Tối 25-7 diễn ra hai trận chung kết nội dung đồng đội của giải, bên ngoài nhà thi đấu Nguyễn Du trời mưa rất nặng hạt. Bên trong sàn đấu, tình cảnh càng ngán ngẩm hơn khi cả hai trận chung kết đều sạch bóng các tay vợt VN.
Mấy chục năm xem Cây vợt vàng
Trong số các VĐV của Nhật Bản và Hàn Quốc, hai đội tuyển vào chung kết các nội dung đồng đội, không tay vợt nào có thứ hạng cao trên bảng xếp hạng thế giới. Nhưng điều đó vẫn không thể ngăn những người yêu mến bóng bàn đến với giải đấu. Hơn 500 CĐV bất chấp mưa gió vẫn lặn lội đến sân, nhiều người trong số họ còn đi xem đầy đủ tất cả các buổi thi đấu trước đó.
Tất nhiên, phần đông họ là các cụ già đã về hưu, có thời gian rảnh rỗi. Điển hình như bác Dương Đình Phượng (80 tuổi), người có lẽ là CĐV trung thành nhất của Cây vợt vàng từ ngày giải ra đời. Suốt 29 năm qua, bác Phượng xem Cây vợt vàng không sót một giải nào, kèm theo đó là rất nhiều giải bóng bàn lớn nhỏ khác ở VN.
Bác Phượng kể: “Hồi VN tổ chức SEA Games 22 (năm 2003), môn bóng bàn tổ chức tại Hải Dương, làm tôi phải lặn lội ra đó đặt phòng khách sạn ở suốt một tuần liền. Biết làm sao được, tôi mê bóng bàn quá, mà ở VN lâu lâu mới có được một giải quy tụ nhiều tay vợt nước ngoài như thế này”.
Ở tuổi 80, bác Phượng vẫn duy trì sự “đeo bám” bền bỉ đáng kinh ngạc đối với niềm đam mê của mình. Cứ đều đặn mỗi ngày, ông cụ lại ra CLB bóng bàn ở Cung văn hóa Lao động TP.HCM dượt bóng đủ một giờ. Đến giải Cây vợt vàng, ông lại tự chạy xe một mình đến xem.
Theo dõi Cây vợt vàng mấy ngày trời, chúng tôi bắt gặp một cụ ông rất quen thuộc khác, dáng người nhỏ thó, ngồi xem trên khán đài với vẻ lưu luyến, đó là ông Trần Cảnh Đến (76 tuổi) - tay vợt lừng danh một thời của bóng bàn VN những thập niên 1960 và 1970. Từng thi đấu ngang dọc các giải tầm cỡ châu Á và thế giới, ông Đến cũng không bỏ sót các giải bóng bàn trong nước khi tuổi về già. “Giờ tôi già yếu rồi, mỗi tuần chỉ ra dượt bóng ba buổi cho khỏe người chứ không đủ sức cầm vợt thi đấu nữa. Đi xem các giải này lại giúp tôi ôn lại những kỷ niệm xưa”.
Những CĐV không ngồi trên khán đài
Đội mưa đội gió đến sân là một chuyện khó, nhiều người lại sẵn sàng “rước cực” vào thân để phục vụ niềm đam mê chung của tập thể. Suốt bốn ngày thi đấu Cây vợt vàng, giải không bao giờ thiếu các tay máy chụp ảnh khi luôn có ít nhất hai phó nhòm - anh Tạ Hồng Quảng và anh Tất Thắng, những người tuy rất mê bóng bàn nhưng lại hiếm khi chấp nhận ngồi xem trên khán đài.
Không phải phóng viên cũng chẳng phải nhiếp ảnh gia, nhưng ở bất kỳ giải bóng bàn nào góp mặt, anh Quảng và anh Thắng đều cầm máy ảnh xuống sân và hăng hái tác nghiệp chẳng thua kém bất kỳ phóng viên nào. “Đồ chơi” của hai anh cũng không hề tầm thường, nào ống kính tiêu cự 300, ống kính góc rộng... đủ cả. Hỏi hai anh chụp ảnh để làm gì đều nhận được câu trả lời “chụp cho vui thôi”.
Sinh hoạt trên diễn đàn bongban.org và sẵn có niềm đam mê chụp ảnh, anh Thắng kiêm luôn vai trò “bấm máy” cho các tay vợt bạn bè, người quen mỗi khi diễn đàn tổ chức các giải đấu phong trào. Nghề “phóng viên ảnh nghiệp dư” của anh Thắng bắt đầu từ đó khi không ít thành viên trong diễn đàn bongban.org vốn cũng là trọng tài, nhân viên của các liên đoàn bóng bàn. Từ khắp các giải đấu lớn nhỏ, phong trào đến chuyên nghiệp, cấp thành phố đến cấp quốc gia, hễ cứ diễn ra ở TP.HCM hoặc những vùng miền lân cận là anh Thắng lại lặn lội vác máy, làm thẻ ra sân “tác nghiệp”.
Anh Tất Thắng (giữa) chụp ảnh ở giải Cây vợt vàng |
Ông Ngô Việt Thăng, một cựu trọng tài của Liên đoàn Bóng bàn VN, cho biết: “Số lượng các giải bóng bàn mà anh Thắng và anh Quảng tham gia chụp ảnh có khi còn nhiều hơn cả phóng viên thể thao chuyên nghiệp. Các anh chỉ chụp hình đưa lên diễn đàn, gửi cho người quen nhưng một số tờ báo thi thoảng còn xin sử dụng hình của hai anh”. Như ở Giải vô địch diễn đàn bóng bàn VN hồi cuối năm ngoái có sự tham dự của tay vợt hài hước người Mỹ Adam Bobrow được gọi là “Mr Bean” bóng bàn, khi về nước “Mr Bean” bóng bàn còn liên lạc với anh Thắng để xin hình.
Suốt mấy chục năm vừa theo dõi vừa chụp ảnh Cây vợt vàng cùng nhiều giải bóng bàn quốc tế khác tổ chức tại VN, anh Quảng chia sẻ niềm vui lớn nhất của anh là sưu tập đầy đủ hình ảnh của Đoàn Kiến Quốc, Vũ Mạnh Cường... cho đến cả những tay vợt hàng đầu thế giới từng đặt chân sang VN thi đấu.
“Kể cũng hơi buồn, bóng bàn VN giờ sa sút quá khi phải phụ thuộc vào một tay vợt đã 32 tuổi như Trần Tuấn Quỳnh. Nhưng tôi vẫn nguyên vẹn niềm hứng khởi mỗi khi được ra sân bấm máy, chụp ảnh các tay vợt bóng bàn chuyên nghiệp” - anh Quảng nói.
“Thấy có bán vé mà mừng”
Nhiều năm gần đây, giải Cây vợt vàng phát không vé cho CĐV nhưng năm nay giải bắt đầu bán vé trở lại với mức giá 20.000 đồng/buổi. Xem trọn một ngày tốn 60.000 đồng, nhưng điều này không hề làm nản lòng những người đam mê bóng bàn.
Ông Đặng Hồng Sơn, một CĐV 65 tuổi, nói: “Ngày xưa Cây vợt vàng quy tụ toàn những tay vợt trong tốp 10 thế giới, xem đã mắt lắm. Giải bây giờ xuống chất lượng rồi. CĐV chúng tôi cũng biết đó là do khó khăn về kinh phí, tài trợ nên khi thấy giải có bán vé trở lại, chúng tôi cũng thấy mừng cho giải vì có thể góp thêm một phần cho kinh phí tổ chức. Giá vé có đắt hơn tôi cũng sẵn sàng mua”.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận