Phóng to |
Lý Quang Diệu ấn tượng trước cách mà nhà nước Do Thái đã xây dựng một nền kinh tế phồn vinh trong lúc phải đối mặt với sự tẩy chay hoàn toàn của các nước Ả Rập láng giềng. Israel đã làm được điều đó bằng cách gắn mình với Mỹ và châu Âu. Lý Quang Diệu cho rằng Singapore nên theo đuổi một chiến lược tương tự để “nhảy cóc” qua khỏi các nước khác như ông hoạch định. Chiến lược đó đòi hỏi phải có một sự thay đổi trong sự công nghiệp hóa.
Trước khi tách khỏi Malaysia, những nỗ lực phát triển công nghiệp của hòn đảo Singapore đều dựa trên cơ sở kế hoạch phát triển các ngành sản xuất trong nước thay thế nhập khẩu nhằm phục vụ cho một lượng dân đông hơn của liên bang. Sự độc lập của Singapore làm cho kế hoạch này trở thành vô dụng. Thay vào đó, Lý Quang Diệu đã ứng dụng một chương trình hướng đến xuất khẩu theo kiểu của Nhật, nhắm tới mục tiêu bán được hàng hóa tại các thị trường khổng lồ của những nước công nghiệp.
Tuy nhiên, khác với Nhật Bản và Hàn Quốc, Singapore không thể phát triển những công ty của riêng mình đủ nhanh để xuất khẩu cho phương Tây. Lý Quang Diệu viết: “Nếu chúng tôi chờ đợi các thương nhân của mình học hỏi để trở thành những nhà công nghiệp thì có lẽ đến lúc đó chúng tôi đã chết đói rồi.” Thế nên, câu trả lời là phải tìm người khác tạo ra những công ty và thị trường cho Singapore.
Tư duy này đã dẫn dắt Lý Quang Diệu đến con đường theo đuổi nguồn vốn đầu tư nước ngoài. Ông suy tính những tập đoàn đa quốc gia khổng lồ trên thế giới (multinationals - MNC) có thể là người cung cấp vốn, tạo công ăn việc làm và đào tạo nhân lực đúng theo những gì mà Singapore đang cần. Các MNC này sẽ đem lại những thị trường có sẵn cho hàng hóa sản xuất tại Singapore.
Các nhà máy do những MNC này xây dựng sẽ xuất khẩu hàng hóa sang thị trường nội địa của họ và sang những quốc gia công nghiệp khác. Lý Quang Diệu giải thích: “Chúng tôi lúc đó đón chào những công ty đến từ các nước công nghiệp phát triển cao và có công nghệ tiên tiến. Họ sẽ mang đến cho chúng tôi những công nghệ đời thứ hai hoặc thứ ba nhưng bao nhiêu đó thôi cũng đủ đối với chúng tôi rồi. Họ cũng sẽ đem lại cho chúng tôi những kỹ năng quản lý mà chúng tôi không có.”
Lý Quang Diệu đặc biệt thích săn đón các MNC Mỹ, những công ty mà ông gọi là “niềm hi vọng tốt đẹp nhất” của Singapore. Các MNC Mỹ có thể tạo ra nhiều công ăn việc làm hơn với những khoản đầu tư lớn hơn, cung cấp những công nghệ tốt hơn những nhà đầu tư đến từ các nước khác. Hai tháng đi nghiên cứu, học tập tại trường đại học Harvard vào năm 1968 của Lý Quang Diệu đã thuyết phục ông tin rằng chiến lược này rất hứa hẹn.
Ông đã dành thời gian ở đó để bàn luận về nền kinh tế toàn cầu cùng với các nhà lãnh đạo kinh doanh và các nhà kinh tế học. Lý Quang Diệu phát hiện các công ty Mỹ “đang trên đà mở rộng”. Ông nhận xét: “Họ đang trong giai đoạn phát triển năng động và sẽ hướng ra nước ngoài. Nền kinh tế Mỹ đang lao hết tốc lực về trước. Tôi nhận thấy họ đang tìm cách cắt giảm chi phí và mở rộng kinh doanh, mở rộng thị trường, đem về Mỹ nhiều sản phẩm và ngược lại cũng bán nhiều hàng hóa cho phần còn lại của thế giới. Tôi đột nhiên nhận thấy điều này có thể là câu trả lời cho những vấn đề của mình.”
Trong số những nhân vật mà Lý Quang Diệu đã gặp mặt thảo luận tại Harvard, giáo sư Ray Vernon là người có ảnh hưởng đặc biệt đến ông. Vernon đã khơi gợi cho Lý Quang Diệu nhận biết được sức mạnh của giá lao động rẻ trong nền kinh tế thị trường tự do toàn cầu. Theo Vernon, lương nhân công rẻ có thể được sử dụng để thu hút nguồn vốn đầu tư từ Mỹ, nước sẵn sàng bỏ tiền vào những cơ hội kinh doanh như vậy ở một tốc độ nhanh hơn điều mà Lý Quang Diệu trước đó cho rằng có thể xảy ra.
Vernon “đã xua tan niềm tin trước đây của tôi cho rằng các ngành công nghiệp thay đổi từ từ và hiếm khi chuyển từ một nước phát triển sang một nước kém phát triển hơn,” Lý Quang Diệu viết. “Giao thông đường biển và đường hàng không giá rẻ nhưng đáng tin cậy có thể khiến cho việc chuyển các ngành công nghiệp tới một nước mới trở thành một điều khả thi.” Nói cách khác, Lý Quang Diệu đã chợt hiểu ra những ích lợi kinh tế tiềm ẩn to lớn của xu thế thuê ngoài gia công (offshoring) đối với quốc gia nhỏ bé của ông cũng như đối với nền kinh tế toàn cầu.
Thời đó, cách nghĩ này được coi là cấp tiến. Nhiều nhà kinh tế phát triển và lãnh đạo của các quốc gia hậu thuộc địa xem các MNC, đặc biệt là các MNC của Mỹ, là phường vô lại. Đó là những kẻ gieo rắc điển hình chủ nghĩa thực dân kiểu mới, những kẻ bóc lột tài nguyên và nhân công của các nước nghèo một cách tàn nhẫn. Các nước nghèo cần phải lên án những nền kinh tế đang phát triển cam tâm làm nô lệ suốt đời cho phương Tây như Singapore. Tuy nhiên, Lý Quang Diệu không đồng tình với quan điểm này.
Trong quá trình xây dựng Phép màu của Singapore, ông không bị dẫn dắt bởi ý thức hệ hay những giáo điều sách vở mà đi theo chủ nghĩa thực dụng thuần túy. Ông hoàn toàn sẵn sàng chống lại những điều đã trở thành quy ước thông thường nếu ông tin rằng phương pháp của mình sẽ có hiệu quả.
“Theo bản chất tự nhiên và kinh nghiệm, chúng ta không bị cuốn hút vào vào những vấn đề lý thuyết. Điều mà chúng ta quan tâm là những giải pháp thực tế cho những khó khăn vướng mắc của mình chứ không phải để chứng minh học thuyết của ai đó đúng hay sai,” Lý Quang Diệu nói.
“Tất cả những gì mà chúng tôi có là lực lượng lao động của mình, vị trí địa lý của mình và kỹ năng của mình và nếu (các MNC) có thể biến chúng thành lợi nhuận và đem lại sinh kế cho chúng tôi thì xin chúc họ mọi điều tốt lành.” Về phương diện này, Lý Quang Diệu khác với Park Chung Hee của Hàn Quốc và giới quản lý chịu trách nhiệm xây dựng đất nước của Nhật Bản, những người đặt ưu tiên vào việc xây dựng những tập đoàn kinh doanh đẳng cấp toàn cầu của chính nước họ.
Lý Quang Diệu nhận xét: “Mô hình của Nhật Bản là học theo châu Âu và Mỹ nhưng được sáng tạo lại theo kiểu của Nhật, phù hợp với những gì mà người Nhật nhận thấy trong thực tế ở nước mình. Chúng tôi không có tham vọng như vậy. Chúng tôi sẵn sàng học hỏi từ bất kỳ ai. Chúng tôi chỉ cần đạt được mục đích, không quan tâm đến chuyện đó có phải là sản phẩm sản xuất tại Singapore hay không.”
Theo Lý Quang Diệu, sự kết hợp các tư tưởng và chính sách vốn làm nên Phép màu của Singapore đã trở thành một mô hình phát triển mới. “Trong quá trình kết hợp, chúng tôi đã tạo ra một học thuyết mới,” Lý Quang Diệu nói. “Chúng tôi không tái phát minh ra hệ thống nhưng góp nhặt nhiều tư tưởng từ nhiều nguồn khác nhau rồi ghép các mảnh lại với nhau để tạo ra một thứ hữu ích cho bản thân chúng tôi lẫn thế giới.”
Phần việc khó khăn thực sự tiếp theo là thuyết phục các công ty Mỹ rót vốn vào Singapore. Phần lớn trách nhiệm này được đặt trên vai của một cựu giáo viên tiếng Anh còn trẻ, không có kinh nghiệm nhưng rất kiên trì.
Tăng Chấn Mộc đặt chân xuống sân bay John F. Kennedy ở thành phố New York vào một ngày lạnh giá tháng 1/1968. Ông được EDB cử đi mở văn phòng đại diện nước ngoài đầu tiên tại New York để xúc tiến quảng bá Singapore là một điểm đến của đầu tư. Đó là một nhiệm vụ khó khăn dễ làm nản chí. Tăng Chấn Mộc thú nhận: “Tôi chẳng biết chút gì về cách thức tiến hành việc này. Chẳng ai biết cần phải làm những gì”.
Trong khi chậm chạp lê bước giữa trời tuyết New York, ý nghĩ về khả năng thất bại có thể xảy ra đối với Singapore đã làm cho Tăng Chấn Mộc thấy ớn lạnh, thậm chí còn nhiều hơn cảm giác rét vì nhiệt độ băng giá. Về sau Tăng Chấn Mộc viết: “Viễn cảnh phải tìm một chỗ ở, sống thui thủi một mình và tệ hơn là phải thuyết phục những nhà quản trị kinh doanh Mỹ cứng đầu tin rằng Singapore là nơi tốt nhất để họ đổ tiền vào đầu tư… đã làm cho cơ thể gần như đông cứng của tôi phải rùng mình.”
Là một quan chức chính phủ tiêu biểu của Singapore lúc bấy giờ, Tăng Chấn Mộc không phải là một nhà kinh tế cũng chẳng được học hành, đào tạo gì đặc biệt để giúp cho ông trong nhiệm vụ lần này. Con đường đến EDB của Tăng Chấn Mộc bắt đầu từ một cặp mắt kính râm đặt sai chỗ. Lúc gặp S. Dhanabalan, một nhân viên của EDB, Tăng Chấn Mộc đang làm giám đốc truyền thông cho chi nhánh của Ford Motor tại Singapore.
Dhanabalan đến văn phòng của Ford để họp với nhà quản lý của công ty này và để quên cặp kính râm của mình tại một bàn họp. Tăng Chấn Mộc tìm trả lại cặp kính cho Dhanabalan và Dhanabalan sau đó đã nói với Tăng Chấn Mộc rằng EDB đang cần tuyển một nhân viên truyền thông chịu trách nhiệm làm việc với các nhà đầu tư tiềm năng. Vì thích sự thử thách, Tăng Chấn Mộc đã gia nhập EDB vào năm 1964.
Khi tầm nhìn của Lý Quang Diệu đối với nền kinh tế ngày càng trở nên sáng tỏ hơn thì vai trò của EDB trong việc biến tầm nhìn đó thành hiện thực cũng rõ ràng theo. EDB trở thành trung tâm chỉ huy sự nghiệp công nghiệp hóa của Singapore thông qua đầu tư nước ngoài. Winsemius đề xuất EDB nên mở một văn phòng ở New York để đóng vai trò là đầu mối liên lạc với các nhà đầu tư tiềm năng của Mỹ.
Người Hà Lan cũng đã dẫn dụ các công ty Mỹ theo cách đó. Vì đã có kinh nghiệm từ lúc còn làm ở Ford, Tăng Chấn Mộc được rút sang làm nhiệm vụ này. Tăng Chấn Mộc cho biết: “Không một ai có chút khái niệm, thậm chí mơ hồ nhất, về cách hoạt động và tư duy của một MNC Mỹ là như thế nào.” Ông lập tức đặt may một bộ đồ comple dày và một chiếc áo khoác thể thao bằng len dày ở một tiệm may ưa thích của mình. Đó là những bộ quần áo mùa đông đầu tiên mà ông từng có.
Tới New York, Tăng Chấn Mộc làm việc ở trong một văn phòng chỉ có độc nhất một phòng ở đại lộ Số 5 cùng với một người Cu Ba nhập cư làm thư ký đồng thời là nhân viên dưới quyền duy nhất của ông. Không có bất kỳ một mối quan hệ quen biết nào ở Mỹ, Tăng Chấn Mộc bắt đầu thực hiện những cuộc gọi dễ gây nản lòng tới trụ sở chính của các công ty để tìm kiếm cơ hội hẹn gặp gỡ.
Một số giám đốc điều hành thậm chí còn không biết Singapore ở đâu. Tăng Chấn Mộc phải chỉ cho họ thấy hòn đảo nhỏ như một hạt bụi trên thế giới. Nhưng dần dà, Tăng Chấn Mộc đã thiết lập được một mạng lưới. Hầu như ngày nào ông cũng lên lịch gặp gỡ ăn trưa với các nhà quản lý cấp cao.
Thậm chí nếu họ không có ý định đổ xô đầu tư vào Singapore thì họ cũng sẽ chia sẻ những nhận định của mình về cách thức các tập đoàn Mỹ đang thay đổi ra sao và những cơ hội lựa chọn nào Singapore có thể có được. Tăng Chấn Mộc đã tận dụng điều mà ông gọi là tinh thần “cởi mở dễ tiếp cận” của giới doanh nhân Mỹ.
Lý Quang Diệu là một đồng minh quan trọng trong những nỗ lực của Tăng Chấn Mộc. Bất cứ khi nào Lý Quang Diệu thăm Mỹ, Tăng Chấn Mộc cũng sắp xếp để ông gặp gỡ các nhà quản trị cấp cao của Mỹ, thông thường là trong những buổi ăn trưa. Tăng Chấn Mộc gặp trước những người tham dự để thông tin cho họ biết về Singapore và phán đoán mức độ ưa thích đầu tư của họ.
Winsemius tóm tắt cho Lý Quang Diệu nắm những gì mà các nhà quản trị này muốn nghe. “Họ tìm kiếm sự ổn định về tài chính, kinh tế, chính trị và mối quan hệ lao động vững bền nhằm đảm bảo sẽ không xảy ra một sự gián đoạn nào trong quá trình sản xuất đáp ứng nhu cầu của khách hàng và những chi nhánh của họ trên toàn thế giới,” Lý Quang Diệu viết. Nhà lãnh đạo nhanh trí của Singapore luôn luôn đánh trúng tâm lý của những nhà quản trị cấp cao Mỹ.
Lý Quang Diệu lấy làm kiêu hãnh nói: “Có nhiều người nói rằng tôi đáng được lắng nghe và số người nghe tăng lên.” Đôi khi có hàng trăm doanh nhân đến dự để nghe những bài diễn văn của Lý Quang Diệu. Lý Quang Diệu cũng đích thân chỉ đạo công tác đón tiếp ấn tượng giống như vậy đối với những người đầu tư vào Singapore.
Ông đảm bảo chắc chắn rằng mọi con đường dọc theo lộ trình mà một giám đốc điều hành sắp đến thăm Singapore đi qua, từ sân bay đến các khách sạn chính hay đến văn phòng của người này, đều phải được chăm chút một cách cẩn thận. Tòa nhà chính phủ được gọi là Istana, nơi có văn phòng làm việc của Lý Quang Diệu, cũng là chỗ dùng để ngoại giao, một nơi nghỉ ngơi thoải mái có nhiều cửa nhìn ra những bãi cỏ xanh mướt và một cánh rừng với sân gôn 9 lỗ ngay giữa trung tâm thành phố.
“Chẳng cần một lời giới thiệu nào, các giám đốc điều hành cũng sẽ nhận thấy Singapore có năng lực, kỷ luật và đáng tin cậy,” Lý Quang Diệu nói.Nhiều giám đốc điều hành được Lý Quang Diệu đích thân tiếp đón. Lý Quang Diệu cho biết thông điệp của ông gửi tới họ rất thẳng thắn: “Chúng tôi là một đất nước đặt quyết tâm khiến mọi thứ phải hoạt động hiệu quả. Khi chúng tôi mời anh đến đầu tư, chúng tôi sẽ giúp cho anh đầu tư thành công.”
Nhiều tháng sau khi Tăng Chấn Mộc đến New York, nỗ lực đó bắt đầu được đền đáp. Qua các bữa gặp gỡ ăn trưa thân mật, Tăng Chấn Mộc phát hiện một điều: ngành công nghiệp bán dẫn có thể là mục tiêu tiềm năng của Singapore. Bị sức ép cực độ từ các đối thủ cạnh tranh Nhật Bản có chi phí sản xuất thấp, các nhà chế tạo con chip Mỹ đang tìm cách cắt giảm chi phí của mình. Tăng Chấn Mộc thuê một đại lý ở California thăm các hãng sản xuất con chip và vận động hành lang những hãng này xem xét chọn Singapore là nơi thiết lập những nhà máy sản xuất mới của họ.
Thành công đột phá lớn của Tăng Chấn Mộc đến một cách bất ngờ. Trong một chuyến bay từ Đài Bắc đi Hồng Kông, I.F. Tang tình cờ ngồi cạnh Mark Shepherd, chủ tịch công ty Texas Instruments (TI). Shepherd giải thích mình đến Đài Loan để khảo sát tiềm năng đầu tư xây dựng một nhà máy lắp ráp con chip tại đây. Trổ hết tài diễn thuyết thu hút người nghe của mình, Tang đã thuyết phục Shepherd nên chọn Singapore thay vì Đài Loan.
Vừa đặt chân về Singapore, Tang đã yêu cầu EDB đánh ngay một bức điện tín thông báo cho Tăng Chấn Mộc chuẩn bị đón chờ một cuộc điện thoại từ TI. Điện tín đến, Tăng Chấn Mộc được lệnh phải ngưng tất cả mọi việc để tập trung thỏa mãn bất kỳ điều gì TI yêu cầu nhằm thuyết phục công ty này đầu tư vào Singapore.
Cuộc gọi được nối máy và Tăng Chấn Mộc bay đến thành phố Dallas, nơi đặt trụ sở của TI. Lao ngay vào cuộc họp với Shepherd và những nhà quản trị khác, Tăng Chấn Mộc đã có một buổi hùng biện hay nhất của mình. Ông nhấn mạnh vào kỹ năng tiếng Anh thông thạo, chi phí lao động thấp, các chính sách ưu đãi thuế của Singapore và lập luận rằng diện tích lãnh thổ nhỏ bé của đất nước mình sẽ cho phép chính phủ tổ chức những gì mà TI cần một cách nhanh chóng.
Viễn cảnh thành công hiện lên trong đầu của Shepherd. Các nhà quản trị nói với Tăng Chấn Mộc rằng TI muốn nhà máy của mình tại Singapore phải khai trương hoạt động, vận hành và xuất khẩu trong vòng 50 ngày kể từ khi ra quyết định đầu tư. Liệu Singapore có thể làm cho điều này xảy ra được hay không? Tăng Chấn Mộc sững sờ.
Đó là một cam kết mà Tăng Chấn Mộc không thể đưa ra nhưng ông vẫn hứa với Shepherd: “Chúng tôi sẽ cố gắng hết sức mình.” Sau cuộc họp, Tăng Chấn Mộc đã gửi điện tín cảnh báo các đồng nghiệp trong EDB của mình tại Singapore về thời hạn 50 ngày. “Các anh phải cùng hành động,” Tăng Chấn Mộc cho biết về nội dung ông đã thông báo cho họ.
Shepherd đích thân quyết định đầu tư vào Singapore. Khi ông đến đảo quốc này vào tháng 9/1968, EDB đã sẵn sàng. Shepherd bay đến Singapore từ Đài Bắc và đang trong tâm trạng gắt gỏng, khó chịu. Khu đất mà Đài Loan đề xuất dùng để xây dựng nhà máy của TI lúc đó vẫn chỉ là những cánh đồng lúa. EDB đã có cơ hội chứng minh mình vượt trội hơn người Đài Loan. Shepherd được đưa đến một nhà máy do chính phủ Singapore triển khai xây dựng sẵn, qua đó có thể nhanh chóng chuyển thành nhà máy lắp ráp của TI.
Shepherd bị thuyết phục. TI mở nhà máy của mình tại Singapore vào năm 1969 cùng với hai công ty sản xuất con chip lớn khác là National và Fairchild, biến bán dẫn trở thành mặt hàng xuất khẩu chính của đảo quốc này. Về sau, Tăng Chấn Mộc viết: “Lần đầu tiên, tương lai bắt đầu trông hứa hẹn đối với Singapore kể từ khi nước này tuyên bố độc lập”.
Tinh thần làm bất kỳ điều gì người ta cần, vốn thể hiện qua vụ theo đuổi TI, đã trở thành nét thường thấy trong cuộc chạy đua xúc tiến đầu tư của Singapore. Năm 1969, tập đoàn điện tử khổng lồ Philips của Hà Lan dự định xây dựng một nhà máy sản xuất máy móc và công cụ mà Philips cần trang bị cho các cơ sở sản xuất của mình tại châu Á. Mặc dù Đài Loan đã nằm trong danh sách dự định đầu tư của Philips nhưng EDB cũng muốn giành dự án xây dựng nhà máy đó cho Singapore.
EDB được một nhân viên địa phương của Philips mách nhỏ rằng một vị phó chủ tịch của tập đoàn này, theo kế hoạch, sẽ quá cảnh một đêm tại Singapore trước khi đến Đài Loan. Các nhân viên EDB bắt đầu hành động. Khi vị phó chủ tịch đặt chân xuống sân bay, EDB thuyết phục ông này xem qua Singapore để thấy nơi đây có thể là một địa điểm có tiềm năng đầu tư.
Giới chức EDB đã đưa nhà quản trị cấp cao của Philips đi thăm một trung tâm đào tạo mà EDB đã thành lập nhằm trang bị cho người Singapore tay nghề công nghiệp luyện kim. Vị chủ tịch bị ấn tượng mạnh đến nỗi ông quyết định chuyển hướng đầu tư vào Singapore thay vì vào Đài Loan.
Trong thời gian đó, Tăng Chấn Mộc vẫn cứ ngược xuôi ở Mỹ. Trong quãng thời gian từ năm 1968 đến năm 1970, ông tiếp tục triển khai một chiến dịch qui mô toàn nước Mỹ nhằm thu hút đầu tư của tập đoàn General Electric. Ông đã bay như thoi đan khắp nước Mỹ để viếng thăm các nhà lãnh đạo của những chi nhánh ở xa của tập đoàn này.
Trong 3 năm đó, Tăng Chấn Mộc đã giành được 10 gói đầu tư của General Electric. Vào năm 1972, tập đoàn đa quốc gia General Electric của Mỹ đã trở thành nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất Singapore, sử dụng tới 13.000 nhân công.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận