![]() |
Rõ ràng là Singapore không thể nào tiếp tục dựa vào các ngành kinh doanh thương mại truyền thống được nữa. Đất nước cần phải đi theo con đường giống như Hàn Quốc. Lý Quang Diệu viết: “Tất cả mọi người trong nội các chúng tôi đều biết rằng con đường duy nhất để sống sót là phải công nghiệp hóa”.
Yêu cầu công nghiệp hóa thậm chí còn trở nên cấp bách hơn vì đảng Cộng sản ở Singapore vẫn tiếp tục có ảnh hưởng. Nếu ông không củng cố kinh tế, tạo thêm công ăn việc làm và đem lại cuộc sống no ấm thịnh vượng hơn nhằm thông qua đó nâng cao sự ủng hộ của người dân đối với sự lãnh đạo của PAP thì việc chính phủ của ông phải ra đi là có thể nhìn thấy trước được.
“Nếu trong vòng 10 năm nữa, nếu chúng ta không tiến bộ, thì người dân châu Á sẽ tự hỏi: ‘Tất cả xã hội tự do này có nghĩa là gì? Có phải nó có nghĩa là các chính trị gia được tự do tham ô, cướp bóc còn người dân được tự do chỉ để trở nên đói khát, không được chăm lo đầy đủ và học hành tử tế?”, Lý Quang Diệu phát biểu vào năm 1965.
Lý Quang Diệu gặp thuận lợi lớn là có một đồng minh vững mạnh trong trận chiến này: người bạn cũ thời đại học tên là Ngô Khánh Thụy. Lý Quang Diệu gọi Ngô Khánh Thụy là “một bản ngã khác của tôi”.
Ông nói: “Chúng tôi là hai nhân cách khác nhau nhưng chia sẻ nhiều khía cạnh, nhiều giá trị chung nhất định về những gì mà chúng tôi cho rằng cần phải làm. Nếu không có ông ấy giúp đỡ tôi về mặt kinh tế và tổ chức thì tôi không nghĩ chúng tôi sẽ đạt được tới một nửa sự phát triển” của đất nước Singapore ngày nay".
Những người đã làm việc với Ngô Khánh Thụy nhận thấy khả năng hiểu biết sâu rộng của ông thật là đáng sợ và ông cũng còn nổi tiếng với vai trò là người thầy, người cố vấn dày dạn kinh nghiệm cho nhiều công chức. Ngô Khánh Thụy sinh năm 1918 tại thị trấn Melaka, ngày nay thuộc Malaysia. Khi ông còn là một cậu bé con, gia đình ông đã chuyển đến Singapore sinh sống, nơi ông đã trải qua một phần tuổi thơ của mình tại một đồn điền cao su.
Ngay từ thuở còn nhỏ, Ngô Khánh Thụy đã có một niềm đam mê với phát triển kinh tế. Khi học đại học năm 1939, với tư cách là chủ tịch Câu lạc bộ Kinh tế, ông đã có một bài diễn văn nói về việc tái thiết nước Đức. Giống Lý Quang Diệu, Ngô Khánh Thụy cũng học ở Anh, tốt nghiệp trường Kinh tế London. Cả hai đều là thành viên tích cực trong Diễn đàn của người Mã Lai mà Ngô Khánh Thụy đã góp sức thành lập.
Lý Quang Diệu đã chọn Ngô Khánh Thụy làm bộ trưởng tài chính đầu tiên của mình sau khi PAP giành được chiến thắng trong cuộc tổng tuyển cử năm 1959. Kể từ đó, họ Ngô giữ một loạt các chức vụ cao cấp trong chính phủ suốt 25 năm tiếp theo. Với tính cách ít khoa trương hơn Lý Quang Diệu, Ngô Khánh Thụy là nhà kỹ trị trong cặp đôi Lý - Ngô, là nhà hoạch định chính sách ứng dụng, thực tiễn, chi tiết đằng sau Phép màu của Singapore.
Mặc dù Ngô Khánh Thụy thường đề cập đến quyền lực của doanh nghiệp tự do nhưng ông không tin rằng các động lực thị trường có thể một mình thúc đẩy Singapore phát triển đủ nhanh.
Giống như Sahashi của MITI, Ngô Khánh Thụy cho rằng nhà nước phải can thiệp để đạt được những kết quả đúng. Ông đã từng có lần viết các chính sách tự do kinh doanh thời thuộc địa “đã dẫn Singapore vào ngõ cụt với tốc độ tăng trưởng chậm, tỉ lệ thất nghiệp lớn, nhà ở chất lượng kém và nền giáo dục không thỏa đáng. Chúng ta phải thử một phương pháp tích cực và can thiệp nhiều hơn”.
Chịu ảnh hưởng mạnh của chủ nghĩa xã hội châu Âu, Ngô Khánh Thụy kỳ vọng chính phủ sẽ khởi dựng và sở hữu nhiều công ty quan trọng, đảm bảo cải thiện đời sống của công dân nước mình, đặc biệt là thông qua chương trình cấp nhà ở công cộng. Thật vậy, Ngô Khánh Thụy đã có lần khẳng định “yếu tố duy nhất quan trọng nhất quyết định tốc độ phát triển kinh tế của một quốc gia kém phát triển (less developed country - LDC) là chính phủ.”
Ngô Khánh Thụy chẳng để phí một chút thời gian nào, trực tiếp lao ngay vào công cuộc công nghiệp hóa của Singapore. Năm 1960, ông đã đề nghị Liên Hiệp Quốc (LHQ) cử một một phái đoàn chuyên gia đến Singapore để tư vấn cho chính phủ trong một chương trình phát triển công nghiệp.
Ngô Khánh Thụy đặc biệt quan tâm các cố vấn đến từ những nước nhỏ nhưng phát triển thành công nền kinh tế có tầm ảnh hưởng lớn, chẳng hạn như Bỉ và Hà Lan. LHQ đã đề nghị nhà kinh tế học người Hà Lan Albert Winsemius dẫn đầu nhóm nghiên cứu. Winsemius về sau giữ vai trò cố vấn kinh tế cho Lý Quang Diệu trong suốt hơn 20 năm.
Có Winsemius là điều may mắn cho Lý Quang Diệu. Con người Hà Lan này có nền tảng tư tưởng khác biệt rất nhiều so với nhiều nhà kinh tế học thời đó. Trước khi có bằng tiến sĩ kinh tế, Winsemius là một nhân viên bán pho mát. Điều này đã khiến cho ông có nói một cách châm biếm rằng “bán pho mát khó hơn điều hành một nền kinh tế”. Bí quyết kinh doanh ở vị trí tuyến đầu này cộng với kinh nghiệm của Winsemius về việc tái thiết châu Âu sau chiến tranh đã giúp ông có một cách nhìn thực tế, hướng về thị trường trong phát triển kinh tế.
Quan điểm này đi ngược lại những triết lý truyền thống ủng hộ nhà nước, phản đối thương mại vốn phổ biến trong giới chuyên gia phát triển suốt thời kỳ đó. Kiến thức của Winsemius về bối cảnh kinh doanh quốc tế là thứ vô giá đối với Lý Quang Diệu. Nhà lãnh đạo Singapore đã ca ngợi Winsemius là “một doanh nhân có cái đầu lạnh và thực tế”, người đã “có nhiều đóng góp mà sẽ trở nên vô cùng quan trọng đối với sự phát triển của Singapore”.
Tình cảnh đáng thương của Singapore khiến cả Winsemius lẫn Tang bị sốc. Về sau Tang viết: “Chúng tôi hơi bất ngờ về mức độ nghiêm trọng của các vấn đề khó khăn tại Singapore”. Tang viết: “Tương lai (của Singapore) đúng là đang treo lơ lửng, dao động vì tác động của các làn gió ý thức hệ đối lập nhau. Có một câu chuyện đùa đang được lan truyền rằng một nhà máy dự kiến sẽ thành lập vào thứ hai và tất cả các biểu ngữ đều kêu gào ‘Việc bóc lột công nhân’ cần phải được ngừng lại vào thứ sáu”.
Dù vậy, nhóm tư vấn vẫn bắt đầu soạn thảo kế hoạch chi tiết về phát triển công nghiệp cho Singapore. Winsemius đề nghị chính phủ Singapore thành lập một cơ quan duy nhất để thu hút và hỗ trợ các nhà đầu tư tư nhân. Hà Lan đã từng có kinh nghiệm với một tổ chức tương tự vốn hoạt động rất thành công. Lý Quang Diệu đồng ý và thành lập Ban phát triển kinh tế (Economic Development Board - EDB) vào năm 1961.
EDB sau này trở thành động cơ thúc đẩy của Phép màu tại Singapore, một lực lượng đặc nhiệm sáng tạo và hiệu quả chịu trách nhiệm phối hợp các bộ ngành chính phủ để khiến cho tiến trình đầu tư nước ngoài diễn ra suôn sẻ và trở nên hấp dẫn càng nhiều càng tốt. Để hậu thuẫn cho EDB, Ngô Khánh Thụy phát triển một khu công nghiệp dành cho nhiều nhà máy mới trên một dải đất bị bỏ hoang ở Jurong thuộc phía tây nam đảo quốc Singapore với đầy đủ hạ tầng điện, nước, cảng biển và các đầu mối giao thông.
Tuy nhiên, các công ty không đến gõ cửa. Winsemius đã cảnh báo rằng các nhà đầu tư xem Singapore là nơi chỉ có khả năng sản xuất ra “những loại hàng hóa đầy lỗi chứ không phải là những mặt hàng có chất lượng đẳng cấp”. Các quan chức chính phủ khuyến khích các doanh nghiệp trong nước xây dựng những nhà máy sản xuất dầu ăn, mỹ phẩm, nhang muỗi, dầu gội đầu và thậm chí là viên băng phiến.
EDB đã thành lập hai công ty liên doanh tái chế giấy và sản xuất đồ gốm nhưng cả hai công ty này đều thất bại vì thiếu kinh nghiệm quản lý. Người dân Singapore chế giễu gọi khu công nghiệp Jurong gần như trống trơn là “Công trình toi tiền của Ngô Khánh Thụy”. Chính Lý Quang Diệu cũng thừa nhận rằng chương trình của mình đã có “một sự khởi đầu không như mong đợi”.
Ngô Khánh Thụy cố gắng xoay xở làm tốt hết sức mình trong tình thế khó khăn. Nhiều năm sau, khi được hỏi liệu ông có nghi ngờ gì về thành công của khu công nghiệp Jurong hay không, Ngô Khánh Thụy chỉ trả lời đơn giản: “Khi anh có quá nhiều thứ phải giải quyết thì anh sẽ không bận tâm lo lắng về việc liệu các thứ có thành công hay không”. Ngô Khánh Thụy đã dàn dựng nhiều thủ thuật quan hệ công chúng để tạo ra một ấn tượng rằng Singapore là điểm đến sôi nổi của nguồn vốn đầu tư mới.
Ông tham dự tất cả mọi lễ khai trương các nhà máy, bất chấp cơ sở kinh doanh đó nhỏ đến cỡ nào. Thỉnh thoảng, Ngô Khánh Thụy tạo ra nhiều sự kiện quảng cáo đối với chỉ một dự án đầu tư bằng cách tổ chức nhiều nghi lễ ở nhiều giai đoạn phát triển khác nhau của một nhà máy, hết lễ động thổ, lễ khởi công xây dựng rồi lại đến lễ khai trương sản xuất. Các nhân viên của ông phải đảm bảo rằng giới phóng viên và nhiếp ảnh luôn luôn có mặt.
Lịch làm việc dày đặc những sự kiện như vậy cộng với sự căng thẳng nặng nề đã làm tổn hại sức khỏe của Ngô Khánh Thụy. Whisky là thứ thường thấy trong những dịp lễ này và việc Ngô Khánh Thụy uống nhiều rượu đã dẫn đến hậu quả là đau gan. Vợ ông đã cố thuyết phục ông chuyển sang dùng trà Trung Quốc nhưng Ngô Khánh Thụy không chịu vì sợ đánh mất các nhà đầu tư tiềm năng.
Nhà nước trực tiếp bước vào sự nghiệp công nghiệp hóa. Năm 1962, Ngô Khánh Thụy bắt đầu xây dựng một nhà máy thép ở Jurong, sau này nó trở thành Tập đoàn Sắt thép quốc gia (National Iron & Steel Mills). Chính phủ cũng đầu tư vào ngành đóng tàu và một công ty vận tải biển, thành lập một hãng hàng không và một ngân hàng phát triển quốc doanh. Tuy vậy, viễn cảnh kinh tế của Singapore vẫn không tiến triển đủ sáng sủa để đưa Lý Quang Diệu thoát khỏi tâm trạng chán nản.
Trong một chuyến thăm London năm 1968, Marcus Sieff, một nhà điều hành cấp cao của tập đoàn bán lẻ Marks & Spencers, đã đến thăm Lý Quang Diệu tại khách sạn nơi ông đang nghỉ lại. Sieff đã thấy Lý Quang Diệu trên đài BBC và Sieff đến cùng với một lời chào mời hợp tác kinh doanh. Sieff nhận thấy người Hoa khéo tay của Singapore rất thích hợp với việc làm ra những loại mồi nhử và lưỡi câu có giá trị cao dùng để câu cá hồi. Mars & Spencer sẵn sàng tiếp thị cho những mặt hàng này.
Lý Quang Diệu viết: “Có lẽ là trông tôi trên ti vi quá đau khổ tuyệt vọng nên ông ấy (Sieff) mới bỏ thời gian để tìm gặp tôi. Tôi cảm ơn ông ấy nhưng không có thương vụ nào xuất phát từ cuộc gặp này”.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận