Phóng to |
Một bệnh nhân bị đứt rời bàn tay được nối thành công do bảo quản tốt phần chi thể - Ảnh: N.Hà |
Thông tin trên được TS Lê Văn Đoàn, chủ nhiệm khoa phẫu thuật bàn tay và vi phẫu thuật - Viện Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Trung ương quân đội 108, cho biết.
Không ngâm trực tiếp vào đá lạnh
Tại Bệnh viện 108, kỹ thuật vi phẫu, sử dụng kính hiển vi có độ phóng đại nhiều lần đã giúp bác sĩ khâu nối chính xác các bó sợi thần kinh và nối được các mạch máu nhỏ trên dưới 1mm. Theo đó, trường hợp đứt rời ở vị trí bàn tay và ngón tay có thể “trồng” lại, khôi phục hình thức và chức năng các bộ phận này; bệnh nhân cầm, nắm được các vật dụng bình thường.
Tuy nhiên, những ca phẫu thuật này phụ thuộc rất nhiều vào công đoạn bảo quản phần chi thể đứt rời trước đó. Không ít bệnh nhân nhập viện được chỉ định phẫu thuật, nhưng vì đến muộn và không bảo quản, hoặc bảo quản không đúng cách nên đoạn đứt rời đã hỏng. Nhiều trường hợp chi thể bị đứt được gói bọc vội vàng, chuyển đến viện mà không hề bảo quản lạnh. Một số khác bảo quản lạnh nhưng lại để tiếp xúc trực tiếp với nước đá làm chi bị hoại tử do bỏng lạnh, phẫu thuật cũng không thành công.
Càng sớm càng tốt Việc “trồng” lại chi thể đứt rời nên thực hiện càng sớm càng tốt sau tai nạn. Người bệnh cần được đưa đến ngay các cơ sở y tế có triển khai kỹ thuật vi phẫu như Bệnh viện 108 (Hà Nội), Bệnh viện Việt - Đức (Hà Nội), Bệnh viện Trung ương Huế, Bệnh viện Chấn thương - chỉnh hình TP.HCM để phẫu thuật kịp thời. |
Theo TS Đoàn, ở nhiệt độ môi trường 25-30độC, thời gian có thể cứu sống được chi thể đứt rời là sau 6-8 giờ, nhưng nếu bảo quản ở nhiệt độ 4-5độC thời gian sống của tế bào sẽ kéo dài hơn gấp đôi, gấp ba. Điều kiện lý tưởng này hoàn toàn có thể áp dụng trong thực tế bằng cách đơn giản: rửa sạch chi bị đứt rời dưới vòi nước máy, bọc trong 1-2 lớp gạc vô trùng (hoặc vải sạch), rồi cho vào túi nilông, thổi phồng, buộc kín để vào xô nước đá, tránh để phần chi thể tiếp xúc trực tiếp với đá. Nếu bảo quản tốt, cánh tay, bàn tay có thể giữ được tối đa sau 14-20 giờ bị tai nạn; 24-48 giờ đối với ngón tay, thậm chí có trường hợp khâu nối thành công ngón tay bị đứt rời sau 92 giờ.
Ưu tiên ngón cái
Thực tế, trường hợp các ngón tay bị đứt thì chức năng vận động, cầm nắm bị ảnh hưởng, đặc biệt khi vị trí đứt rời là ngón cái. Khôi phục các ngón dài khác đôi khi chỉ mang giá trị thẩm mỹ, nhưng thiếu ngón cái, bàn tay không thể cầm, xách các vật dụng, bệnh nhân sẽ gặp nhiều trở ngại trong sinh hoạt thường ngày. Ngón cái chính là ngón được bác sĩ ưu tiên chỉ định phẫu thuật, vì vậy ngón này cần được quan tâm bảo quản đúng cách để phục hồi tốt chức năng của cả bàn tay.
Bà Nguyễn Thị Nga (Hậu Lộc, Thanh Hóa) trong khi làm bếp đã vô tình chặt gần đứt ngón tay cái. Một tổn thương tưởng sẽ phục hồi dễ dàng vì ngón tay chưa đứt rời. Không ngờ khi nhập viện bà Nga mới hay phần đứt rời không được bảo quản đã thâm tím, hoại tử, phẫu thuật không thể ráp nối lại.
Tiến sĩ Đoàn cho biết tâm lý này xảy ra khá phổ biến khi bệnh nhân thường tiếc chút da sót lại nối dính ngón tay đứt rời với cơ thể, nên cố để phần đứt rời “níu” lại với da mà không bảo quản gì. Do đó, bác sĩ khuyến cáo phần da mỏng không còn chứa mạch máu hoàn toàn không thể cấp máu cho phần đứt rời, bệnh nhân không nên xót tí da mà coi chừng mất cả ngón tay, bàn tay.
Thống kê từ đầu năm 2009 đến nay, Viện Chấn thương - chỉnh hình, Bệnh viện Trung ương quân đội 108 đã tiếp nhận 68 bệnh nhân bị đứt rời 26 ngón tay cái, 58 ngón tay dài, 14 bàn tay, 6 cẳng tay và 2 cánh tay với tỉ lệ phẫu thuật thành công 90%. Còn lại số ca thất bại phần lớn nguyên nhân do chi thể không được bảo quản đúng cách.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận