15/05/2007 04:12 GMT+7

Những bức tranh "xem" được bằng tay!

VŨ LÂM
VŨ LÂM

TT - Xem triển lãm tranh trên gỗ mang tên “Giang” của nữ họa sĩ Lý Trần Quỳnh Giang (*) người ta khó mà hiểu tại sao một nữ họa sĩ tuổi đời còn rất trẻ (sinh năm 1978) mà lại đưa ra những hình ảnh trông có vẻ dữ dội và ghê rợn như vậy.

QZN4yZBx.jpgPhóng to
Nữ họa sĩ Lý Trần Quỳnh Giang

Bài viết như một sự dẫn nhập đưa người xem bước vào một triển lãm được nhận xét là: “Một thế giới nghệ thuật gây bối rối...”.

1. Tháng 6-2004, nữ họa sĩ trẻ Lý Trần Quỳnh Giang đoạt giải nhất cuộc thi “Ánh mắt trẻ” của Pháp (dành cho các nghệ sĩ tạo hình VN dưới 35 tuổi) với một bộ tranh khá lạ từ tiêu đề cho đến cách thể hiện: Tôi, Những cây và Buồn là một bộ ba tấm tranh vừa khắc vừa vẽ bằng mực tàu trên gỗ bản.

Bức chính giữa thể hiện chân dung một phụ nữ trần trụi đương dang rộng hai cánh tay. Cái nhìn chính diện vừa can trường vừa chịu đựng, cô đơn và mệt mỏi, bên dưới chân nhân vật là một đống con mắt.

Lý giải về bức tranh này, Giang nói cô vẽ chúng trong một tâm trạng bị nhiều tổn thất do những người bạn thân của cô lần lượt mất đi. Cô nghĩ đến những ánh mắt vô hình trong một thế giới tối luôn dõi theo chúng ta, khi những người bạn cô đã thuộc về nơi ấy. Và cô vẽ những bức tranh ấy để có thể vừa xem bằng mắt, vừa “xem” bằng tay. Những người mù vẫn có thể sờ và xem được loại tranh này...

Khi ấy, Giang vừa tốt nghiệp được hai năm, lưng vốn là hai triển lãm cá nhân tranh sơn dầu. Ngay từ khi là sinh viên, Giang là người lao động nghệ thuật chăm chỉ và liên tục một cách chuyên nghiệp. Phong cách của cô hình thành tự nhiên, ổn định với mảng chân dung, chủ yếu là chân dung tự họa. Bề ngoài cô là người nền nã, tính tình trầm mặc và điềm đạm hơn rất nhiều so với những người cùng tuổi.

8x5Bxumd.jpgPhóng toTác phẩm Cinema

2.

Có lẽ triển lãm “Giang” là sự tổng kết lối tranh đen trắng vẽ - khắc trên gỗ mà Giang theo đuổi suốt hơn ba năm qua. (Nên gọi thể loại độc đáo của cô là như vậy. Vì với tranh khắc gỗ bình thường, người ta thường khắc lên gỗ, bôi mực rồi in ra giấy. Bản gỗ chỉ là “âm bản”. Còn tranh của Giang chính là bản gỗ, trên đó vừa có nét khắc, vừa có nét vẽ).

Hơn 20 tác phẩm tranh bộ khắc trên khoảng 50 tấm gỗ xẻ nguyên không cắt gọt (có tấm dài đến hơn 2m) đã “dìm” người xem trong những ám tượng màu đen. Hình ảnh những người phụ nữ tóc tai xõa xượi vặn vẹo, những đầu người quấn băng thòi ra từ một hệ thống đường ống như là những con sâu đục khoét trong nhu động ruột, những con cá đầu người, những con chim cú đi tất...

Đọc qua tên tranh, thấy Giang trình bày gần như toàn bộ những ám tượng liên quan đến đời sống tinh thần và thường nhật của cô. Giang nhận rằng cô rất ngại những chỗ “xôn xao”, sợ sự “vong thân” (mất mình) trong một đám đông hỗn loạn, nhạt nhèo và bất ổn: Đám đông, Một bọn, Tiểu đường, Cinema, Cà phê... là những bộ tranh diễn tả cảm giác “dị ứng đám đông” đó.

Một nhánh cảm giác khác của cô có nối kết chặt chẽ từ cơ thể với tự nhiên vô hình, những luồng sinh khí mang sẵn trong mình nó sự sinh ra và mất đi. Nó tọc mạch lẩn lút, len lỏi không phân biệt sự vật sống là cây, là chim, là hoa hay là người. Nó hiện diện, ám ảnh con người ta cả ban ngày lẫn ban đêm, cả ở ngoài sáng và trong tối: Những cành mệt mỏi, Phòng có hoa đăng tiêu, Mẹ bơi trong nước, Hoa sưa, Mùa ngủ, Hai mùa, Giang, Nhảy múa, Con ốm, Ốm...

Xem tranh Giang, người ta thấy sự cô đơn - một “căn bệnh” tối cổ của loài người, được bộc lộ nguyên bản, mà lời giới thiệu gọi là “phác thảo tinh tế một dạng hình cô đơn cực điểm”. Cách vẽ và những đường khắc quyết liệt trên những bản gỗ không cắt cạnh, nhiều kích thước, hình hài phát triển đa hướng theo chiều dọc tùy theo miếng gỗ là hình thức trọn vẹn và bất ngờ cho sự biểu tỏ, giống như một sự “chụp cắt lớp” đời sống tinh thần của họa sĩ.

Có cảm giác như những hình vẽ - khắc của cô nằm sẵn trong thớ gỗ, xẻ ra là thấy. Sự tự bạch trung thực “đến đáy” con người cá nhân. Cái nhìn phơi bày chân dung đám đông như một thực thể vừa soi mói cú vọ, vừa giấu giếm sự què quặt và trống rỗng, tuy ảm đạm nhưng vẫn ẩn một nụ cười hài hước. Đó là những điều mà nghệ thuật của Lý Trần Quỳnh Giang làm được, bất chấp giới tính, tuổi tác và cả sức khỏe của cô...

(*) trưng bày tại L’ Espace 24 Tràng Tiền, Hà Nội từ 2 đến 17-5-2007

VŨ LÂM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên