo đến các hộ dân bị ảnh hưởng.

Trong thông báo nêu rõ các hộ dân nằm trong khu vực quy hoạch không được trồng trọt những loại cây ngoài danh mục, không xây dựng, cơi nới các công trình như nhà, trại. 

Tuy nhiên vẫn phát sinh vấn đề người dân làm trại trên các khu vực đất sản xuất nông nghiệp.

Bà Tuyết cho biết cũng có trường hợp người dân xây dựng lán trại phục vụ sản xuất từ trước nhưng đa số là những lán trại mới xây dựng sau khi công bố quy hoạch vùng lòng hồ. 

Đến thời điểm hiện tại có khoảng 120 lán trại, nhà tạm đã xây dựng, việc xây dựng sau thời điểm công bố quy hoạch là không đúng. 

"Khi phát hiện người dân xây dựng lán trại, xã thành lập tổ công tác để kiểm tra, ngăn chặn. Đã lập biên bản, kiểm tra được một số trường hợp, tuy nhiên người dân làm ở những vị trí địa hình tương đối khó khăn. Có những trường hợp làm ban đêm rất khó kiểm tra ngăn chặn" - bà Tuyết nói.

Bà Tuyết cho biết trước thực trạng trên, UBND huyện Tiên Phước đã mời chính quyền xã Tiên Lãnh cùng các ngành liên quan của huyện và chủ đầu tư thủy điện Sông Tranh 4 làm việc tìm hướng giải quyết. 

Theo chỉ đạo của huyện, việc kiểm tra, lập hồ sơ số lượng lán trại phải được hoàn thành trước ngày 15-4, báo cáo huyện cùng các ngành liên quan xử lý.

Ông Lê Trí Hiệu - phó chủ tịch UBND huyện Tiên Phước - cho biết khi nghe sự việc này, mới đây ngày 21-3 UBND huyện đã tổ chức cuộc họp giữa các bên. 

Để xảy ra sự việc này thì sự phối hợp giữa chính quyền xã và ban quản lý thủy điện, cơ quan làm công tác đền bù không chặt chẽ nên để người dân xây dựng trái phép tràn lan dọc bờ sông, không phối hợp với nhau để xử lý ngay từ ban đầu.

Theo ông Hiệu, dự án thủy điện Sông Tranh 4 mới được phê duyệt chủ trương đầu tư, chưa được phép tích nước, đang trong giai đoạn bồi thường giải phóng mặt bằng. 

Qua kiểm tra thì hầu hết những công trình này đều được làm rất tạm bợ, chủ yếu mục đích chính để đón đền bù. Việc xây dựng các công trình như vậy ở bờ sông là không đúng quy định. 

Huyện đã chỉ đạo xã và các ngành tập trung kiểm tra, xử lý. 

"Phải kiểm tra lại, cái nào xây dựng trước thời điểm công bố thu hồi đất mà đúng quy định thì đền bù, ngược lại sẽ không đền bù và cương quyết cưỡng chế tháo dỡ, tránh lợi dụng tạo tiền lệ xấu trong công tác giải tỏa đền bù ở địa phương" - ông Hiệu nói.

Trong khi phía bên này ồ ạt xây dựng nhà tạm thì phía bên kia bờ sông thuộc xã Phước Gia, huyện Hiệp Đức, nơi tập trung đa số đồng bào dân tộc Ca Dong lại không xảy ra. Nhiều người nói rằng họ không dám làm vì biết như vậy là trái phép.
LÊ TRUNG - TẤN LỰC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên