![]() |
Minh họa: Nguyễn Thanh |
Bố là người trí thức học nhiều, biết rộng khiến người ta kính nể. Còn ở mẹ là dáng vẻ khắc khổ của một nông dân quanh năm tất bật lam lũ với nước da sạm đen, vóc người bé nhỏ, chỉ mặc những bộ quần áo lao động cũ kỹ.
Một điều kỳ quặc nữa là bố sống ở thành phố, còn ba mẹ con tôi sống ở miền núi Tây Bắc. Mỗi năm, tôi chỉ được gặp bố đôi ba lần. Hầu như suốt tuổi thơ, tôi bị hàng xóm trêu chọc vì điều này. Họ bảo "Bố mày đi theo cô gái khác ở thành phố rồi", "Bố mày có vợ hai rồi, có em bé rồi thì mẹ con mày ra rìa". Tôi yếu ớt chống cự lại bằng giọng mếu máo nhưng rồi vẫn bị thua cuộc bởi những lời đùa ác miệng của người lớn. Những lúc ấy mẹ thường hay ôm tôi vào lòng, vuốt ve đám tóc mai ướt mồ hôi của tôi, bao dung, hiền từ bảo:
- Con cứ mặc kệ các bác ấy nói gì thì nói. Các bác ấy đùa con cho vui thôi.
Tôi quạu lại, nước mắt vẫn ngắn dài sụt sịt:
- Vui gì mà vui chứ.
Vì gia đình khó khăn, anh trai tôi phải giúp mẹ trồng rau, gánh nước, làm việc nhà. Còn tôi bé hơn, lẽo đẽo chạy theo sau đàn bò trên các triền đồi, chỉ trông chừng để chúng khỏi đi lạc hay ăn cây lúa, cây rau nhà người khác. Chưa một lần mẹ đánh chúng tôi dù có lúc chúng tôi nghịch những trò quỷ sứ trên trời dưới đất. Những lúc ấy mẹ chỉ dạy bảo rằng như thế là không đúng. Có lúc mẹ bất lực, thở dài bảo: “Chỉ có mình mẹ chăm lo cho các con, các con không nên người, lúc bố về, mẹ biết ăn nói thế nào với bố”. Đó là câu nói chúng tôi sợ nhất trên đời. Mỗi lần mẹ nói thế, chúng tôi thường lỉnh đi chỗ khác với đôi mắt đỏ hoe.
Bố thường về mà không theo lịch trình nào cả. Mỗi lần biết trước bố về, tôi lại nhấp nhổm không yên, đi ra đi vào. Cứ thấy chiếc xe khách nào chuẩn bị đến là tôi lại chạy ra cổng ngóng. Chỉ cần thấy bố là tôi reo lên đầy vui sướng: “A, bố về”. Mẹ hấp tấp chạy từ trong bếp ra, khuôn mặt mẹ rạng rỡ nụ cười không giấu nổi trong ánh mắt. Bố bảo chỉ cần về đến nhà, được cả nhà ra đón là bố quên hết tất cả mệt mỏi và mọi chuyện trên đời. Những lúc ấy, tôi muốn vênh mặt lên, hãnh diện tự hào về bố mình lắm. Tôi thấy bố hơn tất cả những ông bố khác ở nông trường nghèo, chỉ vài chục nóc nhà nơi tôi đang sống.
Bố như một người thành phố từ đầu xuống chân. Tôi thường hay sà vào lòng bố nghe bố kể chuyện xa nhà, nhưng bố chỉ toàn nói về mẹ. Bố bảo ngày xưa mẹ đẹp lắm nhưng vì vất vả nên nắng mưa nhọc nhằn đã nhuộm làn da trắng của mẹ thành sạm đen với những vết tàn nhang như thế. Bố bảo mẹ phải nai lưng nuôi cả ba bố con tôi ăn học vất vả lắm. Không có họ hàng ở bên giúp đỡ nên các con phải biết nghe lời mẹ. Tôi mơ hồ hình dung không nổi nước da trắng và đôi mắt long lanh, mái tóc óng mượt của mẹ ngày xưa. Tôi hỏi mẹ, mẹ chỉ cười, có phần thẹn thùng như cô gái tuổi mới lớn.
Những ngày bố về, bố mẹ thường thức rất khuya để nói chuyện với nhau. Mẹ kể cho bố nghe chuyện ở nhà, chuyện của anh em tôi, chuyện ruộng vườn. Bố tranh thủ mấy ngày ở nhà sửa lại mái nhà, chái bếp hay ghép những cây đào cho giống quả mới và ra vườn với mẹ. Tôi cũng theo ra rồi thắc mắc sao bố biết làm những việc ấy. Bố chỉ cười bảo: “Bố là nông dân thì việc gì của nông dân bố chẳng biết làm”. Nhìn bố, tôi chẳng tin lời nói ấy lắm. Bố đâu giống nông dân.
Lớn hơn, những lời trêu chọc của hàng xóm không còn làm tôi tổn thương nữa mà tôi đã hiểu. Suốt từ năm tôi ba tuổi, bố đi học xa, mong cuộc sống tốt đẹp hơn và chưa bao giờ bố hết yêu thương mẹ con tôi. Học xong, bố ở lại thành phố làm việc và thường về nhà hơn vì không còn bị quá bó hẹp bởi thời gian và tiền bạc. Bố ngày càng béo trắng ra và ngày càng có vẻ "người thành phố". Hàng xóm tôi vẫn đùa giỡn kiểu ngày xưa, châm chọc tôi rằng bố có vợ bé ở thành phố và rằng ở thành phố xa hoa, đẹp đẽ lắm, đầy những thứ mà những đứa trẻ miền núi như tôi mơ ước cũng chẳng được nhìn thấy bao giờ. Tôi cũng xiêu lòng và mong được về thành phố một lần.
Đến kỳ nghỉ hè, bố đón tôi về thành phố chơi với bố. Tôi hào hứng đi. Bố ở giữa lòng thành phố xa hoa tráng lệ thật nhưng căn phòng bố ở là gian nhà kho thừa của công ty cho mượn, bé cỏn con như bao diêm, chỉ toàn giáo trình học cao học với sách vở xếp trên chiếc phản gỗ ọp ẹp, trải chiếc chiếu rách và vài bộ quần áo đơn giản. Buổi sáng, bố mượn chiếc xe đạp chở tôi đi ăn phở - món lần đầu tiên tôi được ăn. Mấy bác bảo vệ phì phèo điếu thuốc lào đùa như mỉa mai:
- Có con gái đến mới thấy bố nó đi ăn phở một lần. Ngày nào cũng thấy ăn bánh mì khô, uống nước đun sôi.
Đến trưa, bố dắt tôi đi ăn ngoài quán cơm bụi. Những tiếng ve inh ỏi lẫn sau tán lá đến đinh tai nhức óc. Ở miền núi, tôi chưa nghe tiếng ve sầu bao giờ, tôi chỉ biết đến tiếng ve ở những bài thơ trong sách giáo khoa. Tôi thắc mắc:
- Nghe tiếng ve làm phiền thế này làm sao bố tập trung làm việc được?
Bố đáp:
- Những con ve ấy không làm phiền mình mà mình làm phiền nó trong suy nghĩ đấy con. Việc của nó trên đời là kêu, dù có mình hay không, nó chỉ biết tập trung làm việc của nó. Khi con làm việc của con, con cũng phải tập trung làm việc của mình, đừng quan tâm đến những gì xung quanh, những lời gièm pha của người khác. Nếu mẹ cứ nghe những lời hàng xóm nói, bố mẹ đâu thể giữ lòng tin mà yêu thương nhau chung thủy mãi. Bố cũng đâu thể đi học được. Sau này, con hãy nhớ giữ vững lòng tin, đừng để ý đến những lời quanh mình. Hãy chỉ coi đó như tiếng ve kêu thôi.
Rồi bố dẫn tôi lại gần những gốc cây, kiệu tôi lên cổ để tôi nhìn cho rõ những vỏ con ve lột xác còn để lại. Bố bảo:
- Con hãy nhìn những con ve sầu lột xác và học theo chúng. Sau này nếu như gặp khó khăn, con hãy cố gắng sống, vượt qua chính mình, bỏ lại những gì bảo thủ không còn phù hợp, hướng đến cuộc sống mới như những con ve sầu lột xác. Con hãy sống vươn lên.
Bố mất năm tôi tròn 20 tuổi, tôi ốm lay ốm lắt tuyệt vọng với căn bệnh tủy sống chỉ chờ cái chết. Mẹ đưa tôi rong ruổi khắp các bệnh viện khi tôi cứ héo mòn dần như cô gái trong truyện ngắn Chiếc lá cuối cùng của O’ Henry.
Một buổi trưa đầu mùa hạ, nắng lấp lánh len vào tận trong phòng bệnh viện ở Hà Nội, gần với nơi bố từng sống ngày xưa. Tiếng ve đầu mùa inh ỏi dội vào óc, đánh thức tôi dậy giữa mê man cơn sốt. Tôi ngơ ngác:
- Tiếng gì vậy mẹ?
- Tiếng ve đấy con. Mùa hè về rồi - mẹ thở dài, như đếm thời gian nặng nề trôi qua kể từ ngày cha mất, tôi bệnh.
Tôi bỗng nhổm người dậy, nằng nặc đòi ra sân khi nghe nhắc về những con ve. Mẹ đẩy tôi trên chiếc xe lăn ra bên ngoài. Yếu ớt, tôi không ngước lên nổi tìm những con ve lột xác hay thấy những con ve còn sót ở trên cây. Nước mắt tôi ứa ra, cảm xúc nghẹn lại ở tim đau nhói. Tiếng ve len vào kẽ lá, dìu dịu ru vào miền ký ức xa xăm, những ngày bình yên còn có bố. Và tôi nhớ đến những điều bố nói năm xưa mà thấy giận chính mình, đã bỏ mặc số phận mà không chịu cố gắng vượt qua. Tôi nghe như tiếng bố vọng về trong tiềm thức:
“Dù cuộc đời có ra sao, có khắc nghiệt với mình như thế nào, mình vẫn phải vươn lên, cố gắng vượt qua mà sống. Thị phi cuộc đời cũng chỉ như là những tiếng ve kêu”.
Khoảnh khắc ấy tôi thấy mình đổi thay, vươn mình khỏi cái xác của chính mình, bỏ những ủ dột phía sau như những con ve sầu lột xác. Tôi sẽ sống một cuộc đời khác, dù cuộc đời ấy có nghiệt ngã đến đâu.
Áo Trắng số 9 ra ngày 15/05/2013 hiện đã có mặt tại các sạp báo. Mời bạn đọc đón mua để thưởng thức được toàn bộ nội dung của ấn phẩm này. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận