13/01/2009 08:43 GMT+7

Nông dân ở Vĩnh Phúc phải đổ bỏ sữa tươi: Xoay xở tìm đầu ra

Đ.H.LỰC - L.ANH - N.HÀ
Đ.H.LỰC - L.ANH - N.HÀ

TT - Đến chiều tối 12-1, đại diện Công ty cổ phần Sữa Hà Nội (Hanoimilk) chính thức xác nhận sẽ tăng sản lượng thu mua sữa tươi bằng khoảng 30% so với hợp đồng đã ký. Tuy nhiên, câu chuyện giải quyết đầu ra cho nhiều hộ chăn nuôi bò sữa tại tỉnh Vĩnh Phúc, và các tỉnh phía Bắc vẫn đang là câu hỏi lớn.

cnNmWL20.jpgPhóng to
Nhiều nông dân nuôi bò sữa tại tỉnh Vĩnh Phúc lo âu vì đầu ra của sữa tươi đang bị thu hẹp - Ảnh: Đ.H.L.

Trước đó, vì không bán được sữa, nhiều hộ dân ở Vĩnh Phúc đã phải đổ bỏ sữa tươi ra ao, ra đường.

Chỉ biết động viên nông dân

Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Vĩnh Phúc, hiện Vĩnh Phúc có khoảng 500 con bò sữa, mỗi ngày cho 7-8 tấn sữa.

Cả tỉnh hiện có năm trạm thu mua sữa cho bà con chăn nuôi bò sữa, trong đó có ba điểm bán cho Công ty cổ phần Sữa Hà Nội và hai điểm bán cho Công ty cổ phần sữa Quốc tế. Số sữa bị đổ chủ yếu tập trung vào các điểm thu gom cho Công ty cổ phần Sữa Hà Nội.

Tiếp xúc với chúng tôi chiều 12-1, anh Trần Văn Dũng - chủ một trang trại chăn nuôi bò sữa và thu mua sữa bò tươi tại xã Trung Nguyên, Yên Lạc (Vĩnh Phúc) - cho biết: “Hôm qua, tôi đã phải đổ đi 7 tấn sữa xuống hầm biogas, do hầm chứa không xuể tôi đành phải đổ xuống ao!”.

Anh Dũng cho hay từ trước đến nay nhà anh chỉ bán sữa cho Hanoimilk, nhưng gần đây công ty đã phải cắt giảm sản lượng sữa thu mua khiến lượng sữa trong kho tính đến ngày 10-1 là 7 tấn. “Để lâu quá thì hỏng, cho hàng xóm cũng không ai dám uống nên chúng tôi đành mở kho chứa đổ sữa đi” - anh Dũng giọng buồn rầu.

Tương tự, chị Nguyệt - chủ hộ chăn nuôi ở xã Trung Nguyên - lo lắng: “Không chỉ đem sữa đổ đi, tôi còn phải “cai sữa” cho bò bằng cách giảm bớt khẩu phần ăn”.

Theo ông Đỗ Như Bể - chủ tịch UBND xã Trung Nguyên, việc đổ sữa của nông dân nuôi bò ở xã Trung Nguyên xảy ra từ tháng 9-2008. Nhiều gia đình đã phải bán bò sữa với giá bò thịt. “Chúng tôi chỉ biết động viên nông dân chứ chẳng có giải pháp gì khác, xã đã làm công văn đề nghị lên trên quan tâm giải quyết”- ông Bể nói.

Đã có 15 tấn sữa phải đổ bỏ

Trao đổi với Tuổi Trẻ chiều 12-1, ông Trần Đăng Tuấn - tổng giám đốc Hanoimilk - cho biết trước tình trạng nông dân Vĩnh Phúc đổ sữa bò hàng loạt ra đường, ngày 12-1 công ty quyết định nâng sản lượng thu mua sữa bò của nông dân lên 30% so với hợp đồng đã ký.

Thông tin trên cũng được một số trạm thu mua và nhiều hộ chăn nuôi bò sữa Vĩnh Phúc xác nhận. Theo anh Trần Văn Dũng, chỉ riêng điểm thu mua của nhà anh, công ty đã quyết định nâng mức mua số sữa từ 1.250kg lên 2.200kg.

Trong khi đó, đại diện Bộ Y tế cho biết hiện bộ vẫn chưa có phương án cuối cùng trong việc xử lý vụ kiện của bà con nông dân ở Vĩnh Phúc. “Đây là một việc khó, vì phải xử lý một vấn đề có quá nhiều bên liên quan: người nông dân, doanh nghiệp, người tiêu dùng...”- vị đại diện này nhận định.

Tuy nhiên, một trong những phương án khả thi nhất mà Bộ Y tế đề cập là sẽ hỗ trợ người dân nuôi bò sữa bằng thông tin nhằm quảng bá chất lượng sản phẩm sữa bò tươi VN và về kỹ thuật kiểm nghiệm nhằm thúc đẩy tiêu dùng sữa. Bộ Y tế cũng cho rằng sẽ thúc đẩy một chương trình lớn nhằm tăng cường sử dụng sữa là chương trình “sữa học đường”. Tại các vùng sữa nguyên liệu ở phía Bắc, chủ trạm thu mua sữa Vũ Văn Thực ở Phù Đổng, Gia Lâm (Hà Nội) cho biết hiện cứ thứ bảy, chủ nhật là công ty sản xuất phômai mà anh đang tạm bán sữa nghỉ làm việc nên lượng sữa gom của bà con bị ế. Ba tháng nay cũng chưa có nhà máy sữa nào ký hợp đồng mua sữa của trạm thu gom này (khoảng 5 tấn/ngày) mà chỉ mới hứa hẹn.

Tại vùng nguyên liệu Yên Lạc và Vĩnh Tường (tỉnh Vĩnh Phúc), đại diện Hanoimilk và Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn) đã về khảo sát, xác nhận thiệt hại của bà con, trong đó riêng từ 1-1-2009 đến nay đã có 15 tấn sữa tươi phải đổ đi.

Tuy nhiên, ông Trần Đăng Tuấn cho biết Hanoimilk không có kế hoạch kiện Bộ Y tế như báo chí đăng tải vài ngày qua. Việc phát ngôn kiện tụng chỉ là ý kiến cá nhân của một số cán bộ lãnh đạo công ty. Ông Tuấn cũng cho rằng sẽ tiếp tục tăng lượng sữa thu mua, giữ nguồn nguyên liệu sữa tươi hiện có tại tám tỉnh miền Bắc.

Sẽ có phương án hỗ trợ tiêu thụ sữa tươi

Trao đổi với Tuổi Trẻ ngày 12-1, cục trưởng Cục Chăn nuôi Hoàng Kim Giao cho biết đã đề nghị Sở NN&PTNT Vĩnh Phúc cũng như doanh nghiệp thu mua sữa nhanh chóng giải quyết, hỗ trợ và thu mua hết lượng sữa tươi. Về phía Cục Chăn nuôi, ông Giao cho biết ngay tuần này, cục sẽ trình Bộ NN&PTNT phương án hỗ trợ nhằm tiêu thụ hết lượng sữa tươi.

Phương án có thể hỗ trợ trực tiếp bằng tiền cho nông dân nuôi bò sữa trên cơ sở số lượng sữa bán ra (hoặc hỗ trợ cho doanh nghiệp thu mua sữa), với mức 1.000 đồng/kg sữa (bán ra hoặc mua vào). Cục Chăn nuôi cũng kiến nghị hỗ trợ (dự kiến) 1-2 triệu đồng/con bê cái dưới 1 tuổi, nhằm duy trì và phát triển đàn bò sữa. Ngoài ra, Cục Chăn nuôi sẽ đề nghị hỗ trợ người chăn nuôi bò sữa bằng cách hoãn nợ, khoanh nợ hoặc ưu đãi vốn vay để duy trì đàn bò sữa…

Đ.Bình

____________________

Các tin, bài liên quan:

Người nuôi bò kiện Bộ Y tếNông dân nuôi bò kiện... hai BộBộ Y tế làm việc với người nuôi bò sữa Vĩnh PhúcNông dân đổ sữa bò tươi ra đườngGiải oan cho bò sữaVụ ế sữa ở Vĩnh Phúc: Tuần tới có thể được giải quyết

Đ.H.LỰC - L.ANH - N.HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên