![]() |
Tháng 05-1959 Đoàn B.90 được thành lập tại miền Bắc với nhiệm vụ chủ yếu là dựa vào cơ sở của Nam Tây Nguyên, xoi đường vô Nam bộ để bắt liên lạc với Xứ ủy và lực lượng võ trang của nhân dân Nam bộ, nối liền hành lang xuyên suốt từ Trung ương vào chiến trường miền Nam.
Đoàn B.90 được tổ chức gọn nhẹ với 25 cán bộ chiến sĩ tuyển chọn từ các đơn vị miền Nam tập kết ra Bắc, những anh em đã từng hoạt động chiến trường Tây Nguyên và miền Đông Nam bộ.
Đường từ Quảng Trị, Thừa Thiên vào Quảng Nam - Quảng Ngãi, Kon Tum - Gia Lai đến Đăk Lăk tuy xa ngàn dặm, đầy gian khổ, song đây là cả một vùng căn cứ địa rộng lớn nối liền nhau, nên đi chỉ mất 3 tháng Đoàn đã đến căn cứ Tỉnh ủy Đăk Lăk.
Nhưng từ đó xoi đường về chiến khu Đ miền Đông Nam bộ thì không dễ. Đoàn phải mất gần một năm mới đến được điểm hẹn vì đoạn đường này trong kháng chiến chống Pháp ta chưa có hành lang, Đoàn phải vừa mở đường vừa làm công tác vận động đồng bào dân tộc xây dựng cơ sở.
Cùng thời điểm đó, ở miền Nam tại chiến khu Đ thuộc tỉnh Biên Hòa, đồng chí Mai Chí Thọ (Tám Cao) lúc đó là Bí thư Khu ủy miền Đông, Tám Kiến Quốc (Nguyễn Hữu Xuyến), Tư lệnh lực lượng võ trang Miền được Xứ ủy Nam bộ chỉ đạo, đã tổ chức một đội võ trang do đồng chí Năm Quốc Đăng (Tư Thuộc) và đồng chí Thuận (Anh Ba Thu) phụ trách xoi đường từ chiến khu Đ về phía Đông Bắc (ba biên giới) để đón đoàn B.90 từ miền Bắc vào, Đoàn lên đường từ đầu năm 1960. Đoàn được trang bị một đài vô tuyến điện.
Ngày 03 tháng 06 năm 1960 sau trận chiến thắng Bù Đăng tỉnh Phước Long, đồng chí Phạm Hồng Sơn (C trưởng C.200) và đồng chí Nguyễn Trọng Tâm (chính trị viên C59) được đồng chí Mai Chí Thọ gọi về giao nhiệm vụ tổ chức đoàn thứ hai tiếp tục mở đường đi đón Đoàn B.90 theo hướng Bắc, cặp theo sông Đồng Nai Thượng (Đăk Dung), điểm hẹn là Bù Pugor.
Đoàn C200 lên đường ngày 06 tháng 06 năm 1960 với 18 cán bộ chiến sĩ. Trong đó có một tổ vô tuyến điện do đồng chí Giang Lợi (Ba Trà) phụ trách, Lê Minh Trí là điện báo, Chương là cơ yếu. Mỗi ngày điện báo cáo tình hình và nhận sự chỉ đạo của Xứ ủy.
Khi lên đường mỗi anh trong đoàn được cấp 5kg gạo và 1kg muối. Tình hình lúc đó được cấp như vậy là quá ưu tiên. Anh em ở lại vẫn phải đi đào củ chụp ăn là chính, gạo dự trữ để chống càn và hành quân chiến đấu.
Các đồng chí chỉ huy (Anh Hai Hồng Sơn, Bảy BK) lật bản đồ ra xem, dự kiến tối đa 15 ngày sẽ tới điểm hẹn. Nhưng khi dùng la bàn định hướng cắt rừng tránh đường mòn, tránh các sóc người dân tộc để bảo đảm bí mật, thì con đường tới đích là một hành trình xa thăm thẳm.
Cắt rừng, leo đồi, lội suối là chuyện thường ngày vô cùng vất vả. Cực thì cực, nhưng cả Đoàn rất vui vì được Đảng tín nhiệm, giao một nhiệm vụ vô cùng trọng đại, cái khổ nhất, gian nan nhất của Đoàn là sau 15 ngày mà điểm hẹn vẫn chưa tới được. Gạo thì sắp hết, chỉ còn một số dành nấu cháo cho số anh em bị bệnh. Cả Đoàn phải ăn măng, ăn rau rừng qua bữa, kể cả ăn củ nần để tiếp tục hành quân.
Ngày xưa, ông cha ta đã biết ăn củ nần, nhưng để ăn được phải luộc, phải ngâm và xả nước 9-10 ngày. Bấy giờ đang đói, chúng tôi hành quân mà mắt luôn quan sát hai bên đường xem có cái gì ăn được, nhưng chỉ thấy toàn củ nần. Đến điểm dừng chân, xắt củ nần mỏng, đã luộc xả nước 5, 6 lần vắt thật ráo mà ăn vẫn say, nằm la liệt không sao đi tiếp được. Cũng may anh em phát hiện số nần còn thừa ngâm dưới suối, sáng sau vớt lên ăn vừa thơm ngon vừa không say, nên từ đó mới có cái đùm theo để tiếp tục lên đường.
Rừng Tây Nguyên bạt ngàn, đi cặp dòng Đa Đáng thác đổ ào ào, đồi liền đồi, thiếu cơm đói muối, đầu gối rã rời thêm, ngày ngày máu đổ vì lũ vắt đói bủa vây, song tất cả đã không khuất phục được ý chí quyết tâm của đoàn phải gặp cho được B.90, đón anh em đi tập kết trở về cùng đánh Mỹ.
Và ngày đó đã đến! Không phải ở Bù Pugor, mà chúng tôi đã gặp nhau tại vàm Đăk R'Tic qua thông tin điện đài hẹn lại điểm mới. Cuộc hành trình không phải 15 ngày mà là 142 ngày đêm vừa mở đường vừa tìm cái ăn, vừa nằm chờ nhau khi đã phát hiện được dấu vết.
Niềm vui không sao tả xiết khi hai tổ tiềm trạm nhận đúng ám tín hiệu, họ lao tới ôm chầm lấy nhau, sung sướng nghẹn ngào! Đó là ngày 30 tháng 10 năm 1960 – một ngày lịch sử trọng đại, ngày khai thông con đường từ hậu phương lớn đến tiền tuyến lớn. Một thắng lợi cực kỳ quan trọng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Con đường mà chúng ta và các thế hệ mai sau mãi ghi nhớ, lòng đầy tự hào “Đường mòn Hồ Chí Minh lịch sử” – Con đường dẫn tới chiến thắng lịch sử 30 tháng 04 năm 1975!
Hôm nay, trên đỉnh Bsa Dariel của vùng đồi núi chập chùng huyện Bảo Lâm (tỉnh Lâm Đồng), Bưu điện tỉnh Lâm Đồng đã trịnh trọng dựng lên một cột bia lịch sử tròn bằng đá hoa cương, có khắc biểu tượng đôi bàn tay siết chặt nhau của anh bộ đội miền Nam và anh bộ đội tập kết từ miền Bắc trở về. Bên dưới là dòng chữ “Bia kỷ niệm giao liên hai miền gặp nhau nối thông hành lang Bắc - Nam trong kháng chiến chống Mỹ ngày 30 tháng 10 năm 1960”. Cánh thứ 2 gặp nhau ngày 4 tháng 11 năm 1960 tại cây số 4 đường 140. Năm 1999, lãnh đạo địa phương đã lập bia kỷ niệm ngày lịch sử này.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận