16/11/2009 19:57 GMT+7

Những thầy cô của học trò nghèo

VĨNH HÀ
VĨNH HÀ

TTO - Sáng 16-11, ngành GD-ĐT Hà Nội đã tổ chức biểu dương hơn 800 nhà giáo tiêu biểu, mẫu mực.

Những thầy cô của học trò nghèo

TTO - Sáng 16-11, ngành GD-ĐT Hà Nội đã tổ chức biểu dương hơn 800 nhà giáo tiêu biểu, mẫu mực.

Họ là những người đã góp phần quan trọng vào việc duy trì, phát triển giáo dục của thủ đô 55 năm qua ở nhiều lĩnh vực khác nhau: quản lý, giảng dạy, bồi dưỡng học sinh giỏi, đỡ đầu, giúp đỡ học sinh khó khăn, yếu kém, đi đầu trong việc ứng dụng CNTT, sáng tạo đồ dùng dạy học, đổi mới phương pháp dạy học…

Nhiều thầy cô giáo là tấm gương sáng về đạo đức, lối sống, hết lòng vì học sinh.

ImageView.aspx?ThumbnailID=375493
Các thầy cô giáo tiêu biểu của Hà Nội - Ảnh: Bích Ngọc

Cũng nhân dịp này, ngành GD- ĐT Hà Nội cũng biểu dương hơn 80 nhà giáo tiêu biểu trong số 2.356 nhà giáo có tấm lòng nhân ái, giúp đỡ, cưu mang học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Đã có gần 2.500 học sinh được nhận sự giúp đỡ từ các thầy, cô giáo, trong đó có những em gia đình ly tán, mồ côi cha mẹ hoặc cha mẹ vướng vào tệ nạn xã hội; có những em gia đình nghèo, sớm phải lao động kiếm sống. Nhiều em trong số trên từng phải rời bỏ mái trường, sống vất vưởng, có nguy cơ thất học, sa ngã vào tệ nạn, phạm pháp..

Cô giáo Hoàng Hương Duyên, Trường THPT Trương Định, đã nhận đỡ đầu em N.M.Đ. khi cha em bị nhiễm HIV, mẹ bỏ đi, nhà phải bán để trả nợ. Em Đ. phải bỏ học đi làm kiếm tiền nuôi cha trong trại cai nghiện. Để giúp đỡ em Đ. tiếp tục đi học, cô giáo Duyên đã nhận đóng học phí, sách vở, tiền sinh hoạt cho em trong suốt các năm học ở phổ thông, hằng ngày dành thời gian phụ đạo cho Đ, vận động các thầy cô giáo khác tham gia dạy ngoài giờ để Đ. bổ sung kiến thức bị thiếu. Cô Duyên cũng kiên trì trong việc tìm mẹ của Đ., giải thích về việc phòng tránh lây nhiễm HIV để mẹ em trở về đoàn tụ với gia đình.

ImageView.aspx?ThumbnailID=375494
Cô giáo Nguyễn Thị Sang đang kèm học trò ở lớp học tình thương - Ảnh: Vĩnh Hà

Cô giáo Nguyễn Thị Minh Phượng - giáo viên tại Trung tâm Giáo dục thường xuyên Phú Xuyên, Hà Nội - cũng được xem là một trong những cô giáo của học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Với 29 năm tuổi nghề và 28 năm làm công việc chủ nhiệm ở nơi phần lớn học sinh có hoàn cảnh đặc biệt: nghèo, học lực yếu, không được sự quan tâm chăm sóc của gia đình… Với đồng lương nhà giáo eo hẹp, nhưng cô Phượng đã dành dụm, chia sẻ một phần để giúp đỡ gia đình em N.T.B. trả nợ quỹ tín dụng, bằng cách đó thuyết phục gia đình cho em tiếp tục đi học.

Em N.M.Q. nhà nghèo, phải mổ thay van tim đã được cô Phượng cùng đồng nghiệp quyên góp tiền giúp đỡ, chữa chạy. N.M.Q. tưởng chừng phải bỏ học giữa chừng nhưng nhờ sự giúp đỡ của cô giáo đã trở lại trường, tốt nghiệp THPT và thi đỗ vào đại học.

Nhiều thầy cô giáo không chỉ giúp đỡ học sinh bằng tiền bạc, cơ sở vật chất, kèm cặp dạy dỗ mà còn nhận nuôi học sinh như con, dù phần lớn thầy cô sống trong điều kiện không dư dả hoặc thiếu thốn.

Cô giáo Nguyễn Thị Sang, giáo viên Trường tiểu học Yên Thường, Gia Lâm, Hà Nội, đã nhận nuôi một học sinh suốt sáu năm qua. Chỉ nghe đồng nghiệp kể về trường hợp em N.H.L. có bố mẹ ly dị, mẹ bị tâm thần, bơ vơ không người chăm sóc, cô Sang đã lặn lội đến tận nhà em L. xin với người thân của mẹ em L. cho cô được chịu trách nhiệm nuôi em. L. sống trong ngôi nhà của cô giáo Sang trong tình trạng vô cùng chật chội, cả nhà gồm vợ chồng cô giáo, hai con trai và L. phải ngủ chung trong một căn phòng chật hẹp. Lương nhà giáo nuôi hai con, giờ phải chia sẻ thêm cho L. nhưng cô giáo Sang đã giữ lời hứa nuôi L. như các con mình. Em N.H.L. hiện đã học lớp 6 và là một học sinh khá.

Trước hoàn cảnh học sinh H.T.T. có cha bị tai nạn, mẹ sinh đôi hai em, phải đưa các em vào TP.HCM sinh sống, H.T.T. ở lại Hà Nội, không nhà, không người thân, rơi vào tình trạng trầm cảm, cô giáo Lê Bích Ngọc, giáo viên Trường THPT Phan Huy Chú, đã nhận H.T.T. về nhà chăm sóc, nuôi dưỡng như con mình. H.T.T. đã học hết phổ thông trong sự cưu mang của cô giáo và thi đỗ vào đại học.

Các cô giáo Nguyễn Thị Mai, Trường THCS  Cổ Bi, Gia Lâm; Ngô Thị Thanh Quý, Trường tiểu học Tứ Liên; Nguyễn Thị Hoa Hậu, Trường tiểu học Trâu Quỳ, Hà Nội… đều nhận học sinh nuôi dạy như con nhiều năm ròng rã trong hoàn cảnh gia đình khó khăn.

Để giúp đỡ học trò, một số cô đã phải kiên trì thuyết phục gia đình, hi sinh hạnh phúc riêng.  Có cô giáo ngoài việc dạy học ở trường, nuôi dưỡng những học trò nghèo vẫn đều đặn duy trì buổi dạy cho các lớp học tình thương. Họ thật sự là những người thầy của học trò nghèo.

VĨNH HÀ

VĨNH HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên