![]() |
Trả lời của Phòng mạch Online:
Bệnh bướu cổ cường giáp có nhiều dạng bệnh khác nhau, đa số có bướu giáp lan tỏa (to đều hai bên) do bệnh Basedow (còn gọi là bệnh Graves) gây ra. Dân gian ta có tên gọi bướu cổ lộ nhãn, bướu tim, bướu độc… Một bệnh cụ thể cần có một cách điều trị tốt nhất cho bệnh đó. Tôi xin trình bày những điểm chung nhất:
Bướu cổ cường giáp có ba phương pháp điều trị chính: một là uống thuốc (các loại thuốc kháng giáp), hai là dùng Iod phóng xạ (phát ra các tia phóng xạ làm tiêu hủy bướu) và cuối cùng là phẫu thuật.
Trong ba loại trên, biện pháp phẫu thuật có lẽ ít được ưa chuộng nhất (theo các tài liệu nước ngoài) bởi do tính chất của một cuộc phẫu thuật với những rủi ro và biến chứng mà kết quả cũng không khác bao nhiêu so với dùng Iod phóng xạ.
Việc chỉ định phẫu thuật thật sự có lợi ích vượt trội trong một số ít trường hợp (như bướu giáp quá to, bệnh nhân không thể dùng Iod phóng xạ được và cũng không thể dùng thuốc kháng giáp được).
Những biến chứng của phẫu thuật tuyến giáp không nhiều và tùy thuộc vào tay nghề của phẫu thuật viên cũng như khả năng chuẩn bị bệnh nhân của trung tâm đó. Tất nhiên, các phẫu thuật bướu giáp thỉnh thoảng vẫn xảy ra tai biến tử vong, và một số trường hợp khác là mất tiếng nói, hạ canxi máu sau mổ, nhiễm trùng vết mổ…
Về lâu dài có thể bị tái phát bướu cổ cường giáp hoặc dẫn đến suy giáp.
Biện pháp dùng Iod phóng xạ cũng có những rủi ro và biến chứng của nó. Tuy nhiên, mức độ nguy hiểm, tính chung là ít hơn phẫu thuật. Do vậy, ở các nước ngày nay dùng Iod phóng xạ rất nhiều.
Biện pháp cơ bản nhất của điều trị cường giáp là dùng thuốc kháng giáp. Việc điều trị có thể kéo dài một năm hoặc hơn và bệnh cũng có thể tái phát sau khi ngưng thuốc.
Tóm lại, dựa trên những ưu điểm và khuyết điểm của từng biện pháp điều trị, người bác sĩ sẽ lựa chọn biện pháp điều trị phù hợp nhất. Trong thực tế hiện nay, một số bác sĩ ngoại khoa có khuynh hướng thiên về chỉ định phẫu thuật (và có thể, các bác sĩ nội khoa chỉ muốn điều trị bệnh bằng thuốc kháng giáp).
Bạn cần tìm hiểu kỹ trước khi quyết định và theo tôi, bạn nên đưa mẹ đi khám với hai bác sĩ khác nhau (nội khoa và ngoại khoa) cùng điều trị về bệnh tuyến giáp để tìm hiểu và được tư vấn tốt hơn trước khi quyết định.
Bạn có những thắc mắc về sức khỏe của mình mà không biết hỏi ai. Bạn cần được tư vấn những thắc mắc về sức khỏe của mình, của người thân... Phòng mạch Online của Tuổi Trẻ Online sẽ giúp bạn giải đáp 1.001 thắc mắc về sức khỏe. Mọi thắc mắc về sức khỏe vui lòng gửi về địa chỉ email: tto@tuoitre.com.vn Để chính xác về nội dung, vấn đề cần hỏi, bạn đọc vui lòng gõ có dấu (font chữ unicode). Chân thành cảm ơn! B.CHÂU thực hiện |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận