![]() |
Một số tham luận đi sâu vào những vấn đề học thuật tương đối thú vị như “Đi tìm cổ mẫu trong văn học Việt Nam” của Nguyễn Thị Thanh Xuân, ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn Tp. Hồ Chí Minh, hoặc đưa ra những góc nhìn mới mẻ như “Tục hóa: quay về để tiến tới” của Trần Ngọc Vương, Khoa Văn học, ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn thuộc ĐH Quốc gia Hà Nội.
Nhiều tham luận khác mạnh dạn đặt ra những vấn đề mới so với giới học thuật Việt Nam như “Thi pháp hậu hiện đại và những ảnh hưởng của nó trong một số truyện ngắn viết về đề tài lịch sử của Nguyễn Huy Thiệp” của Cao Kim Lan, Viện Văn học, hay “Từ Nguyễn Huy Thiệp, Phạm Thị Hoài nghĩ về chủ nghĩa hậu hiện đại trong văn học Việt Nam thời đổi mới” của La Khắc Hòa, Khoa Ngữ văn, Đại học Sư phạm Hà Nội.
Một điều đáng ghi nhận là sự có mặt những nhà nghiên cứu rất trẻ, như Nguyễn Tuấn Cường, Thạc sĩ ở Khoa Văn học, ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn thuộc ĐH Quốc gia Hà Nội, với bài tham luận “Tiếp nhận Kinh thi ở Việt Nam thời Trung đại nhìn từ khía cạnh dịch thuật Hán-Nôm”. Bài tham luận giàu tính học thuật này đã dấy lên một cuộc tranh luận sôi nổi kéo dài 1 tiếng đồng hồ. Đó là hình ảnh tiêu biểu cho “tre già măng mọc”, điều đáng mừng cho văn chương và học thuật Việt Nam, như lời một nhà nghiên cứu lớp trước nói trong Hội thảo.
Qua hội thảo tầm cỡ quốc tế này, có thể thấy rõ giới học thuật Việt Nam chưa thống nhất được những khái niệm cơ bản thuộc lĩnh vực nghiên cứu văn hóa nên hiện tượng "không hiểu nhau" bộc lộ rất rõ. Một nghiên cứu sinh trẻ của Đại học Berkleley đã phải đề nghị cần phân biệt rõ giữa “poststructuralism” (chủ nghĩa hậu cấu trúc), “postmodernism” (chủ nghĩa hậu hiện đại) và “postmodernity” (tính hậu hiện đại), trong khi ông Trần Trọng Đăng Đàn, thuộc Viện Khoa học Xã hội vùng Nam Bộ, đề nghị cần phải định nghĩa rõ thế nào là hậu hiện đại để tránh sự rối rắm!
Từ một góc độ khác, nhà văn Nguyên Ngọc cho rằng không thể xét văn học Việt Nam thế kỷ 20 một cách toàn diện nếu không bao gồm hai mảng văn học mà lâu nay chúng ta vẫn không tính tới một cách thích đáng, đó là văn học đô thị miền Nam trước năm 1975 và văn học của các tác giả đương đại người Việt ở nước ngoài.
Trong lời phát biểu tổng kết, Phó giáo sư Tiến sĩ Trần Đức Cường, Phó Chủ tịch Viện Khoa học Xã hội nhấn mạnh: đổi mới không chỉ là sự thay đổi phương pháp sáng tạo, mà còn là sự thay đổi cách diễn giải các tác phẩm văn chương, và ông kêu gọi các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, nhà phê bình… - mà ông gọi là “cộng đồng diễn giải các tác phẩm văn chương” - phải tự thay đổi mình. Ông đánh giá cao các nhà nghiên cứu nước ngoài mà như ông mô tả là nhiều khi “có những quan điểm khác”, tuy nhiên cuối cùng “vẫn tìm được sự đồng thuận với chúng ta về nhiều vấn đề"! Tuy nhiên, ông Cường cũng nhận xét rằng Hội thảo lần này hãy còn thiếu những tham luận chuyên về lý luận văn học, vốn là một mảng còn yếu trong văn học Việt Nam.
Tiến sĩ Peter Kelley, Giám đốc điều hành Viện Harvard-Yenching, đồng chủ trì Hội thảo, nhấn mạnh rằng thành công lớn nhất của Hội thảo là đã có những cuộc đối thoại thực sự (real discussions), trên tinh thần khoa học, cởi mở và thẳng thắn, về nhiều vấn đề như có hay không có những yếu tố của chủ nghĩa hậu hiện đại trong văn học Việt Nam đương đại, sự giao thoa văn hóa giữa các nền văn hóa trong khu vực Đông Á (Trung Quốc, Nhật Bản, Triều Tiên và Việt Nam) từ thời trung đại, các cổ mẫu trong văn chương Việt Nam v.v.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận