17/04/2012 11:00 GMT+7

Những ngày xưa ấy đã đi qua

PHẠM NGUYÊN PHƯỚC (Nguồn: www.netbuttrian.vn)
PHẠM NGUYÊN PHƯỚC (Nguồn: www.netbuttrian.vn)

TTO - Nhà nội tôi ngày xưa nghèo lắm. Nội có đến mười người con, mà bố tôi lại là anh cả trong nhà nên phải nghỉ học sớm để phụ ông bà nội chăm sóc các em.

Tuổi thơ của bố tôi không vui chơi, không được lông bông trên những đồng cỏ vào những buổi chiều gió mát, không được cùng chúng bạn thả diều trên những cánh đồng quê. Mà tất cả những ước mơ, những hoài bão đó chỉ thoáng hiện trong giấc mơ của bố mà thôi. Bởi bố nghỉ học sớm, mới 10 tuổi bố đã rong ruổi trên khắp con đường, ngõ phố để bán kem kiếm chút đồng lời nhỏ nhoi về phụ mẹ nuôi em. Vậy mà những bữa cơm của gia đình lúc nào cũng khoai nhiều hơn cơm.

Bố cưới mẹ vào năm 1980. Nhà nghèo nên đám cưới xong bố lại lên tận miền núi Trà My xa tít tắp làm đủ thứ nghề để lo cho gia đình, vài tháng bố mới về nhà một lần. Mẹ ở nhà với ông bà nội đi dạy học. Đồng lương giáo viên thời ấy ít ỏi mẹ cũng đưa hết cho bà nội mua gạo. Vậy mà gia đình cũng rơi vào cảnh túng quẫn.

Rồi mẹ mang thai tôi. Chín tháng mang thai, mẹ ốm nghén đúng chín tháng, hành hạ thân thể mẹ rã rời trong những cơn đau. Mẹ không đi dạy được, đành xin nghỉ ở nhà dưỡng bệnh và chờ ngày sanh. Bố cũng không đi làm xa nữa mà về lại nhà để ở bên cạnh mẹ, phụ giúp mẹ trong những ngày thai nghén.

Cuộc sống quá khốn khó, bố mẹ tằn tiện lắm mới sắm được một ít khăn áo cho mẹ sanh con. Ngày xưa không có siêu âm nên mẹ không biết mình mang song thai. Đến lúc sanh bố mẹ mới giật mình lo lắng vì bố mẹ chỉ chuẩn bị khăn áo cho anh hai (anh song sinh với tôi). Không đủ tiền mua một chiếc khăn bông lớn, bố tất tả chạy khắp chợ mua mấy chiếc khăn nhỏ về rồi ngồi may lại thành chiếc khăn lớn đem liền xuống trạm xá cho mẹ quấn tôi lại.

Nhìn hai con còn đỏ hỏn mà nước mắt mẹ chảy ngược vào trong. Bố mẹ đều lo lắng vì để nuôi anh em chúng tôi lớn lên thật là vấn đề không dễ dàng gì với cả bốn bàn tay trắng. Hồi đó ai cũng biết bố mẹ tôi nghèo khổ, nên cũng có vài người đến tận trạm xá xin chúng tôi về nuôi, họ bảo cho bớt một đứa cho dễ nuôi và cũng có cái để mà cho ăn. Có người còn bảo: “Chúng mày còn đói, không lẽ để cả hai đưa con đói theo chúng mày sao?”.

Rồi người khác mê tín bảo mẹ cho bớt một đứa, nuôi hai đứa con song sinh một lần không được, sợ tử cả hai. Vậy mà tình yêu của ba mẹ đối với con là vô bờ bến, nên bố mẹ nhất quyết không cho con của mình dù ai có nói gì đi nữa.

***

Khi anh em chúng tôi được 3 tháng tuổi. Bố đi làm trở lại để kiếm thêm chút tiền trang trải. Bố phải xuống tận vùng biển Tam Phú, có khi lên lại miền núi Trà My để làm thợ gò. Ngày ấy nghề thợ gò của bố cũng không kiếm được là mấy, khách hàng của bố cũng toàn là những người lao động nghèo khổ. Bởi công việc của bố chỉ là sửa lại cái nồi cái chậu đã hỏng thì làm sao kiếm được nhiều tiền. Đôi khi "tiền công" cho bố lại là nụ cười của mẹ khi thấy củ sắn, củ khoai bố mang về.

Rồi sau những ngày lăn lộn với nghề thợ gò ở nơi miền đất núi, bố mang về nhà luôn cả căn bệnh xuất huyết đường ruột. Mà ngày ấy ai mang trong người căn bệnh đó thì cũng đồng nghĩa với việc sẽ ra đi mãi mãi. Bà nội cho bố mẹ ra ở riêng đúng lúc bố bệnh, anh em tôi còn nhỏ.

Ánh mắt mẹ thêm lên những lo lắng, ngỡ như đi vào tuyệt vọng, nước mắt mẹ chảy ngược vào trong, đôi tay mẹ lại phải làm việc nhiều hơn để chèo chống gia đình. Bố nằm một chỗ không đi lại được. Vậy là khi anh em tôi mới vừa năm tháng tuổi, mẹ lại lặn lội hết chợ gần đến chợ xa, mua cá mua rau về bán lại kiếm vài đồng lời, để mua sữa cho anh em tôi và mua thuốc cho bố.

Ở hiền gặp lành, cũng nhờ rong ruổi khắp các chợ mà mẹ gặp được ông thầy thuốc bắc tốt bụng đã chữa bệnh cho bố, vậy là cuộc sống gia đình tôi êm đềm và bình lặng trở lại.

Bố hết bệnh lại muốn đi kiếm tiền phụ mẹ. Nhưng sức khỏe không được như trước nên bố không thể bôn ba lên núi xuống biển như xưa để làm lụng. Bố chuyển sang nghề bán kem. Thế là từ đó, mỗi ngày bố mẹ trở dậy từ 3 giờ sáng, sau một đêm ít khi có giấc ngủ ngon, mẹ phụ bố quay kem, rang đậu phộng để kịp đến khi trời sáng bố đẩy xe kem đi bán.

Những ngày tết đến, người người đều đi chơi trên khắp ngõ phố cùng quê, còn bố thì lại đẩy xe kem đi khắp các con đường ngõ phố, bố còn cột thêm chùm bong bóng bay để bán cho mấy đứa nhỏ. Còn mẹ, mồng ba tết đã bắt đầu cho những chuyến chợ đầu năm bằng mớ rau, mớ đậu…

***

Cuộc sống cứ thế êm đềm trôi qua, mãi đến năm anh em tôi lên 10 tuổi, mẹ mới sanh thêm út Lộc. Cuộc sống cũng không khá giả hơn mấy. Lúc bấy giờ cuộc sống đã có phần phát triển, người ta làm ra đủ các loại kem, kem cây, kem ký và rồi trái cây lại tràn lan về khắp chợ, vì thế mà kem của bố ngày càng ít người mua. Có hôm sau cả ngày phơi lưng giữa trời nắng gắt, mồ hôi nhễ nhại, ướt đẫm cả chiếc áo sờn rách phong phanh, bố mang về mấy đồng bạc lẻ và cả xe kem chỉ vơi được vài ly.

Cuộc sống lại thêm những khó khăn. Không có người mua, bố không bán kem nữa. Mà cái nghề thợ gò của bố dường như không làm được gì vì đời sống người dân đã khá giả hơn. Hỏng cái này, người ta lại mua cái khác không ai sửa nồi, sửa chậu để dùng lại. Bố thất nghiệp, phải bon chen vất vả với hàng trăm công việc không tên để chèo chống gia đình nhưng vẫn không có việc gì phù hợp với bố. Vậy là khi út Lộc chỉ mới 3 tháng tuổi, gánh mì Quảng đã oằn nặng trên vai mẹ.

Hằng ngày bố ở nhà, trông con cho mẹ gánh mì đi bán. Bố nấu cơm, giặt giũ, quét dọn, rồi cho út Lộc ăn, chăm cho anh em tôi đi học, tất cả đều một tay bố làm hết. Tối về bố lại giúp mẹ tráng mì. Có hôm bố giúp mẹ làm đến nửa đêm mới nghỉ.

Có hôm nhìn mấy anh em tranh nhau những hạt cơm rời rạc bu trên củ sắn củ khoai mà nước mắt mẹ chảy ngược vào trong, gượng cười nhưng trong lòng đau lắm. Tôi và anh hai thấy bố mẹ quá vất vả nên xin bố mẹ cho đi bán bong bóng phụ mẹ, nhưng bố mẹ nhất định không cho.

Mẹ bảo: “Mẹ không cho các con được cuộc sống sung túc hơn là lòng mẹ đau lắm rồi. Sao lại để các con đi làm? Các con đang tuổi ăn, tuổi chơi, tuổi học, ráng học cho giỏi là bố mẹ vui rồi”. Bố mẹ thà chịu vất vả chứ không cho chúng tôi làm việc.

Khó khăn với gia đình chúng tôi vẫn trải dài theo năm tháng. Cuộc sống khó khăn thế, nhưng bố vẫn quyết tâm cho các con ăn học đến nơi đến chốn. Gánh mì trên vai mẹ lại càng nặng thêm để đủ tiền trang trải cuộc sống. Buổi sáng mẹ thức dậy thật sớm, làm việc cho mãi đến lúc khuya, khi mọi người đã bình an trong giấc ngủ rồi mẹ mới lên giường chợp mắt chút xíu, để còn trở dậy làm việc cho ngày hôm sau.

Thời gian êm đềm trôi, anh em tôi trưởng thành và lập gia đình. Ngày lễ thành hôn của chúng tôi, nhìn hai nàng dâu thẹn thùng trong tà áo cưới, nhìn gương mặt rạng ngời của chúng tôi, ánh mắt mẹ thêm lên niềm vui sướng. Mẹ như hạnh phúc đến nghẹn lòng. Và tôi biết trong ánh mắt ấy của mẹ, dẫu rằng chúng tôi đã lớn nhưng với mẹ chúng tôi vẫn mãi mãi là những thiên thần bé nhỏ mà mẹ luôn muốn được chở che nâng đỡ. Tôi biết ánh mắt mẹ vẫn luôn dõi theo từng bước chân chúng tôi trên con đường đi tới tương lai.

Giờ mẹ đã có thêm cháu nội, nên bố mẹ kiêm luôn việc trông cháu vì mẹ không an tâm khi cho bé đi nhà trẻ quá sớm. Mẹ là thế, lúc nào cũng sống cho chồng, cho con, cho cháu mà không nghĩ đến bản thân.

Tôi bây giờ đã là giám đốc của một công ty gia đình, nhưng tôi vẫn muốn được ở mãi trong vòng tay thương yêu của ba mẹ. Với mọi người có thể bố mẹ tôi cũng chỉ là những người bình thường, nhưng với tôi, bố mẹ tuyệt vời nhất, vĩ đại nhất ở trên đời.

Và tôi biết dẫu tôi có lấy cây rừng làm bút, lấy nước biển làm mực cũng không thể nào kể hết được công lao ba mẹ. Nguyện cầu cho ba mẹ được hạnh phúc sống vui.

PHẠM NGUYÊN PHƯỚC (Nguồn: www.netbuttrian.vn)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    Chủ đề: Nét bút tri ân