23/01/2009 03:20 GMT+7

Những cây mía lỡ hẹn mùa xuân

       NGUYỄN THU HIỀN
       NGUYỄN THU HIỀN

TTO - Những cơn gió heo may cuối mùa đông như cuộn tròn lại nấp mình trong đám ruộng lúa. Ở đó từng chiếc lá mía xanh dài, sắc lẻm như ngàn vạn ngón tay cứ vươn dài ra đan quện vào nhau, giữ cho cái hanh heo ở lại thật lâu để có vị ngọt đậm sắc của mía.

zgXDDFH8.jpgPhóng to
Mía mùa xuân
TTO - Những cơn gió heo may cuối mùa đông như cuộn tròn lại nấp mình trong đám ruộng lúa. Ở đó từng chiếc lá mía xanh dài, sắc lẻm như ngàn vạn ngón tay cứ vươn dài ra đan quện vào nhau, giữ cho cái hanh heo ở lại thật lâu để có vị ngọt đậm sắc của mía.

Từng ngày đợi mía nhú lên, chúng tôi thấy chúng lớn sao mà chậm chạm thế. Bẵng đi thời gian, bất chợt một ngày thấy bố mẹ bảo vào ruộng tước lá mía. Cảm giác ngỡ ngàng không tin vào mắt mình. Trước đây có thể nhận ra từng gốc mía, từng cái mầm, từng màu tím đậm, nhạt. Thế mà giờ đây mọi dấu vết bị xoá sạch cứ như thể những cây mía đó được lớn sẵn và mang từ đâu về.

Ngày tước lá mía, trẻ con chúng tôi bị cấm, không được đi theo người lớn vào trong, vì lá mía rất rát và ngứa. Chúng tôi có nhiệt tình đến mấy cũng chỉ được lẽo đẽo theo sau xách bình nước vối, sau đó phải về. Nhưng tính tò mò, quen thói nấn ná chờ lúc người lớn mải làm mà lẻn vào. Có đứa đi về, nhưng lát sau chạy ù ra ruộng mía, vào tít trong.

Khi bố mẹ ngẩng lên, chưa kịp trừng mắt quát thì chúng đã vờ vịt hỏi: “Hôm nay nấu cơm mấy bơ bố mẹ nhỉ?” hay “Rau thì luộc hay xào?”. Sau đó len lén đi ra và không quên “nếm” thử mía bằng cách nghiêng đầu cắn vào cây xem đã ngọt chưa. Vừa là nếm vừa là cách để chúng “xí phần” rằng cây mía này lớn lên chúng sẽ ăn.

Phiên chợ tết bao giờ cũng mang đến hân hoan cho lũ trẻ. Những cây mía thẳng, dài và mập mạp được xếp ra chợ bán. Khác với ngày thường, khi bán mía, người bán được chặt giữ lại phần ngọn để vụ sau trồng. Nhưng mía tết được bán cả ngọn, vì thế năm nào mẹ cũng bảo tiếc vì toàn những cây đẹp lại không được giữ ngọn.

Ở quê, bao giờ đi chợ tết người ta cũng mua hai cây mía về dựng hai bên bàn thờ trong suốt mấy ngày tết như một nghi lễ không thể thiếu. Còn ở thành phố tục lệ này ít hơn rất nhiều.

Phút giao thừa năm ấy vừa qua, thật lạ, người ta không chen nhau đi hái lộc (thực chất là bẻ cành) mà thay vào đấy là mua mía. Tôi cảm giác đã gặp lại những con người với khuôn mặt quen quen như ở quê mà biết chắc họ không thể từ nơi xa xôi ấy về đây. Hình như cái vẻ lam lũ của con người trên mọi làng quê nghèo khó lúc nào cũng giống nhau?.

Nhưng khuôn mặt họ hôm nay đang dần giãn ra. 10 nghìn, 20 nghìn một cây mía để mang lộc về nhà là cách đơn giản với người thành phố. Chắc hẳn sáng mồng một họ sẽ thấy mình vô cùng may mắn với số tiền một đêm kiếm được có khi bằng cả vụ.

Sự kiện mua mía đầu năm được truyền hình, báo chí ủng hộ khá rầm rộ vì vừa khơi gợi được phong tục, vừa làm giảm thiểu đáng kể việc bẻ cây hái cành ngày xuân. Tôi nghĩ, tết năm sau, sau nữa… sẽ có nhiều người bán mía hơn.

Thế nhưng, giao thừa năm sau không như tôi dự đoán. Những gánh mía nằm thừa thãi và vô cảm trước ngàn vạn bước du xuân của dòng người. Hoá ra chỉ sau một năm háo hức người ta đã thấy cái khó của việc mua mía đầu năm. Nhất là khi người đông, đường tắc. Đi lại cho chính bản thân còn khó nữa là lại mang theo một cây mía. Chính những khó khăn đó mà mía không còn là lựa chọn để thay thế cho việc hái lộc đầu năm của nhiều người nữa.

Thay vào đó là những khuôn mặt rạng ngời rao bán từng gói muối xinh xắn được đựng trong chiếc túi đỏ có in hình “phúc, lộc, thọ” hay những lời chúc tết đầy ý nghĩa trong quan niệm: “Đầu năm mua muối, cuối năm mua vôi”.

Khi phố phường đã vắng bóng người, bỗng thấy thấp thoáng ở đâu đó những cây mía bị bỏ lại như lỡ hẹn với mùa xuân thành phố.

       NGUYỄN THU HIỀN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên