04/12/2008 05:48 GMT+7

Những câu chuyện thời khủng hoảng kinh tế

MỸ LOAN tổng hợp
MỸ LOAN tổng hợp

TT - Suy thoái kinh tế đã hiển hiện bằng những chuyện dễ thấy. Ở Trung Quốc và Nhật đã có những câu chuyện cười ra nước mắt.

e6B4Uxv9.jpgPhóng to
Ba thạc sĩ tương lai chào mời khách hàng mua thịt trong khu chợ ở Quảng Châu - Ảnh: dayoo.cn
TT - Suy thoái kinh tế đã hiển hiện bằng những chuyện dễ thấy. Ở Trung Quốc và Nhật đã có những câu chuyện cười ra nước mắt.

1.500 cử nhân, nghiên cứu sinh thạc sĩ của nhiều trường đại học danh tiếng tại Trung Quốc tranh nhau ứng tuyển vào 30 vị trí bán thịt heo của Tập đoàn thực phẩm Thiên Địa ở Quảng Đông được đài truyền hình CCTV phát ngày 28-11. Sự kiện này đã gây ra nhiều tranh cãi trong dư luận ở Trung Quốc mấy ngày qua.

Thạc sĩ đi bán thịt heo

Ông Trần Sinh, tổng giám đốc Tập đoàn Thiên Địa, vẫn chưa hết ngạc nhiên: “Ban đầu tập đoàn chỉ tuyển 15 nghiên cứu sinh vào vị trí bán thịt trong chuỗi cửa hàng ở Quảng Châu. Tuy nhiên khi kiểm tra hồ sơ xin việc thấy có đến 1.500 cử nhân và nghiên cứu sinh thạc sĩ ứng tuyển nên ban lãnh đạo đã quyết định nâng chỉ tiêu tuyển dụng lên gấp đôi (30 người)”. Phía Thiên Địa cũng khẳng định họ đang muốn nâng tầm thương hiệu nên cần tuyển những người học vấn cao vào vị trí cơ bản nhất là bán thịt heo ở chợ hay siêu thị.

Sự kiện những thạc sĩ tương lai tranh nhau xin chân bán thịt heo với tỉ lệ 43 chọi 1 đã khiến cộng đồng dân cư mạng đặt ra câu hỏi: liệu đây có phải là sự lựa chọn lý tính hay giới trẻ Trung Quốc hiện nay không còn lựa chọn nào trong bước đường lập nghiệp. Thậm chí còn có ý kiến cho rằng đây là một sự biến tướng của việc lãng phí nhân tài.

Giáo sư Dương Diên Phường, trưởng bộ môn quản lý nguồn nhân lực của Trường đại học quốc tế Ký Nam, phân tích đây là hiện tượng bình thường, bởi sự ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính đang chạm đến mọi ngóc ngách của nền kinh tế và xu hướng tìm việc của thanh niên Trung Quốc cũng không nằm ngoài quỹ đạo. Giáo sư Phường cho biết giới trẻ hiện nay rất thực tế, nơi nào tuyển dụng với mức lương 80.000-100.000 nhân dân tệ/năm (11.700-14.647 USD) sẽ thu hút họ dù là việc gì.

Tiểu Trương, nghiên cứu sinh chuyên ngành công nghệ thông tin của Đại học Thanh Hoa, rất tự tin với chọn lựa của mình: “Nhiều bạn trong lớp chúng tôi đã lựa chọn những tập đoàn lớn, chỉ có tôi xin vào bán thịt heo ở Thiên Địa. Tôi tìm việc với tiêu chí trước hết là nuôi sống bản thân, sau đó mới nghĩ đến sự thăng tiến”.

Còn nghiên cứu sinh Tiểu Thạch xác nhận: khủng hoảng kinh tế đang khiến tìm việc ngày càng khó khăn nên anh xin bán thịt ở tập đoàn này để vừa giải quyết nhu cầu kinh tế, vừa có thời gian tính kế hoạch lâu dài. Tiểu Thạch cho biết Tập đoàn Thiên Địa có chế độ đãi ngộ rất cao với mức lương cao nhất là 8.300 NDT/tháng (1.215 USD).

Còn một cử nhân khoa hóa Trường đại học Hoa Nam cho biết trước khi xin vào Tập đoàn Thiên Địa, anh đã nộp đơn đến hàng chục công ty nhưng không nơi nào hồi âm. Ứng viên này cho biết ông chủ Trần Sinh của Tập đoàn Thiên Địa cũng từng tốt nghiệp ngành hóa Trường ĐH Bắc Kinh, lấy bằng cao học của ĐH Thanh Hoa nhưng lại khởi nghiệp từ nghề bán thịt heo nên anh nghĩ bán thịt heo hay bán máy tính cũng không khác nhau.

Thanh niên Nhật khó tìm việc

LZhYoVoN.jpgPhóng to
Giới trẻ Nhật tìm cơ hội tại hội chợ việc làm Tokyo ngày 15-11 - Ảnh: Reuters

Đã qua rồi thời các công ty Nhật đổ xô đến các trường đại học săn tìm sinh viên sắp tốt nghiệp với các chiêu thức đãi ngộ như tặng kỳ nghỉ sang trọng, tặng máy iPod, thậm chí là trợ cấp hằng tháng. Nay các doanh nghiệp đang phải tính đến việc cắt giảm nhân sự nên ngưng tuyển dụng nhân viên mới.

Masaaki Tanaka - giám đốc tuyển dụng của Tập đoàn Keio ở Tokyo, cho biết tập đoàn bán lẻ này cũng đang cắt giảm 30% chỉ tiêu tuyển dụng và chỉ cần thêm 20 sinh viên mới tốt nghiệp cho năm 2010. Tại hội chợ việc làm Tokyo ngày 15-11 vừa qua, khoảng 25.000 bạn trẻ - phần lớn là sinh viên sắp tốt nghiệp, đứng xếp hàng dài nộp đơn xin việc. Hình ảnh đó đã nói lên phần nào tình hình khó khăn hiện nay ở Nhật.

“Năm 2007, sinh viên rất dễ tìm việc, tuy nhiên tình hình đột ngột thay đổi trong năm 2008. Tôi đã phải gõ cửa rất nhiều công ty và lùng sục việc làm trên Internet nhưng vẫn chưa tìm được việc”, Junya Kubota, sinh viên năm 3 một trường đại học ở Tokyo, bộc bạch khi đang ngồi nghe đại diện các tập đoàn trình bày về chính sách tuyển dụng của họ. Cũng giống như Kubota, Toshio Komabayyashi không mấy lạc quan cho biết: “Tôi sẽ gửi thêm đơn xin việc đến nhiều công ty nữa” dù anh đã nộp đơn cho một công ty dệt may tại hội chợ.

Nhật báo Nikkei Business cho biết nhiều doanh nghiệp đang suy tính hủy bỏ lời mời làm việc chính thức đối với sinh viên năm cuối đang làm việc tại công ty của họ, buộc những sinh viên này phải trở lại vạch xuất phát ban đầu. Nguồn tin từ Bộ Lao động và phúc lợi Nhật cho biết đến nay đã có hơn 300 trường hợp như thế. Ông Hiroshige Sugibayashi, cố vấn hướng nghiệp thuộc Trường đại học Meiji ở Tokyo, cho biết hiện tượng này làm sinh viên bị sốc.

Viễn cảnh thất nghiệp cũng đang bắt đầu hình thành đối với giới trẻ Nhật khi các chuyên gia kinh tế dự đoán suy thoái kinh tế ở Nhật còn kéo dài so với dự kiến.

Hong Kong đứng đầu châu Á về cắt lương, giảm việc

Khu hành chính đặc biệt Hong Kong (Trung Quốc) đứng đầu châu Á về cắt giảm lương và việc làm trong bối cảnh khủng hoảng tài chính toàn cầu. Phóng viên TTXVN tại Hong Kong dẫn kết quả cuộc khảo sát 2.200 doanh nghiệp ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương hồi tháng mười vừa qua, cho thấy 16% số doanh nghiệp tại Hong Kong đang và sẽ triển khai kế hoạch giảm lương nhân viên, trong khi tỉ lệ này ở toàn châu Á là 8%.

Có 26% doanh nghiệp Hong Kong đang cắt giảm lực lượng lao động trong khi tỉ lệ này ở châu Á là 24%. Theo kết quả khảo sát, 88% doanh nghiệp Hong Kong đã thực hiện các biện pháp giảm chi phí sản xuất, so với tỉ lệ 75% ở châu Á.

Tiền thưởng cho nhân viên nhân dịp năm mới 2009 cũng chịu tác động của khủng hoảng tài chính. Có 30% doanh nghiệp tại Hong Kong thông báo sẽ giảm tiền thưởng tới 10%. Nhiều doanh nghiệp tuyên bố sẽ không tổ chức tiệc Giáng sinh cho nhân viên, vốn là hoạt động thường niên từ trước đến nay.

MỸ LOAN tổng hợp
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên