21/07/2024 09:54 GMT+7

Nốt loét ở da không đau, không ngứa cẩn thận sốt mò, chớ chủ quan

Dấu hiệu đặc trưng về bệnh sốt mò là nốt loét hình tròn hoặc bầu dục ở vùng da mềm, ẩm, như bộ phận sinh dục, hậu môn, bẹn, vết loét không gây đau, không ngứa.

Vết loét ngoài da là dấu hiệu đặc hiệu của bệnh sốt mò - Ảnh minh họa

Vết loét ngoài da là dấu hiệu đặc hiệu của bệnh sốt mò - Ảnh minh họa

Bệnh nhân H.T.T. (68 tuổi, trú Cẩm Khê, Phú Thọ) vào Trung tâm Y tế Cẩm Khê điều trị lúc 5h sáng ngày 17-7 sau 4 ngày sốt cao liên tục.

Thời điểm nhập viện bệnh nhân sốt 38,3 độ C, mệt mỏi, đau đầu, đau người, khát nước nhiều, hạch vùng bẹn đau, trên da vùng bẹn phải có nốt loét đặc trưng kích thước 3x4mm.

Sau khi thăm khám và làm các xét nghiệm cần thiết, bệnh nhân được chẩn đoán sốt mò, chỉ định bù dịch, kháng sinh, hạ sốt, nâng cao thể trạng. Sau một ngày điều trị bệnh nhân còn sốt nhẹ, tiếp tục được theo dõi và điều trị tại khoa nội tổng hợp.

Bác sĩ Nguyễn Đức Thượng, khoa nội tổng hợp, Trung tâm Y tế Cẩm Khê, cho biết sốt mò là bệnh lý do ấu trùng mò đốt gây ra, bệnh gây các triệu chứng như: sốt liên tục ≥38 - 40 độ C, nếu không điều trị có thể kéo dài 15-20 ngày, trong khoảng 1-2 ngày đầu thường có biểu hiện sốt rét run, kèm theo đau đầu, đau mỏi cơ.

Bệnh nhân có nốt loét đặc trưng của sốt mò: thường chỉ có một nốt loét hình tròn hoặc bầu dục ở vùng da mềm, ẩm, như bộ phận sinh dục, hậu môn, bẹn, nách, cổ, vết loét không gây đau, không ngứa; có tới 65 - 80% các trường hợp sốt mò có nốt loét này.

Hạch và ban dát sẩn: Hạch gần khu vực nốt loét thường hơi sưng và đau, không đỏ, xuất hiện cùng với triệu chứng sốt hoặc sau sốt 2 - 3 ngày, đây là dấu hiệu để bác sĩ tìm nốt loét. Sau 1 tuần có thể xuất hiện các ban dát sẩn toàn thân.

Biến chứng nguy hiểm

Theo TS Nguyễn Đăng Mạnh - viện trưởng Viện truyền nhiễm, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, biến chứng của sốt mò rất nguy hiểm kéo theo tổn thương đa tạng như: viêm cơ tim, trụy tim mạch; đông máu nội mạc rải rác; viêm phổi nặng, suy hô hấp; viêm não và màng não; suy gan cấp, tăng men gan; sốc nhiễm khuẩn; suy thận; xuất huyết nội tạng.

"Đây là căn bệnh truyền nhiễm cấp tính, để phòng bệnh hiệu quả là không để ấu trùng mò cắn đốt bằng cách phát quang bụi rậm, diệt ổ dịch, bôi thuốc diệt côn trùng, giữ gìn vệ sinh nhà cửa, giặt quần áo sau 1 lần sử dụng. Nơi ở gần nhiều lùm cây, sông, suối cần được che chắn cẩn thận, phun thuốc diệt côn trùng, vệ sinh sạch sẽ.

Đặc biệt, không được tự ý điều trị bệnh tại nhà, không được chủ quan, nên đến ngay cơ sở khám chữa bệnh uy tín để được thăm khám và điều trị kịp thời, tránh các biến chứng nguy hiểm của bệnh sốt mò", bác sĩ Mạnh khuyến cáo.

Cứu sống một bé gái 3 tuổi nguy kịch vì bệnh sốt mòCứu sống một bé gái 3 tuổi nguy kịch vì bệnh sốt mò

Đây là ca bệnh sốt mò đầu tiên tại Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM. Bệnh sốt mò diễn tiến từ nhẹ đến nặng, có thể gây biến chứng và tử vong.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên