Phóng to |
Những hình ảnh này do một bảo vệ ghi lại bằng điện thoại di động... |
Hừng đông ngày 30-12, người ta cũng có thể gọi nó là Fob Vengence - Báo thù bịp bợm.
5 giờ sáng, tử tội Saddam Hussein được đưa từ doanh trại Cropper, gần phi trường Baghdad, nơi bị giam giữ từ tháng 12-2003, đến doanh trại thuộc quyền kiểm soát của sư đoàn 10 pháo binh Mỹ này. Sau đó, quân cảnh Mỹ thuộc lực lượng đặc nhiệm 134 giao Saddam cho người Iraq.
Ít lâu sau, 20 nhân chứng được phép tham gia cuộc hành hình được chở đến bằng trực thăng Black Hawk. Cách đây ba tuần, chúng tôi đã đến đây. Dưới triều đại Saddam Hussein, Fob Justice là trụ sở của tình báo quân đội Istikhbarat. Đại úy Nick Kron chỉ cho chúng tôi dấu vết trong hầm ngầm của chế độ cũ: những vũng máu khô, những cái móc treo thịt heo, và một chiếc máy nghiền khổng lồ gỉ sét! Đại úy Kron nói riêng với tôi: “Saddam Hussein sẽ bị hành hình ở đây”. Lúc đó, tôi không tin.
Chính ở nơi đó, Saddam Hussein được đưa đến. Binh sĩ Mỹ nãy giờ canh chừng không để cho cuộc xử giảo sớm biến thành một cuộc “làm thịt” ông Saddam, nay đã rút hết. Cuối cùng chỉ còn người Iraq với nhau. Không ai dám chường mặt trước ông Saddam Hussein, càng né ống kính caméra. Ali Al Massedy, người quay phim riêng của thủ tướng, được phái đến thu hình.
Phóng to |
“Tổ quốc muôn năm! Nhân dân muôn năm!”. Khi bước lên chiếc thang để được tròng sợi dây thòng lọng vào cổ, mắt ông thoáng kinh hãi. Con người lãnh tụ chợt bừng lên, ông từ chối cái mạng trùm đầu. Quyển kinh Coran không hề rời tay ông kể từ khi bị xét xử. Saddam Hussein khi xưa chẳng đạo giáo gì vào cuối đời lại rất sùng đạo. Ra trước tòa, ông vẫn đọc kinh, thỉnh thoảng lại quay về hướng thánh địa La Mecque mà cúi đầu, do không được phép quì. Ông cố tạo ra hình ảnh một vị thánh tử đạo.
- Ông có hối hận không? - Lãnh đạo Cơ quan an ninh Iraq Al-Rubaie hỏi.
- Không, ta vốn là chiến binh nên chẳng sợ gì cả. Ta đã hi sinh cuộc đời mình cho cuộc thánh chiến và chống xâm lược. Ai chọn con đường này thì chẳng hề biết sợ hãi.
Một người khác chen vào:
- Ông hại chết chúng tôi. Ông tàn sát tất cả chúng tôi!
- Tao cứu chúng mày khỏi bị lừa bịp và khốn khổ. Tao tiêu diệt kẻ thù cho chúng mày, bọn Mỹ và bọn Ba Tư!
- Thượng đế nguyền rủa ông, Saddam! - Một bảo vệ nói.
- Thượng đế nguyền rủa tất cả chúng mày!
Im lặng. Ông tiến đến gần tấm ván. Chửi rủa bọn Ba Tư, gián điệp, và đế quốc Mỹ lần cuối cùng trước khi tiếp tục cầu nguyện. “Lạy đấng Allah! là câu nói cuối cùng của Saddam Hussein.
Giây phút kinh hoàng diễn ra. Chung quanh xác chết tử tội, các nhân chứng lộ vẻ vui mừng. Vụ xử tử này chẳng có gì gọi là hòa giải quốc gia. Người ta có cảm giác đó là sự báo thù của người Shiite. Người Sunni và cả người Kurd đều không được tham gia quyết định thời điểm hành quyết.
Phóng to |
Trước đó một hôm, quân cảnh canh giữ ông đòi lại cái radio đã cho ông mượn. Qua đó, ông biết mình sắp bị hành hình. Thứ sáu, từ Qatar và Jordan, các luật sư của ông thông báo với thế giới cuộc hành hình sắp diễn ra. Họ quả quyết Saddam đã được giao lại cho người Iraq. Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ trả lời qua một thông cáo: “Sai. Ông ta vẫn còn nằm trong tay của chúng tôi”. Người Mỹ quả quyết sẽ giữ ông Saddam cho đến lúc hành hình. Ngay từ đầu, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã kiểm soát vụ xét xử Saddam từ A đến Z, hoàn toàn mâu thuẫn với loan báo chính thức nói rằng chính người Iraq sẽ tự mình thanh toán quá khứ với Saddam.
Trong ngày trước khi diễn ra hành hình, tình hình rất lộn xộn. Green Zone, nơi đặt phần lớn cơ quan Chính phủ Iraq và giam giữ ông Saddam từ tháng
12-2003, các đội tuần tra vũ trang đến tận răng đi lại rầm rập. Tại Bộ Tư pháp, người ta quả quyết cuộc hành hình sẽ không diễn ra trước thời hạn 30 ngày, tức sau 26-1-2007. Nhưng ở văn phòng thủ tướng, người ta lại muốn diễn ra thật nhanh. Maliki giải quyết dứt khoát và ký lệnh hành quyết. “Hôm nay hành quyết. Chẳng việc gì phải đợi nữa”.
Nhưng nhiều câu hỏi lại được đặt ra. Phải làm gì với xác ông Saddam? Chôn ở đâu? Mỗi người một ý, chẳng ai đồng tình. Raghad, con gái của Saddam đang sống lưu vong tại Amman, còn đề nghị chôn tạm thời ở Yemen. Yêu cầu bị từ chối. Cuối cùng người ta quyết định sẽ chôn tại nghĩa trang Aouja, không xa mộ hai con trai Oudai và Qoussai.
Nhưng còn một vấn đề khác. Luật Hồi giáo cấm mọi hành hình trong tuần mừng lễ Aid. Thế mà lễ này với người Sunni bắt đầu vào sáng thứ bảy, còn người Shiite lại là chủ nhật. Ngay với cái chết của kẻ thù chung, các thành viên trong chính phủ cũng chia ra làm hai phe, theo giáo phái! Người Mỹ làm trung gian. Từ Crawford tại Texas, nơi đang nghỉ mát, Tổng thống G.W. Bush thường xuyên theo dõi thông tin. Lệnh từ tòa Bạch Ốc: giới hạn tối đa mọi can thiệp vào nội bộ Iraq. Để hòa giải mọi người, Saddam sẽ được hành hình vào sáng thứ bảy, trước lúc bình minh.
Vào lúc người ta gỡ xác Saddam ra khỏi cây trụ tại Fob Justice, mặt trời màu vàng nhạt đã xuất hiện phía bên kia bờ sông Tigre. Các giáo đường trong khu Sunni Adhamiya bắt đầu cất tiếng cầu kinh. Người ta tìm thấy ở đó những con người còn trung thành với Saddam. Khi tin tức được loan ra, đã có vài quả đạn cối rơi vào Fob Justice. Thật ra cũng bình thường thôi. Từ rất lâu, họ không còn chiến đấu cho Saddam nữa, mà cho chính bản thân mình.
Xác của Saddam được đưa trở về Green Zone bằng trực thăng trong chiếc quan tài màu trắng để chuyển thẳng đến nghĩa trang Aouja, chôn trong vòng 24 giờ theo nghi thức Hồi giáo. Ngày hành hình, Baghdad cũng giống như mọi ngày khác. 70 người chết trong bốn vụ tấn công. Saddam là một trong những người chết sau cùng trong tháng mười hai, tháng đẫm máu nhất trong năm, với 2.000 thường dân và 110 lính Mỹ mất mạng.
Truy tìm kho báu Saddam Saddam Hussein chết mang theo mình bí mật “kho báu trong chiến tranh”. Nó có thể lên đến 30 tỉ USD. Ông ta tích lũy nó khi Iraq bị cô lập với thế giới bên ngoài. Chỉ riêng từ 1993-2001, chương trình “đổi dầu lấy lương thực” của LHQ đã giúp ông cùng quần thần bỏ túi khoảng 12 tỉ USD từ tiền hối lộ của các công ty dầu hỏa nước ngoài. Họ bắt buộc phải “chi” để có được vàng đen của Iraq. Số tiền này được gửi vào các trương mục bí mật ở nước ngoài. Từ khi Saddam Hussein sụp đổ, hàng đoàn quân thám tử được huy động để truy tìm trên khắp thế giới, nhằm ngăn chặn chúng được sử dụng để tài trợ khủng bố. Tại Hoa Kỳ, chính Bộ Tài chính chỉ huy chiến dịch này với sự giúp đỡ của CIA và tình báo Anh MI6. Văn phòng thám tử tư Kroll lừng danh cũng tham gia cùng vô số nhà điều tra khác. Kết quả: hơn 200 trương mục ngân hàng và các công ty bình phong đã bị phát hiện, thu hồi được khoảng chục tỉ USD gửi khắp nơi! Đường dây cất giấu dẫn đến nhiều nước lân bang với Iraq như Jordan, Syria, Yemen, Lebanon. Nhưng còn phải kể đến những nơi khác như Luxembourg và Thụy Sĩ, nơi phần lớn tiền được cất giấu vào thời trước chiến tranh vùng Vịnh lần thứ nhất. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận