“Thà hỏi hai lần còn hơn phải lạc đường.”
– Ngạn ngữ Đan Mạch
![]() |
Họ luôn có suy nghĩ phải tự mình hoàn thành mọi việc một cách xuất sắc mà không cần đến sự hỗ trợ của bất kỳ ai. Nhưng không phải lúc nào tư tưởng này cũng đúng vì đôi lúc, nó khiến họ đánh mất sự tự tin vào bản thân mình.
Lần nọ, tôi cùng gia đình đi nghỉ mát ở Sedona, Arizona. Sau khi tham khảo lịch trình, chúng tôi quyết định cưỡi ngựa tham quan các địa danh trong vùng. Tôi gọi đến chỗ cho thuê ngựa và yêu cầu họ chỉ đường cụ thể.
Mặc dù thông tin họ đưa ra khá mù mờ nhưng tôi nghĩ mình có thể xoay sở được nên không hỏi lại. Rắc rối bắt đầu xảy ra khi chúng tôi không biết đi hướng nào lúc rời khỏi thị trấn. Vợ tôi bảo tôi gọi cho trại ngựa và hỏi họ tỉ mỉ hơn nhưng tôi từ chối, vì nếu làm vậy chẳng khác nào tôi thừa nhận mình yếu kém và vô dụng. Tôi quyết định cứ tiếp tục đi về phía trước.
Chúng tôi đi thêm vài ki-lô-mét nữa nhưng cứ loay hoay vì chẳng biết mình đang đi về đâu. Vợ tôi bắt đầu giận dỗi và tỏ ra thất vọng. Tôi liên tục nhìn quanh để tìm các tấm biển chỉ đường. Cuối cùng, tôi phát hiện một tấm biển nằm bên trái vệ đường. Tôi dừng lại trước một căn nhà đang xây dở và bắt chuyện với một người đàn ông đứng gần đấy. Không may, ông ta chẳng hiểu tôi nói gì vì chúng tôi bất đồng ngôn ngữ. Sau một hồi cố gắng giao tiếp bằng dấu hiệu, cuối cùng, ông ta đưa tay chỉ về phía trước.
Vợ tôi thật sự nổi giận:
- Sao anh không hỏi những người cho thuê ngựa?
Tôi bắt đầu suy nghĩ nghiêm túc về lời đề nghị này và nhận ra mọi chuyện đã quá trễ. Tôi quyết định hướng về một con đường nhỏ hẹp phía trước. Cuối cùng, trại ngựa cũng xuất hiện phía trước. Tôi thở phào nhẹ nhõm nói với vợ:
- Đấy, em thấy chưa. Em không tin tưởng gì anh cả. Anh biết anh sẽ tìm được đường ra mà.
Đúng vậy, tôi đã tìm được đường nhưng phải trả một cái giá quá đắt. Buổi đi chơi hôm đó của gia đình tôi biến thành một cơn ác mộng. Vợ tôi thì nổi giận trong khi các con tôi liên tục quấy khóc. Có thể mọi chuyện đã không tồi tệ đến thế nếu ngay từ đầu, tôi nhờ những người ở trại ngựa chỉ đường cặn kẽ hơn. Lẽ ra, tôi nên gạt tính sĩ diện và niềm kiêu hãnh của mình sang một bên để thừa nhận rằng con người ai cũng có nhu cầu được giúp đỡ.
– Mark Victor Hansen
Sợ tỏ ra yếu đuối
Dù trong hoàn cảnh nào thì tôi cũng không thích cầu cạnh người khác. Là một người đàn ông và từng là một người lính, tôi nghĩ mình đủ mạnh mẽ để không phải nhận sự giúp đỡ của bất kỳ ai. Cũng giống như hầu hết mọi người, tôi thích cho hơn là nhận vì rất ghét cảm giác phải cầu cạnh một ai đó. Nhưng trên thực tế, tôi biết mình cần đến sự giúp đỡ của mọi người bởi tôi là một thương binh, và tôi bị liệt. Tôi rất khổ sở khi phải thừa nhận sự thật này bởi có rất nhiều việc tôi không thể xoay sở như người bình thường. Dù biết mọi người đều sẵn lòng giúp đỡ một người khuyết tật nhưng mỗi khi nhận được sự giúp đỡ của ai đó, tôi lại cảm thấy tủi thân và có cảm giác mình thật vô dụng.
– W. Mitchell
Bảy năm trước, tôi mở một nhà hàng và chỉ sau hai năm, tôi phá sản. Tôi không đủ tiền để trang trí nó theo những phong cách thời thượng nhất, cũng như trả chi phí quảng cáo trên các phương tiện truyền thông. Lúc ấy, tôi biết mình có thể nhờ cha giúp đỡ, nhưng sự hiếu thắng đã ngăn tôi lại. Tôi muốn chứng tỏ bản lĩnh của mình, nhưng tiếc thay, mọi chuyện diễn ra đã chứng minh một điều là tôi thật sự cần sự giúp đỡ và hỗ trợ của người thân.
– Steve Parker
Sợ bị khinh thường vì nghèo túng
Hẳn bạn từng đọc câu chuyện cười sau đây:
Một người đàn ông trung niên ngồi ở trạm xe buýt, bên cạnh là một thanh niên trẻ. Chàng trai hỏi:
– Xin lỗi, bác có quẹt lửa không ạ?
Người đàn ông trả lời, vẻ cáu kỉnh:
– Không, tôi không có.
Người thanh niên nghĩ: “Sao lại khó chịu như vậy nhỉ?”, rồi quay sang hỏi những người bên cạnh. Vài phút sau, người đàn ông châm thuốc hút. Thấy vậy, anh thanh niên hỏi:
– Tại sao bác có quẹt lửa mà lại bảo là không?
Lúc này, người đàn ông trả lời:
– Nếu tôi cho anh mượn quẹt lửa, có thể chúng ta sẽ trò chuyện với nhau. Khi trò chuyện với nhau, chúng ta lại tìm một băng ghế trên xe buýt để ngồi chung. Và cuộc trò chuyện sẽ ngày càng trở nên thân mật hơn. Anh là một người điển trai và biết đâu tôi lại bắt đầu thích anh. Cứ như thế, tôi có thể sẽ mời anh về nhà chơi và khi đó, anh sẽ gặp được con gái tôi. Nếu thế, biết đâu anh sẽ cùng con gái tôi hẹn hò và đến lúc nào đó, hai người sẽ lấy nhau. Mà tôi thì không thích con gái mình kết hôn với một người mà đến cái quẹt lửa cũng không có.
– Hanoch McCarty
Con người được lập trình trong niềm kiêu hãnh
“Can đảmTự hàoTrung thànhMột, hai, ba, bốn,Quân đoàn Hải quân Hoa Kỳ.”
– Khẩu hiệu của lực lượng Hải quân Hoa Kỳ
Trong quân đội, có một luật bất thành văn là những người lính không được yêu cầu ai giúp đỡ điều gì, cũng không được hưởng sự ưu ái hay chiếu cố nào, bất cứ hành động nào cho thấy bạn là một kẻ yếu đuối đều không được chấp nhận.
Thời kỳ tôi còn trong thủy quân lục chiến, tất cả binh lính chúng tôi đều thấm nhuần tư tưởng: “Dù anh có vấn đề gì chăng nữa, chúng tôi vẫn luôn chào đón anh. Nhưng nếu anh gặp vấn đề thì có nghĩa anh là kẻ yếu đuối và nhu nhược”. Quy luật trong nhà binh là: “Anh phải tự giải quyết những vấn đề của mình. Đừng trông đợi hay van nài sự giúp đỡ của người khác. Hãy tự giải quyết!”.
– Tim Piering
Không nhờ vả vì tính cố chấp
Thông thường, khi mua được một máy móc mới nào đó, chúng ta thường bắt tay vào lắp đặt nó mà không đọc qua cuốn sách hướng dẫn sử dụng. Và chỉ khi xảy ra sự cố trong quá trình lắp đặt, ta mới nhìn lướt qua nó. Sở dĩ điều này xảy ra là do chúng ta quá đề cao bản thân hoặc quá cố chấp.
Với nhiều người, tính cố chấp phần nào đã thấm sâu vào tư tưởng, khiến họ trở nên dè chừng trong việc tìm kiếm một nguồn động viên về tinh thần hay thể chất. Thế nhưng, bạn nên biết rằng, Thượng nghị sĩ Thomas Eagleton đến từ Missouri đã từng phải nhờ đến sự can thiệp của các liệu pháp tâm lý trong thời gian tranh cử, để rồi cuối cùng, ông trở thành Phó Tổng thống Mỹ vào năm 1972, bất chấp việc nhiều người tỏ ra nghi ngại rằng, nếu Eagleton phải nhờ đến các liệu pháp tâm lý thì sẽ khó có đủ khả năng đưa ra những quyết định ảnh hưởng đến vận mệnh quốc gia.
Nếu có điều kiện, tại sao bạn lại không thể sử dụng các chương trình bảo hiểm hay trung tâm y tế cộng đồng để chăm sóc sức khỏe cho mình?
Trong gia đình, tôi luôn bị ám ảnh bởi áp lực phải trở thành người hoàn hảo. Điều đó đã khiến tôi cảm thấy nặng nề và tệ hơn là không bao giờ thấy hài lòng với chính mình. Cha tôi là một người đàn ông cứng rắn và mạnh mẽ. Ông luôn tự mình vượt qua mọi thử thách mà ít khi cần đến sự hỗ trợ của người khác. Ông nghĩ rằng việc cầu cạnh ai đó giúp đỡ sẽ khiến con người trở nên yếu đuối và vô dụng. Và khi đó, con người ta rất dễ bị tổn thương.
–Jane Bluestein
Aladdin nói:
– Bây giờ thì tôi đã hiểu vì sao tôi lại chưa bao giờ bộc lộ những mong ước của mình. Tôi tự hỏi là nếu tôi nói ra điều đó thì cuộc sống của tôi sẽ thay đổi thế nào?
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận