11/10/2003 07:14 GMT+7

Nước mắm Phú Quốc: bao giờ thôi... "made in Thailand"?

CẨM HÀ thực hiện
CẨM HÀ thực hiện

TT (Hà Nội) - Các chuyên gia về sở hữu trí tuệ (SHTT) từ Châu Âu và ASEAN đang nhóm họp tại Hà Nội. Họ đã trao đổi với Tuổi Trẻ về những vấn đề: Các nhãn hiệu hàng hóa nổi tiếng của VN đang gặp khó khăn trong việc chứng nhận chỉ dẫn địa lý ngay tại VN? VN đáp ứng được các điều kiện về thực thi quyền SHTT để gia nhập WTO?

4jfQkmrC.jpgPhóng to

Xưởng chế biến nước mắm Phú Quốc của doanh nghiệp tư nhân Khải Hoàn, Kiên Giang

TT (Hà Nội) - Các chuyên gia về sở hữu trí tuệ (SHTT) từ Châu Âu và ASEAN đang nhóm họp tại Hà Nội. Họ đã trao đổi với Tuổi Trẻ về những vấn đề: Các nhãn hiệu hàng hóa nổi tiếng của VN đang gặp khó khăn trong việc chứng nhận chỉ dẫn địa lý ngay tại VN? VN đáp ứng được các điều kiện về thực thi quyền SHTT để gia nhập WTO?

* Xin ông cho biết đánh giá của ECAP đối với việc thực thi SHTT tại ASEAN nói chung và VN nói riêng?

Ông Johan Amand - giám đốc ECAP I, phó giám đốc Ban hợp tác quốc tế cơ quan cấp bằng sáng chế của EU:

Trước hết tôi phải khẳng định rằng thực thi quyền SHTT không chỉ là vấn đề riêng đối với các nước châu Á mà hiện là một vấn đề toàn cầu.

Ngay tại châu Âu, chúng ta cũng có thể bắt gặp trên đường phố nhiều hàng giả, hàng nhái.

Chỉ dẫn địa lý (GI) được sử dụng cho một sản phẩm để chỉ dẫn nơi hoặc vùng xuất xứ của sản phẩm và các đặc thù chất lượng hoặc đặc tính của sản phẩm, khi các đặc thù và đặc tính này có được do các đặc tính về địa lý và con người của nơi đó.

Khái niệm bảo hộ GI đã hình thành ở Pháp vào đầu thế kỷ 20, lúc đầu được biết đến là tên gọi xuất xứ hàng hóa. Về sau, việc bảo hộ chỉ dẫn địa lý đã được nâng tầm quốc tế và được thừa nhận vào năm 1994 bởi Hiệp định các khía cạnh liên quan đến thương mại của quyền STTT của WTO (TRIPS).

Tôi thấy từ năm 1990 đến nay các nước châu Á đã có rất nhiều nỗ lực trong việc thực thi quyền SHTT. Tôi cũng nhận thấy những nỗ lực tương tự của Chính phủ VN.

Chúng tôi sẽ triển khai các chương trình quốc gia của ECAP II dành cho VN lần đầu tiên (trị giá xấp xỉ 1,5 triệu euro) từ năm 2004, trong đó chú trọng tới năng lực cho các cơ quan và doanh nghiệp VN thực thi quyền SHTT.

* Vì sao nước mắm Phú Quốc đến giờ vẫn chưa được công nhận chỉ dẫn địa lý (GI) ngay tại VN để có thể đăng ký tại nước ngoài?

- Ông Phạm Đình Chướng - cục trưởng Cục SHTT:

Một trong những khâu quan trọng nhất để có thể được chứng nhận GI là xác định được tính chất đặc thù hoặc uy tín của sản phẩm.

Nước mắm Phú Quốc và một số sản phẩm khác của VN (chè San Tuyết, chè Mộc Châu hay một số loại trái cây) đều chưa hoàn thành thao tác này tại VN.

Tôi phải khẳng định ngay rằng đó là những khó khăn về kỹ thuật. Chúng ta có thể cảm nhận được vị ngon của nước mắm Phú Quốc nhưng chưa có tiêu chí cụ thể để diễn đạt thành lời. Cũng chưa có tiêu chí cụ thể để xác định mối liên hệ giữa chất lượng sản phẩm với nơi sản xuất là Phú Quốc.

“Làm sao để xác định được đó là nước mắm Phú Quốc chứ không phải là của vùng khác?”, “Nước mắm Phú Quốc khác nước mắm nơi khác ở tiêu chí nào?”, “Nguyên liệu nước mắm từ Phú Quốc nhưng đóng chai hoặc pha chế thêm ở nơi khác có được gọi là nước mắm Phú Quốc hay không”, chúng ta phải trả lời được những câu hỏi này.

Các cơ quan chức năng và các nhà sản xuất nước mắm ở Phú Quốc đang tích cực phối hợp để giải quyết.

* Còn chuyện nước mắm Phú Quốc nhưng lại “made in Thailand”?

- Ông Suraphol Jaovisidha - cục phó Cục SHTT Thái Lan:

Trước hết, tôi muốn làm rõ nước mắm Phú Quốc đã đăng ký thương hiệu tại Thái hay chưa?

Nếu chỉ mới đăng ký ở VN mà chưa đăng ký ở Thái thì không thể nói các nhà sản xuất nước mắm của Thái dán nhãn “Phu Quoc” là vi phạm Luật SHTT.

Bản thân chúng tôi cũng đang gặp vấn đề tương tự, rất nhiều sản phẩm mì ăn liền mang tên hiệu nổi tiếng của Thái nhưng lại sản xuất ở Trung Quốc. Đó là do các thương hiệu này chưa được đăng ký ở Trung Quốc.

Tôi có một lời khuyên: các doanh nghiệp VN muốn bảo hộ thương hiệu của mình phải đăng ký tại các nước càng sớm càng tốt.

Kinh nghiệm của các doanh nghiệp nước ngoài muốn đăng ký thương hiệu tại Thái là thuê một luật sư hoặc một người đại diện tại nước sở tại để tiến hành các thủ tục. Chi phí của một thương hiệu được đăng ký tại Thái (có giá trị 10 năm) chỉ khoảng 10 USD. Tính ra chỉ có 1 USD/năm, thủ tục của chúng tôi lại vô cùng gọn nhẹ.

Ngoài ra, luật Thái rất nghiêm. Nếu làm hàng giả hoặc ăn cắp thương hiệu thường bị phạt tiền nặng hoặc xử tù 10 năm. Quốc hội Thái cũng đã thông qua Luật GI.

Theo luật này, gạo Jasmine của Thái cũng đang trong giai đoạn công nhận GI, và như vậy gạo Jasmine sẽ được tăng thêm tính cạnh tranh.

* Các vấn đề về SHTT có là một thách thức đối với quá trình gia nhập WTO của VN?

- Ông Valentin Mir - giám đốc ECAP II:

SHTT luôn là một vấn đề quan trọng trong các cuộc đàm phán gia nhập WTO. VN đã nhận thức được vấn đề này và bày tỏ sự lưu tâm xác đáng tới việc cải thiện thực thi quyền SHTT.

Với sự hỗ trợ của các chương trình như ECAP, tôi thấy năng lực thực thi quyền SHTT của VN đã được nâng lên rất nhiều. Các vấn đề SHTT là chương trình nghị sự tiến triển tốt nhất trong tổng thể các vấn đề của VN liên quan tới gia nhập WTO.

CẨM HÀ thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên