![]() |
Cùng tìm đến thế giới sắc màu |
"Năm" trong "bốn"
Định kỳ học vào chiều thứ 7, lớp vẽ của thầy Long có hơn 10 học sinh, nửa mù hẳn, nửa mù dở - những em học sinhra chỉ còn 1 đến vài phần thị lực. Thành lập từ năm học 2001 - 2002 do thầy hiệu trưởng Phạm Anh Dũng khởi xướng đến nay, lớp học chưa lúc nào gián đoạn.
Thầy Dũng cho biết: "Bình thường, học sinh khiếm thị vẫn được miễn một số môn học (hội hoạ, thể dục...). Cách dạy đối với trẻ mù từ trước đến nay dựa trên tư duy của người "sáng". Theo tôi, cho dù là trẻ khuyết tật, các em vẫn có quyền được hưởng sự giáo dục đầy đủ. Để có thể cảm nhận hết cái đẹp - xấu, sáng - tối, bằng phẳng - góc cạnh, người bình thường cần cả 5 giác quan. Với chủ trương "Dạy 5 trong 4" - tức là bồi dưỡng cho các em thêm sự thiếu hụt bẩm sinh, chúng tôi đang gắng giúp các em bớt đi mặc cảm thiếu hụt giác quan".
Giáo cụ thầy hiệu trưởng sử dụng để các em mù tiếp cận với hội hoạ chỉ là một tấm lưới mắt dày, ghim bốn cạnh vào một tấm bảng. Đặt giấy trên tấm lưới, dùng bút sáp "vạch", vết hằn trên giấy là những đường nét bao viền sẽ giúp các em hình dung ra các sự vật.
Bắt đầu từ những dạng hình học cơ bản, đơn giản như hình tam giác, hình vuông, "tiến" dần lên "vẽ" quả cam, quả táo. Rồi tạo cho các em nhận biết mặt trái, mặt phải giấy vẽ, cũng phải một thời gian mới đủ để hình thành phản xạ này.
Những "hoạ sĩ" không ánh sáng
Đối với em Dương Thị Xuân (15 tuổi, đang học lớp 5), thị lực còn 5/10, từ lâu đã yêu thích hội hoạ, thì đây là nơi để em được trau dồi kỹ năng chọn, pha màu cũng như phát triển sức tưởng tượng của mình.
Dần dà, đến nay, Xuân được "lưng vốn" gần trăm bức tranh. Em thích vẽ về ngày mùa, về điệu múa "hoa thơm bướm lượn", về cô tiên trong chuyện cổ tích.
Những học sinh còn phần nào thị lực, thì đường nét, màu sắc gọn gàng. Em Lê Hương Giang (9 tuổi) mới nhập môn được 4 tháng mà tập tranh vẽ được cũng đã chồng cao từ đất ngang gần bằng bàn học.
Giang thích vẽ những cảnh sinh hoạt trong gia đình: Mẹ lau nhà, chị nấu cơm, vườn cây, vườn hoa. Đối với những em mù bẩm sinh, việc dạy vẽ là sự kiên trì bền bỉ vô bờ bến của cả thầy và trò bởi các em hầu như không có khái niệm về thế giới hình ảnh.
Em Cao Thị Yến (16 tuổi) đang "vẽ" dở bức tranh "Gà mẹ", bức tranh ngộ nghĩnh và đáng yêu với bà "mẹ" gà cùng bộ cánh đỏ chót. Yến lý giải: "Đôi cánh gà mẹ lớn mới đủ sức che chở cho đàn con nhỏ. Gam đỏ là màu nóng, thể hiện tình yêu thắm thiết của gà mẹ dành cho con mình".
Giải khuyến khích cho bức tranh "Hai bạn đánh cầu lông" vừa được Báo Nhi Đồng trao tặng đầu tháng 11 vừa rồi đã như một nguồn khích lệ, "cho" họa sĩ mù này thêm lòng tự tin.
Thầy Long tâm sự: "Cả thầy và trò đều đang "đào bới", dò đường để tìm ra cách dạy, cách học phù hợp. Lấy một ví dụ nhỏ: Các em vẽ hoa thì cành bao giờ cũng thẳng, các em mù không thể hình dung ra không gian, không thể nhìn thấy được dáng hình cành để đưa nét vẽ mềm mại.
Việc dạy các em mù hẳn vẽ bằng bút rất khó, nhiều em thích xé, dán hơn. Chúng tôi cũng đang suy nghĩ cùng với trường triển khai dạy khắc, in. Có lẽ bắt đầu từ những hình ảnh có đường nét đơn giản, các em dễ tiếp thu hơn".
"Thầy có nghĩ rằng, việc dạy vẽ cho trẻ mù, nhất là đối với trẻ mù bẩm sinh mang ý nghĩa động viên là chính?". Thầy Long thẳng thắn: "Có thể môn vẽ cũng sẽ mang nhiều ý nghĩa tinh thần, giúp các em có thêm một cơ hội sống cùng cộng đồng. Nhưng đó cũng là cách giúp các em nói lên được những ước mơ của mình một cách yêu thương, trìu mến".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận