21/11/2013 07:00 GMT+7

Những ví dụ cuộc đời

ĐINH THÙY HƯƠNG (Phú Thọ)
ĐINH THÙY HƯƠNG (Phú Thọ)

AT - Ví dụ như... Đã rất nhiều lần tôi nhắm mắt thử hình dung ra cái điều ngồ ngộ đó. Nhưng tại sao cứ phải tự làm cho cuộc sống rối rắm và phức tạp thêm như vậy nhỉ? Cuộc sống đơn thuần vẫn trôi đi theo logic riêng của nó không thể nào đổi thay.

YM2Ssgo8.jpgPhóng to
Minh họa: Nguyễn Thanh

Ngày tôi khoác ba lô lên với đất này, tôi là một cô gái trẻ đầy tâm huyết và háo hức với hàng vạn những dự định cho nghề dạy học. Ngày ấy miền đất này đã chào đón tôi bằng cơn mưa nhầy nhụa bùn đất của mùa đông xám ngắt ỉu xìu, chán ngắt và tẻ nhạt. Nhóc đã đập ngay vào mắt tôi trong buổi đầu tới nhận việc. Cánh tay nhóc quấn băng trắng báo hiệu nhóc đang mang trên mình thương tật. Bất kể lý do gì thì đôi mắt của nhóc cũng đã thu hút sự chú ý rất nhiều từ phía người mới gặp. Một đôi mắt to, sâu mênh mang và bí ẩn như đại ngàn xanh thẳm. Đôi mắt ấy, cho đến giờ vẫn luôn ám ảnh trong tâm trí tôi.

Rồi tôi hỏi lý do khiến nhóc phải quấn băng tay. Ánh mắt cương nghị nhưng rõ ràng bất ổn. Dẫu nhóc cười: Không sao mà cô, chỉ là gãy tay sau một cuộc ẩu đả. Nhưng tôi giật mình. Tôi im lặng nhìn nhóc. Một cuộc ẩu đả sao lại có thể nói với giọng bình thản thế kia? Nhóc biết không, buổi đầu nhận lớp, nhóc đã xoáy vào lòng tôi một dấu hỏi.

Tôi gắn bó với lớp đã hai năm. Ngày đến, dẫu yêu nghề và đầy nhiệt huyết nhưng tôi không nghĩ mình lại có thể trụ lại ở mảnh đất này lâu đến vậy. Tôi chỉ muốn đi một thời gian để trốn chạy nỗi đau về mối tình đầu tan vỡ. Nói đơn giản hơn thì tôi đến với đất này để kiếm tìm sự bình yên trong tâm hồn. Miền đất đầy bụi và nắng gió. Thừa nguyên sơ, thiếu điều kiện. Ở đây nhưng ngọn đồi lô xô chơi trò đuổi bắt chẳng có điểm dừng khiến người dân không hề có khái niệm về đường chân trời. Dẫu biết không ai có thể đến được đường chân trời nhưng cũng phải có một cái đích cụ thể nào đó cho con người ta hướng tới chứ? Ở đây những ngày đầu tôi chỉ khóc. Nhất là sau những buổi chiều tan trường, còn trơ lại vài giáo viên trong khu tập thể. Tiếng người thưa thớt và ánh chiều nhợt nhạt bao giờ cũng làm tôi thấy thiếu niềm tin vào cuộc sống.

Tôi cứ sống như vậy cho tới một ngày nhóc mang tới cho tôi một bó cải to xù. Thứ cải nương vàng rực như nắng mùa thu. Và hỏi tôi một câu có vẻ ngô nghê nhưng đầy ranh mãnh:

- Đã bao giờ cô thử yêu mảnh đất này chưa?

Câu hỏi xoáy vào lòng tôi khi nhóc đã về. Màu băng trên cánh tay nhóc vẫn trắng đến nhức mắt.

Đã bao giờ tôi thử yêu mảnh đất này chưa? Mảnh đất trơ ra những sỏi đá và ngun ngút những nương chè xanh ngắt. Luôn luôn là màu xanh của núi đồi phủ kín mắt nhìn. Tôi có yêu không? Thẳng thắn mà nói thì… mà thôi, sao lại ép lòng mình nói ra điều mà chính tôi không muốn?

Mảnh băng trên cánh tay nhóc được tháo đi. Xương liền và nhóc học được môn thể dục trở lại thì tôi mới hiểu được tường tận về vụ ẩu đả mà nhóc đã từng đề cập với chút gì chua chát trong ngày đầu gặp gỡ. Chẳng phải với bạn bè, không vì cãi vã. Chỉ đơn giản là va chạm với người mẹ kế, cánh tay ấy giơ lên để đỡ một cây đòn chí tử quật xuống. Thế là thương tật. Giản đơn nhưng chua chát. Dễ hiểu mà nghiệt ngã. Nhẹ tênh mà cay đắng. Nhóc đã chốt lại rằng đó là một vụ ẩu đả. Vậy nhóc đã chịu bao nhiêu vụ ẩu đả như thế trong mười mấy năm tồn tại trên cõi đời này?

Tôi thương nhóc nhất trong đám học trò nghèo to ngộc nghệch ấy. Tôi đã nắn nót cho cả lớp từ cách ăn nói đến cư xử. Chẳng hiểu vì sao các em lại nhận tôi là chỗ dựa tinh thần để tâm sự những khúc mắc trong cuộc sống. Nhóc thì không vậy. Trong năm mươi đứa học trò, nhóc là đứa duy nhất luôn tìm cách xa lánh tôi. Đôi khi có cảm giác nhóc còn cười nhạo thầm những gì tôi làm cho lớp. Ức chế! Cảm giác ấy đeo đuổi tôi trong một thời gian khá dài. Nhưng dẫu vậy thì chẳng thể phủ nhận rằng tôi vẫn mong làm được một cái gì đó tốt đẹp hơn cho nhóc.

Những ngày chủ nhật dài lê thê ở núi. Trường vắng heo hắt. Nhóc hay đến. Khi là vài củ sắn. Khi là ít măng hoặc một cái gì đó tương tự như vậy. Nhóc ít nói. Chỉ có đôi mắt là buồn. Nỗi buồn diệu vợi của thằng con trai bước vào tuổi mười tám.

Ví dụ như… Tôi nhỏ đi năm tuổi hoặc nhóc lớn thêm một chút nữa… Tại sao lại là những ví dụ nực cười đến như vậy? Tôi ư và nhóc ư? Tôi nói với nhóc rằng chúng ta chỉ là những hạt cát trong cuộc đời đầy cát bụi và giông bão. Nếu nhóc không cố gắng thì sẽ bị đẩy lùi lại phía sau ngay lập tức. Nhóc có hiểu nổi những gì tôi mong muốn cho các em không? Nhóc chỉ là một thằng con trai mới lớn. Còn tôi, tôi là một cô giáo đã hai mươi hai tuổi. Như vậy có thể nói rằng quá trẻ không nhỉ?

Ví dụ như… Đôi khi đồng nghiệp thân nhất ở cái vùng hoang sơ này cũng đặt ra câu hỏi tương tự. Tôi đã thẳng thắn nhìn vào đôi mắt ấy, mạnh dạn trả lời rằng tôi là một con người biết kiểm soát tất cả hành động và lời nói của mình. Quả thực tôi đã làm gì sai ở ngôi trường chênh vênh giữa triền núi cao này chưa? Tôi là một giáo viên dạy không tồi, sống khuôn phép, trung thực. Có điều gì phải hối hận đâu. Chỉ có nỗi đau về mối tình đầu thỉnh thoảng cồn lên. Một chút. Rồi thôi.

Ở núi, gió mây lãng đãng và bất chợt. Những kế hoạch của tôi cũng thay đổi luôn luôn. Nếu những ngày đầu tôi nghĩ hết nỗi day dứt thì mình sẽ trở về, thì giờ đây ý nghĩ ấy có vẻ đã muốn ngủ yên. Cuộc sống bình yên quá đỗi nơi đây đã kìm hãm nhiều điều. Tôi bằng lòng với nghề, với mình. Bằng an với ý nghĩ hạnh phúc ở đời là bằng lòng với những gì mình đang có. Thực ra thì tôi có bằng lòng không? Làm sao tôi trả lời. Mỗi ngày lên lớp nhìn những đôi mắt to tròn phía dưới, một nỗi buồn lại dấy lên trong tôi.

Tháng ngày vẫn trôi qua êm ả. Những ý nghĩ của nhóc day dứt, trầm tĩnh. Tôi hiểu nhưng bất lực. Tôi có thể cảm thông nhưng không bao giờ đón nhận. Những quy tắc của nghề, của cuộc sống không bao giờ cho phép.

Những bông cải vàng rực nhóc mang tới héo đi, căn phòng nhỏ bớt rực lên trong những chiều buồn bã. Những đám mây thôi lang thang vô định. Tôi lên lớp giảng bài thơ Sóng. Trong lúc mê đắm nhất với bài giảng thì nhóc hỏi:

- Yêu đơn phương có được gọi là tình yêu không cô?

Mặt tôi rắn đanh:

- Tôi không có nhiệm vụ trả lời những câu hỏi ngoài lề!

- Không! Ý em là cô gái trong bài thơ có được chàng trai đáp lại tình yêu ấy không hay đó chỉ là mối tình đơn phương?

Tôi nghiêm nghị:

- Tất nhiên là có, nhưng hãy nhớ rằng trong cuộc sống yêu đơn phương cũng được gọi là tình yêu nhưng người ta không thể vỗ tay bằng một bàn tay được, đúng không?

Nhóc ngồi xuống, dáng nặng nề, môi hơi nhệch ra. Lòng tôi hơi cồn lên một chút. Chỉ một chút thôi. Và trong lúc ấy bỗng nhiên tôi có một mong ước mãnh liệt rằng giá như nhóc còn có mẹ… Cuộc sống không có mẹ tệ hại biết nhường nào!

Những ngày đông ở núi xám ngắt, buồn. Núi thẫm hơn trong màu xanh

hoang dại. Tôi trở nên trầm lặng hơn trong cuộc sống. Thỉnh thoảng đồng nghiệp ôm về một bình rượu cần, chúng tôi ngồi nghêu ngao với nhau cả buổi tối. Những cần trúc chuyền tay nhau cùng rít, cho đến khi mặt bừng lên, người lờ đờ thì hát. Những câu hát rời rạc, buồn thấm thía.

Này dòng sông,

Này quê mẹ

Gió núi đang xao xác gọi mùa

Gió thổi u u…

Như câu hát

Bao giờ về

Bao giờ thôi đi?

Lúc ấy tất thảy chúng tôi đều quên hết những ý niệm về nghề. Muốn vứt bỏ hết để được trở lại thời sinh viên đầy ước vọng. Rồi sau đó là nước mắt. Những giọt nước mắt không chủ ý cứ chảy dài như trách cứ. Như muốn hỏi: Ngày mai sẽ thế nào?

Ngày mai? Sẽ thế nào đây nhỉ? Cuộc sống vẫn đều đặn theo thời gian trôi đi. Những bông hoa Mí cuối mùa tím đến nhức nhối. Hai năm ở nơi này hình như công việc đã giảm dần hi vọng. Học trò vẫn lo lắng cho việc đi rẫy hơn lo về những trang sách kín đặc chữ, nhìn vào thấy tức cả mắt. Lý luận một cách đơn giản rằng: biết nhiều chữ cũng có no đâu, vẫn cần phải có ngô, có khoai, có sắn. Nếu không có những thứ ấy tháng ba, ngày tám sống bằng gì? Vậy là những ngày mùa trường vắng hiu hắt. Giáo viên nhìn nhau cười xót xa. Ở triền núi cao chon von này người ta sống theo những quy luật riêng. Đừng nói đến những phép tắc và nội quy chung. Phép vua thua lệ làng. Muốn tồn tại được, chúng tôi - những giáo viên miền núi - lúc cương, lúc nhu, linh hoạt tùy theo tình hình. Lâu dần thành quen, thấy có thể chấp nhận được những đặc thù ở núi.

Còn ngày mai? Tôi chịu không trả lời được câu hỏi ấy cho mình.

- Đã bao giờ cô thử yêu mảnh đất này chưa?

Câu hỏi ấy thi thoảng quay lại xối vào lòng. Yêu chứ! Những ngày vào bản, dân đón nồng nhiệt. Những chén rượu rót ra vơi rồi lại đầy. Các thầy cô xắn tay làm việc cùng họ chẳng nề hà. Những tiếng cười vang vang ấm áp biết bao. Nhưng mỗi khi gọi điện về nhà, nghe giọng mẹ ở đầu dây bên kia xa lơ xa lắc mà buồn thôi là buồn.

- Mày cứ ở mãi trên ấy sao con?

Im lặng.

- Mày có nghĩ đến mẹ nữa không?

- Thôi mẹ!

Tự nhiên giọng cáu cẳn. Cáu mà cũng chẳng hiểu vì sao mình lại cáu.

Ví dụ như trẻ lại năm tuổi tôi sẽ làm gì?

Liệu tôi có chọn nghề mình đang theo không? Liệu tôi có dũng cảm để có những quyết định đột phá làm cho cuộc sống của mình thay đổi? Ai mà biết được. Bao nhiêu người đều nói từ giá như khi mọi thứ đã xảy ra rồi. Nhưng có điều nếu nói ân hận vì chọn mảnh đất hoang sơ này lập nghiệp thì có lẽ là không. Dù nghèo nàn, lạc hậu, dù mọi thứ còn hết sức khó khăn nhưng nơi đây ấm áp tình người. Có lẽ vậy nên tôi chưa hề nản lòng về học trò. Những đứa học trò to ngộc đáng thương hơn là đáng giận. Làm sao có thể trách được chúng. Môi trường sống ở đây là vậy, thầy cô không thể đòi hỏi những điều quá sức. Cũng không mong ngóng có thể trở thành một nhà giáo dục vĩ đại để cải cách và cải tạo những điều cố hữu nơi đây. Bấy nhiêu của chúng tôi đã là một sự cố gắng không ngừng rồi. Niềm hi vọng của tôi dồn cả vào nhóc. Nhóc là một đứa học trò có khả năng… Đã nhiều lần tôi nói với nhóc về tương lai. Một cái nghề sẽ là điểm tựa để cả cuộc đời em có thể đứng vững trên đôi chân của mình. Những khi nghe tôi nói, nhóc chỉ nín lặng. Cái mũi thẳng hơi hếch lên. Nụ cười buồn bã. Phải làm sao nhóc nhỉ? Vẫn chỉ là những ví dụ mà thôi. Giá có mẹ thì tốt biết bao, nhóc nhỉ?

Những vụ ẩu đả theo cách nói của nhóc vẫn tiếp tục diễn ra. Tôi biết điều đó qua lời kể của một học sinh khác. Những giọt nước mắt lăn qua khóe mắt chảy tràn xuống má. Tôi khóc đấy ư tôi?

- Cô à, cô đừng quan tâm tới những chuyện ấy…

- Em…?

- Như trong câu chuyện Vợ chồng A Phủ cô dạy ấy. Ở lâu trong cái khổ người ta cũng có thể quen mà.

- Cô hiểu… Cô chỉ mong em cố gắng.

- Để cuối cùng em sẽ đạt được gì hả cô?

- Dù gì em cũng là một học trò rất khá, em có thể…

- Thôi cô, em không muốn tin…

Một nụ cười buồn bã trên khuôn mặt già trước tuổi. Niềm tin cần lắm chứ. Nhóc à, tôi phải làm gì để giúp được em đây?

- Nó có được tích sự gì đâu cô. Tôi không biết ở trường nó thế nào chứ ở nhà nó chỉ biết cãi và chửi thề…

Người đàn bà to béo mang đôi tay xanh lét màu chàm nói với tôi gay gắt. Khuôn mặt bà ánh lên vẻ dữ dằn. Tôi tự hỏi người đàn ông hiền lành, nhu mì kia sao lại có một sự lựa chọn oái oăm đến thế? Ông ngồi vê vê thuốc lào rồi cho vào nõ điếu. Sự im lặng của người đàn ông khiến tôi bực bội. Từ lúc tôi đến, ông như tượng người. Như thể sự tồn tại của ông chỉ có tác dụng cho ngôi nhà bớt hoang vắng và có mùi đàn ông thôi. Tôi không biết phải mở lời như thế nào để trút ra cho thỏa mãn. Đành ngồi yên, mắt nhìn trân trân vào bếp lửa giữa nhà, củi than nguội lạnh, chiếc ghế ngồi bên bếp cũ kỹ, đen bóng theo thời gian. Khuôn mặt cha nhóc khắc khổ. Sau khi rít thuốc sòng sọc, ông phả ra một làn khói trắng mênh mông. Khói che khuất ánh nhìn. Tôi thở dài. Chào về, lòng trĩu nặng. Nhóc đón tôi ngoài con nước đầu làng, dưới gốc cây chậu hoa trắng đến tức mắt. Nhóc khóc... Trời ơi, tôi không thể nào chịu nổi nước mắt của thằng con trai mười tám tuổi. Tôi bước nhanh ra phía suối nhúng chân xuống dòng nước đang chảy. Nước lạnh ơi, hãy trôi hết những cảm xúc này đi! Tiếng nhóc đằng sau như người hụt hơi:

- Em đã từng cố... thử yêu ngôi nhà của mình, nhưng cô biết đấy điều đó quá sức của em.

Nhóc! Ví dụ như nhóc có mẹ nhỉ? Ví dụ như cha nhóc đừng lấy người đàn bà quỷ quyệt kia. Hay ví dụ rằng tôi không lên với mảnh đất này. Tại sao là ví dụ? Thôi, hát đi. Hát là sẽ quên.

À ơi

Người ta có tổ có tông

Cái cây có cội, con sông có nguồn

Trời ơi, đừng nắng luôn luôn

Cây khô chết khát, nước nguồn

chết khô…

Không! Đừng hát bài buồn như thế. Nhưng cô à, em chỉ biết hát những bài hát như vậy thôi. Trời ơi, thê thiết lắm. Cũng là kiếp con người mà sao có người sung sướng, kẻ thê thiết thế kia?

Ví dụ như… Tôi rất yêu mảnh đất này. Ví dụ như… Đồng nghiệp trân trân nhìn tôi, rồi như không kìm nén nổi những bực bội, nó hét lên:

- Vứt những cái ví dụ chết tiệt của mày đi.

Giọng nó lạc đi. Tựa hồ như vỡ. Như có kim khí choang choảng bên trong.

- Tại sao lại luôn là những ví dụ? Tại sao?

Ôi, những tại sao ấy làm sao tôi biết được. Làm sao tôi có thể trả lời? Nắng nhạt thếch rải xuống những con đường đất đỏ. Không đủ sức làm bừng lên chút sắc màu cho ngày đang tàn. Tôi cười mà lòng trống rỗng. Ừ, mà sao cứ phải là ví dụ. Sao không là những sự thật cho cuộc đời. Tôi ơi, không thấy đó ư? Sự thật là lòng tôi chỉ có những ảo giác của bình yên. Sự thực là tôi còn làm buồn lòng bố mẹ tôi nhiều lắm. Và sự thật thì nhóc… không có mẹ, nhóc đang chịu đựng cuộc sống, đang phải khổ sở vì những rung cảm…

Hãy làm ơn chỉ giùm tôi một cách tháo gỡ?

JyqUIz0w.jpgPhóng to

Áo Trắng số 21 ra ngày 15/11/2013 hiện đã có mặt tại các sạp báo.

Mời bạn đọc đón mua để thưởng thức được toàn bộ nội dung của ấn phẩm này.

ĐINH THÙY HƯƠNG (Phú Thọ)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    Chủ đề: Truyện ngắn