Không ít loài chim đang tồn tại trên danh nghĩa trong một vùng "mập mờ" của lĩnh vực bảo tồn: chúng biến mất trong một thời gian dài, nhưng không gì chứng minh rằng chúng đã tuyệt chủng.

Trong niềm hy vọng âm ỉ và sự gấp rút để cứu lấy những cá thể cuối cùng, cuộc tìm kiếm những loài chim "bị mất" bắt đầu.

Đặt chân đến Papua New Guinea vào đầu tháng 9-2022, nhóm tám nhà khoa học và nhà bảo tồn đã băng núi băng sông, chịu đựng bọn muỗi và vắt khát máu, tất cả nhằm tìm kiếm một thứ rất có thể không còn tồn tại. Đó là chim bồ câu gà lôi gáy đen (black-naped pheasant pigeon, danh pháp khoa học Otidiphaps insularis), một loài đã "biến mất đối với khoa học" suốt 140 năm qua.

Cuộc tìm kiếm kéo dài một tháng trời và có thể đã không mang lại kết quả nào nếu không có sự giúp đỡ của các cộng đồng dân tộc bản địa, nhóm nghiên cứu chia sẻ.

Những con chim ẩn mình… chờ sống - Ảnh 1.

Kể từ năm 1882, khi hai mẫu vật đầu tiên và duy nhất của bồ câu gà lôi gáy đen được các nhà điểu học người Anh mô tả, loài chim này - sống trên mặt đất và to bằng một con gà - đã "ẩn dật" đến mức nó được ví như Bigfoot, quái vật huyền thoại ở Bắc Mỹ. Và nó chỉ là một trong nhiều loài chim mà khoa học chưa ghi nhận trong nhiều thập niên, thậm chí hàng thế kỷ.

Bí hiểm hơn cả loài bồ câu trên là cú mèo Siau (Otus siaoensis), được nhìn thấy lần cuối vào năm... 1866, trên đảo nhỏ Siau của Indonesia, phía bắc Sulawesi. Một số nhà quan sát đã cố tìm kiếm nó nhưng không thành công, trong khi diện tích rừng được cho là phạm vi sinh sống của nó ngày càng thu hẹp.

Những con chim ẩn mình… chờ sống - Ảnh 2.

Việc tìm lại được bồ câu gáy đen trong năm 2022 được ví như “tìm được kỳ lân”

Còn có loài bồ câu ăn quả Negros (Ptilinopus arcanus), lần đầu tiên và duy nhất được nhìn thấy là vào năm 1953 ở Philippines. Đấy là một loài chim đẹp, với bộ lông màu xanh lá cây sống động, điểm màu vàng tươi trên cánh và bụng, lại thêm một vòng màu vàng bao quanh mắt. Hay ta nên nói là "đã từng đẹp", vì nó có thể đã tuyệt chủng?

Theo lý thuyết, nếu không còn cá thể nào sót lại, một loài sẽ được phân loại là "tuyệt chủng" trong Sách đỏ của IUCN. Quyết đoán, tuy đau lòng. Nhưng trong một số trường hợp, một loài có thể biến mất chỉ vì các nhà khoa học không biết tìm chúng ở đâu và như thế nào, hoặc không tiếp cận được môi trường sống của chúng, có thể vì xa xôi hiểm trở hoặc chính sách hạn chế đi lại.

Những con chim ẩn mình… chờ sống - Ảnh 3.

Bồ cây gáy đen sinh trưởng ở đảo Fergusson (Papua New Guinea)

Vấn đề là đây: Khi để trống câu hỏi rất cơ bản này (còn tồn tại hay đã tuyệt chủng?), công tác bảo tồn sẽ bị cản trở. Và vì thế, việc tìm kiếm các loài chim "bị mất" là rất cần thiết.

Trong trường hợp của chim bồ câu gà lôi gáy đen, sự hiện diện liên tục của nó trong các cánh rừng nhiệt đới miền núi trên đảo Fergusson của Papua New Guinea đã được các thợ săn địa phương và người bản địa xác nhận, theo một khảo sát năm 2019. Chính hiểu biết của họ đã giúp các nhà nghiên cứu xác định những vị trí tiềm năng cho việc đặt 20 bẫy ảnh trong tháng 9.

Những con chim ẩn mình… chờ sống - Ảnh 4.
Những con chim ẩn mình… chờ sống - Ảnh 5.

Chuyến thám hiểm đảo Fergusson là một phần của sáng kiến "The Search for Lost Birds" (truy tầm lạc điểu), được các tổ chức bảo tồn lớn - BirdLife International, American Bird Conservancy (ABC) và Re:wild - ra mắt vào năm 2021, với sự hỗ trợ về mặt dữ liệu từ Phòng thí nghiệm Điểu học Cornell (Mỹ) và nền tảng eBird.

Cái tên nói lên tất cả, sáng kiến này nhằm "tái phát hiện" hơn 150 loài chim chưa bị tuyên bố "tuyệt chủng", nhưng cũng chưa được nhìn thấy trong khoảng từ 10 đến 156 năm.

Những con chim ẩn mình… chờ sống - Ảnh 6.

Chim Dusky Tetraka được nhìn thấy lần cuối năm 1999

Những người vận hành nó mong muốn khai thác sức mạnh tập thể của cộng đồng xem chim (birdwatching) toàn cầu, để cùng giải quyết những thách thức bảo tồn kể trên. Bất cứ ai cũng có thể góp sức, từ chính sân sau nhà họ.

"Bằng cách báo cáo trực tiếp hình ảnh và thông tin qua eBird, những người xem chim và các nhà khoa học công dân từ mọi nơi trên thế giới có thể giúp chúng tôi tìm kiếm và học hỏi thêm về những loài bị mất tích này" - John C. Mittermeier, giám đốc chương trình tiếp cận các loài bị đe dọa tại ABC nói.

Theo trang tin của Birdlife, nền tảng eBird, bao gồm website và ứng dụng điện thoại, hiện có hơn 700.000 người dùng, hơn 1 tỉ báo cáo về những lần nhìn thấy các loài chim từ khắp nơi trên Trái đất.

"Tôi thực sự khuyến khích mọi người - nếu điều này khơi dậy hứng thú ở bạn - hãy quan sát (chim) và xem bạn có thể làm gì. Việc đó vui vẻ, thú vị và có vô vàn cơ hội để bước ra ngoài, tìm một loài và cứu lấy nó" - Barney Long, đại diện Re:wild, chia sẻ trong một bài báo của National Audubon Society (một tổ chức lâu đời về chim của Mỹ).

Những con chim ẩn mình… chờ sống - Ảnh 7.

Nhiều loài chim trên thế giới đang gặp nguy hiểm, trong đó khoảng 49% số loài có nguy cơ “biến mất” rất cao - Ảnh: Canva

Tin vui đã đến vào tháng 8. Danh sách "10 lạc điểu được chờ mong nhất" của "The Search for Lost Birds" được đánh dấu tick đầu tiên. Lang thang nơi núi non của Colombia, nhà xem chim giàu kinh nghiệm, Yurgen Vega, đã nhìn thấy một tia sáng óng ánh màu xanh lam và xanh lục: một con chim ruồi Santa Marta (Campylopterus phainopeplus).

Chưa cần đăng lên eBird, Vega đã có thể nhận dạng loài chim quý, nhờ bộ lông màu xanh lá cây, cổ màu xanh óng ánh và chiếc mỏ cong màu đen. Đây chỉ là lần thứ ba trong lịch sử khoa học loài chim ruồi cực kỳ nguy cấp này được ghi nhận, lần đầu năm 1946 và lần hai năm 2010. (Bồ câu ăn quả Negros và cú mèo Siau cũng có tên trong danh sách nhưng đến nay chưa ai ghi nhận).

Còn cuộc tìm kiếm loài bồ câu gà lôi gáy đen bí ẩn thì sao? Cuối tháng 9, trên một sườn núi dốc đứng, rậm rạp cây rừng của Kilkerran, ngọn núi cao nhất trên đảo Fergusson, vị trí do một thợ săn tên là Augustin Gregory thuộc làng Duda Ununa "chỉ điểm", chỉ vài giờ trước phải rời khỏi đảo, nhóm nghiên cứu đã nhìn thấy điều mình vẫn chờ mong: bẫy ảnh ghi lại cảnh một con bồ câu đang đi trên mặt đất, lộ rõ cái đuôi rộng rất đặc trưng của nó.

Những con chim ẩn mình… chờ sống - Ảnh 8.

Chim ruồi Santa Marta

Mittermeier nói với Audubon: "Tìm thấy một thứ đã mất tích lâu như vậy, thứ mà bạn nghĩ là gần như đã tuyệt chủng và rồi phát hiện ra rằng nó không hề tuyệt chủng, giống như việc tìm thấy một con kỳ lân hoặc một con Bigfoot vậy".

Loài bồ câu quý này có lẽ "mất tích" với khoa học, nhưng vẫn tồn tại trong cuộc sống của người bản địa, với cái tên "Auwo". Phát hiện chấn động này thể hiện vai trò vô giá của các cộng đồng bản địa trong nỗ lực bảo vệ và bảo tồn các loài, bên cạnh sự hỗ trợ của "The Search for Lost Birds".

Khám phá của nhóm còn cho thấy quần thể của chúng rất nhỏ, hiếm và đang giảm. Cánh rừng hiểm trở nơi họ tái phát hiện loài bồ câu rất có thể là thành trì cuối cùng của chúng trên Fegusson.

Nhóm nghiên cứu cho biết họ sẽ hợp tác với các cộng đồng địa phương để sử dụng hình ảnh và thước phim thu được để giúp bảo tồn bồ câu gà lôi gáy đen, nhất là khi Fergusson đang phải đối mặt với áp lực từ các công ty khai thác gỗ.


Những con chim ẩn mình… chờ sống - Ảnh 9.
LÊ MY
NGỌC THÀNH
21-12-2022
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên