![]() |
N.M.HÀ |
Mặc áo phông cổ bẻ lên sân khấu Nhà hát lớn Hà Nội, Trương Quý Hải hát bài Đối diện với thần thái rất hào sảng:
Đường xa xôi, con sông kia mặn đắng mồ hôiVách núi đá nức nở tiếng cườiBàn chân muốn về, bàn tay cứ điLối dẫn lối vào đam mêTình mênh mang gương soi gương hiện bóng thời gianTa soi ta đối diện ngỡ ngàngĐẩy thuyền nước đục bỏ neo nước trongMột ngày soi gương trăm năm khôn cùng.
Mặc dù nhạc viết cho phim truyền hình Đằng sau tội ác nhưng chắc chắn Đối diện gần với con người Trương Quý Hải hơn. Tác giả đã xác nhận Khoảnh khắc ra đời trong một khoảnh khắc… tưởng tượng: “Là đàn ông, ai chả mong có người con gái như thế trong đời, yêu mình bằng tất cả, dù còn một khoảnh khắc!”
Tại quán cà phê Trung Nguyên gần nơi anh làm việc, chưa kịp vào chuyện, Hải đã giơ điện thoại nhờ đọc tin nhắn. Nội dung đại thể của một cựu sinh viên luật, bộc lộ cảm xúc về đêm nhạc vừa rồi.
Hóa ra Trương Quý Hải, 42 tuổi, mắt kém đến nỗi đọc báo cũng vất vả. Anh cũng không quen được với cặp kính, không để quên thì cũng làm vỡ. Mắt anh kém hẳn sau thời sinh viên Trường đại học Mỏ - địa chất. Những ngày còn quá nhiều khó khăn đó, điện không đủ sáng, cánh sinh viên ở ký túc xá đành trang bị đèn dầu, có khi hai ba anh chung một đèn, để học.
Hải cho biết từ bé đã thích nghề mỏ, nhưng rồi khi ra trường, cựu phó bí thư chi đoàn lại nhận lời về Đại học Kinh tế quốc dân làm cán bộ Đoàn chuyên trách; ba năm sau là phó bí thư đoàn trường. Anh học thêm lấy bằng thương mại, tính sau này khi nghỉ việc ở Thành đoàn Hà Nội sẽ mang bằng 2 ra dụng võ, thời gian rảnh thì viết nhạc.
Chưa được một tuần, có anh bạn dẫn Hải đến chơi nhà Trương Gia Bình. Bị ông chủ FPT gãi đúng chỗ ngứa, Hải nhận công việc mới như một thách thức: “Đang chuẩn bị làm cái này lại làm cái kia. Mình vào đời toàn thế, không có sự chuẩn bị trước. Nếu biết thế này thì đi học nhạc cho nghiêm chỉnh… Nhưng đời thế mới thú vị!”
Hồi nhỏ, nghe bố mẹ Hải kêu ca về cậu con thứ hiếu động, một người thân của gia đình là thầy dạy violon đề xuất giải pháp cho cháu học đàn để rèn kỷ luật! Vì loại đàn này không tập hằng ngày khi trả bài sẽ không thể nghe nổi. Ai dè Hải học say sưa, được thầy khen, nhưng say chơi đùa cũng không kém. Đến lần gãy tay thứ 5 do đá bóng, chiếc violon cũng đành bỏ Hải. Ngót bảy năm kéo đàn ấy ai ngờ là hành trang của nhạc sĩ Trương Quý Hải sau này. Năm học cấp III, Hải viết Mùa thi nhớ mãi tặng lớp, bài hát thỉnh thoảng còn được phát trên đài, tivi.
Có kết quả thi đại học xong, Hải đi bộ đội, vào đơn vị chiến đấu (tiền thân là sư đoàn 316 anh hùng). Những bài anh viết thời kỳ này đến nay vẫn chỉ đồng đội nghe, thuộc rồi hát với nhau trong những kỳ tái ngộ. Hết hạn ba năm trong quân ngũ, anh còn chưa muốn về theo giấy gọi của Trường Mỏ. “Mình không thích về Hà Nội nữa vì bạn bè chơi thuở bé nằm trên ấy cả! Vả lại, đời lính tráng thích hơn…”.
Thế nên Hải nhập học muộn mất mấy tháng. Lại xin ở nội trú vì đã quen với nếp sống tập thể. “Đi trong mỗi quãng đời thường không ý thức nó quí, chỉ đến lúc từ biệt rồi nhìn lại mình những muốn cảm ơn mỗi quãng đời ấy. Kỷ niệm về sự gắn bó, tình cảm anh em, đồng chí, đồng đội là tài sản hữu dụng nhất của mỗi người!” – anh nói.
Thời sinh viên đem lại cho Hải chục bài nữa, trong đó Lời ru đêm hè anh viết tặng mẹ được nhạc sĩ Nguyễn Cường khuyên đem đi thi và đã đoạt giải nhì sáng tác không chuyên toàn quốc 1989. Các bài khác anh không thể nhớ ngay được: Hải không lưu bản nhạc, và thường các bạn anh vẫn phải nhắc lời cho chính... tác giả.
Ca sĩ đầu tiên hát Hà Nội mùa vắng những cơn mưa là Thanh Tâm trên sóng truyền hình Hà Nội, nhưng Cẩm Vân mới là tác nhân quan trọng để “toàn quốc hóa” bài hát này. Bài hát đến tay Cẩm Vân là do chị đến nhận bài muộn, bao nhiêu bài khác đã bị các ca sĩ khác đến trước lấy cả.
Một năm sau, đến lượt Khoảnh khắc được một loạt các ca sĩ trong đó có Ngọc Tân và Thanh Lam chọn hát. Bài này chính là lần đầu tiên Trương Quý Hải thử nghiệm âm giai ngũ cung tại trại sáng tác Hạ Long. Viết xong được các nhạc sĩ Nguyễn Cường, Cát Vận, Tân Huyền giúp phân tích điểm mạnh, yếu và khen giai điệu trẻ, hơi thở hiện đại, chất liệu phương Đông; khuyên Hải nên đi theo hướng này.
“Từ đó mình mới để ý đến dân ca. Giai điệu dân ca được gạn lọc đời này qua đời kia chỉ có thể ngày càng… cao hơn mà thôi! Ca từ hay, chặt chẽ. Chẳng hạn chỉ có duy nhất câu Chuồn chuồn mắc phải nhện vương/Đã chót dan díu thì thương cho cùng - mà kéo cả bài, thế mới tài!”.
Anh thổ lộ đã viết theo lối pop-rock mười mấy năm chưa có kết quả. Tuy nhiên, Mặt nạ, một sáng tác rock theo hơi dân ca Nam bộ cũng làm anh cảm thấy phấn khởi. Bài này nằm trong loạt bài cho phim truyền hình Khát vọng đô thành sắp chiếu. Một số bài rock khác: Đồng dao và Thuyền lá - đã hát trong đêm nhạc vừa rồi, Chiếm đỉnh vinh quang và Trạm điện vùng cao - sáng tác theo “đặt hàng” của Sở Điện lực Hà Giang.
Là người tâm huyết với rock Việt, Trương Quý Hải rút ra kết luận: một bài rock Việt, phải Việt từ các yếu tố tiết tấu, hòa âm, giai điệu - “mà phải được ngấm từ bé! Có được nền tảng ấy đã khó rồi, bây giờ mỗi bài hát lại phải mang một triết lý, đề ra được một phương châm nào đó.
Điều này thật sự khó!”. Hết lời ngợi ca dòng ca khúc cách mạng: “Thời chống Pháp xây xong móng, đến thời chống Mỹ thì các nhạc sĩ xây xong một tòa tháp khủng khiếp, đỉnh cao vòi vọi!”, Hải cho rằng nhạc sĩ thời nay chỉ cần bám chắc vào vốn dân ca và kho tàng nhạc đỏ là có thể viết hay. Cẩm nang của anh là cuốn 400 ca khúc cách mạng: “Nghe một phần, xem kỹ bản nhạc thấy khủng khiếp hơn - chặt chẽ, hay!”
Đọc lại những lời cuối của bài Đối diện, Hải tâm sự: “Trong đời, có lúc anh sẽ oải. Đi tiếp, lại con đường cam go. Đẩy thuyền đi nước đục, dừng tại chỗ nước trong suốt… Biết thế nhưng vẫn phải đi lên. Vì thế khát vọng tìm chốn bình yên của mỗi người bây giờ là cực lớn.”
Chức danh tại nhiệm sở FPT của nhạc sĩ Trương Quý Hải hiện nay là tổng thư ký văn phòng Đảng - đoàn thể. Văn phòng được thành lập năm 2004, một năm sau khi Hải về FPT. Hiếm có thứ bảy, chủ nhật nào anh nghỉ ở nhà vì còn bận đá bóng - một năm ba giải lớn.
Tháng năm rồi, hội diễn Ca khúc cách mạng thời kỳ 1945-75 các cơ sở FPT toàn quốc thành công tốt đẹp. Hải bảo “Công việc mới bận rộn nhưng không phải lo nghĩ nhiều” và không phải họp nhiều như khi anh còn là thường vụ - trưởng ban ở Thành đoàn HN: “Sếp quán triệt, sáng tác nhiều còn tốt hơn làm nhiều. Điều làm nên sự khác biệt của cơ quan mình là sự tôn trọng sở nguyện, năng lực cá nhân. Rất nhiều ý tưởng nhân viên bình thường thành công trong kinh doanh.”
Trước khi tạm biệt để đi theo tiếng gọi của các bạn đồng ngũ đang sốt ruột đợi ở một quán bia trên đường Hoàng Quốc Việt, anh còn kịp hé lộ ý tưởng của đồng đội về việc tổ chức cho Trương Quý Hải một đêm nhạc solo vào cuối năm nay. Và anh cũng bắt tay vào làm từng bài cho album riêng là vừa…
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận