08/02/2007 06:27 GMT+7

Những dấu hiệu mới từ "hai không"

NGỌC HÀ - MINH GIẢNG - VIỆT HÙNG
NGỌC HÀ - MINH GIẢNG - VIỆT HÙNG

TT - Tỉ lệ học sinh giỏi giảm; số học sinh trung bình và yếu tăng lên trong học kỳ 1 trên toàn quốc.

38PiGPuB.jpgPhóng to
Nhiều trường đã xem năm học 2006 - 2007 là năm được giảm bớt áp lực thi cử, áp lực điểm số và thành tích. Từ đó, giáo viên có nhiều điều kiện thực hiện đổi mới phương pháp giáo dục. Trong ảnh: Trường tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm, Q.1, TP.HCM đã tổ chức cho HS học môn lịch sử ngay tại Bảo tàng Hồ Chí Minh. Đây là hoạt động nằm trong chương trình "Đưa HS đến với thiên nhiên" của trường - Ảnh H.Hg.

Những con số trên có quan hệ như thế nào với cuộc vận động “hai không” (nói không với tiêu cực trong thi cử và chống bệnh thành tích) của Bộ Giáo dục - đào tạo (GD-ĐT) đang triển khai?

TP.HCM: học sinh yếu kém tăng nhưng không nhiều

Tại TP.HCM, ông Trần Văn Luật, hiệu trưởng Trường THCS Hiệp Bình (Thủ Đức), cho biết so với học kỳ trước, tỉ lệ HS có kết quả học tập từ mức trung bình trở lên giảm đáng kể đồng nghĩa với việc gia tăng số HS yếu trong trường.

Chẳng hạn, với khối 7, năm trước tỉ lệ HS đạt học lực trung bình là 91,2% thì năm nay giảm còn 89,7%; khối 8 tỉ lệ này là 92,9 và 87,1; khối 9 là 90,8 và 86,7. Tỉ lệ HS có kết quả học tập từ trung bình trở lên toàn trường cũng giảm từ 91% xuống 88,8%.

Ông Luật cho biết thêm ngay từ đầu năm học, trường đã phổ biến cho toàn thể cán bộ giáo viên của trường về cuộc vận động “hai không”, từ đó giáo viên căn cứ vào tình hình thực tế của HS để đăng ký chỉ tiêu cũng như thực hiện nghiêm việc đánh giá thực chất khả năng của HS, không chạy theo thành tích. Giải thích về việc gia tăng HS yếu so với năm học trước, ông Luật cho rằng có nhiều nguyên nhân như trường không tổ chức phụ đạo, dạy thêm; chương trình nặng và quan trọng là công tác thi cử đã được tổ chức nghiêm túc hơn.

Tuy nhiên, bà Hoàng Thị Hồng Hải, trưởng Phòng Giáo dục quận Tân Phú, thẳng thắn cho biết cuộc vận động “hai không” cần phải đi vào thực chất hơn nữa, đi sâu vào nhận thức của giáo viên. Học kỳ vừa qua cũng có những chuyển biến nhất định nhưng tình trạng đối phó vẫn còn, do đó cần phải làm quyết liệt.

Đà Nẵng: rớt hạng nhưng phấn khởi

Kết quả học tập học kỳ 1 của HS Trường THPT Thái Phiên, một trường nội thành Đà Nẵng, khá “sốc”. Chỉ có 22 HS giỏi/3.259 HS ba khối lớp 10, 11, 12, tỉ lệ 0,67%. Tỉ lệ HS khá chỉ 11,5%, giảm 10% và HS trung bình 45,6%, giảm 5% so với học kỳ 1 năm trước, trong lúc đó tỉ lệ HS yếu, kém lại tăng.

Theo phó hiệu trưởng Nguyễn Xuân Hòa, “việc thực hiện cuộc vận động “hai không” ở trường nghiêm túc và thực chất”. Kỳ thi học kỳ 1 vừa qua, nhà trường tổ chức thi như các kỳ thi quốc gia. Mỗi HS ngồi một bàn, hoán đổi giáo viên coi thi và bài thi được rọc phách, xử lý vi phạm qui chế thi nghiêm túc.

Trường THCS Hoàng Diệu có 1.153 HS, kết quả học kỳ 1, tỉ lệ HS giỏi giảm 6,8%, chỉ đạt 14% so năm học trước, HS yếu tăng 6,2%. Hiệu trưởng Lê Văn Quý, người có 32 năm thâm niên nghề giáo, nhận định: ““hai không” như một luồng sinh khí mới thổi vào người thầy và HS, phụ huynh. Tâm lý thầy cô thoải mái, HS không còn ỷ lại và phụ huynh cũng đồng tình với nhà trường”.

Thầy Quý dẫn chứng trước đây có một bộ phận giáo viên giấu việc vi phạm và học yếu của HS, còn nay tỏ rõ thái độ xử lý nghiêm khắc. Việc thực hiện nghiêm túc cuộc vận động, thầy Quý nêu ba điều lợi: HS được thụ hưởng lối giáo dục tích cực; giáo viên tin tưởng, lấy lại niềm tin thiên chức của mình; phụ huynh bày tỏ thái độ ủng hộ bởi con em họ được dạy dỗ tốt hơn.

Hà Nội: bớt HS khá, giỏi

Vấn đề là kết quả học kỳ 1 của các lớp, các trường đều giảm so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng nhiều hiệu trưởng khẳng định “không đáng lo” vì kỳ 2 điểm hệ số nhân đôi vẫn có thể khắc phục để đạt kế hoạch năm học đã đề ra! Nghĩa là quĩ thời gian của kỳ 2 còn khá dài để thử thách tiếp quyết tâm “hai không” của các nhà trường.

Ông Nguyễn Thanh Sơn, hiệu trưởng Trường THPT Trần Nhân Tông (quận Hai Bà Trưng), cho hay tỉ lệ HS đạt loại giỏi của trường đã giảm đi một nửa so với năm ngoái!

Học kỳ 1 năm học 2005-2006, trường có 146 em đạt loại giỏi (chiếm 6,3%), 133 em (5,77%) xếp loại học lực yếu, 2 em (0,1%) xếp loại kém. Con số tương ứng của học kỳ 1 năm học 2006-2007 là 72 em xếp loại giỏi (chiếm 3,4%), 196 HS xếp loại yếu (9%) và 13 HS xếp loại học lực kém (0,6%). Sự biến động này tập trung chủ yếu ở khối 11, 12. Các năm trước, hai khối này không hề có HS kém, nhưng học kỳ vừa qua, khối 11 có 9 em, khối 12 có 4 em xếp loại học lực kém. Số HS học lực yếu của khối 12 năm học trước là 5% (31 em) thì nay tăng lên hơn hai lần, đạt 11,7% (80 em).

Theo ông Sơn, sự biến động mạnh như vậy là do trước đây nhiều em có kết quả xấp xỉ khá, giỏi cũng được các thầy cô động viên “nâng lên”, “làm tròn”. Rồi các bài kiểm tra nếu điểm cả lớp tương đối thấp, các thầy cô thường cho ôn và kiểm tra lại để HS có được điểm số đẹp hơn... Đặc biệt, hiện tượng xin điểm, sửa điểm cũng không còn “đương nhiên” như trước. “Hiện tượng xin, sửa không dám chắc là triệt tiêu, nhưng đã hết lộ liễu. Thấy rất rõ là trước đây tổng kết điểm học kỳ - nếu xin, sửa - có khi dùng dằng cả tháng, nhưng nay chỉ vài ngày là xong!” - ông Sơn nói.

Thực tế cuộc vận động “hai không” của ngành giáo dục đã tạo nên bước chuyển thấy rõ ở nhiều nhà trường. Bà Trần Thanh Yên, hiệu trưởng Trường THCS Thành Công (Đống Đa, Hà Nội), cho biết trước đây nếu thấy những biểu hiện “xin, sửa” thì cũng chỉ góp ý rồi cho qua. Nhưng năm học này, ban giám hiệu in hẳn qui chế nhà trường gửi đến từng giáo viên, từng phụ huynh, việc xử phạt cũng dễ dàng hơn vì có văn bản rõ ràng.

Học kỳ 1, số HS đạt loại giỏi của trường giảm từ 40% xuống còn 36%, tỉ lệ HS yếu kém lại tăng từ 3% lên 4,5%. Lần đầu tiên, sáu giáo viên làm việc riêng trong khi coi thi giữa kỳ chịu kỷ luật. Trường THCS Thành Công cũng thực hiện ra đề chung, chấm chéo giữa các lớp cho các kỳ thi khảo sát, giữa kỳ và cuối kỳ, văn phòng lưu điểm trước khi gửi bài thi về các lớp. Cách làm này đã giúp ban giám hiệu phát hiện ngay ra được một trường hợp cô giáo sửa điểm lại cho HS lớp mình.

Tại TP.HCM, theo báo cáo của Sở GD-ĐT, sau một học kỳ thực hiện đại trà chương trình THPT phân ban lớp 10, kết quả học lực của HS giảm so với cùng thời điểm năm học trước (trong khi các lớp 11,12 và các bậc học khác tương đương hoặc tăng hơn chút ít). Số HS đạt học lực giỏi chỉ còn 3,4% (năm 2005-2006 là 7,18%); loại khá 26,44% (năm rồi 29,6%). Ở các trường hầu hết đều giảm HS giỏi. Trường Trung Phú năm rồi 4,02% nay còn 2,23%; Trưng Vương từ 23,18% nay còn 4,37%...

Theo các trường, nguyên nhân chính của tình trạng này là do qui chế đánh giá xếp loại mới. Theo qui chế này, HS được xếp loại giỏi nếu điểm trung bình các môn học từ 8,0 trở lên, không có môn nào dưới 6,5 và phải có một trong hai môn toán hoặc ngữ văn từ 8 trở lên. Tương tự HS xếp loại khá nếu điểm trung bình các môn học từ 6,5 trở lên, không có môn nào dưới 5 và một trong hai môn toán hoặc văn từ 6,5 trở lên... Trong khi đó, năm học 2005-2006 trở về trước, HS đạt giỏi chỉ cần hai trong ba điều kiện sau: trung bình các môn trên 8 và không có môn dưới 6,5 điểm.

NGỌC HÀ - MINH GIẢNG - VIỆT HÙNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên