![]() |
Bác sĩ Phạm Nguyễn Tố Như đang hướng dẫn bà mẹ cách ủ ấm em bé sinh thiếu tháng - Ảnh: K.S. |
Trao đổi với Tuổi Trẻ về phương pháp này, bác sĩ Phạm Nguyễn Tố Như - khoa sơ sinh Bệnh viện Từ Dũ, TP.HCM - cho biết:
- Chăm sóc bà mẹ kanguru là phương pháp được áp dụng cho những trẻ sinh non tháng dưới 36 tuần, có trọng lượng dưới 2kg. Bé được quấn bằng vải thun ôm ngang người, quấn toàn bộ cả tay chân áp vào ngực mẹ, chỉ chừa từ cổ lên. Phương pháp này có các lợi ích:
1. Nhờ tiếp xúc da kề da với mẹ, bé được ủ ấm 24/24, kể cả lúc mẹ ngủ. Nhiệt độ cơ thể mẹ 370C truyền ấm cho bé. Tùy thời tiết mỗi nơi, lạnh như Đà Lạt phải quấn thêm chăn bên ngoài mới đủ ấm.
2. Nhịp thở của mẹ sẽ kích thích bé thở.
3. Sự tiếp xúc mẹ - con có tác dụng về mặt tâm lý, bé sẽ phát triển tâm thần tốt hơn, tiêu hóa thuận lợi hơn. Không nhất thiết là mẹ, mà có thể là cha, cô, dì, chú, bác cũng ủ ấm cho bé được. Phương pháp “kanguru” được khuyến khích áp dụng ở các nước đang phát triển, thiếu lồng ấp, ở vùng sâu vùng xa không đủ phương tiện cũng áp dụng được.
* Trường hợp bé nhất có thể nuôi sống là bao nhiêu gam?
- Chương trình “kanguru” không nhận trẻ trên 2kg. Tại Bệnh viện Từ Dũ, nhờ có phòng săn sóc tích cực cho trẻ sơ sinh cực non, được trang bị tương đối đầy đủ đã nuôi sống được những bé sinh non, trọng lượng chỉ 700 gam.
Bé sinh non tháng thường suy hô hấp, phải nằm trong lồng ấp, được thở oxy. Giai đoạn nằm lồng ấp có thể một tuần, một tháng, tùy tình hình hô hấp của bé, sau khi ổn mới rời lồng ấp. Sau đó bé được đưa ra phòng “kanguru”.
Ở đấy sẽ có hướng dẫn bà mẹ cách ủ ấm con, cách cho bé bú bằng ống sonde dạ dày - bơm qua ống chích, sau đó mới bỏ sonde, tập bú mẹ dần, cứ 2 giờ/lần. Để đảm bảo đủ lượng sữa vẫn phải bơm thêm bằng ống chích. Bé được chích vitamin K1 mỗi tuần/ lần.
Trước 40 tuần (tuổi thai), nếu đã xuất viện phải tái khám một tuần/lần và chích vitamin K1 để phòng ngừa xuất huyết não. Sau 40 tuần thì tái khám mỗi tháng một lần cho đến khi bé 2 tuổi. Việc tái khám nhằm để được tiêm chủng đúng lịch, theo dõi sự phát triển tâm thần vận động, thị giác, thính giác và các bệnh khác nếu có.
* Trường hợp trẻ sinh non tháng có dị tật đi kèm, có áp dụng được bằng phương pháp này?
- Các dị tật nhẹ như sứt môi hở hàm ếch... không phải cấp cứu, vẫn áp dụng được vì trẻ ăn qua sonde.
* Bé phải lưu lại phòng “kanguru” bao lâu. Vì quá bé, xuất viện về gặp các biến chứng tại nhà thì sao?
- Sau khi được hướng dẫn, nhiều bà mẹ làm rất tốt, biết cách tự đặt sonde kiểm tra xem đặt đúng dạ dày không, đặt khi đói để không bị sặc... Tùy tình trạng mỗi bé, ổn định có thể về, nếu có vấn đề như ói, trướng bụng, nhiễm trùng... phải ở lại lâu hơn.
Điều quan trọng cần lưu ý các bà mẹ là phải làm đúng theo hướng dẫn của nhân viên y tế. Cái chính là bà mẹ phải biết tự tin. Lo lắng quá sẽ mất sữa. Nuôi trẻ èo uột non tháng sẽ xảy ra rất nhiều vấn đề khi chăm sóc: bé thường ọc, ói, chậm đi cầu, bón. Cho ăn cũng không đủ như bé sinh đủ tháng. Không khuyến khích bú bình, nên cho bú mẹ với số lần tăng dần thì lượng sữa cũng tăng theo, bà mẹ kiên nhẫn mới làm được.
* Trường hợp bé sinh ra 2,5kg, bà mẹ muốn ủ ấm theo phương pháp kanguru có tốt hơn không?
- Những trẻ trên 2,5kg thường đủ tháng, phổi gần như trưởng thành, bé tự hô hấp được nên không đưa vào chương trình này.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận