![]() |
Đoàn 2 - Nhà hát Tuổi Trẻ do NSƯT Chí Trung dẫn đầu đã rất thành công khi lưu diễn miền Trung và miền Nam với chùm hài kịch Đời cười |
Nghe đọc nội dung toàn bài: |
Chuyến lưu diễn Người vợ ma từ ngày 14-4 tới gần như "ngốn" hết lực lượng diễn viên trụ cột và nhân viên hậu đài của Sân khấu (SK) Phú Nhuận. Để bảo đảm chất lượng cho một vở kịch kinh dị, bà bầu Hồng Vân phải bấm bụng thuê một dàn âm thanh, ánh sáng xịn kèm nhân viên kỹ thuật của TP.HCM đi theo đoàn trong suốt chuyến lưu diễn. SK Nụ Cười Mới thì lập một "kỷ lục vận chuyển" khi chở nguyên con tàu bằng gỗ sử dụng trong live show Hoài Linh ra Đà Nẵng bằng xe container trọng tải 8 tấn với kinh phí lên đến 22 triệu đồng và sáu giờ lắp ráp!
Thay ghế mây bằng ghế nhựa!
Trong chuyến lưu diễn vở Ra giêng anh cưới em ở Mỹ năm ngoái, tuy êkip Nụ Cười Mới được các bầu sô ở Mỹ lo cho phần đi lại, ăn ở nhưng ông bầu Hữu Lộc vẫn rất "đau đầu". Không thể vận chuyển toàn bộ cảnh trí, đạo cụ từ VN sang nên đành phải tận dụng phông màn mang tính ước lệ, ghế mây được thay tạm bằng ghế nhựa, đến giờ biểu diễn bầu Lộc còn phải tất tả đi tìm mua chai nước suối, dây thừng... để làm đạo cụ.
Bên cạnh đó, các ông, bà bầu còn phải làm bài toán kinh doanh khi "mang chuông đi đánh xứ người". Trước mỗi đợt vào Nam, Nhà hát kịch Hà Nội thường cử một tốp tiền trạm đi trước khoảng một tuần để thăm dò tình hình, tiếp thị vé cho các cơ quan, đơn vị. Nhà hát này cũng là mối quen với chủ một bảng quảng cáo lớn gần chợ Bến Thành nên những thông tin về chuyến lưu diễn của đoàn sẽ được cập nhật đầy đủ tại đó. Trưởng đoàn - NSƯT Trung Hiếu - tâm sự buổi tối anh vừa diễn xong thì sáng hôm sau lại phải lo đi tiếp khách, kiếm hợp đồng biểu diễn. SK Phú Nhuận thì tiến hành in 80.000 tờ bướm, treo 80 băngrôn, quảng cáo trên các đài truyền hình địa phương, truyền hình cáp về vở kịch nhiều tuần trước khi chuyến lưu diễn bắt đầu.
Không như các chương trình ca nhạc tạp kỹ có thể diễn ngoài trời, các vở kịch dài thường "tạm trú” trong các nhà văn hóa, nhà thiếu nhi tỉnh, thị xã. Còn đối với các đoàn phía Bắc khi vào TP.HCM, Nhà hát thành phố là điểm đến lý tưởng vì không gian lịch sự, sang trọng. Giá vé lưu diễn cũng thường được tăng cao hơn do chi phí vận chuyển, catsê diễn viên tăng, tuy nhiên cũng dao động tùy theo mức sống của người dân địa phương, có khi chỉ từ 30.000 đồng/vé nhưng cũng có khi lên đến 200.000 đồng/vé (vở Ra giêng anh cưới em khi lưu diễn tại Mỹ có giá vé rất cao: 50-80 USD/vé kèm theo việc bán đĩa DVD vở diễn ngay trước rạp hát). Riêng SK Nụ Cười Mới khi lưu diễn live show Hoài Linh ở miền Trung vì khán giả quá đông nên có thêm chiêu... cho thuê ghế đẩu với giá 5.000 đồng/cái, nếu ai không thuê thì sẽ được hoàn một phần tiền vé!
Ưu thế của các đoàn kịch phía Bắc
Nếu như SK miền Nam chủ yếu chỉ loanh quanh gần nhà thì SK phía Bắc lại tỏ ra khá xông xáo khi liên tục dẫn quân đi khắp nước. Sự xông xáo này của họ được lý giải theo hai nguyên nhân chính: một là các đơn vị phía Bắc thường được Nhà nước giao chỉ tiêu đi diễn phục vụ khán giả ở vùng sâu, vùng xa hoặc khi có được nguồn tài trợ lớn (như trường hợp vở kịch Bà tỉ phú về thăm quê của Nhà hát Kịch VN được Đại sứ quán Thụy Sĩ tài trợ 100.000 USD). Hai là do lượng khán giả là người Bắc sống ở miền Trung, miền Nam rất đông nên các SK phía Bắc tranh thủ vào để khai thác nguồn khán giả lợi thế và ổn định này. Vì vậy, gần như năm nào các đơn vị này cũng có những đợt lưu diễn dài ngày, mỗi lần mang 1-2 vở hoặc chương trình đinh của mình trong năm làm hành trang.
Ngược lại, yếu tố vùng miền đã trở thành rào cản vô hình đối với các SK phía Nam muốn đưa quân ra Bắc. Họ sẽ phải đối mặt với nguy cơ không có khán giả ruột vì rất ít người miền Nam sinh sống và làm việc trên đất Bắc. Thêm vào đó là vấn đề ngôn ngữ, gu thưởng thức. Ví dụ như trong vở Người vợ ma, nhân vật quan trọng - ông Sửu của Thái Hòa với giọng lơ lớ của người Tàu sẽ "gãy" ngay vì khán giả Bắc sẽ không thể nghe được, cười được. Bởi vậy nên dù NSƯT Chí Trung, NSƯT Xuân Hinh đã đặt vấn đề từ lâu nhưng bà bầu Hồng Vân vẫn chưa dám đem vở này ra diễn ở Hà Nội. Trước mắt, chị chỉ thử nghiệm đối với khán giả lân cận ở các tỉnh miền Đông, miền Tây Nam bộ vì gu thưởng thức của họ khá gần nhau.
Tuy nhiên, nếu biết cách kết hợp yếu tố Nam - Bắc một cách dễ chịu thì vẫn sẽ "ăn" được như vở Vợ khôn dạy chồng dại do Xuân Hinh dàn dựng cho SK Phú Nhuận khi công diễn đã có rất đông khán giả Bắc đến xem. Hoặc như cách làm của sân khấu Idecaf khi mạnh dạn khai thác một lượng khán giả mới bằng đợt lưu diễn Hà Nội với vở kịch thiếu nhi Bạch Tuyết lạc bảy chú lùn.
Dù khó khăn, vất vả nhưng các bầu sô, trưởng đoàn vẫn tiếp tục lên kế hoạch lưu diễn để mở rộng thị phần, tạo dựng thương hiệu, đáp ứng nhu cầu khán giả ở xa. Hoặc như vở Người vợ ma phải đi lưu diễn vì SK (thuê) bị tạm thời lấy lại để làm việc khác!
Nhiều vở cùng "chu du" Từ 14 đến 24-4-2008, SK kịch Phú Nhuận sẽ có chuyến lưu diễn dài ngày đầu tiên của mình tại mười tỉnh phía Nam với vở Người vợ ma. Từ 18-4, Nhà hát Kịch TP.HCM sẽ đem vở Niềm tin bị đánh cắp ra diễn tại Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Qui Nhơn và các tỉnh Tây nguyên. Tháng năm tới, vở Người thi hành án tử của đạo diễn Khánh Hoàng cũng sẽ chu du dọc miền Trung. Và nếu không có gì thay đổi, tháng 7-2008 SK Nụ Cười Mới sẽ lại lên đường đi Mỹ với vở Ông bà vú và Cổ tích tình yêu. Đối với các SK phía Bắc thì lưu diễn dài ngày đã thành chuyện cơm bữa với những vở kịch từng gây tiếng vang: Đêm trắng, Trên cả trời xanh, Bà tỉ phú về thăm quê (Nhà hát Kịch VN), Cát bụi, Đứa con bị đánh cắp, Điện thoại di động (Nhà hát Kịch Hà Nội), Nhà có ba chị em, Kiều Loan, Đời cười (Nhà hát Tuổi Trẻ)… Năm nay NSƯT Chí Trung cho biết chỉ chờ Nhà hát TP.HCM sửa chữa xong (khoảng tháng mười) là đoàn của anh sẽ vào để trình làng vở Con cáo và chùm nho, Cuộc chia tay tháng sáu và chùm hài kịch Đời cười 7. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận