![]() |
Đánh phết - “Vui ra phết”
Quả Phết được đẽo bằng gỗ hoặc may bằng túi vải, túi da nhồi bông, hình dáng tựa như quả dừa sơn son. Gậy đánh phết làm bằng gộc tre hình móc câu, hoặc bằng gỗ đẽo hình bơi chèo dài bằng sải tay. Sân chơi có cầu môn vạch vôi hoặc đào hố làm điểm giới hạn phân thắng bại. Cách đánh thì mỗi nơi mỗi khác theo quy tắc riêng.
Ở Kinh đô, các cuộc đánh Phết do vua quan tổ chức quy mô lớn, người xem đông không chỗ chen chân. Hai đội thi, mỗi đội có 12 đấu thủ cưỡi ngựa mang sắc phục riêng để dễ phân biệt.
Theo lệnh của chỉ huy đồng thời là “trọng tài”, ném quả Phết ra giữa sân báo hiệu bắt đầu cuộc thi. Hai đội thúc ngựa lao vào cuộc đấu, dùng gậy lựa miếng hất quả Phết vào cầu môn của đối phương.
Mỗi đội có một giá để cắm cờ mỗi khi thắng. Mỗi lần quả Phết được hất vào cầu môn, trống chiêng nổi lên cùng với tiếng hò reo cổ vũ. Nếu quả Phết thắng mà do chính nhà vua là đấu thủ thì trống đồng và quân nhạc nổi lên bài “đại hạ” tưng bừng... Quần thần và đấu thủ cả hai đội đều được ban thưởng rượu ngự. Quan hộ giá tung tiền ban phát cho dân.
Đánh Phết là trò vui thượng võ hào hùng, một môn thể thao dân tộc cổ truyền mà bà Thiều Hoa - nữ tướng của Hai Bà Trưng - đã tổ chức để rèn luyện sức dẻo dai cho quân sĩ.
Thời Lý - Trần, tại Thăng Long nhà vua thường tổ chức cho các tướng trong triều thi đấu để dân trăm họ cùng vui chung. Các cuộc thi đấu Phết đều thu hút đông đảo người xem, hò reo khích lệ, ồn ào sôi động, bởi vậy câu nói truyền miệng dân gian “Vui ra phết” đã trở nên một thành ngữ đến ngày nay.
Chọi gà
![]() |
Người xưa thường nói “Đông như đám gà chọi”. Mỗi hiệp chọi gọi là một “hồ” tính khoảng 15 phút, cho nghỉ 5 phút lại đấu tiếp. Cặp gà nào khỏe nhất cũng chỉ chọi được 10 hiệp là cùng. Có khi vì cay cú, các chủ gà cho chọi đến cùng, gọi là chọi “kỳ tẩu, kỳ tử” tức là đến khi một con bỏ chạy hoặc chết tại trận thì cuộc chọi mới chấm dứt.
Trước khi vào cuộc chọi, người ta phải đưa gà ra so về chiều cao và cân nặng, gà của hai bên có cân sức mới cho chọi. Con nào ở thế yếu hơn có thể cấy thêm lông cánh cho nó có thể bay lên để đá, hoặc con nào thế mạnh hơn thì phải dùng vải bọc cựa để giảm bớt sức mạnh. Muốn có con gà đủ điều kiện đi chọi thi, việc chọn và nuôi gà chọi cũng khá công phu, lại phải kiên nhẫn rèn luyện cho con gà đủ sức chiến đấu dẻo dai và gan dạ.
Các cụ nuôi gà chọi lâu năm thường nói: “Muốn có gà chọi tốt, trước hết phải lựa chọn đúng tông gà, giống gà nòi đã giật được nhiều giải chọi”. Ở Hà Nội có nhiều nơi nuôi gà chọi nổi tiếng như làng Đăm (Tây Tựu), làng An Phú (Nghĩa Đô), làng Nghi Tàm, phố Nguyễn Khuyến v.v... Đặc biệt, ở làng Đăm có giống gà nhỏ, nhẹ hơn đối thủ bốn lạng nhưng nhanh nhẹn nên thường đánh thắng các con gà lớn hơn.
Kinh nghiệm chọn giống gà chọi đã được người xưa đúc kết rằng:
Đầu công, mình cốc, cánh vỏ trai Dài đùi, ngắn quản chẳng thua ai (quản còn gọi là khoản tức cẳng chân).
Trên thế giới có nhiều nước nuôi gà chọi. Riêng ở Đông Nam Á nuôi gà chọi nổi tiếng có Việt Nam, Lào, Thái Lan, Trung Quốc... Gà chọi của Việt Nam được nhiều nước ưa thích vì đá đẹp và gan dạ, nên đã trở thành một mặt hàng xuất khẩu có giá trị.
Ném còn
![]() |
Vốn là một môn vui chơi dân gian lưu truyền từ thời Hùng Vương khi có các quan lang và các cô Mỵ Nương. Dưới thời Trần, ngày mùng ba Tết là ngày vui lớn có tổ chức hội tung còn. Vua ngự trên lầu cửa Đại Hưng (Cửa Nam ngày nay) xem Hoàng tử cùng các quan nội thị ném quả “tú cầu”, ai đón mà không để rơi là được.
Tú cầu (tức là quả còn) to bằng nắm tay trẻ con, bọc gấm, buộc hai mươi dải ngũ sắc. Ai thắng được thưởng chén rượu, ai thua phải uống nước lã.
Hiện nay ở các vùng đồng bào dân tộc Mường và Thái trong những ngày Tết hàng năm vẫn tổ chức thi ném còn. Quả còn hiện nay là một trái cầu to bằng quả cam lớn, khâu bằng vải, trong ruột nhồi bông, ngoài bọc vải màu có tua ngũ sắc sặc sỡ rất đẹp.
Sân thi ném còn là một khoảng đất rộng giữa trồng một cột tre trên ngọn có một vòng tròn đường kính hơn hai tấc, để làm đích ném. Nam nữ thanh niên chơi ném còn đứng ở hai phía sân đối diện nhau để lần lượt thi ném quả còn cho lọt vòng tròn. Người xem đứng vây xung quanh sân, vừa xem vừa cổ vũ, động viên. Người ném cầm tua còn quay mấy vòng lấy đà rồi tung quả còn vút lên. Quả còn lướt lên ngọn tre, những dải tua còn bay xòe ra trông rất đẹp mắt.
Mỗi khi có quả còn được ném trúng vòng tròn trên ngọn tre, người xem hò reo khen ngợi, khích lệ rất sôi nổi. Vòng tròn trên ngọn tre có dán giấy hồng điều. Quả còn ném trúng, mặt giấy sẽ bị thủng rơi sang phía đối diện. Cuộc thi thường chia ra hai bên, mỗi bên một đội hoặc chia theo từng đôi nam nữ ăn ý nhau từ trước.
Ném còn vừa để đua tài, vừa để tìm hiểu bạn tình, có thể tiến tới hôn nhân trong tương lai. Phần thưởng cho những người ném giỏi là những bát rượu mời nhau, trao ánh mắt nụ cười và lời hẹn hò gặp gỡ.
Cuộc thi ném còn cứ thế tiếp tục suốt ngày vui khó dứt ra về.
Chọi chim họa mi
![]() |
Chim họa mi còn được gọi là “Hùng Điểu”, “Vương Điểu” biểu thị tính chiến đấu ngoan cường, bảo vệ tổ ấm, bảo vệ “lãnh thổ” mang tính độc lập tự chủ rất cao. Họa mi sống có đôi, sinh con đẻ cái nuôi cho đến khi khôn lớn, dần dần hình thành từng cặp mới, chiếm cứ riêng từng quả đồi mới. Khi đã trưởng thành, đã ghép thành đôi, phải đua tài với các đôi khác bên nào thắng thì ở lại, đôi nào bại phải đi tìm quả đồi khác mà lập tổ ấm.
Dựa vào đặc tính đó, người ta tổ chức các cuộc chọi chim họa mi, kích thích bản năng chiến đấu của loại chim này. Kiếm được đôi chim tốt, nuôi dạy tập dượt để có thể đưa đi chọi là cả một quá trình đầu tư thời gian, công sức nên chủ nuôi họa mi chọi thường là người có đức tính kiên nhẫn, có hoàn cảnh sống nhàn nhã, phong lưu.
Cuộc chọi chim họa mi được tổ chức theo quy chế rõ ràng. Thường có vài chục cặp chim dự chọi. Mỗi cuộc chọi có 4 giải: Nhất, Nhì, Ba và Điện quân. Ba giải đầu dành cho những con chim đánh được nhiều mỏ nhất. Điện quân tặng cho con chim chiến thắng cuối cùng. Ngoài ra, tùy theo số lượng cặp chim tham dự mà đặt thêm số giải trúng cách để tặng khuyến khích.
Suốt trong cuộc thi, vai trò chim mái hết sức quan trọng. Chim mái hay, biết quan sát đánh giá tương quan lực lượng giữa đôi bên, biết cầm trịch cho con trống của mình đánh và nghỉ đúng lúc, biết hót động viên hay “xùy” thúc con trống xông vào tấn công quyết liệt.
Tiếng hót của chim họa mi thật vui tai và giàu nhạc tính. Đặc biệt, tiếng hót của con mái trong các cuộc thi vừa có tính “chỉ đạo”, vừa có tác dụng tiếp thêm sức mạnh cho “ông xã” trong cuộc trổ tài, giành chiến thắng trước đối phương.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận