Phóng to |
Lực lượng hùng hậu phối hợp với dàn trống và đàn đôi lúc làm nền cho câu chuyện trong vở Trở về miền nhớ thăng hoa, nhưng có khi lại là "thủ phạm" khiếm cảm xúc người xem bị... nghẽn mạch - Ảnh: T.T.D. |
Cùng nhìn lại hội diễn để những giá trị của cải lương được ghi nhận đúng nghĩa hơn trong những mùa tôn vinh sau, để cải lương tiếp tục nhận được nhiều tâm huyết của người làm nghề, Tuổi Trẻ đã có cuộc trao đổi với NSND Huỳnh Nga, NSƯT Trần Ngọc Giàu và NSƯT Thanh Hải - những nghệ sĩ đã theo sát hội diễn:
Có thể tin tưởng vào lớp kế cận
* Thưa ông, ông nhận thấy hội diễn sân khấu cải lương chuyên nghiệp toàn quốc lần này có gì mới?
- Nhiều cái mới chứ. Về đề tài, dù lần này có khá nhiều đề tài lịch sử nhưng cách khai thác đa dạng, nhiều vấn đề được lý giải theo cái nhìn mới, cách dàn dựng cũng có tìm tòi. Trước nay người ta hay sợ cải lương đề tài lịch sử thường đao to búa lớn dẫn đến ảnh hưởng cách diễn xuất của diễn viên là gào thét, ồn ào. Giờ các đạo diễn đã biết xử lý một cách dung dị, diễn xuất của diễn viên cũng êm ái hơn nên dễ đi vào lòng người.
Có những đạo diễn trẻ tôi rất thích như Hoàng Quỳnh Mai (vở Trọn đời trung hiếu với Thăng Long), Nguyên Ðạt (Bến nước Ngũ Bồ), Triệu Trung Kiên cũng là một người trẻ nhưng có cách viết rất già dặn, thâm trầm... Về diễn viên, mỗi đoàn đều nổi trội lên một, hai người trẻ có khả năng ca diễn tốt. Với những nhân tố mới này, tôi nghĩ nếu họ giữ phong độ như những gì đã thể hiện trong hội diễn và được tạo điều kiện làm nghề tốt thì cải lương hoàn toàn có thể tin tưởng vào lớp kế cận.
Phóng to |
NSND Huỳnh Nga - Ảnh: T.T.D. |
- Tôi cũng nghe mấy em, cháu phàn nàn. Cũng tội nghiệp cho một số em. Giá như trong hội đồng giám khảo có một người từng xông pha dàn dựng, nắm rõ về lĩnh vực cải lương như đạo diễn Trần Ngọc Giàu chẳng hạn thì có thể đánh giá sẽ xác đáng hơn. Như nghệ sĩ hài Thanh Nam của đoàn cải lương nhân dân Kiên Giang (vở Sắc tứ Tam Bảo tự - NV) không có tấm huy chương nào là một thiệt thòi...
* Nhiều người thắc mắc không thấy tên ông trong danh sách ban giám khảo (BGK)?
- Họ không mời tôi. Có lẽ họ sợ tôi tuổi cao sức yếu không làm nổi. Nhưng giả dụ họ có mời nhưng với thành phần BGK trong hội diễn vừa rồi, có lẽ tôi phải suy nghĩ lại. Trong những lần chấm thi trước đây, tôi được làm việc với những người thật sự hiểu nghề nên an tâm lắm vì dễ trao đổi và thống nhất với nhau.
Tôi không dám nói BGK không có khả năng, nhưng cải lương là loại hình rất khó đánh giá chính xác. Không thể chỉ đánh giá những cái tức thời trên sàn diễn mà cần phải có người am hiểu nhìn thấy được nội lực, biết được thực chất khả năng làm nghề. Trong BGK nếu bổ sung thêm nhạc sĩ Thanh Hải thì có lẽ tốt hơn...
* Cá nhân ông đánh giá như thế nào về các vở đoạt huy chương vàng?
- Tôi thích Trọn đời trung hiếu với Thăng Long vì cách dựng tốt, hấp dẫn. Trở về miền nhớ tôi không xem trọn vẹn nên không đánh giá. Còn Dời đô cũng khá nhưng chủ yếu là xử lý mảng miếng và xử lý cảnh trí biểu diễn quá nhiều. Tiếc là Mẹ của chúng con không đoạt giải vàng.
Công chúng công nhận mới là giá trị vĩnh cửu
* Nhiều người cho rằng đây là một hội diễn không thành công vì để xảy ra quá nhiều bức xúc...
- Ðó là cái nhìn phiến diện. Có thể có chuyện này chuyện nọ nhưng một hội diễn mà tập hợp được hết các đoàn cải lương từ Bắc chí Nam và biểu diễn cũng đâu ra đó, tạo được nhiều tiếng vang thì không thể nói là thất bại. Có thể có những đoàn hoặc nghệ sĩ bức xúc vì kết quả nhưng cũng đừng cay cú quá.
BGK không công nhận mình thì tự mình phải làm cho khán giả, người làm nghề công nhận bằng cách xốc lại đội hình, chăm chút kỹ lưỡng hơn và lưu diễn nhiều nơi để khẳng định khả năng. Công chúng công nhận mới là giá trị vĩnh cửu và các bạn cũng góp phần phát triển cải lương.
* Thưa ông, liệu hội diễn lần này có đóng góp gì cho sự phát triển của cải lương thời gian tới?
- Những vở diễn trình làng lần này không chỉ cho người làm nghề coi mà còn đo được sự quan tâm của công chúng. Nhiều tác giả và đạo diễn cũng đã rút ra kinh nghiệm làm như thế nào để cải lương hấp dẫn hơn và thu hút khán giả. Lâu nay có một số người quan niệm hiện đại hóa cải lương là dung nạp đủ thứ vào, nhưng đó chỉ là sự lợi dụng dung nạp để đổ lung tung thứ hổ lốn vào khiến cải lương biến dạng.
Từ hội diễn này có thể rút ra rằng: đừng làm cải lương khác đi mà hãy lý giải những vấn đề trong vở diễn với tiết tấu gần gũi cuộc sống hiện đại. Chỉ đơn giản như vậy thôi là cải lương có thể tiếp cận hơi thở thời đại rồi!
NSƯT Thanh Hải: Hội diễn lần sau phải chuyên nghiệp hơn Tôi đã tham gia bốn lần hội diễn sân khấu cải lương chuyên nghiệp toàn quốc, từ năm 1996 đến nay, từng ngồi ở vị trí giám khảo. Tôi biết nếu so sánh thì hơi khập khiễng, nhưng có cảm giác như càng về sau hội diễn càng... ít chuyên nghiệp đi, dù hai chữ ấy vẫn nằm trang trọng trong cái tên của sự kiện này. Trong hội diễn lần này sự không chuyên nghiệp ấy thể hiện rõ ở nhiều mặt: công tác chỉ đạo, tổ chức, việc chấm giải, lễ trao giải... Trước hội diễn, tôi để ý thấy nghệ sĩ gặp nhau ai cũng háo hức, mong chờ ngày được thi thố, thể hiện tài năng của mình sau năm năm lao động nghệ thuật. Sau hội diễn, những chuyện lùm xùm trong công tác tổ chức, giải thưởng được trao không thỏa đáng, đúng người, đúng vở, lễ trao giải lôi thôi... đã ảnh hưởng rất nhiều đến tâm trạng của anh em. Họ buồn, thất vọng và bức xúc nhiều lắm. Có người đòi bỏ nghề, có người bảo lần sau sẽ không bao giờ tham gia nữa. Tôi nghĩ thế này, mình làm nghề là làm cả đời chứ không phải chỉ qua một mùa hội diễn rồi thôi. Qua những ngày thi thố, những tài năng, cố gắng, cống hiến của từng đơn vị đã thể hiện rõ ràng, có khán giả và đồng nghiệp đánh giá, nhìn nhận. Họ là những vị giám khảo công tâm nhất, chính xác nhất. Đó là điều quan trọng nhất. Còn chuyện mang tâm lý bi quan, tẩy chay những hội diễn lần sau tôi cho rằng không nên. Hội diễn chuyên nghiệp toàn quốc vẫn rất cần thiết cho sự phát triển của cải lương. Đó là dịp để mọi người gặp nhau, để biết người biết ta, báo cáo cho nhau những thành quả đã làm được, hình thành nên một bức tranh tổng hợp về cải lương trong giai đoạn đó. Sau mỗi mùa hội diễn, những bài học kinh nghiệm, những ngón nghề hay sẽ được rút ra, lưu giữ, truyền bá... Vì vậy hãy bàn xem nên làm thế nào để hội diễn lần sau tốt hơn. Ban tổ chức phải tính toán thật kỹ, tránh những sơ sót không đáng có như trong buổi trao giải vừa rồi. Đặc biệt ban giám khảo phải là những người thật sự am hiểu cải lương một cách chuyên nghiệp, chứ không chỉ biết nghe vọng cổ là đủ. Họ có quyền cảm nhận khác nhau, nhưng không được cảm nhận sai, hoặc cố biện minh cho những điều đã rành rành, chẳng hạn như ca trật nhịp, đâm hơi mà vẫn được giải thì giải thưởng đó không có giá trị nào cả. Hội diễn lần sau cũng nên khôi phục giải thưởng dành cho ban nhạc cổ vì đó là hơi thở, là xương sống của cải lương, không thể phủ nhận. H.OANH ghi Đạo diễn - NSƯT Trần Ngọc Giàu: Sự thiếu chính xác gây mất niềm tin Kết quả hội diễn vừa qua cho thấy nhiều người làm nghề có thực lực nhưng bị bỏ sót, không được vinh danh. Chẳng hạn như giải cá nhân vẫn còn những điều không hợp lý. Có giám khảo lý giải việc một cô đào ca rớt nhịp, đâm hơi mà vẫn đoạt giải vàng bởi có sự châm chước vì nhìn tổng thể vai diễn của cô ấy tốt. Nhưng sự châm chước ấy lại không đồng đều, châm chước người này nhưng lại không châm chước người kia? Sự đánh giá chông chênh ấy cũng có nhiều lý do, nhưng có một điều tôi nhận thấy thành phần ban giám khảo còn nhiều vị lớn tuổi. Với tuổi tác như thế mà phải làm việc liên tục cả nửa tháng trời tránh sao khỏi sai sót, thiếu chính xác. Tôi mong rằng ở hội diễn lần sau chúng ta cần chú ý hơn về vấn đề này, bởi sự thiếu chính xác sẽ gây hệ lụy làm mất niềm tin trong giới làm nghề. Nhiều người tuyên bố sẽ không tham gia hội diễn lần sau, họ nói có cảm giác hội diễn tổ chức cho có và chỉ để vinh danh một số người! |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận