18/08/2009 03:43 GMT+7

Nỗi khổ "bản sao"

CHI MAI
CHI MAI

TT - Anh Vũ Khắc Hiếu, ngụ P.13, Q.Tân Bình, cho biết giữa tháng 7-2009 anh chuẩn bị đầy đủ giấy tờ như hướng dẫn để làm hồ sơ nhập học vào lớp 1 cho con. Tuy nhiên sau khi kiểm tra, người tiếp nhận hồ sơ của Trường tiểu học Nguyễn Khuyến trả lại vì cho rằng “bản sao giấy khai sinh của bé không đúng quy định”.

Anh ngạc nhiên hỏi kỹ lại thì được giải thích trường chỉ chấp nhận bản sao giấy khai sinh do UBND phường cấp chứ không nhận bản photocopy từ bản chính có chứng thực “sao y”.

Theo Sở Tư pháp TP.HCM: nghị định 79/2007/NĐ-CP có quy định bản sao cấp từ sổ gốc hay bản sao được chứng thực từ bản chính đều có giá trị như nhau, có thể dùng thay thế trong các giao dịch.

Anh Hiếu cho biết khi làm khai sinh cho bé tại huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh, anh không lường trước việc sau này phải sử dụng nhiều bản sao khai sinh nên chỉ xin cấp có ba bản. Từ khi chuyển vào TP.HCM sinh sống, mấy lần thay đổi chỗ ở, đăng ký tạm trú, thường trú nên anh Hiếu đã dùng hết ba bản sao này cho các thủ tục về hộ khẩu. Dù đã giải thích, cán bộ tiếp nhận vẫn không chấp nhận hồ sơ của con anh.

Sợ trễ hạn làm thủ tục nhập học cho con, anh đành phải điện thoại nhờ người bà con ở quê đến UBND xã để xin cấp bản sao. Cũng may UBND xã đã linh động, căn cứ vào sổ gốc còn lưu giải quyết, cấp nhanh bản sao khai sinh cho bé. “Nếu xã cứ theo nguyên tắc buộc phải xuất trình bản chính khai sinh hoặc chính cha mẹ bé về quê yêu cầu mới cấp bản sao thì chắc tôi đã không kịp làm thủ tục nhập học cho con trong năm học này” - anh Hiếu bức xúc.

Không chỉ riêng trường hợp của anh Hiếu, nhiều phụ huynh khác cho biết nhiều trường cũng buộc phụ huynh phải nộp bản sao khai sinh từ sổ gốc. Việc đòi hỏi này khiến nhiều phụ huynh khốn khổ.

Giấy khai sinh, đăng ký kết hôn là các loại giấy tờ hộ tịch thường xuyên sử dụng nên nghị định 158/2005/NĐ-CP quy định trong trường hợp cấp bản chính khai sinh, hộ tịch thì người dân thường yêu cầu UBND phường xã cấp kèm theo một số bản sao để tiện sử dụng. Bản sao hộ tịch cấp từ sổ gốc được quy định hình thức tương tự bản chính về màu sắc, chất liệu giấy, còn nội dung chỉ khác là có thêm chữ “bản sao”.

Tuy nhiên cũng giống như các loại giấy tờ, văn bản bằng tiếng Việt khác, người dân có quyền photocopy, yêu cầu cơ quan có thẩm quyền (theo quy định hiện hành là UBND phường, xã) chứng thực để sử dụng. Theo bà Ung Thị Xuân Hương - phó giám đốc Sở Tư pháp TP.HCM, việc các trường học bắt buộc phụ huynh phải nộp bản sao khai sinh cấp từ sổ gốc, không chấp nhận bản photocopy từ bản chính có chứng thực là đòi hỏi vô lý, gây khó khăn cho người dân.

Năm 2008, Sở Tư pháp TP.HCM từng gửi văn bản cho Sở Giáo dục - đào tạo đề nghị các trường không bắt buộc học sinh nộp bản sao khai sinh từ sổ gốc, tránh gây thêm các thủ tục phiền hà cho phụ huynh.

Câu chuyện “sính” bản sao khai sinh từ sổ gốc, không chấp nhận bản được chứng thực sao y bản chính xem ra vẫn chưa kết thúc, và nỗi khổ của người dân về câu chuyện “bản sao” vẫn chưa chấm dứt.

CHI MAI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên