Phóng to |
Tối nào vợ chồng chị Mai Liên (chủ một cơ sở may gia công ở Q.5, TP.HCM) cũng ngồi xem tivi để vừa thư giãn vừa canh chừng “hoàng tử bé” ngồi học ở góc nhà. Một lần, trên màn hình xuất hiện “cảnh nóng”, Bi há hốc nhìn không chớp mắt. Nhanh như chớp chị lao đến che mắt con. Cu Bi hỏi: “Cô chú ấy làm gì vậy mẹ?”. Không biết trả lời sao, chị nghiêm mặt: “Con nít không được hỏi chuyện người lớn”.
Có lẽ nhiều bậc phụ huynh từng nghe con em mình hỏi những câu như cậu con trai 5 tuổi của chị Thanh Lương (ngụ đường Trần Não, Q.2, TP.HCM) hỏi mẹ mà người mẹ trẻ này vẫn còn nợ câu trả lời: “Mẹ ơi, con sinh ra từ đâu?”, “Sao chị Hai hổng có “quả ớt” giống con?”... Người mẹ ấy cho biết chỉ vì chuyện này mà gia đình xảy ra “chiến tranh lạnh”: “Chồng tôi muốn nói hết, còn ông bà nội cho rằng như thế là chỉ đường cho con cái làm chuyện bậy bạ”.
Đáng lo hơn khi con cái bước vào tuổi dậy thì. Một cô bé con một chị làm phiên dịch ở Q.4 “chảy máu” lần đầu, cô bé cứ nằng nặc đòi mẹ đưa đi bác sĩ chích thuốc. Tháng trước thấy hai chị em chơi trò “khám tim” (sờ ngực) vui vẻ nên chị lờ đi. Nhưng tuần rồi lúc vô tình mở cửa phòng con gái, chị điếng hồn khi thấy hai chị em đang vô tư chơi trò “người lớn” (may mà cậu nhóc chưa dậy thì)...
Kiến thức đi cùng kỹ năng
Anh Trần Tuấn Huy, chủ nhiệm CLB Giáo dục viên kỹ năng sống (Hội quán Đến Với Nhau, TP.HCM), cho biết: khám phá bản thân (trong đó có chuyện giới tính) và thế giới xung quanh là nhu cầu bình thường của con người, trẻ chưa biết nên mới hỏi. Thật ra thắc mắc của trẻ rất vô tư, tuy nhiên không ít người lớn coi đó là chuyện “nghiêm trọng”, “xấu xa” và tất nhiên là “cấm kỵ”. Quan điểm “vẽ đường cho hươu chạy” và thái độ xem thường kiểu “lớn lên trẻ tự khắc biết” khiến nhiều phụ huynh không quan tâm giáo dục giới tính cho trẻ. Thật ra không ít người lớn cũng chưa tự tin về kiến thức giới tính hoặc không biết phải nói như thế nào với trẻ.
Giáo dục giới tính không chỉ là cung cấp kiến thức về cơ thể hay sức khỏe sinh sản mà bao gồm cả việc trang bị kỹ năng sống. Ngay từ nhỏ, bạn có thể giúp trẻ biết cách vệ sinh cơ thể, không cho người lạ chạm vào những vùng nhạy cảm, những cách thoát hiểm nếu bị tấn công, xâm hại. Với trẻ lớn hơn, ta có thể trang bị thêm các kỹ năng quản lý cảm xúc, chọn lọc thông tin, nói “không” với cái xấu... Đặc biệt, đến tuổi dậy thì trẻ cần được hiểu biết sâu hơn về cơ quan sinh dục, sức khỏe sinh sản, sự khác biệt và cách thể hiện trong tình bạn, tình yêu... |
Ở trường, phải đến lớp 8 trẻ mới được học về giới tính, chủ yếu qua bộ môn sinh học, nhưng cũng chỉ là những hiểu biết tối thiểu về cơ quan sinh sản, kèm theo đó là một số răn đe về lây nhiễm bệnh tật. Do không được đào tạo bài bản, các thầy cô cũng ngại trao đổi sâu với học trò về chuyện này. Một số trường có phòng tư vấn học đường nhưng thiếu nhân viên am hiểu về giáo dục giới tính.
Không được đáp ứng tốt từ cha mẹ và thầy cô, trẻ tìm đến các kênh khác như bạn bè, sách báo, sách chép tay, phim ảnh và mạng Internet. Tuy nhiên, vì chưa đủ bản lĩnh để chọn lọc thông tin nên trẻ dễ lạc vào “mê cung xác thịt”, thậm chí có thể sa đà vào chuyện quan hệ tình dục sớm hoặc bị xâm hại tình dục...
Về giải pháp, anh Huy đề nghị người lớn đừng ngại nói với trẻ về chuyện giới tính mà coi đó là nội dung không thể thiếu trong giáo dục nhân cách. Cha mẹ cần chủ động và thường xuyên làm bạn để cùng con cái chia sẻ mọi vấn đề, trong đó có chuyện giới tính. Trẻ thắc mắc đến đâu cha mẹ, thầy cô cần đáp ứng đến đó.
Nhà trường, các tổ chức xã hội cần đầu tư nâng chất tham vấn học đường, mở ra nhiều sân chơi, tổ chức nhiều hoạt động giúp trẻ khám phá bản thân. Nguyên tắc chung: thông tin cung cấp phải khoa học, mang tính định hướng và phù hợp khả năng tiếp nhận của trẻ.
Mọi người đều sống với những đặc trưng giới tính riêng biệt của mình. Lệch lạc trong nhận thức về giới tính của bản thân khiến người ta hành xử “tréo ngoe” nên khó có hạnh phúc trong cuộc sống. Ở khía cạnh khác, nếu không được giáo dục giới tính, trẻ có thể dễ dàng sa chân vào các vụ xâm hại tình dục, quan hệ tình dục sớm và bừa bãi, nạo phá thai, lây nhiễm bệnh tật... |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận