Phần 12
![]() |
Tôi cố nghĩ đủ điều để nói với ông mà không tìm ra điều gì thích hợp và hơn nữa, bố chẳng cho tôi cơ hội nào để bày tỏ cả. Suốt mấy tuần tiếp theo, ông như lẩn tránh vào trong khu mỏ, chỉ về khi tôi đã ngủ say và rời khỏi nhà trước khi tôi thức giấc.
Tôi lo lắng về bố nhưng không quá chú tâm đến ông. Việc chế tạo tên lửa đã dạy cho tôi một cách suy nghĩ khác. Có quá nhiều thứ phải làm và ghi nhớ trong việc thiết kế và chế tạo tên lửa, bắt buộc tôi phải sắp xếp mọi thứ trong óc một cách trật tự. Tôi đã học được tất cả những bước để phân loại các quả tên lửa Auk. Rồi sau đó sắp chúng theo thứ tự cần phải hoàn thành và theo tầm quan trọng của từng loại.
Giống như tôi phải đặt chúng vào những ngăn kéo trong đầu mình, biết rõ mở ngăn nào cần thiết và phải mở vào lúc nào. Khi tôi tâm sự việc này với Quentin, cậu ấy định nghĩa nó là “sự tiếp cận tuần tự” các vấn đề và tỏ ra rất ngưỡng mộ điều này. “Tớ luôn tin rằng điều này sẽ trở thành sự thật. Mọi công việc về chế tạo tên lửa sẽ đem lại cho bản thân chúng ta những thay đổi bất ngờ. Như cậu bây giờ này, suy nghĩ thứ tự đâu ra đó, ngày trước gặp cậu tớ chẳng nghĩ điều đó có thể thành hiện thực.”
Tôi tiếp nhận ý kiến của Quentin như một lời khen ngợi. Trong thời điểm này, về việc của bố, tôi chẳng thể làm được gì, đành đóng ngăn tủ này lại đến khi tìm được giải pháp. Nhưng còn một thứ – chuyện mà bố nói về chú Bykovski khi chúng tôi ở trong thang máy – cứ lởn vởn trong đầu tôi. Nó luôn là một ngăn tủ kí ức cứ mở toang. Tôi phải tìm cách đóng nó lại thôi.
Ike và Mary Bykovski không có điện thoại nên tôi bèn cuốc bộ đến nhà họ sau khi tan học. Cô Bykovski mở cửa và lặng đi một lúc khi nhìn thấy tôi. Cô Bykovski trông mảnh dẻ với khuôn mặt nhợt nhạt và đôi gò má hóp. Mái tóc ngắn màu nâu suôn đuột và trông có vẻ không được thẳng cho lắm, dường như cô tự cắt và chẳng màng canh cho nó được thẳng thớm đàng hoàng. Mẹ bảo tôi cô Bykovski lúc nào cũng mang vẻ “tiều tụy” cả. “Chồng cô vẫn đang ngủ, làm việc ở công trường đã làm ông kiệt quệ cả rồi.” Cô bảo.
Tôi buột miệng thốt ra lời xin lỗi vì đã báo hại ông bị chuyển đổi công việc. “Không có vấn đề gì đâu Sonny. Dù sao thì tiền lương cũng khá khẩm hơn mà,” cô giả vờ xoa dịu. Rồi cô mời tôi vào nhà, để tôi ngồi đợi một mình ở đi văng trong phòng khách rồi lên lầu. Căn nhà tràn ngập mùi bánh mì bắp và đậu – nguồn lương thực chủ đạo ở Coalwood. Tôi đảo mắt nhìn quanh và thấy một cặp kính lão nằm cạnh cuốn sách trên bàn kế bên ghế sofa.
Nhìn kĩ hơn, tôi đọc được tựa sách: Nguồn nước, thật xa lạ với tôi. Đối diện với đi văng là chiếc tivi được đặt trên một cái kệ sẫm màu trông khá nặng nề. Trên nóc tivi là khung hình, trong đó là ảnh của Esther, con gái nhà Bykovski, đang ngồi xe lăn, đầu ngả vào một trên vai. Cô Bykovski đứng một bên, phía còn lại là chú Bykovski, chẳng ai trong số họ nở lấy một nụ cười.
Một lúc sau, chú Bykovski đi xuống phòng khách, ngáp dài và kéo căng dây đeo quần qua khỏi vai. “Chào anh bạn trẻ,” chú mỉm cười khi cô Bykovski đặt tách trà nghi ngút khói lên chiếc đĩa lót trên bàn cạnh cái ghế bành của mình. Rồi cô Bykovski hỏi tôi muốn dùng gì không, tôi đáp: “Không cần đâu thưa cô,”; cô khuất bóng vào nhà bếp ngay sau đó. Nhận thấy tôi đang nhìn tấm ảnh đặt trên nóc tivi, chú lên tiếng, “Rồi có một ngày nhà chú sẽ đón Esther về nhà và cho nó đi học lại chung với cháu.”
“Cháu cũng mong vậy,” tôi đáp. Thật ra, trong năm lớp 1 và 2, Esther luôn gây nhiều phiền phức, và thật xấu hổ khi chính bản thân tôi cũng cảm thấy hoan hỉ khi bạn ấy rời khỏi trường học. Thông thường, Esther ngồi lặng im tại bàn học của mình, nhìn thầy cô với ánh mắt vô hồn hay gục đầu xuống bàn. Nhưng có những lúc bạn ấy thay đổi trạng thái, gầm gừ và lên cơn co giật, xua hết tập vở, bút viết xuống sàn nhà. Thầy cô thường kiên nhẫn đợi đến khi Esther ấy dứt cơn và bảo mấy đứa con trai nhặt mọi thứ lên xếp về chỗ cũ.
Trong khi mọi học sinh khác phải cố gắng để tập viết cho giống những chữ trên bảng thì Esther luôn được tán dương cho mỗi vết gì nhìn giống giống như các kí tự. Đến gần cuối năm lớp 2, Esther lên cơn co giật dữ dội, nôn mửa lên người thằng bạn ngồi phía trước, sau đó ngã nhào khỏi ghế và bắt đầu tỏ ra khó thở. Hiệu trưởng Likens vội vã vào lớp tôi, kéo lưỡi bạn ấy ra và nhét một cục giấy vào miệng cho Esther cắn lại. Trong khi cả lũ học sinh chúng tôi co rúm nép người vào sát tường thì bác sĩ tới và cáng Esther ra ngoài.
Từ đó không còn thấy bạn ấy trở lại nữa. Không biết vì sao, tin tức đến tai nhà Bykovski rằng tôi chính là thằng bé bị Esther nôn mửa đầy người. Mẹ tôi kể lại, cô Bykovski đã gặp Mẹ ở Big Store và chặn bà lại, xin lỗi rối rít. Nhưng tôi có phải thằng bé đó đâu.
“Cháu đang nghĩ gì vậy, Sonny?” chú Bykovski lên tiếng, xua tan hồi ức về Esther đang diễn ra trong tôi.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận