10/08/2006 05:04 GMT+7

Nước mắt Đức Hạnh

 HUỲNH NGỌC VÂN(Bảo tàng Chứng tích chiến tranh)
 HUỲNH NGỌC VÂN(Bảo tàng Chứng tích chiến tranh)

TT - Như một lời hẹn ước từ lâu, mùa mưa năm nay chúng tôi lại lên đường đến Trung tâm cai nghiện Đức Hạnh (Bình Phước) để “kể chuyện” về hậu quả chất độc da cam trong chiến tranh ở VN.

pHMuwC4l.jpgPhóng to
Học viên Trung tâm Đức Hạnh tặng hoa cho Nguyễn Đức - nạn nhân chất độc da cam - trong đêm giao lưu
TT - Như một lời hẹn ước từ lâu, mùa mưa năm nay chúng tôi lại lên đường đến Trung tâm cai nghiện Đức Hạnh (Bình Phước) để “kể chuyện” về hậu quả chất độc da cam trong chiến tranh ở VN.

“Người đời” đến trại

Đã biết trước nhưng chúng tôi vẫn không khỏi e sợ, ngại ngần khi phải “chỉ đạo” một nhóm thanh niên vai và lưng chằng chịt những hình xăm và ánh mắt đầy vẻ nghi ngại, thách thức. Họ nhanh nhẹn, tháo vát lắm, chẳng mấy chốc đã treo la liệt 28 panô ảnh triển lãm, trang trí “sân khấu” rực rỡ với đèn hoa, với những dòng chữ cắt tỉa công phu.

Một số thanh niên khác không được phân công phụ giúp chúng tôi càng có vẻ tò mò, thắc mắc: “Cán bộ sở hả?”, tôi lắc đầu. “Vậy là người đời hả?”. “Người đời thì sao?” - tôi hỏi. “Em thích người đời hơn. Ít có người đời lên đây thăm tụi em lắm. Tối nay ca sĩ nào hát vậy?”, một thanh niên giễu cợt. “Không có ca sĩ nào cả, chỉ có Bảo tàng Chứng tích chiến tranh và Đức thôi. Biết Đức không? Việt - Đức được mổ tách đôi đó mà!”. Cả đám đồng thanh: “Biết, biết chứ! Còn sống à? Giờ làm gì?”. “Tối gặp thì biết”...

Trạm xá có hơn 80 bệnh nhân, phần lớn bị lao và... hậu quả của những năm tháng nghiện ngập. “Các bạn bị bệnh không tới giao lưu đêm nay được, thôi đừng buồn. Ráng bồi dưỡng cho mau hết bệnh”... Khu trại nữ bận rộn và hối hả với hàng trăm “cô Tấm”, “cô Lọ Lem” tất bật cạo vỏ hạt điều, cân đo, phân loại để còn kịp giờ tắm rửa, sửa soạn một chút rồi tối đi coi triển lãm, ca nhạc. Mấy cô gái lén hái vội vài cành hoa quỳnh anh giấu trong vạt áo dù chưa biết sẽ tặng ai...

“Cô khóc, em khóc, mấy đứa kia cũng khóc...”

Năm nay Nguyễn Đức đã dạn dĩ hơn khi được mời hát một bài mở đầu chương trình giao lưu về chất độc da cam. Nhưng Đức vẫn lúng túng trước những “khán giả ái mộ” cứ hét ầm lên đòi: “Bài nữa đi, bài nữa!”. Rồi Đức kể chuyện cuộc đời mình, chuyện Việt đang nằm lơ mơ trong làng Hòa Bình - Từ Dũ, chuyện các em như Đức, nạn nhân của thảm họa da cam.

Chúng tôi lại kể về những bà mẹ phát điên vì cứ sinh ra toàn là những đứa con dị dạng, về nhiều đứa trẻ không có chân để đi, không có tay để viết, về những ước mơ bình dị nhỏ nhoi không bao giờ trở thành sự thật bởi cơn ác mộng da cam... Hội trường với hơn 300 học viên bỗng chốc lặng ngắt, những nụ cười tắt dần, rồi những giọt nước mắt trào ra, lăn xuống má các cô gái trẻ xinh như hoa, các anh chàng ngổ ngáo, bướng bỉnh ngồi tít đằng sau. “Ai đó ở cuối hội trường kia, hãy thắp lên ngọn nến chia sẻ nỗi đau với nạn nhân chất độc da cam, với Đức đi!”.

Một cậu bé trẻ măng hồng hộc chạy lên, run run thắp nến rồi lẩy bẩy trao cho Đức. Một học viên khác - “ca sĩ” của trung tâm - ôm cả bình hoa màu da cam tặng Đức. Hoa màu da cam vẫn đẹp! Lập tức những bông hoa da cam được chia ra cho các bạn nữ, rồi những tờ giấy đóng góp chữ ký những người ủng hộ nạn nhân chất độc da cam được tung ra. Mọi người tranh nhau ký tại chỗ, ngay tức thì, không đợi được đến hôm sau...

Hội trường tưởng chừng suýt vỡ ra khi chúng tôi “tiết lộ” rằng Đức đã có người yêu, rằng ngày 16-12 sắp tới sẽ là ngày cưới. Ai cũng reo hò, chúc mừng, đòi đi dự đám cưới. Chúng tôi hẹn: “Chừng nào được về thành phố các bạn nhớ đến thăm Đức, thăm các em nhỏ trong làng Hòa Bình và nhiều mái ấm khác. Các em cần được các bạn cắt tóc, bấm móng tay, đọc sách giùm lắm đó!”. Những giọt nước mắt lại lăn dài, lóng lánh trong đêm. Đã nhiều lần nghe ca khúc Vì sao em chết? của Thanh Trúc nhưng chưa bao giờ chúng tôi xúc động đến run rẩy như vậy. “Ca sĩ” - học viên hát với cả trái tim, nghẹn ngào cứ như mỗi câu hát đều ướt đẫm nước mắt xót thương những số phận nghiệt ngã bởi chất độc da cam.

Chia tay, một tốp nam - nữ cất tiếng hát: “... Ngày đó sẽ không xa xôi và chúng ta sẽ là người chiến thắng...”. Ai đó từ đám học viên nữ kêu to: “ Đức ơi cố gắng lên!”. Chúng tôi cũng gào tướng: “Các bạn cố gắng lên!”. Một rừng cánh tay vẫy rối rít trong bóng tối, quyến luyến, cảm thông và thân thiện...

 HUỲNH NGỌC VÂN(Bảo tàng Chứng tích chiến tranh)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên