Nobel y học chia ba
TT - Mùa Nobel 2009 đã mở đầu ngày 5-10 với giải Nobel y học được trao cho ba nhà khoa học Mỹ về những phát hiện liên quan tới sự nhân đôi của nhiễm sắc thể và cách nhiễm sắc thể tránh thoái hóa.
Ba nhà khoa học: Elizabeth Blackburn của ĐH California ở San Francisco, Jack Szostak của Bệnh viện Đa khoa Massachusetts và Carol Greider của ĐH Y John Hopkins đã cùng chia nhau giải thưởng trị giá 10 triệu krona Thụy Điển (1,42 triệu USD).
Từ trái qua: Jack Szostak, Carol Greider và Elizabeth Blackburn - Ảnh: New York Times |
Khi trao giải thưởng danh giá này cho ba nhà khoa học Mỹ, Viện Karolinska của Thụy Điển nói khám phá của họ đã “giải quyết vấn đề lớn trong sinh học” về cách nhiễm sắc thể tự nhân đôi hoàn toàn trong quá trình phân bào và cách chúng tự bảo vệ khỏi sự thoái hóa.
Phát hiện mới này giúp con người hiểu sâu hơn về quá trình lão hóa, về diễn biến của căn bệnh ung thư cũng như kiến thức về tế bào gốc. Cốt lõi của vấn đề nằm ở cuối chuỗi nhiễm sắc thể (khu telomere) và một enzyme tạo nên chúng (telomerase). Chuỗi phân tử ADN cất giữ gen trong nhiễm sắc thể, với các telomere là nắp của mỗi đầu.
Elizabeth Blackburn và Jack Szostak phát hiện một chuỗi ADN đặc biệt trong telomere giúp bảo vệ nhiễm sắc thể khỏi bị thoái hóa. Carol Greider và Elizabeth Blackburn lại phát hiện telomerase là chất enzyme đã tạo nên ADN. Những phát hiện này giải thích vì sao cuối mỗi nhiễm sắc thể có telomere và chúng được tạo nên bởi telomerase.
Nếu các telomere này ngắn lại, các tế bào sẽ lão hóa dần. Ngược lại, nếu telomerase hoạt động mạnh, chiều dài của telomere sẽ được duy trì, đồng nghĩa với quá trình lão hóa của tế bào sẽ bị trì hoãn. Đây chính là trường hợp xảy ra với các tế bào ung thư - được coi là có thể sống và duy trì mãi mãi. Một số bệnh do di truyền, ngược lại thường do các telomerase bị hỏng, khiến các tế bào bị hủy hoại. Theo Viện Karolinska, phát hiện mới sẽ thúc đẩy sự phát triển của các biện pháp chữa trị mới.
Hầu hết các tế bào thông thường đều không nhân đôi thường xuyên nên nhiễm sắc thể không có nguy cơ bị rút ngắn và không cần telomerase phải hoạt động cao. Ngược lại, tế bào ung thư lại có khả năng nhân đôi mãi mãi và vẫn duy trì được telomere của mình. Làm thế nào để các tế bào này tránh được sự lão hóa? Câu trả lời rõ ràng hơn khi con người phát hiện các tế bào ung thư thường tăng các hoạt động telomerase của mình và hiện có một số nghiên cứu chữa trị ung thư theo hướng xóa chu trình của telomerase.
“Các phát hiện của Blackburn, Greider và Szostak cho ta thêm hiểu biết mới về tế bào, chiếu ánh sáng vào cơ chế của bệnh tật, giúp thúc đẩy việc phát triển các phương pháp chữa trị mới” - thông cáo từ Viện Karolinska giải thích về quyết định lựa chọn của mình.
Năm nay là năm thứ 100 giải Nobel y học được trao. Các giải thưởng về khoa học, văn học và hòa bình bắt đầu được trao từ năm 1901 theo ước nguyện của Alfred Nobel, người đã phát minh ra thuốc nổ.
* Jack W. Szostak sinh năm 1952, là công dân Mỹ nhưng sinh ở Anh. Ông là giảng viên tại ĐH Y Harvard từ năm 1979 và hiện là giáo sư về gen tại Bệnh viện Đa khoa Massachusetts ở Boston. * Carol W. Greider sinh năm 1961 ở Mỹ, từng học tại ĐH California ở Santa Barbara và Berkeley - nơi Blackburn là giáo sư hướng dẫn luận án tiến sĩ của bà. Sau khi thực hiện xong bằng sau tiến sĩ, bà là giáo sư tại khoa sinh học phân tử và gen tại ĐH Y John Hopkins ở Baltimore từ năm 1997. * Elizabeth H. Blackburn (có hai quốc tịch Mỹ và Úc) sinh năm 1948 tại Úc, có bằng tiến sĩ tại Cambridge (Anh). Bà từng giảng dạy ở ĐH California Berkeley, từ năm 1990 là giáo sư sinh học và sinh lý học tại ĐH California ở San Francisco. |
THANH TUẤN
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận