![]() |
Những bó hoa đặt trước chân dung ông Arafat tại Clamart, Pháp |
Hãng tin Itim News trích các nguồn tin Palestine cao cấp nói ông Arafat đã qua đời đêm thứ ba nhưng phải chờ đến sau cuộc họp của PLO và phong trào Fatah (sau khi phái đoàn quan chức Palestine cao cấp từ Paris trở về Bờ Tây) mới có thông báo chính thức...
An táng tại Ramallah
Câu hỏi đầu tiên, nơi an táng, đã cơ bản được giải quyết. Lễ tang của ông Arafat sẽ được tổ chức tại trụ sở Liên đoàn Ả Rập ở Cairo với sự đồng ý của Ai Cập sau khi ông Arafat được chôn cất trong khuôn viên trụ sở Muqata ở thành phố Ramallah thuộc Bờ Tây (nơi ông bị Israel giam hãm hai năm rưỡi qua).
Việc gắn thêm các đường truyền viễn thông đang được tiến hành tại đây để giúp chuyển đi những hình ảnh hậu sự của ông Arafat ra toàn thế giới. Tayeb Abdul Rahim, trợ lý của ông Arafat, nói khu văn phòng Muqata sẽ trở thành lăng mộ của ông cho đến khi điều kiện cho phép để chôn ông tại Jerusalem. Trong khi đó, tại Israel, Thủ tướng Ariel Sharon đã triệu tập các quan chức an ninh để thảo luận về chính sách Israel đối với tang lễ của ông Arafat. Israel đã thông báo với lãnh đạo các nước rằng Palestine không có đủ lực lượng để bảo đảm an ninh tại Bờ Tây cho lễ tang. Israel đang cân nhắc khả năng tạo điều kiện cho các nhà lãnh đạo nước ngoài đến Ramallah bằng đường bộ hoặc đáp trực thăng từ Jordan hay Ai Cập.
Ai là người kế nghiệp?
Hiện phần lớn quyền lực của ông Arafat đã được chuyển sang Thủ tướng Ahmed Qureia và Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký PLO Mahmoud Abbas. Sau khi ông Arafat qua đời, Chủ tịch Quốc hội Rawhi Fattouh sẽ lên thay thế trong vòng 60 ngày trước khi một cuộc bầu cử sẽ được tổ chức.
Theo Hãng thông tấn IPS, bà Suha, vợ ông Arafat, đã có trong tay bản di chúc chính trị của Arafat, trong đó ông đã bổ nhiệm người đứng đầu Ủy ban chính trị của Tổ chức giải phóng Palestine Farouk Kaddoumi làm người lãnh đạo mới của PLO. Thông tin này vẫn chưa được xác minh nhưng đã làm nhiều người sửng sốt.
Ông Kaddoumi sống tại Paris và vẫn từ chối đến Ramallah để phản đối các thỏa thuận hòa bình Oslo với Israel năm 1993. Việc Arafat bổ nhiệm một người cứng rắn, từng cực lực phản đối mọi thỏa hiệp của PLO với Israel là một yếu tố gây bất ngờ và không thể coi nhẹ.
Các nhà phân tích tình hình Trung Đông ở LHQ và Mỹ cho rằng chỉ riêng những tin đồn về “bản di chúc” nói trên cũng có thể phá hoại tính pháp lý của cả ông Qureia lẫn ông Abbas, những người được tiếng là ôn hòa, ủng hộ tiến trình hòa bình và đang tìm cách thống nhất các phe phái Palestine, kể cả các phong trào Hồi giáo cực đoan như Hamas và Hồi giáo Jihad. Giới quan sát cho rằng việc kế nhiệm Arafat là rất phức tạp vì tính chất kép của ban lãnh đạo Palestine. Một mặt đó là thể chế Chính quyền Palestine (PA) để quản lý ở dải Gaza và Bờ Tây, mặt khác nó lại là PLO được coi là đại diện cho tất cả người Palestine. Có tin nhiều nhà lãnh đạo Palestine hi vọng sẽ đặt quyền lãnh đạo cả PA và PLO vào tay ông Abbas một cách nhanh chóng và êm thuận, song hiến pháp Palestine lại không cho phép như vậy.
Viện Nghiên cứu chính sách có trụ sở tại Washington mới đây đã công bố nghiên cứu của ông Barry Rubin về tính phức tạp của chính trường Palestine thời kỳ hậu Arafat. Chỉ riêng trong nhóm Fatah đã có ít nhất năm phái quan trọng, ba thể chế riêng rẽ, 14 cơ quan an ninh khác nhau. Các lãnh đạo đều bị hạn chế ở khu vực địa lý và tổ chức của mình. Họ có thể mạnh hoặc ở Bờ Tây hoặc ở dải Gaza, nhưng không thể mạnh được ở cả hai khu vực này.
“Gia tài của Arafat”
Về cái gọi là “gia tài” của ông Arafat, cố vấn tài chính Mohammed Rashid, thành viên cao cấp phong trào Fatah, nói ông Arafat chưa bao giờ tiết lộ về tài chính của mình. Ông Rashid nói “Arafat không có tài sản gì cả” và phủ nhận các tin nói ông Arafat là người giàu có.
Phát biểu trên kênh truyền hình Al-Arabiya, ông Rashid nhấn mạnh: “Arafat không có tài sản cá nhân ở bất kỳ nơi nào trên thế giới. Ông ta thậm chí không có lấy một túp lều, ngôi nhà, vườn cây, hay tài khoản nào mà chúng ta có thể gọi là cá nhân dưới tên Yasser Arafat”. Đây là phản ứng trước các lời đồn đãi về “gia tài khổng lồ của Arafat”. Tạp chí Forbes trước đó đã xếp ông Arafat đứng thứ sáu trong danh sách những vị nguyên thủ giàu có nhất năm 2003 với tài sản ước tính trị giá ít nhất là 300 triệu USD.
Các quan chức tình báo Israel thậm chí tung tin gia tài của ông có thể lên đến 700 triệu USD, đã được ông gửi vào nơi an toàn để phòng khả năng phải sống lưu vong sau lời đe dọa của Israel đòi trục xuất ông ra khỏi Palestine.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận