09/02/2017 10:32 GMT+7

Những chuyến đi biển của hải đội tàu “há mồm”

MY LĂNG
MY LĂNG

TTO - Lữ đoàn 125 có một hải đội tàu được coi là độc đáo: tàu đổ bộ hạng trung và cỡ lớn chuyên làm nhiệm vụ chở xe tăng và quân đánh bộ khi tác chiến ở biển, đảo.

Hải quân đánh bộ di chuyển từ trong hầm chiến xa vào đảo thực hiện theo phương án diễn tập - Ảnh: M.LĂNG
Hải quân đánh bộ di chuyển từ trong hầm chiến xa vào đảo thực hiện theo phương án diễn tập - Ảnh: M.LĂNG

Ở Việt Nam, chỉ duy nhất Hải đội 3 của lữ đoàn 125 (Vùng 2 Hải quân) mới có biên đội tàu đặc biệt này.

Những con tàu từ hạm đội Bắc Hải

Tàu có hình dạng dài hơn hẳn tất cả những tàu quân sự khác. Trên tàu có pháo, tên lửa phòng không và giàn hỏa tiễn, có nhiệm vụ phóng bom dọn bãi đổ bộ từ khoảng cách 10km.

Trong bụng tàu là khoang hầm chiến xa, rất rộng và cao như một hội trường thu nhỏ, có thể chứa xe tăng, các phương tiện chiến đấu khác và còn chở cả lính hải quân đánh bộ cơ động khi biển, đảo có tình huống.

Xe tăng, lính hải quân đánh bộ và xuồng đổ bộ dành cho bộ binh sẽ di chuyển ra khỏi tàu bằng hai cánh cửa lớn ở đầu mũi. Bộ đội thường gọi vui là “tàu há mồm” bởi thiết kế đặc biệt: cửa đổ bộ ở phần đầu mũi tàu có thể mở tách ra, hạ “lưỡi” xuống mặt nước để xe tăng bơi vào đảo và lính hải quân đánh bộ cơ động vào đánh chiếm mục tiêu.

Tùy theo từng phương án tác chiến, tàu có thể ủi thẳng vào bãi, vào đảo nhận xe tăng, nhận quân hoặc neo ở giữa sông, ngoài biển để xe tăng bơi ra vào hầm chiến xa.

Đại úy Tạ Văn Bắc, 31 tuổi, phó thuyền trưởng tàu đổ bộ 511, cho biết tàu còn có thể nhận và trả các phương tiện chiến đấu tự bơi ở các vùng nước sâu. Được biết, 511 là tàu đổ bộ hạng trung hệ K771.

Trước khi về lữ đoàn 125, tàu 511 từng được biên chế hơn 10 năm trong hạm đội Bắc Hải (Hải quân Liên Xô) với số hiệu: 071. Năm 1979, Liên Xô viện trợ tàu đổ bộ 071 cho Việt Nam. Tháng 6-1979, tàu 071 đã vượt qua gần 5.000 hải lý về Việt Nam và được biên chế vào đội hình tàu vận tải quân sự lữ đoàn 125 với số hiệu mới: 511.

Mỗi năm tàu đổ bộ tham gia diễn tập hai lần bắn đạn thật. Trong các năm gần đây, tàu 511 liên tục đạt thành tích là đơn vị huấn luyện giỏi của Quân chủng hải quân.

Đại úy Tạ Văn Bắc hào hứng kể về ấn tượng trong lần diễn tập đầu tiên: “Khi diễn tập tàu đổ bộ đi giữa. Xung quanh là một lực lượng các tàu khác bảo vệ. Cảm giác tàu mình là trung tâm, rất quan trọng. Tàu quét mìn đi trước dọn các chướng ngại vật như thủy lôi, bom chìm mà địch thả.

Còn các tàu săn ngầm, tàu tên lửa, tàu pháo... đi xung quanh bảo vệ mình. Tàu săn ngầm sẽ đánh trả tàu ngầm địch dưới biển. Tàu tên lửa, tàu pháo bảo vệ trên vùng trời, đánh tránh các đòn tập kích bằng đường không”.

Đại úy Bắc cho hay năm 2016 lần đầu tiên tàu 511 thực hiện nhiệm vụ rất dài ngày, đi từ Nam ra Bắc phối hợp với các đơn vị diễn tập. “Đó là chuyến đi lâu nhất trong 10 năm nay, vượt qua hơn 2.500 hải lý, tránh hai cơn bão ở Hải Phòng” - anh Bắc nói.

*** Error ***
Những con tàu của lữ đoàn 125

 

Thuyền trưởng 55 tuổi

Ngoài tàu đổ bộ hạng trung hệ K771 của Liên Xô, lữ đoàn 125 còn có những chiếc tàu đổ bộ cỡ lớn của Mỹ, dài lừng lững như dãy núi. Tàu dài dến 101m, rộng 15,5m.

Theo tìm hiểu của phóng viên, tàu có thể chở được cả một trung đoàn xe tăng trong hầm chiến xa! Trên tàu còn có sân bay trực thăng. Một năm, tàu huấn luyện với không quân hai lần thực hành đổ bộ trên mặt boong.

Thượng tá Ngô Mạnh Hùng, 55 tuổi, thuyền trưởng tàu 501 (là một trong hai tàu đổ bộ cỡ lớn hiện nay là 501 và 503), là thuyền trưởng “già” nhất ở lữ đoàn 125 và có lẽ là cả Quân chủng hải quân. Anh làm thuyền trưởng từ năm 1996, đến nay đã 21 năm.

Anh cũng là một trong những thuyền trưởng có nhiều huân chương chiến công nhất của lữ đoàn 125 và cả Quân chủng hải quân.

Từng dọc ngang các đảo ở Trường Sa từ năm 1987, tham gia chiến dịch CQ-88 giành lại đảo Đá Lớn, đối mặt với những cơn bão biển và những cơn dông kinh hoàng nhất, thượng tá Ngô Mạnh Hùng đã quá thấu hiểu những vất vả, hiểm nguy của người lính hải quân. Vậy mà anh vẫn hướng con trai đi theo con đường của mình.

Thiếu úy Ngô Minh Hiếu (con trai anh), 23 tuổi, hiện đang công tác ở tàu Trường Sa 1. Khi con say sóng trong chuyến đi biển đầu tiên, anh nói: “Gian khổ mới nên người, mạnh mẽ, bản lĩnh hơn. Con cứ đi nhiều sẽ hết sợ sóng”.

Con tàu mà con trai anh đang công tác cũng là một kỷ niệm lớn trong những năm tháng bôn ba trên biển của anh. Bảy năm trước, thượng tá Ngô Mạnh Hùng từng đi cùng Trường Sa 1 trên cương vị thuyền trưởng huấn luyện cho anh em tàu này.

Chuyến đi dài 18 ngày. Hàng loạt sự cố xảy ra. Khi chiếc môtơ neo bị cháy cũng là lúc thuyền trưởng Ngô Mạnh Hùng nghe tin mẹ mất.

“Tôi là con trai duy nhất. Mẹ vừa mổ xong, lại bị tim. Vì con trai của thuyền trưởng tàu Trường Sa 01 vừa mất nên tôi đi thay. Lúc nhận tin mẹ mất tôi bàng hoàng lắm nhưng phải vững vàng để xử lý công việc, hoàn thành nhiệm vụ, không để mất neo, trả xong hàng cho đảo rồi về chịu tang mẹ sau” - thượng tá Ngô Mạnh Hùng nói.

Rèn luyện để không say sóng

Đặc thù của tàu đổ bộ là mớm nước phải thấp để đưa quân đổ bộ vào bờ. Độ mớm nước của tàu 511 chỉ 2,2m nên khi có sóng gió, tàu rất lắc, dễ say sóng.

“Anh em vẫn đùa tàu mình là tàu “thử sóng”, thử coi anh em chịu sóng tới cỡ nào. Sóng cấp 3, cấp 4 ở tàu này thì đã bằng độ lắc của tàu kéo ở cấp 7, cấp 8. Những đợt sóng lớn nhất, ngồi trên buồng lái thấy tàu lắc nghiêng 30-40 độ!

Có người vì say sóng nên vài ngày không ăn uống được nhưng vẫn quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ. Nếu say mà nằm là nằm liệt luôn nên phải cố gắng dậy. Mình đã rèn qua bảy năm nên sóng cấp 5, cấp 6 vẫn không say.

Anh em vào sau cũng cố gắng rèn luyện. Có người vừa lái vừa để xô ở bên cạnh khi bị say sóng, vẫn quyết tâm chịu đựng hết ca mới xuống nghỉ” - đại úy Phạm Văn Đạt, phó thuyền trưởng tàu 511, nói.

MY LĂNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên