![]() |
Hậu, 13 tuổi (trái) và Phong, 15 tuổi đang khiêng gạch: công việc hằng ngày của phụ hồ - Ảnh: Nguyễn Tập |
Một ngày buồn ở công trường…
Dù tối qua phải đổ bêtông đến gần 22g nhưng sáng 25-5-2004, chưa đến 7g từng tốp thợ đã kéo nhau đến công trường ở khu dân cư X35 (đường Hoàng Hoa Thám, quận Tân Bình). Hôm nay tiếp tục đổ bêtông nên phụ hồ dưới 18 tuổi cũng được điều động để vác ximăng, gạch đá.
Bỗng “rầm”, từ một công trình đang xây, anh thợ phụ bị rớt từ giàn giáo cao hơn 6m, nhờ tấm bạt căng ở phía dưới nên chỉ... bể đầu, máu tuôn ra ướt đẫm. Cánh thợ chép miệng: “Ở khu này chưa được ba tháng mà đã thấy năm, bảy vụ rồi”.
Lọt thỏm trong đám thợ lực lưỡng, nước da đen cháy có một chú thợ phụ mặt còn non choẹt, nước da trắng thư sinh đang cặm cụi chuyển gạch, đá cho thợ xây. “Đừng tưởng thợ hồ ai cũng thất học nhé, thợ phụ tụi tui có thằng Phúc đã tốt nghiệp lớp 12, chuẩn bị vào đại học rồi đấy”. Ông cai Hạnh “tự hào” chỉ chú thợ ấy khoe với tôi.
11g30, thợ được nghỉ trưa. Trên chiếc lán làm bằng các tấm côppha kê tạm (mái được phủ bằng tấm bạt thủng lỗ chỗ), xung quanh ngổn ngang sắt thép, áo quần, bữa ăn trưa của sáu người chỉ vỏn vẹn một chai nước tương, một đĩa thịt “kho từ hôm trước” và một đĩa bún trắng. Hết.
“Tiền đâu mà ăn cho nhiều, còn phải gửi về gia đình, phòng thân nữa chứ”. “Thằng” Phúc quệt ngang mồ hôi đầm đìa mặt tâm sự: “Em quê ở Trà Bồng (Quảng Ngãi), tốt nghiệp lớp 12 rồi, giờ vào xin làm phụ hồ để kiếm tiền năm sau thi đại học”. Rồi Phúc xin lỗi vì “tranh thủ giờ nghỉ trưa đi cùng với người bạn thợ hồ đến chống dột cho một căn nhà ở Tân Định để kiếm thêm chút tiền”.
Phúc quày quả đi mà không biết rằng đó là chuyến đi định mệnh của nó. Khoảng 15g, người bạn thợ hồ đi chống dột cùng Phúc chạy về công trình mặt xanh xám: “Thằng Phúc leo lên mái nhà lót tôn bị điện giật chết rồi”. Phúc chết, mang theo cả giấc mơ vào đại học chưa kịp thực hiện…
Phụ hồ… không đợi tuổi
- Ngày 1-1-2004, một căn nhà đang xây ở P.9, Q.3 sập làm hai người chết, trong đó có một thợ hồ. - Ngày 1-6-2004, tại quận 10, ba thợ hồ ngã từ lầu 4 xuống: một chết, hai bị thương nặng... - Từ 1996-2002 trong xây dựng đã xảy ra 2.066 vụ tai nạn lao động: 171 người chết, 2.192 người bị thương... |
Công việc của họ là đào đất, khuân vác, chuyển vật liệu… từ 7g30-17g mới nghỉ. Đấy là chưa kể khi đổ bêtông sàn, lúc chủ thầu ký được hợp đồng xây gấp thì thợ phải làm luôn ban đêm, phải khiêng bêtông liên tục để trộn, đó là lúc sức lực của thợ phụ bị vắt kiệt nhất.
Huỳnh Văn Sang - giám sát thi công của Công ty Arch Tran - cho biết: “Người Bắc, Trung vào đếm không xuể, họ sẵn sàng làm với bất cứ giá nào, vì thế có những cai lợi dụng điều đó để bớt xén tiền công thợ. Một công trình nhỏ có 10-15 thợ, chỉ cần xén 2.000 đồng/ thợ ông cai đã có thêm được 20.000 - 30.000 đồng/ngày”.
Loắt choắt, cao chừng 1,5m, người quắt queo như trái khổ qua chín héo vậy mà Thanh Phong khiêng bao ximăng 50kg khỏe re. Cũng phải thôi, ở quê (Mỹ Thạnh An, Bến Tre) nó đã đi phụ hồ từ lâu rồi. Ba bị tật chỉ còn một chân, mẹ bị gù ở nhà làm thợ “đụng” ai kêu gì làm nấy.
Nghe tôi hỏi tuổi, Phong cứ ấp úng trong miệng. Bà Vân - phụ hồ, cũng là dì của Phong - đỡ lời: “Mới 15 tuổi thôi nhưng ai hỏi nó cũng nói 17 tuổi vì sợ không cho đi làm”. Ông cai thở dài: “Đâu ai muốn nhận con nít vào làm nhưng nhà nó nghèo, lại năn nỉ xin quá, tội lắm”. Mỗi tuần Phong lĩnh được khoảng 180.000 đồng, xài gói ghém trong 50.000 - 70.000 đồng, còn lại nó gửi hết về quê.
Tuy vậy, ở cả khu công trường đang xây dựng (gần đường Cộng Hòa) Hậu mới là phụ hồ nhỏ nhất: 13 tuổi. Nhà Hậu làm hồ có “truyền thống”. Ba Hậu - ông Dương Văn Do - đi làm hồ từ năm 17 tuổi đến nay đã hơn 35 năm. Mẹ trước ở nhà bện chổi, sau cũng lên Sài Gòn theo chồng làm phụ hồ. Một anh (16 tuổi), một chị (18 tuổi) cũng là dân phụ hồ.
Mặt trận của những người nghèo?!
![]() |
Cheo leo trên giàn giáo mà không có bất cứ phương tiện bảo hiểm nào - Ảnh: Nguyễn Tập |
Chị Hồng - phụ hồ cho công trình trên đường Tên Lửa (Bình Trị Đông, Bình Tân) - cho biết: “Mới đây thôi, một cai thầu ở khu Tân Tạo (Bình Tân) gom hết tiền (khoảng mười mấy triệu đồng) của hơn chục thợ hồ từ các tỉnh phía Bắc rồi dông tuốt. Cắc củm dành dụm từng đồng một để gửi về cho vợ, chồng, con cái, vậy mà... Khóc muốn cạn nước mắt, có người còn đòi tự tử. Sau đó đành phải tứ tán đi tìm công trình khác kiếm sống”...
Từ tổ 25 đến tổ 30 (ấp Bình Khánh 2, phường Bình An, quận 2) là nơi tập trung dân thợ hồ Nghệ An, Thanh Hóa với hàng chục dãy nhà chia thành từng lô cho thuê. Đến thăm nhà trọ không số - nơi ở của ông Lê Hữu Khang và hai con sinh năm 1980, 1984. Cả gia đình năm người xúm xít trong căn phòng nhỏ chưa đến 12m2 (tính luôn nhà vệ sinh). Trời mưa, những khu nhà ướt như chuột lột. Ở Thanh Hóa, cả gia đình chỉ có 6 sào ruộng (500m2/sào), tính trung bình mỗi tháng được… 300.000 đồng nên cha con đưa nhau vào Nam rồi “dính” luôn nghiệp phụ hồ.
Căn nhà xây xong, ông chủ xoa tay hài lòng: giấc mơ có một căn nhà đàng hoàng đã được thực hiện... Ngoài sân, những người thợ hồ lúi húi dọn lại mớ áo quần cũ đầy vết ximăng, mớ bay, xà beng , xẻng, rồi lầm lũi ra đi để ngày mai tiếp tục xây những “giấc mơ” khác - những “giấc mơ” mà chính họ cũng khao khát một đời.
Thông tư số 14/2004/TT-BTC ngày 16-1-2004 về quy tắc, biểu phí bảo hiểm bồi thường cho người lao động (NLĐ) trong các doanh nghiệp xây dựng, lắp đặt quy định: NLĐ bị chết hoặc suy giảm khả năng lao động vĩnh viễn: từ 81% trở lên được bồi thường 30 tháng lương nếu không do lỗi NLĐ, 12 tháng lương nếu do lỗi NLĐ; dưới 81% được bồi thường 30 tháng lương nhân với tỉ lệ bồi thường (theo bảng bồi thường bảo hiểm quy định tại phụ lục 1 ban hành kèm theo quy tắc bảo hiểm) nếu không do lỗi NLĐ; 40% số tiền của 30 tháng lương nhân với tỉ lệ bồi thường nếu do lỗi NLĐ. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận