14/10/2014 10:13 GMT+7

Nobel Kinh tế 2014: Nhìn nhận cách “chế ngự các ông lớn”

TRẦN PHƯƠNG
TRẦN PHƯƠNG

TT - Giải Nobel kinh tế được trao cho nhà kinh tế học người Pháp Jean Tirole cho những “phân tích của ông về quy luật và sức mạnh của thị trường”.

Đồng nghiệp và sinh viên chúc mừng giải thưởng của Jean Tirole tại giảng đường Đại học Toulouse - Ảnh trích từ Twitter - Reuters
Nhà kinh tế Pháp Jean Tirole - Ảnh trích từ Twitter - Reuters

“Jean Tirole là một trong những nhà kinh tế có ảnh hưởng nhất của thời đại chúng ta. Ông đã có những đóng góp nghiên cứu lý thuyết quan trọng trong một số lĩnh vực, nhưng hơn hết ông đã làm rõ cách để hiểu và quản lý các lĩnh vực chỉ có vài công ty quyền lực khổng lồ chi phối” ” - Viện hàn lâm Khoa học hoàng gia Thụy Điển nhấn mạnh khi công bố giải thưởng.

Chế ngự các “ông lớn”

Nhà kinh tế Pháp thứ ba được vinh danh

Ông Jean Tirole sinh năm 1953 tại Troyes, Pháp, và khá trẻ so với tuổi trung bình của những người từng đoạt giải Nobel kinh tế. Ông hiện làm hiệu trưởng Trường Kinh tế Toulouse, thuộc Đại học Toulouse, sau khi trở về từ đại học danh tiếng MIT của Mỹ. Ông thừa nhận với Hãng tin AFP rằng từng có thời gian làm tiến sĩ tại Mỹ và môi trường nghiên cứu tuyệt vời cùng các đồng nghiệp giỏi. Nhưng dự án lập trường kinh tế tại Toulouse với đồng nghiệp đàn anh đã thôi thúc ông quay về quê nhà. Trước ông từng có hai nhà kinh tế Pháp nhận giải Nobel là Gérard Debreu (năm 1983) và Maurice Allais (năm 1988).

“Giải thưởng kinh tế năm nay là về khoa học chế ngự các công ty quyền lực” - ông Staffan Normark, thư ký thường trực Viện hàn lâm Khoa học hoàng gia Thụy Điển, nói tại buổi công bố. Nó giúp các chính phủ đánh giá khi nào can thiệp, hành động như thế nào và khi nào cần lùi lại để buộc các ông lớn “hoạt động vì lợi ích xã hội”.

Nhiều ngành công nghiệp hiện bị một số ít doanh nghiệp lớn hoặc một công ty độc quyền chi phối.

Khi không được kiểm soát, các thị trường này thường tạo ra “những kết quả xã hội không mong muốn” như cố giữ giá cao trong khi không nâng cao chất lượng, hoặc các công ty không hiệu quả vẫn tồn tại được bằng cách ngáng đường những công ty mới và những công ty hoạt động hiệu quả.

Từ giữa những năm 1980, Jean Tirole đã thổi làn gió mới vào nghiên cứu về những thất bại thị trường như vậy.

Phân tích của ông về các công ty có sức ảnh hưởng trên thị trường đặt ra một lý thuyết thống nhất có liên hệ chặt chẽ đến các vấn đề chính sách: chính phủ nên xử lý các cuộc sáp nhập hoặc các “băng nhóm” công ty như thế nào, và làm cách nào để quản lý các công ty độc quyền.

Theo Viện hàn lâm Khoa học hoàng gia Thụy Điển, nghiên cứu của ông Tirole cho thấy việc quản lý thị trường cần phù hợp với các điều kiện của những ngành công nghiệp cụ thể, hơn là quy định bao quát có thể gây hại nhiều hơn là lợi.

Trước ông, các nhà nghiên cứu và hoạch định chính sách đã cố tìm những nguyên tắc chung cho tất cả các ngành công nghiệp. Chẳng hạn như áp giá trần cho các công ty độc quyền hay cấm các đối thủ cạnh tranh hợp tác với nhau và cho phép các công ty có vai trò khác nhau trong chuỗi giá trị bắt tay với nhau.

Việc áp giá trần khiến các công ty có động lực giảm giá thành nhưng ngược lại cũng có thể giúp họ kiếm lợi quá mức. Bắt tay thao túng giá là có hại nhưng hợp tác về sáng chế lại có lợi. Khi một công ty hợp tác với nhà cung cấp của chính mình sẽ thúc đẩy sự đổi mới nhưng đồng thời lại bóp méo sự cạnh tranh.

Trong nhiều bài báo và sách, nhà kinh tế Tirole đã đưa ra một khuôn khổ chung về thiết kế chính sách và áp dụng chúng vào nhiều ngành công nghiệp, từ viễn thông đến ngân hàng.

Dựa vào đó, chính phủ các nước có thể khuyến khích các công ty lớn hoạt động hiệu quả hơn và đồng thời ngăn các công ty này gây hại đến đối thủ và khách hàng.

Giải thưởng của thời cuộc

“Tôi cảm thấy rất vinh dự” - Reuters dẫn lời ông Jean Tirole phát biểu từ Toulouse sau khi nhận tin mình đoạt giải. Nghiên cứu của ông Tirole được đánh giá là sẽ hữu dụng cho các chính phủ trong việc xác định mức độ kiểm soát các ngành, đặc biệt là ngành ngân hàng.

Ngoài ra, làn sóng tư nhân hóa vừa qua đang khiến các chính phủ đau đầu trong việc vừa khuyến khích đầu tư tư nhân vào các lĩnh vực như chăm sóc y tế, đường sắt, vừa có thể kiềm chế lợi nhuận của họ.

Nghiên cứu của ông thu hút sự chú ý sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008-2009. Nói về cuộc khủng hoảng này, ông từng cho biết đây là kết quả của việc quản lý kém các tập đoàn.

“Tôi nghĩ ngành ngân hàng rất khó để quản lý và các nhà kinh tế chúng tôi cần phải nghiên cứu nhiều hơn về vấn đề này” - ông Tirole giải thích. Ngoài ra, ông cũng cho biết cần có một “tầm nhìn toàn cầu” để quản lý những công ty đang hoạt động trên quy mô thế giới.

“Ông Tirole là người có ảnh hưởng lớn trong lĩnh vực cơ cấu công nghiệp. Vấn đề không phải là có hay không mà là khi nào ông sẽ đoạt giải thưởng này mà thôi - nhà kinh tế Paul Klemperer thuộc Đại học Oxford tán dương - Nghiên cứu của ông giúp chúng ta hiểu cách để cân nhắc khi quản lý các công ty, không có cỡ nào vừa cho tất cả mọi người”.

Theo AFP, thật ra từ vài năm qua ông Tirole đã được xem là ứng viên của các kỳ xét chọn Nobel kinh tế.

Giải thưởng cho nhà kinh tế Jean Tirole là 1,1 triệu USD tại buổi lễ trao giải chính thức được tổ chức ở Stockhom (Thụy Điển) ngày 10-12, ngày mất của Anfred Nobel.

Giải Nobel kinh tế là cách gọi của giải Sveriges Riksbank (giải thưởng của Ngân hàng Thụy Điển cho ngành kinh tế để tưởng nhớ Alfred Nobel) và không nằm trong di chúc của nhà khoa học Alfred Nobel.

Trong hai thập kỷ qua, các nhà kinh tế Mỹ hầu như thống trị giải thưởng này và năm nay là lần đầu tiên kể từ năm 1999 không có người Mỹ nào chia sẻ giải.

TRẦN PHƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên