26/02/2005 09:32 GMT+7

Những ông chủ đồng nát

Theo Tiền Phong
Theo Tiền Phong

Những ngôi biệt thự lớn, những chuyến xe tấp nập ra vào, cả xã không có bóng dáng kẻ nghiện ma túy... Đây là bức tranh của xã buôn đồng nát xuyên biên giới Diễn Tháp (Nghệ An).

xzOGqGTX.jpgPhóng to
Len lỏi khắp nơi cùng “chú ngựa sắt” chở hàng tạp hóa
Những ngôi biệt thự lớn, những chuyến xe tấp nập ra vào, cả xã không có bóng dáng kẻ nghiện ma túy... Đây là bức tranh của xã buôn đồng nát xuyên biên giới Diễn Tháp (Nghệ An).

Những ông chủ thế hệ 8X

Mặc dù thuộc thế hệ 8X (sinh sau năm 1980), nhưng Nguyễn Hồng Sơn đã có 8 năm lăn lộn với nghề đồng nát (đường học của Sơn “đứt gánh” từ năm lớp 9). Mang tiếng theo nghề đồng nát của làng, nhưng Sơn hành nghề sang đến tận... Viêng Chăn (Lào).

Xã Diễn Tháp quê Sơn vốn là một làng nghề truyền thống đúc đồng lâu đời, cho nên người dân ở đây thường xuyên phải đi thu mua phế liệu. Khi nào gom đủ, các lò đúc mới nổi lửa. Nhưng đây là câu chuyện của nhiều năm về trước, cái thời của bố mẹ Sơn quẩy đòn gánh đi rao khản giọng khắp nơi mà nghèo vẫn hoàn nghèo. Bây giờ, Sơn cũng là một tay đồng nát chính hiệu nhưng mỗi chuyến xe chở hàng đi đổi đồ phế liệu của anh đã lên tới hàng trăm triệu đồng.

Hành trình của Sơn thường bắt đầu bằng những chuyến gom hàng tại các đại lý trong làng, hay ra tận Nam Định, Hà Nội. Có những lúc cậu phải thuê xe ô tô trên 10 tấn để chở xoong, nồi và trăm thứ tạp hoá khác. Hoàn tất mọi thủ tục cần thiết tại cửa khẩu Cầu Treo, xe hàng của Sơn thẳng tiến tới Viên Chăng.

Từ đây, hàng của Sơn được phân phối tới nhiều đại lý và toả đi khắp các làng bản xa xôi của nước bạn Lào. Khi nào đổi hoặc mua được số lượng phế liệu cần thiết, Sơn bán lại ngay tại chỗ hay đánh xe chở về nước bán lại cho các đầu nậu chuyên thu gom.

Nói một câu, nghe có vẻ đơn giản, nhưng xuất phát điểm của Sơn cũng từ dăm ba cái xoong buộc trên ghi đông xe đạp. Làm nghề đồng nát đôi khi lưng vốn chính là... sự chịu khó, chứ không phải là tiền bạc.

Vất vả làm lụng cật lực, cho đến nay, Sơn đã có một cơ ngơi bề thế mà đến cả dân thành phố nhiều người cũng phải mơ ước. Căn nhà ba tầng của Sơn rộng rãi, kiến trúc theo kiểu biệt thự, có trang thiết bị nội thất xịn. Ở xã Diễn Tháp, những ngôi biệt thự như của Sơn nhiều vô kể, khiến không ít vị khách mới đến cứ ngỡ ngàng. Điều đặc biệt, chủ nhân của nó đều là những thanh niên trẻ thuộc thế hệ 8X.

Hôm tôi về Diễn Tháp, dẫn tôi đi qua một ngôi nhà hai tầng to và đẹp, Bí thư đoàn xã Đậu Xuân Mạnh khoe: “Ngôi nhà này xây hết gần 2 trăm triệu. Chủ của nó là Phạm Huy Hồng (sinh năm 1982), lập nghiệp từ hai bàn tay trắng”. Có một nhân vật mà bất cứ người dân nào ở vùng này cũng nhắc tới như một “lính tiên phong” trong nghề đồng nát xuyên biên giới, đó là Võ Ngọc Út.

Út là người nhạy bén và là người đầu tiên “mở đường” làm ăn cho cả làng đi theo. Ngôi biệt thự của út cũng to nhất làng và giá trị đến vài tỉ. Còn vốn làm ăn thì những người như Sơn, Hồng cũng phải kính nể...từ xa.

Chủ tịch xã Diễn Tháp, ông Chu Cao Nguyên cho biết: “Cả xã có 5000 lao động thì đã có 650 lao động thường xuyên giao thương với nước bạn Lào bằng nghề đồng nát, ngoài ra có trên 200 lao động mang tính thời vụ. Trong số lao động này, chiếm đa số là nam thanh niên. Cho nên, xã chúng tôi trừ những ngày lễ, tết, còn lại vắng bóng đàn ông”.

Chính cách làm ăn mới đã làm thay đổi bộ mặt làng quê nơi đây. Dân Diễn Tháp bây giờ ít nhà tiếp tục theo nghề truyền thống. Những xe phế liệu chở về, rồi lại được tập kết sang xã bên (Diễn Hồng) để đúc thành phôi thép, xay nhựa hoặc chuyển đi Thái Nguyên, Hà Nội.

Giàu nhưng không tệ nạn

Khi nghe Chủ tịch xã, Bí thư đoàn nói chuyện, tôi đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Cả xã có tổng số 1050 hộ thì đã có 250 hộ giàu. Theo cách tính bình quân mà cán bộ xã ở đây nói khiêm tốn, những hộ có mỗi thành viên thu nhập trên 500 ngàn đồng/tháng được gọi là giàu. Hộ khá thì nhiều vô kể.

Người dân ở đây có 3 hình thức làm giàu: làm nông nghiệp (chủ yếu chăn nuôi), làm dịch vụ đại lý cho những người đồng nát xuyên biên giới, có 50 đại lý với số vốn từ 70 triệu đồng trở lên) và số những người giao thương với Lào.

Phong trào Đoàn ở đây chủ yếu “trông cậy” vào chị em phụ nữ. Bí thư Đoàn xã Đậu Xuân Mạnh trong các cuộc họp Đoàn lại trở thành “mì chính cánh”. Khi tôi thắc mắc: “Dân ta đi tứ chiếng như vậy chắc mang tệ nạn về xã nhiều lắm?”. Cả chủ tịch, lẫn bí thư đoàn đều lắc đầu nguầy nguậy: “Chúng tôi cam đoan, đến thời điểm này tuyệt đối không có người nghiện ma tuý”.

Tôi lại hỏi: “Xã có bí quyết gì để địa bàn được như vậy?”. “Chúng tôi coi trọng khâu tuyên truyền, cũng như buộc các gia đình cam kết không để con em sa vào tệ nạn xã hội. Nhưng bí quyết là sự cảnh giác cao người dân vì kiếm được đồng tiền vất vả nên họ ý thức được cái xấu để tránh”- Chủ tịch xã nói thêm.

Quả thật, sau khi kể nhiều về những tấm gương thanh niên làm ăn giỏi, Phó bí thư đoàn xã không khỏi ngậm ngùi khi nhắc đến một số nam thanh niên bị tai nạn rủi ro đã phải bỏ xác nơi xứ người. Nghề đồng nát là một nghề đòi hỏi sự chịu khó. Có người hành nghề theo dọc sông Mê-kông, cưỡi xe máy đến cả những vùng miền núi xa lắc, qua nhiều đèo cao, suối sâu.

Nhiều người mới sang chưa có tiền; chỉ cần một “con” xe đạp cà tàng, đôi sọt, vài thứ hàng tạp hoá; thế là thành “Cty hai sọt quốc tế”. Phạm Huy Hồng kể: “Về nhà trông bọn em hào nhoáng thế, thực chất sang bên đó mọi người phải nai lưng ra làm và tiết kiệm. Anh tính coi, sông Mê-kông rộng thế, sẩy chân chết đuối như chơi. Xã em đã có hai thanh niên bị như vậy rồi”. Có lẽ, bằng sự chịu khó và bản lĩnh tuổi trẻ, những thanh niên này mới tránh được lời mời gọi của ma tuý.

Theo như cách nói của Chủ tịch xã thì “Dân quê tôi khôn lắm! Không dễ gì bập vào ma tuý đâu bởi cái giá phải trả quá cao”. Học tập theo cách làm ăn kinh tế của dân Diễn Tháp, nhiều xã khác trong huyện Diễn Châu cũng theo nghề đồng nát xuyên biên giới.

Lâu nay khi nhắc đến thế hệ 8X, nhiều người chỉ nghĩ đến thế hệ trẻ năng động ở thành phố. ở một vùng đồng quê “chưa mưa đã lụt, chưa nắng đã khô” này cũng có một thế hệ 8X không cam chịu sống nghèo, không đua đòi nghiền ma tuý và “say” tốc độ.

Theo Tiền Phong
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên