![]() |
Sacha Van Loo làm việc với chiếc headphone và bàn phím nổi - Ảnh: IHT |
Nghe đọc nội dung toàn bài: |
Sacha Van Loo, 36 tuổi, là một “cớm” đặc biệt. Anh mang một cây gậy dò đường thay vì một khẩu súng. Và phương tiện làm việc chính của anh là một tai nghe “xịn” mà anh dùng để phân tích các cuộc nghe trộm, từ đó xác định đối tượng bị nghe trộm đang dùng xe Honda, Peugeot hay Mercedes...
Sĩ quan khiếm thị
Sacha Van Loo là một trong những “vũ khí” mới nhất trong cuộc chiến chống tội phạm có tổ chức và khủng bố. Anh là một thành viên trong một nhóm sáu sĩ quan cảnh sát khiếm thị mới được thành lập vào tháng sáu trong lực lượng cảnh sát Bỉ và chuyên sử dụng đôi tai tinh tường của mình để xác định các chi tiết, manh mối mà những đồng nghiệp bình thường không thể tìm ra, từ đó giúp cho quá trình phá án.
Trong điều tra, các đoạn thu âm nghe trộm thường được thu thập qua đường điện thoại hoặc một con bọ nghe trộm gắn tại nơi cư trú của những kẻ tình nghi. Âm thanh thu được hầu như luôn bị lẫn tạp âm và không một máy móc hay một người bình thường nào có thể phân tích được; việc nhờ tới những người có thính giác phát triển có vẻ là giải pháp tối ưu.
“Việc không thể nhìn thấy (Loo bị mù bẩm sinh) đã khiến các giác quan khác của tôi phát triển hơn, và công cụ làm việc của tôi là đôi tai” - Loo giải thích. Khi cảnh sát thu thập được các đoạn nghe trộm đối với những kẻ tình nghi (Bỉ mới thông qua một đạo luật cho phép thực hiện việc nghe trộm trong điều tra cách đây vài năm), nhóm của Sacha Van Loo có thể xác định ngay lập tức số điện thoại dựa trên âm quay số phát ra. Bằng cách nghe âm thanh vọng ra từ tường, họ có thể khẳng định vị trí thực hiện cuộc gọi là một nhà chờ sân bay, một nhà ga hay một nhà hàng...
Mới đây, một sở cảnh sát ở Bỉ đã phải đánh vật với một đoạn thu âm nghe trộm vì tiếng thu được lờ mờ không rõ và kết luận kẻ tình nghi là một người Morocco. Tuy nhiên, khi đoạn thu âm này được chuyển tới Loo, anh đã nghe và tuyên bố đó là một người Albania. Và kết quả thực tế sau đó, khi nghi phạm kia bị bắt, đã chứng minh Loo đúng.
Nhóm thám tử khiếm thị cũng tỏ ra rất hữu hiệu trong điều tra chống khủng bố. Alain Grignard, một quan chức cấp cao của Sở Cảnh sát liên bang Brussels, cho biết việc phân tích các đoạn thu âm nghe trộm mới đây đã đóng vai trò quyết định trong việc phá một ổ khủng bố chuyên tuyển người hoạt động tại Iraq từ Bỉ.
Công việcđang mở rộng
Sacha Van Loo tiết lộ: “Tôi luôn phải huấn luyện đôi tai của mình để biết được tôi đang ở đâu. Đó là một vấn đề liên quan tới sự tồn tại của tôi, có thể đó là lúc tôi lên tàu hỏa, có thể đó là lúc tôi đi qua phố. Là một người khiếm thị, tôi có những khó khăn lớn và phải có những phân tích và phân loại sẵn đối với âm thanh. Đây chính là sự khác biệt giữa tôi với người bình thường và cho phép tôi phá án”. Những thích nghi tâm lý cho một cuộc sống hằng ngày như vậy đã giúp anh không bị khớp khi tiếp xúc với thế giới tội phạm, nơi người ta thường xuyên nói tới chuyện đánh đập, giết người, thủ tiêu, bắt cóc, buôn ma túy... |
Bị khiếm thị là một thiệt thòi lớn cho nhóm thám tử mới này và vì vậy họ được đối xử đặc biệt. Khi gặp những thám tử khiếm thị này, các đồng nghiệp luôn tránh dùng cụm từ “au revoir” (lời chào tạm biệt dịch nghĩa theo từng từ là “Hẹn nhìn thấy bạn lần nữa”). Trong văn phòng cũng không có dây điện ngổn ngang trên sàn nhà để tránh cho sĩ quan khiếm thị có thể bị vấp.
Khi họ vào làm việc, sở cảnh sát được lắp thêm một thang máy có thể được điều khiển bằng giọng nói. Chiếc máy tính trị giá 10.000 euro dành riêng cho họ không bật màn hình, thay vào đó là cặp headphone và một bộ chữ nổi để họ ghi lại những gì nghe được. Khi đi ra ngoài, họ được trang bị một thiết bị định vị toàn cầu GPS phát ra tiếng nói để hướng dẫn họ đi đường dễ dàng hơn.
Cảnh sát Bỉ đang tuyển thêm người khiếm thị để phục vụ công tác điều tra. Hai điều kiện cần thiết để trúng tuyển là phải có thính giác xuất sắc và phải bị khiếm thị tối thiểu 33%. Chính yếu tố thứ hai này thường đánh trượt các thí sinh dù nhiều người đạt điểm thi nghe rất cao. Van Thielen, người đưa ra ý tưởng sử dụng những người khiếm thị làm công tác phân tích âm thanh cho cảnh sát Bỉ, cho biết ban tuyển người của ông đã không thể nhịn cười khi thấy một thí sinh còn có thể tự lái xe con của mình tới phỏng vấn.
Tuy nhiên vấn đề lớn nhất vẫn là nhận thức. Cindy Gribomont, giám đốc một trung tâm sinh hoạt của người mù tại Brussels tham gia quá trình tuyển người này, cho biết khó khăn lớn nhất của bà là thuyết phục các giám đốc cảnh sát chấp nhận để người khiếm thị vào làm việc trong văn phòng của họ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận