15/03/2019 15:35 GMT+7

Nốt ruồi ở mi mắt

Nguồn: Bệnh viện Mắt Sài Gòn
Nguồn: Bệnh viện Mắt Sài Gòn

Nốt ruồi ở mi mắt là nốt ruồi có thể mọc ở ngay vùng bờ mi, ở da mi nhưng hiếm khi ở kết mạc mi.

Nốt ruồi ở mi mắt - Ảnh 1.

Ảnh minh họa. Nguồn: cellcode.us

Nốt ruồi ở mi mắt là gì?

Nốt ruồi là một u mô thừa bẩm sinh xuất phát từ lá thai ngoài trong quá trình phát triển của bào thai. Nốt ruồi có thể xuất hiện ở mọi vùng da, niêm mạc, mắt và nhiều nơi khác của cơ thể. Những đặc điểm của nốt ruồi về màu sắc, kích thước là dấu hiệu để nhận biết đó là biểu hiện bình thường hay tình trạng nguy hiểm của sức khỏe.

Nốt ruồi có thể ở mi mắt, kết mạc, thậm chí ở sâu trong mắt như mống mắt, thể mi,… Các nốt ruồi có thể nhìn thấy được ngay sau khi sinh nhưng cũng rất nhiều nốt ruồi nhỏ và chứa ít hắc tố nên không nhìn thấy được. Đến một giai đoạn nào đó trong cuộc đời như tuổi dậy thì có thể nhìn thấy vì nốt ruồi to lên và sản xuất ra nhiều hắc tố.

Nốt ruồi ở mi mắt là nốt ruồi có thể mọc ở ngay vùng bờ mi, ở da mi nhưng hiếm khi ở kết mạc mi (mặt trong mi) và thường biểu hiện như một nốt phẳng hoặc gồ lên, màu nâu đen, ranh giới khá rõ, có thể có lông mọc kèm theo (thường là lành tính).

Theo dõi, xử trí nốt ruồi ở mi mắt:

Đa số nốt ruồi ở mi mắt là lành tính nên không cần điều trị. Tuy nhiên, người có biểu hiện nốt ruồi ở mi mắt cần chụp ảnh nốt ruồi ngay từ đầu và khám lại thường kỳ 6 - 12 tháng/ lần. Đặc biệt không được tự động cậy, nạo hay đánh tẩy nốt ruồi bằng vôi, axit, pin đèn, đắp lá,… Vì mục đích thẩm mỹ, có thể lấy bỏ hay xóa đi nốt ruồi bằng nhiều cách như đốt bằng dao điện cao tần, laser CO2 hay cắt bỏ giống như một khối u thông thường.

Nốt ruồi ở mi mắt nếu biến đổi thành u hắc tố ác tính - một loại ung thư khá nguy hiểm với tỷ lệ di căn cao. Do vậy, khi nốt ruồi có những biến đổi nghi ngờ ác tính hóa như to nhanh trong vòng vài tuần đến 1 - 2 tháng, đang từ màu nâu đồng trở nên đa sắc, ngứa, loét, sùi loét, đường viền không đều và không rõ thì nên cắt bỏ ngay và làm xét nghiệm mô bệnh học.

Cẩn trọng với nốt ruồi phát triển nhanh:

Hầu hết các nốt ruồi là lành tính, nhất là nốt ruồi có lông. Theo thống kê của các nhà y học thì 99,9% là lành tính. Với bệnh lý u mạch, dưới dạng còn gọi là nốt ruồi son, là bệnh lý liên quan tới sự loạn sản của mạch máu, thường là bệnh bẩm sinh, do tăng sản các mao mạch ở bì và hạ bì, mang tính chất dị dạng nhưng thường là lành tính.

Nốt ruồi đôi khi là biểu hiện của một bệnh ung thư, khối u ác tính. Bác sĩ khuyến cáo khi thấy da nổi u, cục nhìn như nốt ruồi hoặc xuất hiện các mảng da bất thường, có dấu hiệu lan ra, phát triển theo thời gian, sờ thấy cứng, rát cần nghĩ đến ung thư và đi kiểm tra càng sớm càng tốt.

Ung thư từ nốt ruồi thường bắt đầu từ u kích thước nhỏ, không ngứa, không đau nên người ta ít để ý, tuy nhiên thực tế trong quá trình phát triển, loại u này có thể gây viêm nhiễm, loét, hoại tử, phá hủy tổ chức tại chỗ. Trường hợp biến chứng nặng, u này có thể "ăn" mất ngón tay, chân, miệng, mắt, mũi,… tùy vào vị trí khối u.

Có thể xác định nốt ruồi ung thư bằng mắt thường thông qua các dấu hiệu:

Tính đối xứng: Nốt ruồi lành tính có 2 nửa đối xứng. Nốt ruồi hoặc tàn nhang có hình dạng không đối xứng cần đi kiểm tra và đối chiếu.

Đường viền: Nếu đường viền ngoài của nốt ruồi bị mờ, không rõ nét đường biên giữa da và nốt ruồi, trông khác thường với các nốt ruồi khác thì đó cũng có thể là cảnh báo ung thư. Các thương tổn của khối u ác tính thường là nguyên nhân làm mờ các đường biên của nốt ruồi lạ trên da.

Màu sắc: Nốt ruồi dù bất kể màu gì như nâu, đen, xanh, trắng hay đỏ đều đáng nghi ngờ. Nốt ruồi thường có màu tương đồng trên da. Tuy nhiên, nốt ruồi xuất hiện với chỗ đậm, chỗ nhạt thì nguy cơ ung thư rất cao.

Đường kính: Một điểm đáng ngờ khi quan sát các nốt lạ trên da là đường kính của chúng lớn hơn hẳn các nốt ruồi thông thường, nốt ruồi thường chỉ nhỏ hơn 0,6cm.

Khi xuất hiện nốt ruồi ở mi mắt, đột ngột to nhanh, ngứa, có màu sắc lạ hoặc thay đổi màu sắc, bị loét rỉ máu, trường hợp này thường là biểu hiện của một loại ung thư mi mắt dạng ung thư biểu mô tuyến bã, triệu chứng của bệnh tồn tại dai dẳng, nhiều lần tái phát hoặc xuất hiện cục làm mặt trong của mi (kết mạc mi) bị loét.


Nguồn: Bệnh viện Mắt Sài Gòn
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên