![]() |
Chuyến đi về làng cổ Đường Lâm của nhóm P.Lan - Ảnh: X.MINH |
Thời gian bỏ ra nhiều và kết quả thu về cũng không hề nhỏ chút nào.
Vác tương lai theo thầy
K.Tuyền là một tín đồ trung thành của việc đi làm thêm theo thầy. Học năm 3 khoa điện (ĐH Nông nghiệp I Hà Nội), cuộc đời sinh viên của chàng được đo bằng những chuyến đi xa. Hè đến các bạn hối hả về quê thì cũng là lúc công việc của chàng vào guồng nhất vì đó là mùa kiếm tiền. Gần hai tháng hè Tuyền làm “tà lọt” theo thầy đến các vùng đất mới để dựng cột, chăng dây. Đồ mang đi thì cồng kềnh nặng nhọc. Công việc phải phơi nắng dưới trưa hè oi ả. Nhưng Tuyền vẫn vui sướng khi bộc bạch: “Thầy giao công việc, mình được làm, được cảm thấy lớn hơn và thấy được tin tưởng”.
Cùng chung cảm giác lâng lâng đó, P.Lan (K47, ngôn ngữ, ĐHKHXH&NV Hà Nội) khoe: “Mình vừa đi làng cổ Đường Lâm để thu thập tài liệu về ngôn ngữ cổ. Say xe, mệt chết đi được nhưng vẫn vui”. Lan cho biết cả khoa ngôn ngữ chỉ lấy sáu người, còn lại chín người bên khoa sử học. Được đi với những giáo sư đầu ngành về sử học, ngôn ngữ; được tham gia một dự án cấp vĩ mô; được sờ mó các hiện vật và được làm cùng với các chuyên gia Nhật thì không phải sinh viên nào cũng có cơ hội. Mà lương thì “ổn áp” vô cùng. Mỗi buổi 100.000đ, mỗi tuần hai buổi, vị chi hai tháng “ẵm” về ngay 1,6 triệu và lại được làm đúng sở trường mà mình thích. Lan cho biết thêm: “Mình thường xuyên thu thập tài liệu để làm từ điển cho thầy. Làm part-time khoảng hơn tháng mình có ngay 2 triệu đồng”.
Dân nghiên cứu chọn đường dài theo thầy, còn dân cơ khí lại là những ngày dài lên công ty hay xưởng của thầy một buổi/ngày. Tối lại mang công việc về nhà làm thêm. Làm bán thời gian nhưng lương vẫn nhận đủ cả chẳng thua chị kém em tẹo nào. X.Hùng (CTM, ĐH Bách khoa Hà Nội) thổ lộ: “Lương mình mỗi tháng khoảng 800.000đ. Đủ để mình chi tiêu, chẳng phải về quê xin tiền bố mẹ. Làm cho thầy được nhất chính là việc cọ xát thực tế và tạo cho mình bản lĩnh trong nghề nghiệp”.
Không phải sinh viên nào muốn “vác tương lai theo thầy” cũng được. Được làm theo thầy là những sinh viên thật sự yêu thích công việc và có khả năng. Mỗi lớp giỏi lắm cũng chỉ được vài ba người. Để được theo thầy phải có kết quả học tập “hoành tráng” và nhất là không được sơ sẩy trong kỳ “sát hạch” của thầy. Tỉ lệ chọi còn gắt gao hơn thi đại học nhiều.
Kinh nghiệm... thầy cho
Vòng qua các trường đại học, việc làm “tà lọt” theo thầy của sinh viên chẳng còn là hiếm. Thầy “mượn” sinh viên với giá “phải chăng”, còn sinh viên được hưởng lương và những kinh nghiệm thực tế quí báu. Phần lớn những cơ hội để cọ xát với nghề những sinh viên này không hề bỏ qua.
P.Lan cho biết: “Vừa được học hỏi kiến thức của thầy, vừa có cơ hội thăng tiến trong công việc sau này”. Chẳng thế mà sau bốn năm đại học, P.Lan chẳng bỏ lỡ chuyến đi nào của khoa bất kể lên Lào Cai hay vào Huế. P.Lan nói: “Còn trẻ thì phải đi chứ. Đi để mở mang đầu óc và để khám phá nhiều thứ. Là dân ngôn ngữ là phải đi, đi trước khi ngồi vào nghiên cứu”.
Rất nhiều sinh viên đã nhận ra rằng thầy chính là một nhà tuyển dụng lớn. Sẽ là cơ hội trời cho nếu bạn được bắt tay với thầy ngay từ năm thứ nhất.
Chìa khóa của việc theo thầy là ngoài kinh nghiệm, các bạn sinh viên còn vui thú bởi được tham gia những chuyến đi dã ngoại... miễn phí. Chính họ được đi qua nhiều mảnh đất, gặp gỡ rất nhiều người. Tuyền là một trong số những người may mắn như thế. Cả thảy chàng đã đi được 40 tỉnh, thành trên cả nước.
Nhưng cái gì cũng có giá của nó. Rất nhiều bạn đã bị cuốn theo công việc mà khó có đủ thời gian học trên lớp. Như Tiến ngoài “tà lọt” cho thầy, vừa làm ở FPT đồng nghĩa với việc chàng sẽ “mài ghế” nhà trường thêm một năm nữa. Cơ hội là rất tốt nếu sinh viên sử dụng nó một cách phù hợp và phân chia thời gian hợp lý.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận