Thật khó để thấy được nụ cười trên khuôn mặt lúc nào cũng đăm đăm của Việt Anh, nhưng mỗi khi anh cười, gương mặt ấy lại hiền đến bất ngờ.
Bởi vậy nên mới có một NSƯT Việt Anh đa diện trên sân khấu, cười hay khóc cũng đều ẩn chứa những câu chuyện chứ không đơn thuần là sự biến đổi của cơ mặt. Bởi vậy, giải Cù nèo vàng 2011 trao cho Việt Anh ở hạng mục diễn viên (vai diễn Tư Liều trong vở Tốt xấu giả thật) là điều mà nhiều người đồng tình. Và lẽ ra nên trao giải này cho anh từ lâu.
Diễn vai già từ lúc... còn trẻ
* Khán giả toàn nhớ đến NSƯT Việt Anh bằng những vai người già thì phải? Mà vai người già thì thường không phải là kép chính hay kép đẹp nhỉ?
- Tôi đóng vai ông già từ lúc còn trẻ vì... đầu tôi hói từ lúc đó, mà tôi thì không thích đội tóc giả (cái gì giả là tôi không thích). Tôi làm nghệ thuật không phải để đi tìm những điều làm mình nổi bật, đơn giản chỉ vì tôi yêu công việc này, yêu các nhân vật của tôi. Tôi luôn cho rằng là một diễn viên chuyên nghiệp thì không nên chọn vai, nhà hát giao vai gì nên nhận vai đó vì có cơ hội được làm nghề. Nếu ai cũng đòi đóng vai hay, vai chính, vai đẹp thì ai sẽ diễn vai dở, vai phụ, vai xấu? Tốt nhất là mình nhận vai dở và làm cho nó hay, nhận vai xấu và diễn sao cho khán giả thấy là nhân vật đang đẹp lên. Tôi đã đóng hơn 200 vai diễn trên sân khấu và hơn 500 tập phim truyền hình trong 28 năm qua, không thấy vai diễn nào là nhỏ cả.
* Vậy "ông già" nào đã để lại cho anh nhiều xúc cảm nhất?
- Ðó là đại tá Lukianov trong vở Ðêm họa mi. Ðó là một vai diễn có tính cách và nhân sinh quan phù hợp với những gì tôi nghĩ, tôi mong. Một nhân vật đẹp, sâu sắc, có lý tưởng chiến đấu, có sự lãng mạn và có cả những hi sinh cần thiết để cứu lấy niềm tin của một chiến sĩ trẻ trong sư đoàn. Nếu sống cho mình tôi chọn cách sống bản năng, nếu sống cho người khác thì nên biết hi sinh một chút. Còn nếu không sống được thì cũng nên biết nghĩ cho người khác. Tôi có nhiều xúc cảm nhất với vai này dù Lukianov không được nhiều khán giả thích và nhớ, còn những vai trong Lôi vũ hay Dạ cổ hoài lang thì nghiêng về những kỹ thuật biểu diễn trên sân khấu nhiều hơn.
* Cứ như anh bây giờ ở sân khấu 5B: chuyên nhận vai phụ để làm dàn bao đẩy các diễn viên trẻ lên trong những vai chính, đó có phải là cách sống hay nghĩ của một Luxianov thời nay không?
- Người trẻ bao giờ cũng thiếu kinh nghiệm và thừa bốc đồng, đôi khi sẽ dẫn đến những sai lầm và đổ vỡ niềm tin. Người chiến sĩ trẻ trong Ðêm họa mi cũng vậy, các em diễn viên trẻ bây giờ cũng vậy. Giá trị của niềm tin là rất lớn, tin vào khả năng của mình, tin vào con đường mình đi, tin vào thời đại mình sống... Tôi hay Lukianov đều mong muốn sẽ giúp họ níu giữ niềm tin của chính mình. Mình đóng vai phụ để đẩy các em trẻ lên, tạo cơ hội cho các em được làm nghề và rèn nghề một cách đàng hoàng.
* Nhưng diễn viên trẻ bây giờ có hiểu điều đó không? Thấy họ miệt mài chạy sô và không có nhiều thời gian để chăm chút cho vai diễn của mình dù đó là vai chính?
- Ðúng là bây giờ các em trẻ chạy sô nhiều quá. Lúc này muốn tập kịch toàn phải tập đêm vì ban ngày ai cũng bận đi đóng phim. Cũng không thể trách các em ấy được vì dù sao họ cũng phải đi kiếm tiền để sống. Mướt mồ hôi trên sàn tập vài tháng và trên sàn diễn 3 giờ mỗi đêm không bằng tiền kiếm được trong một phân đoạn phim truyền hình (mỗi ngày quay vài phân đoạn). Nhưng sân khấu là thánh đường của nghề diễn, là nơi anh trui rèn những kỹ thuật giọng nói, hình thể hay cách biểu cảm. Nếu không vững ở đó, anh khó lòng đạt được điều gì lớn lao trong nghề của mình.
Cười chỉ là một phương tiện của hài
* Nổi tiếng với vai trò của một diễn viên hài, anh nghĩ thế nào về hài kịch?
- Hài kịch khác với gây cười, chọc cười nhưng nhiều diễn viên hài lại không biết điều này. Có nhiều kiểu để chọc cười như kiểu gây hiểu lầm, kiểu trái khoáy, kiểu hình thể, kiểu kệch cỡm... nhưng đó chưa phải là hài. Hài kịch đích thực sâu hơn nhiều. Cười chỉ là một phương tiện của hài, giúp hài chuyển đi những cái bi muốn nói. Cười từ một cái bi nhiều suy tư vẫn tốt hơn kiểu cười cơ học rồi quên. Mà cũng chỉ có con người mới biết cười và hiểu là mình đang cười vì cái gì, vậy tại sao không làm cho những tiếng cười ấy thật sự có ý nghĩa. Tôi thích một câu của Mác: "Hài là cái xấu núp dưới cái đẹp, đội lốt cái đẹp, và bất ngờ bị cái đẹp phát hiện".
* Có phải vì vậy mà dù diễn hài nhiều nhưng gương mặt của anh lúc nào cũng buồn buồn?
- Cũng bởi tính tôi vốn hay buồn, hay lo, hay nghĩ ngợi, hay xúc động. Tôi hay lo vu vơ lắm, lo cho nghề, cho sức khỏe, lo cho con, thậm chí có hai vợ chồng hậu đài nghèo chuẩn bị sinh con tôi cũng thấy lo không biết sinh ra rồi nuôi thế nào...Từ cái lo dẫn đến cái buồn. Chẳng hạn trời mưa không đi đâu được là tự nhiên ngồi buồn. Ngày xưa tôi đọc nhiều sách kiểu Thép đã tôi thế đấy, Ruồi trâu, Hãy để ngày ấy lụi tàn... thấy hay vô cùng. Bây giờ có mấy cuốn sách đọc nửa chừng tôi quăng vì thất vọng. Ðấy, nhiêu đó cũng đủ buồn rồi!
* Vậy có điều gì khiến anh vui không, cuộc sống cũng có vài điều đáng để vui mà?
- Thật ra tôi sống độc thân nên cũng đơn giản. Tôi ở trọ trong một căn phòng khách sạn nhỏ đã hơn sáu năm nay, quần áo cứ để trong bọc, quanh năm ăn cơm tiệm, đi diễn về uống vài chai bia với bạn bè, mỗi tuần đi đá banh với hội cầu thủ già. Bao nhiêu buồn vui cũng gom lại nhiêu đó. Niềm vui lớn nhất của tôi bây giờ là mỗi lần gặp lại con gái thấy con trưởng thành hơn lần trước (con gái NSƯT Việt Anh đang định cư tại Úc - PV). Con gái là một cuộc đời nối dài, buộc tôi phải sống ý thức hơn, như bớt nhậu, chăm tập thể dục, ăn uống cẩn thận. Con cũng hay xem tôi diễn, vai nào hay nó khen, vai nào dở thì nó im, chắc nó nịnh ba. Bây giờ con gái 13 tuổi, sắp dậy thì rồi, tôi dự định nói với con nhiều điều khi gặp nó.
Tôi thích Cù nèo vàng Ở hạng mục diễn viên của giải Cù nèo vàng 2011, có đến 9/11 nhà báo đã bỏ phiếu bầu chọn NSƯT Việt Anh với vai Tư Liều trong vở Tốt xấu giả thật, dù vở diễn này chỉ vừa mới ra mắt ở sân khấu 5B chưa bao lâu. Sự xuất hiện của Việt Anh làm khán giả tin rằng đó chính xác là Tư Liều, với cái vẻ mặt và nét diễn quạu quạu nhưng lại tội tội ấy. Về giải thưởng vừa nhận, Việt Anh bình luận: "Từ lâu tôi đã mong mình sẽ được trao giải thưởng này, tôi thấy vinh dự vì Cù nèo vàng mỗi năm chỉ trao cho ba người ở ba lĩnh vực khác nhau của hài kịch, rất giá trị. Tôi nhận ra giải thưởng này không vụ lợi mà toàn làm miễn phí cho khán giả, cũng không lấy thước đo trên số lượng phiếu bầu hay tin nhắn để kinh doanh, hút quảng cáo mà dựa trên sự bình chọn của những nhà báo uy tín chuyên theo dõi lĩnh vực sân khấu. Tôi thích Cù nèo vàng vì ở đó tôn vinh hài kịch đúng nghĩa chứ không chỉ là những tiếng cười".
|
Với vở diễn Ðám cưới thời @ do chính mình viết kịch bản, Hoàng Duẩn (Nhà hát Kịch TP) đã đoạt giải Cù nèo vàng 2011 ở hạng mục đạo diễn.
Duẩn là người lạ trong làng kịch thành phố. Rất đắt sô dựng và viết kịch bản cho các nhóm hài, các đài truyền hình, các sân khấu nhưng lại không chịu bung ra làm nghệ sĩ tự do mà vẫn chung thủy với biên chế nhà nước 20 năm nay. Khởi đầu là Ðoàn rối TP.HCM với vai trò vừa là diễn viên, đạo diễn, tổ chức biểu diễn.
Phóng to |
Đạo diễn Hoàng Duẩn (trái) và chủ tịch Hội Sân khấu TP.HCM Lê Duy Hạnh tại lễ trao giải Cù nèo vàng - Ảnh: THUẬN THẮNG |
Sau một thời gian "tả xung hữu đột" với kha khá huy chương vàng, bạc tại các kỳ liên hoan múa rối, năm 2002 Duẩn đầu quân về nhà hát kịch TP.HCM, cũng lại là một đoàn nhà nước. Anh tiếp tục gây dấu ấn ở đơn vị mới với một số vở như Chim nói tiếng người, Niềm tin bị đánh cắp, Lương duyên mùa xuân... Ðặc biệt là một loạt live show của nghệ sĩ Kiều Oanh mỗi khi tết đến xuân về. Duyên nợ với kịch con nít vẫn nối tiếp khi Duẩn lại được giao phụ trách chương trình Tiếng nói trẻ thơ của Hiệp hội Sân khấu quốc tế và Quỹ hỗ trợ hợp tác và phát triển quốc tế Thụy Ðiển (Sida). Trong đó vở Chuyện hai đứa trẻ được chọn thuyết trình tại Thụy Ðiển, Trung Quốc, Ấn Ðộ, Lào...
Từ môi trường này, Duẩn đã có cơ hội chu du mấy chục nước trên thế giới. Ði nhiều biết nhiều, cộng với tính hay lam hay làm, cái gì cũng muốn tìm hiểu, cũng muốn khám phá nên ngoại trừ hát bội, tới nay loại hình nào dường như Duẩn cũng "rớ" tay vô: dựng kịch bi, kịch hài, kịch xiếc, cải lương. Làm phim thì "kính thưa các thể loại" vị trí từ cascadeur, diễn viên, kịch vụ, trợ lý cho tới phó đạo diễn.
Viết cũng là một sở thích của Hoàng Duẩn. Khoảng năm 1995, 1996 khi đang còn là sinh viên, bức xúc trước những hiện tượng không được đẹp của những đám cưới trong thời hội nhập, anh viết kịch bản dài đầu tay Ðám cưới thời mở cửa, được HTV chọn thu và phát trong chương trình Trong nhà ngoài phố. Năm 2004, anh dựng lại trên sân khấu Nhà hát kịch thành phố với tên gọi mới Ðám cưới thời @. Ngay khi ra mắt đã trở thành vở cháy vé của sân khấu. Mới đây với những thông tin nóng hổi về biến tướng ngày càng xấu trong cung cách tổ chức đám cưới, Duẩn quyết định dựng lại Ðám cưới thời @. Anh đẩy vào đó những sự kiện mà nhắc đến ai cũng biết là ai: chuyện con gà tức nhau tiếng gáy, đám cưới con ông này phải rùm beng, xa xỉ hơn con ông kia, chuyện thiệp cưới in đậm... "Ấp phó kính mời"... đều là chuyện của đời sống hôm nay.
Hoàng Duẩn thường xuyên đọc báo, nhất là nhật báo, anh thuộc làu làu mục "Bút bi" của báo Tuổi Trẻ. Hôm nào bận quá thì vợ sẽ đọc và... tường thuật lại cho anh. Cập nhật tin tức hằng ngày nên tác phẩm anh viết thường nóng "phỏng tay". Trước thực trạng đẻ thuê rần rần, Duẩn cho ra đời kịch bản Ðẻ mướn (sau đó được dựng thành phim điện ảnh), nạn ca sĩ hát nhép được anh đưa vào Thần tượng - tượng thần, Nữ tỉ phú tìm cha cũng ra đời từ câu chuyện đang nóng bỏng lúc ấy...
Chính vì thích làm những gì mang tính thời sự nên cuối năm luôn là dịp để Duẩn được làm...báo kịch, báo hình! Khoảng ba năm nay, Duẩn rất được các đài ưu ái mời viết và dựng kịch Táo quân. Gì chứ viết kịch bản Táo quân là Duẩn viết nhanh lắm, chỉ trong độ một đến hai đêm là có thể hoàn thành vì anh "ngấm" mọi sự kiện cả năm rồi, có bức xúc hay nguyện vọng gì ở góc độ "phó thường dân" thì cứ rung đùi rinh hết vào kịch bản!
Tác giả Mỹ Dung: Kế toán trưởng... viết kịch
Giải thưởng Cù nèo vàng 2011 ở hạng mục tác giả được trao cho tác giả Mỹ Dung với kịch bảnTình yêu chạy trốn (đạo diễn Hữu Châu, sân khấu Idecaf).
Phóng to |
Ảnh: THUẬN THẮNG |
Gọi điện cho Mỹ Dung, nghe giọng chị sảng khoái bảo mình "sắp uống bia". Nghệ sĩ Hữu Châu cũng "bật mí": "Tôi và Mỹ Dung hay uống bia và bàn kịch bản với nhau vui lắm". Nhiều người từng cộng tác với Mỹ Dung đều có chung nhận xét: ẩn trong vẻ ngoài mỏng manh của một cây bút nữ là một tính cách mạnh mẽ và phóng khoáng như đàn ông.
Xuất thân là kế toán trưởng của một nhà văn hóa thiếu nhi quận, những năm 1990 do tài chính của nhà thiếu nhi lúc đó không đủ để trả tiền kịch bản cho tác giả, mà có xin được cũng rất cực..., thế là Mỹ Dung làm liều tự mình thử sức viết kịch bản cho các em thiếu nhi để khỏi phải tốn tiền. Vậy là có kịch bản đầu tiên: Những chiếc thuyền bằng giấy. Làm thử mà thành công thật, kịch bản này sau đó đã được rất nhiều nhà văn hóa quận xin dựng. Ðược thể, Mỹ Dung "thử" thêm lần nữa với vở Cánh diều huyền thoại, và lại thành công. Vậy nên đến năm 1993 chị được thủ trưởng cử đi học một khóa về kỹ năng viết kịch.
Kịch bản Cánh diều huyền thoại sau đó được chị chuyển thể sang phim với tựa Cánh chim mặt trời (đoạt giải B của Cục Ðiện ảnh VN năm 1995). Từ đó, Mỹ Dung cứ thế vừa làm kế toán vừa viết kịch - hai công việc gần như chẳng có gì liên quan hay bổ trợ cho nhau. Vậy mà cũng đều đều cho ra 59 kịch bản với nhiều thể loại và đề tài khác nhau, trong đó có những kịch bản được yêu thích: Con Tám, con Cấm; Trần gian phải có tình yêu, Vùng đất cấm, Nữ hoàng ngang ngược, Hồn Trương Phi da Hàn Tỉ... Hiện trong ngăn kéo của chị còn bốn kịch bản sẽ được các đoàn kịch ở TP.HCM và Quảng Ninh dàn dựng trong năm 2012.
Tình yêu chạy trốn là vở hài kịch dễ thương về tình yêu, nơi có những mối tình trong sáng và chung thủy, vượt qua nghịch cảnh chia cắt bằng sự lạc quan, niềm tin son sắt, bằng tiếng cười rạng rỡ. Ðoạt giải Cù nèo vàng 2011 với kịch bản này, Mỹ Dung cho biết mình rất vui và xúc động. Nhưng nếu năm sau có được chọn nữa, chị sẽ gợi ý cho ban giám khảo nhiều cái tên tác giả trẻ có vở rất hay...
Sôi nổi nhất là khu vực diễn ra lớp học cấp tốc Phát hiện năng khiếu hài với nhiều phần thi vui nhộn: thi hát, thi diễn tiểu phẩm hài, thi kể chuyện cười...
Phóng toBạn đọc tham gia trò chơi Phát hiện năng khiếu hài
Như mọi năm, khu vực Truyền thần sao y bổn chánh lúc nào cũng nhộn nhịp nhất khi có rất đông bạn đọc đứng xếp hàng chờ tới lượt mình được các họa sĩ biếm của báo Tuổi Trẻ Cười vẽ tặng chân dung. Ai cũng cười vui vẻ và bất ngờ khi nhận được bức chân dung của mình từ tay các họa sĩ.
Phóng toĐộc giả nhí thích thú với ký họa biếm
Phóng toĐộc giả Nguyễn Thị Dung cười hết cỡ với bức hí họa của mình do các họa sĩ của Tuổi Trẻ Cười vẽ tặng
Từ 20g, lễ công bố và trao giải Cù nèo vàng 2011 chính thức diễn ra tại khu vực sân khấu chính của CLB Lan Anh. Tiểu phẩm Bõm Bủng Bùm với các chủ đề: "đinh tặc", môi trường, an toàn thực phẩm, ăn chơi sa đọa, đánh bạc... đã mở đầu chương trình. Phần công bố tên ba nghệ sĩ đoạt giải được thực hiện trang trọng nhưng không kém phần hài hước đúng với tiêu chí của báo Tuổi Trẻ Cười.
Kết quả Cù nèo vàng 2011: tác giả Mỹ Dung với kịch bản Tình yêu chạy trốn, đạo diễn Hoàng Duẩn với vở Ðám cười thời @ và NSƯT Việt Anh với vai Tư Liều trong vở Tốt xấu giả thật. Chương trình trao giải và biểu diễn những trích đoạn hài hước đã mang lại những tiếng cười sảng khoái cho khán giả.
Phóng toKhông thể nhịn cười khi theo dõi những tiểu phẩm hài tại lễ trao giải Cù nèo vàng 2011 - Ảnh: THUẬN THẮNG
Tin, bài liên quan:
Vinh danh những nụ cười vàngNhững ứng cử viên của Cù nèo vàng 2011Lễ trao giải Cù nèo vàng 2010: Rộn ràng và vui nhộn Cù nèo vàng 2010Cười hả hê với Cù nèo vàng 2009Lễ trao giải Cù nèo vàng 2008: Vui nhộn và hoành trángBa gương mặt Cù nèo vàng 2008Tưng bừng đêm trao giải Cù nèo vàng 2007Ấm cúng đêm trao giải Cù nèo vàng 2006
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận