![]() |
Quy chế này được đánh giá là khả thi vì những quy định khá cụ thể, giúp cả người tham gia các hoạt động dịch vụ văn hóa và cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực này dễ triển khai, thực hiện.
Một trong những vấn đề nêu trong quy chế được nhiều người quan tâm, đó là những quy định mới về kinh doanh karaoke.
Bên ngoài nhìn được...bên trong
Từ trước đến nay, tại các điểm kinh doanh karaoke, cửa ra vào thường làm bằng gỗ ốp vật liệu cách âm, ở giữa để một ô nhỏ bằng kính để người ngoài có thể nhìn vào phòng. Kín kín hở hở như thế tạo kẽ hở cho những cơ sở kinh doanh loại hình này lợi dụng để tổ chức các hoạt động mang tính đồi trụy.
Nay thì, theo các nhà quản lý văn hóa, quy chế mới sẽ giúp công tác quản lý lĩnh vực này hiệu quả hơn và những cá nhân, tổ chức kinh doanh dịch vụ này sẽ phải đối mặt với những quy định chặt chẽ hơn.
Cụ thể, tại khoản 3 điều 38 của Nghị định 11 quy định rõ: "Cửa phòng karaoke là cửa kính không màu, bên ngoài có thể nhìn thấy toàn bộ phòng"; "Không được đặt khóa, chốt cửa bên trong hoặc đặt thiết bị báo động để đối phó với hoạt động kiểm tra của cơ quan có thẩm quyền". Thực hiện quy định này, phần lớn các cơ sở kinh doanh karaoke phải thay toàn bộ cửa nếu muốn kinh doanh.
Các hộ liền kề phải đồng ý bằng văn bản
Một điểm rất mới liên quan đến thành lập cơ sở karaoke trong nghị định này là: "Địa điểm hoạt động karaoke trong khu dân cư phải được sự đồng ý bằng văn bản của các hộ liền kề", chứ không phải như trước đây, cá nhân, tổ chức nào muốn kinh doanh dịch vụ này chỉ cần đáp ứng đầy đủ hồ sơ, quy định là có thể được.
Theo ông Phan An Sa, Chánh thanh tra Bộ Văn hóa Thông tin, sở dĩ quy định như vậy vì trong nhiều năm qua, không ít hộ dân liền kề các quán karaoke liên tục có đơn thư khiếu kiện lên các cơ quan chức năng, chính quyền sở tại vì độ ồn, gây mất trật tự an ninh khu phố.
Mỗi phòng 1 nhân viên phục vụ
Nghị định cũng quy định rõ: "Mỗi phòng karaoke chỉ được sử dụng một nhân viên phục vụ từ 18 tuổi trở lên; nếu nhân viên phục vụ là người làm thuê thì phải có hợp đồng lao động và được quản lý theo quy định".
Nghị định cũng nghiêm cấm không được bán rượu hoặc để cho khách uống rượu trong phòng karaoke và các điểm kinh doanh dịch vụ karaoke không được hoạt động trước 8 giờ sáng và phải đóng cửa trước 12 giờ đêm.
Tối thiểu 20m2/phòng
Một trong những điểm mới của quy chế là các điểm kinh doanh dịch vụ karaoke phải đáp ứng các điều kiện: diện tích tối thiểu của phòng karaoke phải từ 20 m2 trở lên (trước đây quy định diện tích mới phòng karaoke tối thiểu 14m2); âm thanh không được vượt quá tiêu chuẩn nhà nước về độ ồn, ánh sáng bảo đảm tương đương một bóng đèn 40 W cho diện tích 20 m2.
Cũng theo quy chế, trong khi tạm ngừng cấp phép mới các cơ sở kinh doanh karaoke (nội dung Chỉ thị 17/CT-TTg), thì việc gia hạn giấy phép (đối với hộ đã có giấy phép nhưng hết hiệu lực) vẫn được tiến hành. Để được gia hạn, cơ sở kinh doanh phải đáp ứng những điều kiện cụ thể: như địa điểm kinh doanh cách trường học, bệnh viện, cơ sở tôn giáo... từ 200 m trở lên.
Vũ trường: chấm dứt... thoát y?
Đối với những điều khoản quy định về hoạt động vũ trường, Nghị định chỉ rõ: "Nghiêm cấm các hành vi nhảy múa thoát y hoặc các hành vi khác có tính khiêu dâm, môi giới và mua, bán dâm hoặc sử dụng ma túy tại vũ trường".
Còn với các cửa hàng điện tử phải cách các trường tiểu học, trung học cơ sở trung học phổ thông từ 200 m trở lên; bảo đảm trật tự an toàn giao thông; khi hoạt động, tổ chức, cá nhân kinh doanh trò chơi điện tử không được hoạt động quá 11 giờ đêm.
Một vấn đề đang được dư luận quan tâm là, theo nghị định, các cá nhân, tổ chức muốn thành lập cơ sở karaoke, vũ trường phải hội tụ đủ những điều kiện được quy định trong quy chế, nhưng liệu rằng, họ có được cấp mới, thành lập mới cơ sở kinh doanh dịch vụ này khi Chỉ thị 17 của Chính phủ quy định tạm dừng cấp phép mới đối với ngành nghề kinh doanh nhạy cảm này? Có lẽ câu trả lời phải chờ đến khi Thông tư hướng dẫn chi tiết thực hiện Nghị định 11 được Bộ Văn hóa - Thông tin ban hành.
Theo quy chế, mỗi phòng karaoke tối thiểu phải có diện tích 20 m2 trở lên (không kể công trình phụ). Vậy những phòng suýt soát 19 m2, cũng sẽ bị đóng cửa Quy định này liệu có khả thi trong điều kiện thành phố "đất chật người đông"?
Có ý kiến cho rằng nếu là kinh doanh dịch vụ karaoke không lành mạnh thì dù phòng rộng đến mấy nếu buông lỏng việc quản lý, giám sát thì cũng có vi phạm, nếu hoạt động chính đáng thì dù chỉ 6 m2 vẫn lành mạnh. Hơn nữa, quy định trên sẽ làm khó các doanh nghiệp và nếu đối chiếu với Luật Doanh nghiệp, thì quy định trên có thật sự công bằng với người kinh doanh?
Và, dù được quy định cụ thể, chi tiết..., nhưng thực chất quy chế cũng mới chỉ giải quyết được phần ngọn. Vì nếu vi phạm, bị rút giấy phép kinh doanh, các chủ kinh doanh vẫn có thể thay tên, đổi họ, làm giấy đăng ký mới.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận