24/07/2004 11:11 GMT+7

Nữ Hoàng Cửa Tùng, tìm lại vương miện...

Bài và ảnh: LÊ ĐỨC DỤC
Bài và ảnh: LÊ ĐỨC DỤC

TTO - Sau những di tích lịch sử cách mạng nổi tiếng ở Quảng Trị mà du khách tham gia lễ hội nhịp cầu xuyên Á sẽ viếng thăm, danh thắng nhiều người muốn đến nhất có lẻ là Cửa Tùng.

hR8qO3Dg.jpgPhóng to
Cửa Tùng, nơi dòng sông gặp bể

Đây cũng là địa điểm diễn ra lễ hội “Thức với biển Đông” vào đêm bế mạc “Nhịp cầu xuyên Á”...

Miền đất tụ hội của thiên nhiên - lịch sử và văn hoá...

“Cửa Tùng -La Reine des plages” (Cửa Tùng - Nữ Hoàng của các bãi biển) - đấy là tựa của một bài viết đăng trên tập san Bulletin des amis du Vieus Huế (B.A.V.H - tập san của những người bạn của Huế - ngày nay mọi người thường dịch là Đô Thành hiếu cổ - một tập san nổi tiếng với những nghiên cứu khảo cứu hồi đầu thế kỷ 20, ngày nay vẫn là nguồn tư liệu tin cậy cho nhiều nhà nghiên cứu khoa học xã hội).

9MHX9zeJ.jpgPhóng to
Bãi tắm Cửa Tùng
Chúng tôi về Cửa Tùng, sau bao nhiêu năm lãng quên vì bom đạn chiến tranh rồi gần 30 năm sau ngày hoà bình Cửa Tùng vẫn chỉ là một bãi tắm tỉnh lẻ, nhưng trong sự bất lợi của quên lãng, Cửa Tùng lại có cái may mắn giữ được vẻ trinh nguyên của một vùng biển, không bị cơn lốc xây dựng của thời “thị trường manh mún” phá vỡ.

Cửa Tùng xưa được gọi là biển Thừa Lương bởi khi vua Duy Tân lên ngôi (năm 1907), nhà vua mới 8 tuổi, mọi việc trong triều đều giao cho Phụ chánh đại thần Trương Như Cương, vua Duy Tân không chịu ở tù túng trong cung cấm, thích đi đây đó, người Pháp bấy giờ chiều ý vua nên đã nhường nhà nghỉ mát Cửa Tùng của Khâm sứ Brière cho vua ngự, nhà nghỉ mát này được gọi là Thừa Lương Cửa Tùng.

Nhiều giai thoại về vị vua nhà Nguyễn yêu nước này đã gắn với Cửa Tùng như chuyện một lần vua bốc cát chơi, nhớp cả hai tay, quan hầu cận bưng nước cho vua rửa tay, vua không rửa ngay mà hỏi: Tay nhớp lấy nước mà rửa, nước nhớp lấy chi mà rửa? Năm 16 tuổi vua Duy Tân đã bị người Pháp đày qua đảo Reunion vì vua đã đồng ý cùng nhiều nhà cách mạng khởi nghĩa chống Pháp! Nhà Thừa Lương ấy bây giờ vẫn chưa ai xác định được vị trí nhưng lòng yêu nước của vua Duy Tân thì nhiều người dân nơi miền đất này đã tiếp nối bằng những huyền thoại mà giờ đây huyền thoại ấy vẫn còn lưu dấu trên những chứng tích lịch sử:

Ht0flWjp.jpgPhóng to
Cầu Cửa Tùng
Không xa bãi tắm Cửa Tùng là địa đạo Vịnh Mốc, hiện là một địa điểm thu hút du khách quốc tế nhiều nhất trong tour DMZ (du lịch khu phi quân sự), là bến đò B ngay làng Tùng Luật (Vĩnh Giang) nơi đã đưa đất nước qua sông trên những chiếc thuyền nan trong những ngày khốc liệt của cuộc kháng chiến chống Mỹ, là đảo Cồn Cỏ ngoài khơi Cửa Tùng - phên dậu của Tổ Quốc giữa trùng khơi.., là địa đạo Tân Lý, nơi một quả bom Mỹ ném xuống hồi tháng 6-1967 đã chôn vùi 62 đồng bào Vĩnh Quang trong lòng địa đạo...Không ở đâu như miền đất này, mỗi bờ cây, chân sóng đều nặng đầy dấu tích của một thời đánh giặc giữ nước.

Nhưng không chỉ anh hùng, đất Vĩnh Giang này còn có những mảnh làng sinh ra toàn nghệ sĩ nổi tiếng, nhiều người đã vang danh một thời như giọng ngâm thơ của các nghệ sĩ Châu Loan, Châu Dinh, Châu Phụng; những nghệ sĩ như Trần Duyến, Ái Chủng; nghệ sĩ ưu tú Kim Quý, Kim Phú, Sĩ Cừ...Cả Vĩnh Giang có hơn 30 nghệ sĩ trứ danh và hậu duệ của họ cũng đang là thế hệ nghệ sĩ trẻ đầy triển vọng ở nhiều đoàn nghệ thuật.

Tên đất tên làng nơi đây đọc lên nghe âm vang như một bài thơ: Di Loan, Tùng Luật , Tân Trại , Cổ Trai...Đất Cổ Trai này cũng được sử ghi là quê của Hiếu Văn Hoàng Hậu, vợ của chúa Nguyễn Phúc Nguyên (tục gọi là Chúa Sãi - vị chúa anh minh nhất trong các chúa Nguyễn, sau khi mất được truy tôn là Hiếu Văn Hoàng đế )...Một vùng đất như thế nhưng những điều mang lại tương lai cho vùng biển với bãi tắm Nữ Hoàng này vẫn còn ở phía trước...

Tìm lại vương miện...

Hình như Cửa Tùng đã tìm lại hồi quang của ngày xưa qua những khởi động của con đường du lịch nối từ bãi biển qua tận địa đạo Vịnh Mốc. Nhiều du khách sau khi chui xuống lòng sâu địa đạo, cảm nhận hết sự khốc liệt và bi tráng của chiến tranh khi được đắm mình trong sóng nước Cửa Tùng sẽ hiểu hơn cái giá của mỗi phút giây thanh bình trên vùng biển đẹp này.

Tháng 9 vừa qua, Sở Giao thông vận tải Quảng Trị và hai huyện Gio Linh, Vĩnh Linh đã cùng khởi công xây cây cầu Cửa Tùng ngay nơi dòng sông gặp biển. Cầu có thiết kế dài 461 m, rộng 9m, tải trọng H30-XB80, khổ thông thuyền 50 m, tĩnh không 8,5 m. Kết cấu bằng dầm hộp bê tông dự ứng lực liên tục thi công theo phương pháp đúc hẫng cân bằng đối xứng với kinh phí xây dựng là 44,9 tỷ đồng, Cây cầu này sẽ góp phần quan trọng vào việc phát triển hai khu du lịch biển Cửa Tùng và Cửa Việt.

Cùng với cây cầu, dự án mở một tuyến đường ven biển dài 14 km nối 2 khu du lịch biển sẽ thực sự tạo thành một hệ thống du lịch biển liên hoàn thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của vùng duyên hải Quảng Trị.

Đất Cửa Tùng bắt đầu lên cơn “sốt”, không nghi ngờ gì về tương lai của nó khi cả một vùng Đông Bắc Thái Lan và vùng Trung Lào, Hạ Lào - nơi “không thấy biển là gì” đã tìm về Cửa Tùng qua quốc lộ 9 - con đường ngắn nhất từ các nước này ra biển Đông. Cuối tuần khá nhiều xe ô tô từ Mụcđahán (Thái Lan) từ Savanakhét (Lào) đã qua cửa khẩu Lao Bảo và chỉ hơn một giờ đồng hồ đã có mặt tại Cửa Tùng hay Cửa Việt.

Nhưng xa xôi hơn thế, ngoài khơi của Cửa Tùng đã có nhiều thông tin về một mỏ khí có trữ lượng rất lớn, đảo Cồn Cỏ cũng đang khởi động để trở thành một hòn đảo du lịch và phát triển kinh tế giữa biển khơi...Bao nhiêu dữ kiện ấy đủ cho Cửa Tùng hy vọng tìm lại vương miện Nữ Hoàng của mình sau bao nhiêu bể dâu lưu lạc...

Bài và ảnh: LÊ ĐỨC DỤC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên